Con cháu chúng ta sẽ thành cái giống gì trong tương lai?

Trần Lực

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barak Obama như một làn gió cuốn theo những người quan tâm và vẫn còn để lại những dư âm được nhiều người bàn tán. Chắc tôi cũng là một người như thế cho nên cứ vào mạng mà thấy xuất hiện từ khóa „Obama” là lại ngó xem liệu có cái gì mới mình chưa kịp biết?

Hôm nay vào điểm báo thấy ở Vietnamnet.vn có bài viết nhan đề: Obama, giá trị Mỹ và chuyện giá trị giả” của nữ tác giả Kỳ Duyên thế là nhào vô liền. Đúng là đoạn đầu có nói và bình luận khá sâu về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, nhưng tôi lại bị “sốc” ở phần sau của bài viết khi tác giả đề cập đến vấn nạn hàng giả ở Việt Nam hiện nay. Quá “sốc” vì những dẫn chứng do tác giả đưa ra:

  1. Tại hội ghị về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/05, ông Lê Thế Bảo, CT Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN đã thách: “Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở VN ?” (Dân trí 26/05)
  2. Đại tá Hoàng văn Trực (Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công an): “…khi cơ quan công an thông tin đến các lực lượng chức năng khác để triển khai lệnh bắt giữ thì chưa được 5 phút đối tượng đã biết và tẩu tán tài sản... như vậy, trong chính lực lượng phòng chống hàng giả, buôn lậu cũng có đối tượng cấu kết và bảo kê!” (Dân trí 26/05).

Tác giả đã phải chua chát đặt ra câu hỏi: Vậy thì chống ai, ai chống bây giờ chống ai?

Và cay đắng với kết luận trong bài viết của mình: “Xã hội chúng ta lâu nay đã phải chung sống với bằng cấp giả, hàng giả. Nhưng mấy ai hình dung sâu sắc hơn, đáng sợ hơn là đạo đức giả, nhân phẩm giả, lương tâm giả. Một khi những “giá trị giả” đó trở thành bình thường hóa, thì những thang giá trị nào có thể làm… tay vịn cho sự phát triển?” Vâng, tôi xin phép tác giả được ăn theo đưa ra câu thơ: “Hỏi ai, ai hỏi, bây giờ hỏi ai?

... Đang còn trong trạng thái chưa tan “sốc” bỗng nhà có khách, tôi ra mở cửa thì hóa ra là ông bạn già tri kỉ. Chúng tôi cùng là sinh viên với nhau từ ngày máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc (năm 1964 của thế kỉ trước). Vừa mời nhau xong chén nước là tôi sốt sắng chia sẻ ngay với ông câu chuyện “hàng giả”. Chưa nói được hết ý thì ông đã xua tay ngắt lời:

- Thôi thôi ông ơi, tôi cũng đang quá bức xúc vì chuyện tương tự như vậy đây, nhưng mà liên quan ngay đến con cháu nhà mình cơ!

- Thế nghĩa là thế nào ông?

- Ông biết không? Tôi có thằng cháu nội đang học Đại học năm thứ nhất. Sắp kết thúc năm học, lớp nó có chương trình học quân sự. Nhà trường theo kế hoạch, đăng kí cho các cháu học tại Trung tâm giáo dục quốc phòng ở một huyện ngoại thành. Học 4 tuần, kết thúc sẽ có sát hạch để lấy chứng chỉ (bắt buộc phải có trong hồ sơ tốt nghiệp). Sau 4 tuần xa nhà trở về, ông cháu gặp nhau, tôi hỏi ngay là cháu có đạt kết quả tốt không? Thì nó nhăn răng cười bảo tôi: “Có học gì đâu ông, nhưng sát hạch trúng trăm phần trăm ông ạ!”. Tôi gắt lên: “Thế là thế nào?”. Nó ngơ ngác thưa: “Mẹ cháu phải đóng cho cháu 1 triệu tiền ăn, 5 triệu tiền học phí. Học thì chả có tí gì về quân sự cả, ngày nào buổi sáng cũng tập trung trên hội trường rồi thầy giáo sai đi dọn rác, làm vệ sinh chỗ này chỗ kia; thường xuyên thầy đi đâu không biết, bỏ mặc cho chơi đùa trên hội trường hoặc chán thì về phòng túm năm tụm ba. Ở nhà còn có điều hòa, quạt điện, ở đấy nóng bức thầy giới thiệu thầy có dịch vụ cho thuê quạt điện mỗi đêm 10 ngàn ông ạ. Còn nhà vệ sinh thì thường xuyên mất nước bẩn ơi là bẩn, chúng cháu phải ra ngoài nhà dân quanh đó, cũng dịch vụ 10 ngàn một lần, khổ nhất là các bạn nữ, nhiều bạn bị ốm đấy. Hai ngày học cuối trước khi sát hạch, các thầy tập trung các lớp lại, phổ biến các câu hỏi sát hạch cùng với đáp án sẵn và trong ngày sát hạch thì các thầy làm giám thị luôn, cho thoải mái giở “phao” thế là trăm phần trăm ông ạ. Mà ông ơi chúng cháu cũng có quan tâm đến kết quả đâu vì Trung tâm sẽ gửi thẳng về trường sau đây. Thôi cháu chào ông vì cháu đã hẹn bạn rồi…”

Ông bạn tôi than: “Bó tay chấm com rồi ông ạ! Ông còn nhớ chúng mình ngày xưa chứ?

Chúng mình học quân sự như những người lính thực thụ. Cũng lăn lê bò toài, cũng ăc ê đi đều bước, nửa đêm cũng báo động sùng sục, rồi học lau súng, bắn súng. Còn học cả về 10 lời thề của chiến sĩ, về lịch sử chiến tranh và đường lối chiến tranh nhân dân nữa chứ… Kết quả rèn luyện phải nghiêm chỉnh vì khi tốt nghiệp mình sẽ trở thành sĩ quan dự bị cơ mà! Nay dạy dỗ thế này thì khi giặc đến nhà không biết sẽ xoay xở ra sao nhỉ?

Lại nữa, ngày xưa mình học quân sự hàng năm đâu có phải đóng tiền? Ừ mà thôi thì bây giờ cứ cho là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là phải thu tiền, nhưng thu tiền của con nhà người ta thì cũng phải dạy dỗ cho tử tế chứ phải không ông? Khốn khổ là cái thứ “hàng giả” này lại chính là con cháu chúng ta. Người ta không chỉ giả dối trong việc đào tạo mà còn tạo ra tâm lý giả dối cho kẻ được đào tạo nữa. Đấy mới là điều hết sức tệ hại. Ông ơi không hiểu cái Bộ Giáo dục đào tạo và cái Bộ Quốc phòng của ta rồi họ sẽ đào tạo ra cái giống gì cho tương lai của đất nước mình vậy hở ông???”

… Nghe bạn than thở, tôi từ chỗ tròn xoe mắt dần đến há hốc mồm mà không thể chia sẻ thêm được gì với ông nữa.

T.L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn