CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI: BAO GIỜ MỚI THÔI KHUẤT TẤT VÀ ỨNG XỬ BẤT NGHĨA?

Nguyễn Đông Phong

Theo Báo lao động ngày 19 tháng 10 năm 2016: UBND TP. Hà Nội có Công văn số 9378/VP-ĐT yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến dự án Trấn sông Hồng (Song Hong City).

Dự án Song Hong City được các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xướng. Chính phủ đã cho phép Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu xem xét lập quy hoạch xây dựng Song Hong City với tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ USD.

Phải chăng người ta lại lục lại cái Dự án đã bị nhiều nhà khoa học và giới truyền thông, báo chí một thời đã phê phán bác bỏ?

Tháng 5 năm 2015 tôi viết bài báo: “Chính quyền Hà Nội: Khuất tất và ứng xử bất nghĩa” (1). Bài báo nói về sự đóng góp đầy thiện chí và tâm huyết của một trí thức tài danh - họa sĩ Văn Thơ - cho Thủ đô Hà Nội với một loạt tranh có chất lượng cho các cơ quan Đảng và chính quyền của Hà Nội và trung ương. Đặc biệt là hưởng ứng Nghị quyết của UBND thành phố Hà Nội và Chỉ thị của Bộ Chính trị về nghiên cứu xây dựng quy hoạch thành phố Hà Nội và chính trị sông Hồng đoạn qua Thủ đô Hà Nội, họa sĩ Văn Thơ đã giành gần chục năm trời nghiên cứu và xây dựng hai dự án.

1. Thành phố Sông Hồng - Thành phố trung tâm của Thủ đô Hà Nội.

2. Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội.

Hai dự án trên đã được Cục Bản quyền - tác giả văn học - nghệ thuật, Bộ Văn hóa-Thông tin cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả vào các năm 2005 - 2006.

Sau đó họa sĩ lại có thêm Phương án thiết kế trị hạn sông Hồng.

Các dự án 1 và 2 đã được họa sĩ trình lên UBND thành phố Hà Nội và một số cơ quan chuyên ngành.

Lần đầu tiên nghe họa sĩ Văn Thơ thuyết trình dự án, ông Đỗ Hoàng Ân - Phó Chủ tịch UBND thành phố đã được thuyết phục, ngay chiều hôm đó ông đến nhà thăm họa sĩ tìm hiểu thêm. Ông nói: “Tôi làm Phó chủ tịch đến khóa thứ 3 phụ trách mảng này, đã nhận đưọc trên hai chục dự án về sông Hồng, song dự án của bác là hay và khả thi hơn cả. Đây sẽ là quỹ đất đắt nhất Hà Nội như Phố Đông của Thượng Hải. Ông còn phát biểu ca ngợi dự án của họa sĩ Văn Thơ trong Đại hội kiến trúc sư thành phố Hà Nội tháng 2/2006. Sau đó mấy tháng ông sang Hàn Quốc ký với Thủ đô Seoul về việc quy hoạch xây dựng thành phố và chỉnh trị dòng chảy sông Hồng. Ông Ân cũng có chút băn khoăn về dự án động đến nhiều vấn đề khoa học thủy lợi và đã giới thiệu họa sĩ gặp một số nhà khoa học và Viện Khoa học thủy lợi để được hỗ trợ hoàn chỉnh dự án. Viện Khoa học thủy lợi sau khi thẩm định đã đánh giá cao và đồng tình với ý tưởng của họa sĩ.

Được biết tháng 5 năm 2006 Thủ đô Hà Nội ký kết với Thủ đô Seoul Hàn Quốc về việc Seoul tài trợ tiền và cử chuyên gia sang giúp Hà Nội quy hoạch khu vực hai bên bờ sông Hồng.

Tháng 11 năm 2006 phía bạn đã đưa ra dự án báo cáo thành phố Hà Nội và được triển lãm để thăm dò dư luận.

clip_image002

Hội thảo khoa học: Phản biện xã hội về tiêu thoát lũ và tác động của dự án

quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội, ngày 8/10/2009

Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hai cuộc hội thảo khoa học (lần thứ I vào ngày 24/7/2006, lần thứ II vào ngày 8/10/2009) để đánh giá các dự án của phía Hàn Quốc và của họa sĩ Văn Thơ và một số dự án khác.

Dưới đây xin trích nguyên văn ý kiến của một số nhà khoa học được ghi lại trong Báo cáo chuyên đề của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam: “Đánh giá các ý kiến của các nhà khoa học và lãnh đạo các cấp về Dự án: Quy hoach cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” (Hà Nội 2009).

* Đối với Dự án của Hàn Quốc

Trước tiên, đa số các nhà khoa học cho rằng không thể áp dụng mô hình thành phố sông Hàn vào xây dựng thành phố sông Hồng vì sự khác biệt nhau về thủy văn, địa hình và điều kiện kinh tế xã hội khi làm dự án. Việc chỉnh trị sông Hồng bằng nạo vét là không phù hợp do sông Hồng có nhiều phù sa. Dự án chưa nói đến những kết quả điều tra cơ bản về địa chất công trình.

+ Ông Hoàng Tuyển Kỳ - Phó Văn phòng Hội Tưới tiêu Việt Nam tập trung mổ xẻ những bất cập, lợi ít hại nhiều của dự án thành phố sông Hồng: “Dự án đề xuất nạo vét, đào sâu lòng sông, nhưng như thế thì chứng tỏ là không hiểu về thủy lợi, không hiểu sông Hồng, bởi chỉ sau một năm lòng sông sẽ lại bị lấp đầy như cũ.

Đây là dự án “chạy đua” để được phê duyệt mà không làm rõ được vấn đề tối quan trọng là tiêu thoát lũ sông Hồng; biện pháp trị thủy đào sâu lòng sông để thoát lũ là không khả thi, không giải quyết được vấn đề lụt lội, bởi sông Hồng là con sông hung dữ. Về mùa lũ, lượng phù sa lớn có thể sẽ bù đắp thêm lòng sông, vùi lấp khối lượng đào đắp; việc đắp 4 đê gồm 2 đê ngoài và 2 đê trong khu vực hơn 30 km sông Hồng cũng không giải quyết được vấn đề thoát lũ mà chỉ càng làm bóp méo dòng chảy, khiến con sông càng hung dữ hơn… Thành phố không nên nóng vội chỉ vì muốn đổi đất lấy công trình. Không thể làm 4 đê tại Hà Nội, như thế sẽ tác động nhiều vùng khác, phương án này không chấp nhận được. Thực chất của dự án là tìm mọi cách lấy được nhiều đất nhất và đền bù giá thấp nhất. Đây chính là một dự án kinh doanh bất động sản.

Ông Trần Nhơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, xuất phát từ việc không hiểu sông Hồng, nhóm nghiên cứu đã bê nguyên xi ý tưởng thành phố sông Hàn vào sông Hồng, nên đã sai ngay từ đầu. “Sai rồi thì nên dẹp bỏ. Phía đối tác bỏ ra 4 triệu USD rồi thì chúng ta bù cho họ, giới thiệu một địa điểm khác, như thành phố đã từng làm với Dự án trung tâm thương mại 19-12, khách sạn SAS, để trả lại vẻ đẹp của dòng sông Hồng cho Hà Nội”. Ông cũng chỉ rõ Dự án thiếu hợp lý, thiếu tính khoa học của việc bao đê, như vậy sẽ co hẹp dòng chảy. Phải làm thông thoáng dòng chảy mới thoát được lũ vì lũ sông Hồng rất hung dữ. Chúng ta nên học tập Hàn Quốc về ô tô, điện tử… không nên học họ về thủy lợi…

Ông Nguyễn Thế Liên: Sông Hồng hung dữ chỉ sau sông Hoàng Hà (Trung Quốc), đặc biệt đoạn từ Việt Trì về Hà Nội là nơi có địa tầng dữ dội nhất. Sông Hồng có đặc tính bên lở bên bồi, tự thân đã hình thành nên những khúc quanh co, nơi phình ra, nơi thu nhỏ là phù hợp với kiến tạo dòng chảy. Khi quy hoạch trị thủy sông Hồng các nhà quy hoạch chưa tính đến điều này.

GSTS Phạm Văn Quang - Nguyên Phó viện trưởng Viện Địa chất - Môi trường - Tổng hội Địa chất lưu ý đến khía cạnh những đứt gãy địa chất dưới lòng sông. Qua nghiên cứu cũng chỉ ra đoạn sông được quy hoạch có 2 đứt gãy khá nghiêm trọng, song báo cáo nghiên cứu của Tổ công tác sông Hồng đã bỏ qua từ cách đây 2 năm.

Ông Phan Đình Đại - Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách Bộ Xây dựng, nguyên chuyên gia hỗ trợ dự án quy hoạch đoạn sông Hồng qua Hà Nội của Seoul Hàn Quốc: “Dự án của Hàn Quốc phần nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng còn quá sơ sài… chưa có nghiên cứu khoa học về biến đổi dòng chảy của đoạn sông để đưa ra phương án chỉnh trị lòng sông một cách bền vững… đặc biệt là việc lựa chọn phương án đê, kết cấu đê và kè bờ, và hầu hết giữ bờ đê bằng đất là không thể ổn định lâu dài được; phương án di dân không được nghiên cứu đầy đủ. Cả hai vấn đề trên Dự án quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã được báo cáo là không thỏa đáng, nếu như Chính phủ lập Hội đồng thẩm định chắc là khó mà thông qua được”.

Còn rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học và các cơ quan truyền thông báo chí, chúng tôi sẽ trích đăng lại trong bài báo tiếp sau. Mong quý vị độc giả đón đọc.

Gần chục năm qua, câu chuyện tranh chấp bản quyền giữa họa sĩ Văn Thơ và một số người hầu như đã rơi vào quên lãng thì gần đây trên mạng điện tử có công bố quyết định phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình theo Công văn số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.

Ngày 21/4/2016, họa sĩ Văn Thơ đóng vai một người dân trong khu vực phải di dời, đến Viện Quy hoạch Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tìm hiểu sự tình. Được ông Lê Viết Sơn - Trưởng phòng và các cán bộ Phòng Quy hoạch Thủy lợi Bắc Bộ đón tiếp nhiệt tình và cho tham khảo tư liệu. Họa sĩ bất ngờ khi thấy toàn bộ hệ thống đê điều phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Đuống trong phạm vi Thủ đô Hà Nội giống hệt với “Dự án điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội”. Khi họa sĩ tự giới thiệu và trình bản Dự án của mình, mọi người đều ngạc nhiên về sự trùng hợp lạ lùng của hai bản thiết kế. Có người đã thành thật nói: Sao bác tài thế, hơn chục năm trước bác đã thiết kế mà chúng cháu bây giờ không thiết kế khác được bác chút gì!

Gần đây nhất, ngày 19/10/2016 trên báo Lao động đưa tin: “Tái khởi động siêu dự án Trấn sông Hồng”. Bài báo cho biết: UBND TP Hà Nội có Công văn số 9378/VP-ĐT yêu cầu các sở, ngành, UBND quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến Dự án Trấn sông Hồng (Song Hong City). Tại Công văn này, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, NN và PTNT, UBND hai quân Tây Hồ và Ba Đình khẩn trương thực hiện, gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo thành phố.

Dự án Song Hong City được các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xướng. Tháng 9/2009 Chính phủ đã cho phép Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu, xem xét lập quy hoạch xây dựng Song Hong City với tổng vốn đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD. Trong đó, xây dựng các công trình là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,564 tỷ USD. Trên 50% số vốn còn lại là xây dựng các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng, khách sạn 5 sao, khu phức hợp quốc tế công nghệ, tài chính, chứng khoán…

Một Dự án (của Seoul - Hàn Quốc) đã bị xóa sổ cách đây gần chục năm, nay lại được phục hồi và tân trang? Bất giác, người ta không thể không liên tưởng đến Dự án khu công nghiệp nhà máy thép Cà Ná (Ninh Thuận) cũng bị chôn vùi từ lâu, nay lại đang có ý đồ cho sống lại. Một Formosa chưa đủ sao? Liệu ý kiến của giới trí thức và dư luận của đại đa số nhân dân có được giới “công bộc” của dân tiếp nhận và xử lý khách quan hợp tình hợp lý?

Mới đây họa sĩ Văn Thơ lại có tâm thư gửi đến từng Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Việt Nam và một số đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền Trung ương và Hà Nội đề nghị các vị quan tâm và có ý kiến chỉ đạo giải quyết một cách khách quan, khoa học và minh bạch, công tâm vụ tranh chấp này.

Kỳ sau: Ý kiến của các nhà khoa học và dư luận giới truyền thông, báo chí về Dự án của họa sĩ Văn Thơ.

N.Đ.P.

Tác giả gửi BVN

***

(1) Mời bạn đọc tham khảo thêm các tài liệu:

- Chính quyền Hà Nội: Khuất tất và ứng xử bất nghĩa: https://plus.google.com/+lenamcanh/posts/1ZmJFLX2gzr

- Thư của họa sĩ Văn Thơ gửi các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN và một số vị lãnh đạo Đảng và chính quyền ở trung ương và Hà Nội

(ngày 24/8/2016)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

****************

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2016

Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng CSVN

Đồng kính gửi các đồng chí:

- Đ/c Trần Đại Quang - Ủy viên BCT, Chủ tịch nước

- Đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên BCT, Chủ tịch Quốc hội

- Đ/c Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên BCT, Thủ tướng Chính phủ

- Đ/c Trương Hòa Bình - Ủy viên BCT, Chánh án TAND tối cao

- Đ/c Nguyễn Văn Bình - Ủy viên BCT, Trưởng ban Kinh tế T.Ư

- Đ/c Phạm Minh Chính - Ủy viên BCT, Trưởng BTC T.Ư Đảng

- Đ/c Hoàng Trung Hải - Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội

- Đ/c Vương Đình Huệ - Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ

- Đ/c Đinh Thế Huynh - Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư

- Đ/c Tô Lâm - Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an

- Đ/c Ngô Xuân Lịch - Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

- Đ/c Trương Thị Mai - Ủy viên BCT, Trưởng ban Dân vận T.Ư

- Đ/c Phạm Bình Minh - Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

- Đ/c Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên BCT, Chủ tịch UBT.Ư MTTQ VN

- Đ/c Tòng Thị Phóng - Ủy viên BCT, Phó Chủ tịch Quốc hội

- Đ/c Đinh La Thăng - Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy TP. HCM

- Đ/c Võ Văn Thưởng - Ủy viên BCT, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư

- Đ/c Trần Quốc Vượng - Ủy viên BCT, Chủ nhiệm UBKT T.Ư

- Đ/c Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSNDTC

- Đ/c Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ

- Đ/c Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ

- Đ/c Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội

- Đ/c Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

- Đ/c Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT VN

Thưa các đồng chí!

Tên tôi là Vũ Văn Thơ, bút danh là Văn Thơ, 78 tuổi.

Hộ khẩu thường trú tại: Số nhà 12, ngõ 67 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội.

Là Đảng viên ĐCSVN, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tôi xin được trình bày với các đồng chí một việc như sau:

Tôi là tác giả của Dự án: “Thành phố sông Hồng, thành phố trung tâm của Thủ đô Hà Nộivà Dự án: “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội”. Cả 2 dự án này đã được cấp giấy Chứng nhận Bản quyền Tác giả từ năm 2005 và 2006. Cả 2 dự án này đã được trình lên UBND TP Hà Nội và một số cơ quan chuyên môn từ năm 2005. Hà Nội cũng đã tổ chức hội thảo về 2 dự án này. Song cũng thời gian đó Hà Nội đã cử ông Đỗ Hoàng Ân - Phó Chủ tịch TP đi ký với ông Lee Myung Park - Thị trưởng Seoul, Hàn Quốc hợp tác quy hoạch cải tạo và phát triển 2 bên bờ sông Hồng. Dự án xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ Văn Thơ đã được đăng ký và được cấp giấy Chứng nhận bản quyền tác giả. Tôi xin gửi đến các đồng chí bản tin tổng hợp ngay thời điểm đó HTĐT Vnexpress, HTV cập nhật lúc 15h34’ ngày 26/5/2006. Chính từ bản ký kết này mà phía Hàn Quốc đã tự ý lấy dự án của tôi để làm thành dự án của mình. Đã nhiều cuộc họp tọa đàm về sự việc Hàn Quốc đạo dự án của tôi và cuối cùng phía Hàn Quốc đã phải bỏ dự án đó. (Một số báo chí, công văn giấy tờ tôi có gửi đến các đ/c trong hồ sơ kèm theo mong các đ/c đọc và nghiên cứu để thấy được thực chất vấn đề phức tạp đó).

Sau đó, Hàn Quốc lại đưa ra dự án theo sông Hàn, thực chất cũng là đạo ý tưởng của tôi và trưng bày ở Quần Ngựa 1 năm. Tiếp đó Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức 2 cuộc hội thảo về dự án của Hàn Quốc và dự án của tôi. Tôi xin gửi đến các đ/c quyển “Báo cáo chuyên đề đánh giá các ý kiến của các nhà khoa học và lãnh đạo các cấp về dự án”. Trong đó có đầy đủ chữ ký của các nhà khoa học tham dự; một số các bài viết và các ý kiến cùng một số bài tham luận của các nhà khoa học mong các đ/c đọc và nghiên cứu để thấy được thực chất giá trị khoa học của dự án Hàn Quốc và dự án của tôi.

Tôi cũng xin gửi đến các đ/c tấm ảnh chụp quang cảnh của cuộc tọa đàm đó. Cả 2 dự án của tôi và báo cáo này của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tôi đã từng gửi đến các đ/c trong Bộ Chính trị khóa trước và một số đ/c lãnh đạo Đảng và Nhà nước khóa trước. Song không thấy có hồi âm nào. Tiếp đó về phía chính quyền Hà Nội là sự im lặng. Đến ngày 3/12/2013 HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết quy hoạch đê điều trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hôm sau đó (ngày 4/12/2013) báo Tiền Phong giật tít: “Hàng vạn hộ dân ngoài đê sẽ được xây nhà” và cho biết nếu được phê duyệt dự án có thể được triển khai ngay đầu năm 2014. Trong bài báo cũng nói rõ đã tổ chức bao nhiêu cuộc họp và cùng nghiên cứu rất kỹ phương án của Hàn Quốc, tôi gửi tờ báo đó trong tập hồ sơ báo chí gửi đến các đ/c. Dự án này cũng không được chấp thuận vì thực chất cũng đạo ý tưởng của tôi.

Đầu năm 2015 Thường trực Chính phủ lại nghe chính quyền Hà Nội trình bày dự án xây dựng đường từ cầu Nhật Tân về trung tâm Ba Đình và mở rộng đường từ cầu Long Biên (dốc Bác Cổ) đến cầu Vĩnh Tuy. Kết luận cuộc họp Thủ tướng đã tuyên bố gác lại phương án này vì thực chất cũng là đạo dự án của tôi (phần đại lộ phía hữu ngạn sông Hồng).

Tiếp đó ngày 20/5/2015 TP. Hà Nội lại đưa ra phương án làm đường nối cầu Nhật Tân về đường Thanh niên. Dự án này cũng lại bị Thường trực Chính phủ bác bỏ vì cũng là đạo một phần phương án Đại lộ bên hữu ngạn của tôi. Tôi có gửi kèm theo tập báo chí đến các đ/c cả ba dự án bị bác bỏ này của Hà Nội đưa ra.

Cuối cùng qua mấy lần thất bại trước khi về nghỉ, lãnh đạo Hà Nội lại đưa ra: “Hà Nội nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng ngày 13/7/2016” và Hà Nội phê duyệt dự án hỗ trợ quy hoạch đô thị ven sông Hồng ngày 13/7/2015. Và lại cũng dựa vào Hàn Quốc nghiên cứu làm theo sông Hàn. Chả nhẽ lãnh đạo Hà Nội không nghe gì, xem gì khi bao nhiêu báo chí và tham luận phân tích mổ xẻ trên thông tin đại chúng hay sao?

Gần đây nhất trên mạng có công bố quyết định phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình theo công văn số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Tôi xin gửi đến các đ/c bản quy hoạch này, bản quy hoạch không công bố bản đồ minh họa mà chỉ có văn bản bằng chữ. Tôi thấy nghi ngờ và quy hoạch gần như bao gồm toàn bộ sông ngòi trong hơn chục tỉnh của Đồng bằng Bắc Bộ. Song trong phụ lục II danh mục các khu vực dân cư cần di dời, thật ngạc nhiên mười mấy tỉnh mà chỉ di dời có 132 hộ ở Thanh Thủy, Phú Thọ và 1900 hộ phải di dời đều nằm trong 9 địa danh của hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống của Hà Nội.

Ngày 21/4/2016 tôi đã đóng vai một người dân trong khu vực công bố phải di dời đến Viện Quy hoạch Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm hiểu. Đúng là cơ quan đã được giao nhiệm vụ thiết kế và quy hoạch này. Tôi được giới thiệu lên gặp phòng Quy hoạch Thủy lợi Bắc Bộ. Đ/c Tiến sĩ Lê Viết Sơn - Trưởng phòng tiếp tôi tại phòng làm việc của cả phòng. Khi nghe đề nghị của tôi, ông Sơn đã dở tấm bản đồ khuôn khổ lớn hơn chiếc chiếu đôi, Bản đồ đó đã thiết kế chi tiết quy hoạch đê điều và thoát lũ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, một số đ/c trong phòng cùng tham dự.

Thật bất ngờ khi tôi thấy toàn bộ hệ thống đê điều phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Đuống trong phạm vi Thủ đô Hà Nội giống hệt với đề án: “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội” của tôi. Tôi cũng có mang theo quyển đề án đó và tôi xin phép được dở ra để mọi người cùng xem. Ai cũng thấy ngạc nhiên sự trùng hợp lạ lùng của hai bản thiết kế đó. Có đ/c đã nói: Sao bác tài thế, hơn chục năm trước bác đã thiết kế mà chúng cháu bây giờ không thiết kế khác được bác chút gì.

Như trên tôi đã nói toàn bộ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều toàn bộ Bắc Bộ mà chỉ nổi lên phụ lục di dân 1900 hộ là của phạm vi Hà Nội, vị trí phải di dân đó lại trùng khớp với dự án của tôi đã được đưa ra hơn chục năm về trước. Chẳng lẽ lại như dự án Hàn Quốc giống hệt dự án của tôi, cũng lấy lý do ý tưởng lớn gặp nhau. Nhwng khác là lần này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.

Trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố vừa qua, trên diễn đàn kỳ họp có tường thuật trực tiếp. Hà Nội cũng đã đưa ra nhiệm vụ làm thành phố hai bên sông Hồng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trên diễn đàn kỳ họp có nói rõ dự án này.

Trong những ngày vừa qua, 20/8/2016 đoàn đại biểu của thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND thành phố dẫn đầu sang làm việc với Hàn Quốc. Trên thông tin đại chúng có đưa tin hai bên đã ký kết làm thành phố hai bên sông Hồng, nội dung cũng như lần ông Đỗ Hoàng Ân đã ký 10 năm về trước. Chục năm qua Hàn Quốc đã làm những gì, bao nhiêu báo chí, các nhà khoa học Việt Nam đã nói, đã viết rất nhiều rồi. Qua các tài liệu báo chí tôi gửi đến các đ/c lần này đã nói rất rõ.

Lần này tôi xin gửi đến các đ/c 3 dự án của tôi, ngoài 2 dự án: “Thành phố sông Hồng…” và dự án: “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống…”, còn có: “Phương án thiết kế trị hạn sông Hồng”. Dự án này tôi cũng đã báo cáo tại hội thảo do Hội Tưới tiêu Việt Nam tổ chức năm 2010 và cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Sở dĩ tôi đưa ra dự án này vì khi ta thực hiện dự án Thành phố sông Hồng cũng là khi thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu hoạt động đã làm cho lượng nước cung cấp khá đầy đủ cho sông Hồng. Song nếu không có phương án giữ lại lượng nước này thì sông Hồng vẫn bị cạn, do đó tôi đưa ra phương án trị hạn thì sẽ giữ lại được nước cho sông Hồng. Tạo cảnh quan đẹp và lộng lẫy cho thành phố sông Hồng.

Đồng thời cũng giải quyết được việc chống hạn cho cả một vùng rộng lớn của đồng bằng Bắc Bộ như tôi đã thuyết minh trong dự án này.

Thưa các đ/c, thế là đã hơn chục năm, biết bao sóng gió, biết bao báo chí, tọa đàm, hội thảo để thực hiện quyết định số 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 15/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị ban hành năm 2000. Hai văn bản này đều nêu rõ nhiệm vụ chính trị sông Hồng và quy hoạch khai thác 2 bên sông Hồng.

Đây là một siêu dự án đã mấy chục năm, mấy chục dự án trong và ngoài nước đưa ra, có lẽ đã quá đủ để ta chọn ra dự án khả thi nhất để thực hiện như TP. Hà Nội đã báo cáo.

Trong thư lần này tôi đề nghị các cơ quan quyền lực của Nhà nước nên trực tiếp vào cuộc để xem xét và quyết định. Tôi đề nghị đ/c Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy tổ chức cho Bộ Chính trị nghe báo cáo về việc này. Tôi đề nghị đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội hãy để Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về dự án này như ý kiến đ/c Nguyễn Sinh Hồng trước đây đã nói.

Tôi cũng đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để Thường trực Chính phủ cho phép tôi được trình bày phương án của mình. Với một siêu dự án như vậy sẽ có những quyết định đúng đắn cho đất nước và cho Thủ đô Hà Nội.

Mong rằng những tài liệu, báo chí, đơn thư của tôi lần này gửi đến các đ/c mà cá nhân tôi có được cũng phần nào giúp các đ/c tham khảo nghiên cứu để có được quyết sách đúng đắn mà Thủ đô Hà Nội hàng chục năm nay chờ đợi.

Một lần nữa tôi xin được chân thành cảm ơn các đ/c.

Người viết đơn

Họa sĩ Văn Thơ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn