Giới linh mục vận động quốc tế về vụ Formosa

Phái đoàn các linh mục do Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, dẫn đầu đi các nước châu Âu vận động hỗ trợ nạn nhân Formosa đầu tháng Năm 2017. Bản quyền hình ảnh: OTHER

Một phái đoàn gồm các chức sắc Công giáo và linh mục trong tháng Năm đã có chuyến đi châu Âu nhằm gặp gỡ các tổ chức quốc tế để vận động và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa môi trường Formosa.

Thành phần gồm sáu vị giáo sỹ thuộc giáo phận Vinh do Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp dẫn đầu, trong hành trình tới Na Uy, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha, phái đoàn đã gặp gỡ Liên hiệp quốc, Liên hiệp châu Âu, một số bộ ngoại giao cũng như một số tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo và các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế.

Mang theo thỉnh nguyện thư với gần hai trăm ngàn chữ ký, phái đoàn muốn tìm trợ giúp và giải pháp cho thảm họa môi trường xảy ra từ hơn một năm qua.

Thành viên phái đoàn:

- Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp

- Linh mục Phan Sỹ Phương, Quản hạt Cửa Lò

- Linh mục Nguyễn Thanh Tịnh, Quản xứ Cồn Sẻ

- Linh mục Trần Văn Thành, Quản xứ Tam Toà

- Linh mục Trần Đình Lai, Quản xứ Đông Yên

- Linh mục Bùi Khiêm Cường, Quản xứ Đông Sơn

"Mục đích chuyến đi nhằm kêu gọi các tổ chức cũng như giới chức giúp đỡ chúng tôi đấu tranh công lý, hòa bình và nhất là đấu tranh cho những người dân đang chịu thảm họa tại khu vực bốn tỉnh miền Trung", Linh mục Bùi Khiêm Cường, một trong các thành viên phái đoàn, nói với BBC Tiếng Việt.

Linh mục cho biết kết quả đầu tiên là được thấy nhiều người cộng tác và giúp đỡ. "Họ rất quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực miền Trung mà thảm họa Formosa đã gây ra", ông nói.

"Các nhà nghiên cứu cũng như chúng tôi nói rằng Formosa là thảm họa lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai và đây là điều nhiều người chưa biết.

"Qua truyền thông, họ sẽ giúp chúng tôi trình bày cho thế giới biết Formosa là thảm họa không chỉ trên bình diện của một địa phương, một quốc gia, của Việt Nam, mà nó mang tầm quốc tế", Linh mục Bùi Khiêm Cường nói.

Công cuộc đấu tranh cho môi trường không chỉ là đấu tranh cho lợi ích một cá nhân hay một phe nhóm nào, mà nó mang tầm quốc tế. Nó ảnh hưởng đến đời sống của tất cả mọi người bởi vì môi trường như một ngôi nhà chung của nhân loại, vì thế việc đấu tranh cho môi trường là của mọi người

Linh mục Bùi Khiêm Cường, Quản xứ Đông Sơn

Trong số các địa chỉ tiếp xúc có cả ClientEarth, một tổ chức luật sư chuyên về môi sinh, đại diện Đảng Xanh của Nghị viên Liên hiệp châu Âu, Chương trình Môi sinh của Liên hiệp quốc và một số tổ chức liên quan đến môi trường.

"Họ hứa sẽ giúp đỡ và phát động phía bên chính quyền để cùng chính quyền tại Việt Nam tìm hiểu về vụ việc Formosa, vì phía nhà nước Việt Nam thì không cho biết trong lúc các thông tin bị bưng bít.

"Ngay cả phía Liên hiệp quốc cũng không biết về Formosa. Vì thế việc đầu tiên [các tổ chức này] sẽ là tìm hiểu xem vụ Formosa đã và đang xảy ra như thế nào", Linh mục Cường cho biết.

Trở về từ chuyến đi châu Âu, phái đoàn dự định sẽ chia sẻ những cảm thông mà đoàn nhận được cho các nạn nhân thảm họa Formosa.

"Chúng tôi cảm thấy không cô đơn và người dân ở đây cũng không bao giờ bị bỏ rơi," Linh mục Cường nói.

"Công cuộc đấu tranh cho môi trường không chỉ là đấu tranh cho lợi ích một cá nhân hay một phe nhóm nào mà nó mang tầm quốc tế. Nó ảnh hưởng đến đời sống của tất cả mọi người. Bởi môi trường như một ngôi nhà chung của nhân loại nên việc đấu tranh cho môi trường là của mọi người."

Tuy nhiên, Linh mục Bùi Khiêm Cường nói ông không hy vọng phía chính quyền Việt Nam sẽ có động thái gì giúp người dân cũng như giải quyết hậu quả của Formosa.

"Theo tôi biết, hiện tại chính phủ luôn bao che cho công ty Formosa này và bằng mọi cách ngăn chặn các hình thức đấu tranh cho môi trường. Vì thế, không có hy vọng gì vào việc chính phủ sẽ giải quyết vấn đề Formosa một cách thỏa đáng.

Người dân tại giáo xứ Phú Yên trong ngày tham dự đi kiện. Bản quyền hình ảnh: LE VAN SON

"Nếu chính phủ có làm một việc gì đó thì cũng mang tính hình thức và để đánh lừa dư luận quốc tế mà thôi.

"Còn thực sự họ có làm với thật tâm để khắc phục hậu quả rất nghiêm trọng này hay không thì tôi thấy khó có thể làm được.

"Thảm họa của Nhật Bản sau 50 năm người ta mới giải quyết xong. Việc giải quyết thảm họa không phải ngày một ngày hai mà rất lâu dài và phải có kế hoạch. Tôi không hy vọng là hiện tại [chính phủ] họ sẽ làm gì", Linh mục Bùi Khiêm Cường nói.

Cuối tháng 6/2016, Việt Nam loan báo "vi phạm" và "sự cố" trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã làm hải sản chết bất thường tại bốn tỉnh miền trung trong tháng Tư, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40004441

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn