Bàn về tranh biếm họa của Việt Nam

Ừ đấy, bố mày thế đấy, thì sao?

Phạm Đoan Trang

clip_image001

Nhìn bức biếm họa này, chỉ thấy chạnh lòng cho họa sĩ Việt Nam và trào dâng cảm giác khinh ghét nền công an trị.

Ở Việt Nam mà vẽ một bức hệt như thế này về Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình, thì họa sĩ nhẹ nhàng nhất cũng “dính con 258”, tức là Điều 258 Bộ luật Hình sự mà câu chữ của nó đã hằn sâu vào đầu nhiều người: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân”.

Năm 2010, blogger Cô Gái Đồ Long “dính con 258” vì viết một entry tuy đúng sự thật nhưng bị coi là bôi nhọ gia đình một ông tướng công an.

Năm 2013, blogger Đinh Nhật Uy dính tiếp 258 vì lỡ “xúc phạm” hai tập đoàn kinh tế nhà nước Vietel và VNPT.

Năm 2014, blogger Ba Sàm dính tiếp 258 vì lập blog chính trị, cho dù là đúng sự thật, công bằng, đảm bảo đưa tin của cả hai lề đi chăng nữa. Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị bắt bỏ tù luôn vì làm trợ lý cho công ty của Ba Sàm.

Các cáo trạng của Viện Kiểm sát, phán quyết của Tòa án, về nội dung đều dựa vào kết luận điều tra của cái gọi là “cơ quan an ninh điều tra”, còn về văn phong, về cái phong cách quy chụp và mạ lị, thì bệ nguyên xi.

Hàng chục năm qua dưới thời cộng sản, biếm họa Việt Nam ngoi ngóp, khổ sở mãi không ngóc đầu lên được. Mỗi lần có một bức biếm đăng tải được lên báo, lên bìa Tuổi trẻ Cười, thì độc giả xuýt xoa xem họa sĩ như anh hùng. Mà biếm họa ở đây cũng chỉ là bóng gió thôi, hoặc cũng là chỉ trích chung chung, không cụ thể một ai. Nếu có “tấn công trực diện” thì nhất thiết chỉ được đánh quan chức cấp thấp hoặc là đánh khi hắn đã sa cơ, đã bị “trên” nhắc nhở, bị công an sờ gáy rồi.

Chẳng họa sĩ nào dám động tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhất là động tới “tứ trụ” thì xem như cả tòa báo tan nát.

Đến giờ thì hẳn là ngoài an ninh, tuyên giáo và bè lũ tay sai là các dư luận viên ra, chẳng người dân Việt Nam nào không thấy rõ sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài thể hiện trong việc: Ở nước ngoài, người ta có thể châm biếm, chỉ trích nhà nước thoải mái, ở Việt Nam thì đi tù.

Điều kỳ lạ là bộ máy công an trị cũng biết thừa là dân đã biết điều ấy, nhưng chúng vẫn trơ mặt, hệt như thay lời muốn nói: Ừ đấy, bố mày thế đấy, thì sao? Mỹ nó thế đấy, người ta nói gì về lãnh đạo cũng được, còn ở đây, mày mà nói xấu quan chức thì bố bỏ tù mày đấy, thì sao?

Vô liêm sỉ đến thế là cùng.

P.Đ.T.

Nguồn: FB Pham Doan Trang

 

Bạn Phạm Đoan Trang thân mến,

Những lời bạn nói nhìn chung là đúng, nhưng cũng phải công nhận một sự thật, gần đây, trên trang FB, ngôn luận có được thoải mái hơn ít nhiều rồi đấy bạn ạ. Trong lĩnh vực tranh biếm họa, chúng tôi tìm thấy bức họa này, có thua kém gì bức họa bạn dẫn ở trên của báo chí Mỹ đâu:

Cháu này là con bố nào?

clip_image002

Nguồn: FB Nguyen Lan Thang

Bởi vậy, theo chúng tôi, ta nên hoan nghênh sự cởi mở, dù chậm chạp, dù ít hay nhiều, dù thực chất hay không thực chất, thì được chút nào cũng đáng để ta biểu dương, hơn là cứ vơ lại một cục không được giải tỏa, thành một cục hận tích mãi ở trong lòng, có được gì đâu. Ta nên biểu dương, và kêu gọi mọi người, những ai có tài năng, hãy phát huy ngành tranh biếm họa trên mạng FB vốn còn quá lơ thơ, ít ỏi, để có một sự nở rộ tưng bừng. Nói như Marx (dẫn Marx đấy nhé): nhân loại sẽ dùng tiếng cười để tiễn đưa quá khứ xuống mồ một cách vui vẻ. Bạn cứ tưởng tượng đến cái ngày cả nước Việt Nam đi đưa đám quá khứ của chính mình trong tiếng cười reo khắp từ Nam đến Bắc (chứ không phải trong sự tranh giành xâu xé tơi tả hay trong cảnh chém giết súc vật bạo tàn man rợ như tại các lễ hội hiện nay mà hình như thể chế đang rất khuyến khích) thì thích thú biết bao! Bấy giờ thì câu nói cúa cụ Tổng mới thật gọi là linh nghiệm: Đã bao giờ đất nước được như thế này chưa?

Cứ tươi vui và hy vọng đi là vừa bạn nhé.

Bauxite Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn