Tiếng kêu thê thiết của “đàn chim non”

Thiện Tùng

“Chúng con cần được học!”; “Chúng con rất muốn đến trường!”; “Tại sao lại tước quyền đi học của chúng con?”; “Đã 2 năm nay, tại sao chúng con không được đến trường?”... - Người viết cảm nhận, đó là những tiếng kêu thê thiết, những câu hỏi tự đáy lòng của 156 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 ở thôn Đông Yên, tụ tập trước cửa trường Trung học Cơ sở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 4/7/2017.

clip_image002

Các em học sinh hiếu học bị đuổi học, dâng yêu sách trước cổng trường

Ở Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang xa xôi, tôi không có điều kiện trực tiếp chứng kiến cảnh tượng xé ruột, tan lòng nầy. Khi nhìn vào bức ảnh, tôi luôn trăn trở, chua xót, bàng hoàng.

Gọi đây là “cuộc biểu tình của trẻ con” cũng không sai, nhưng gọi “trẻ con hiếu học làm reo trước cổng trường” thì sát hợp hơn với lứa tuổi? Với một đám trẻ, trang phục đậm nét học sinh, trên tay cầm những tờ giấy, chẳng làm gì hơn ngoài xin được đi học. Ấy vậy mà công an phải cải trang rầm rập phong tỏa, khống chế, nộ nạt chúng. Thay vì công an mặc sắc phục nghiêm chỉnh, dùng lời hay lẽ phải, nhỏ nhẹ nói với chúng, gieo vào lòng chúng ít nhiều thiện cảm đối với người Công an Nhân dân có tốt hơn không?

Chúng chỉ là “nạn nhân của nạn nhân”. Theo thông tin mà người viết thu thập được: khi giải tỏa thành lập Khu công nghiệp Vũng Áng, cha mẹ chúng ở thôn Đông Yên “cứng đầu chống lại lịnh hành quân”. Để xử trị số dân “cứng đầu” nầy, thay vì đàn áp, chính quyền sở tại chơi trò tâm lý, lịnh cho Sở Giáo dục Hà Tĩnh đuổi tất số học sinh quê ở thôn Đông Yên ra khỏi trường, cốt để cha mẹ chúng đau lòng vì con, chấp nhận ra đi. Không ngờ, dân Đông Yên vì cuộc sống, phải đau lòng nhìn con thất học, nhưng vẫn kiên quyết không chịu ra đi. Một năm rồi hai năm... “cuộc chiến” giữa người lớn với nhau không phân thắng bại, lũ nhỏ trở thành “nạn nhân của nạn nhân”.

Nhìn vào ảnh, người viết có cảm nhận: đông đảo các cháu học sinh nhí chỉnh tề trước cổng trường, tay cầm mẩu giấy với những dòng chữ ngay ngắn cũng đủ biết đàng sau các cháu có đạo diễn - chắc chắn những đạo diễn ấy không ai khác hơn là cha mẹ chúng. Có lẽ vì vậy, công an không đánh đập bọn trẻ, chỉ đánh những người lớn theo hộ tống, liệt họ vào tội chủ mưu, xúi giục... Cứ cho là vậy đi, nhưng chủ mưu, xúi giục bọn trẻ đưa yêu sách xin được đi học thì có đáng phải bị hành hạ đến thế không?!.

clip_image004

Nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự

Tìm lại thông tin lúc giải tỏa và khởi công xây dựng khu công nghiệp Vũng Áng - khi đó ông Võ Kim Cự làm Bí thư Tỉnh ủy, đại diện Formosa nói: “Nếu không có cách vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, việc giải phóng mặt bằng khó lòng đạt được kết quả như kỳ vọng” (trích bài của Hoàng Đang - Trí Thức Trẻ).

Qua câu nói của đại diện Formosa, chúng ta có thể hình dung: giải phóng mặt bằng cho khu công nghiệp Vũng Áng không hề dễ, cả “mồ hôi và nước mắt” của 2 phía đối lập chính quyền và Dân oan.

Dân bị hại, biểu tình đưa yêu sách về dân sinh, chẳng những chính quyền không quan tâm về nguyện vọng chính đáng đó, còn cho công an, côn đồ... đàn áp khủng bố, bắt bớ. Đáng nói hơn cả, các quan nhà ta còn cố tình chuyển hướng đấu tranh dân sinh sang chính trị, vu cáo đủ điều, nhất là ông Trương Minh Tuấn, vừa là Bộ trưởng 4T, vừa là Phó Ban Tuyên giáo - vô liêm đến thế là cùng! Xin các ông/bà vừa phải thôi nếu muốn còn sự tôn trọng.

Chuyện đúng sai, lợi hại trong việc giải tỏa dân lấy đất, lập khu công nghiệp Vũng Áng thiên hạ nói đã nhiều rồi - chuyện người lớn “có sừng có mõ gõ với nhau”, người viết van xin các quan ông quan bà, các thầy cô giáo hãy nhỏ lòng thương đối với những “cánh chim non”, chúng có tội tình gì đâu, đang bơ vơ lạc lỏng?! Biết đâu, một ngày nào đó, nếu chúng ta chết không kịp nhắm mắt, có chúng vuốt mặt?

Đất nước mình lạ quá phải không Lam (cô giáo Trần thị Lam):

Bất đồng chính kiến giam, trục xuất,

Giữ đất, giữ nhà gọi gian dân

Hiếp lớn không xong, nhầm vào trẻ

Cường hào đến thế khó an dân?.

Chúng ta từng cổ võ học tập, làm theo Cụ Hồ, cớ sao lại quên câu ông ấy nói “...ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cướp đất, đuổi nhà sẽ gây ra đói cơm, rách áo; cấm học hành là theo đường lối ngu dân. Những việc làm ấy chẳng những phạm pháp mà còn bất nhơn thất đức nữa phải không các vị?

6/7/2016

T.T

Tác giả gửi BVN.

Phụ chú:

156 em học sinh Hà Tĩnh biểu tình trước cổng trường đòi quyền được học

Nguyên Nguyễn/SBTN

Vào sáng ngày 04 tháng 7 năm 2016, hơn 150 em học sinh thuộc trường tiểu học, trung học cơ sở Kỳ Lợi và phụ huynh các em học sinh đã tổ chức biểu tình trước cổng trường, nhằm yêu cầu Bộ Giáo Dục giải quyết vấn đề 2 năm học vừa qua các em học sinh đã không được đến trường.

Một nguồn tin tại địa phương cho phóng viên SBTN biết: “Đã 2 năm học vừa qua, 156 em học sinh thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi đã bị Sở Giáo Dục tỉnh Hà Tĩnh tước quyền không cho đến trường học hành. Phụ huynh chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại lên Bộ Giáo Dục nhưng không được giải quyết. Hai năm học vừa qua, chúng tôi đành mở các lớp học tại nhà nhằm truyền thụ kiến thức, cũng bị nhà cầm quyền ngăn cản, sách nhiễu và khủng bố tinh thần. Nay chúng tôi quyết đấu tranh bằng mọi giá để con em chúng tôi được đến trường”.

Các em học sinh đang đứng trước cổng Trường trung học cơ sở Kỳ Lợi, trên tay cầm các banner có biểu ngữ: “Chúng con rất muốn đến trường”, “Đã hai năm nay tại sao chúng con không được đến trường”.... và hô lớn các khẩu hiệu: “Chúng con cần được học” và “Yêu cầu chính quyền trả lại quyền được học cho chúng con”.

Nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 2 xe cảnh sát cơ động, công an, an ninh chìm mặc thường phục đến để kiểm soát tình hình, cũng như trấn áp bà con.

Một nguồn tin khác cho biết: “Lúc mới bắt đầu biểu tình được một lúc, có một người mặc đồ cảnh sát cơ động đã đánh đập một phụ huynh học sinh, nhưng sau đó đã bị người dân ngăn cản nên họ không còn đánh nữa. Hiện tại, lực lượng công quyền đã được huy động đến rất đông nên không biết sẽ có chuyện gì xảy ra nữa không.”

Theo thông tin từ người dân, ngày hôm 4/7, nhà cầm quyền địa phương đang tổ chức họp hội đồng nhân dân, nên 156 em học sinh và phụ huynh các em trên địa bàn thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi đã tổ chức biểu tình, nhằm tạo áp lực yêu cầu Bộ Giáo Dục giải quyết cho các em đến trường.

Vào cuối năm 2012, nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh triển khai cuộc di dân tái định cư đối với người giáo dân xứ Đông Yên lên vùng tái định cư mới, để thực hiện dự án cảng biển Sơn Dương thuộc khu kinh tế Vũng Áng. Tuy nhiên, về vị trí địa lý thì hai thôn Tân Phúc Thanh và Hải Thanh không bị giải phóng mặt bằng.

Thêm vào đó, nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã định mức tài sản của người dân không đúng giá bồi thường theo quy định của pháp luật, và chỗ ở nơi vùng tái định cư mới không đáp ứng những điều kiện sống căn bản về: y tế, giáo dục, công ăn việc làm, sinh hoạt tôn giáo,… Chính vì những lý do trên, hơn 200 nhà dân thôn Đông Yên đã không chịu di dời lên vùng tái định cư.

Trước đó, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để nhằm giải phóng mặt bằng, cưỡng chế 200 nhà dân này lên vùng tái định cư, nhưng bà con nhất định không đi. Chính vì vậy, nhà cầm quyền đã không cho con em họ được đến trường để tạo áp lực buộc phải di dời.

Hệ lụy để lại là hai năm học vừa qua, 156 em học sinh thuộc thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh đã không được đến trường, mặc dù trường Trung học và Tiểu học Kỳ Lợi cách nhà chỉ có 500m.

clip_image006

Thông điệp của các em: "Chúng con rất muốn đến trường".

N.N.

Nguồn: http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/156-em-hoc-sinh-ha-tinh-bieu-tinh-truoc-cong-truong-doi-quyen-duoc-hoc.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn