KIẾN NGHỊ DỪNG NGAY VIỆC THÔNG QUA LUẬT

“ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT

VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC”

LỜI DIỄN GIẢI

Dưới đây là Bản Kiến nghị chúng tôi đã gửi đến Quốc hội ngày 1.6.2018 thông qua 2 đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Dương Trung Quốc chuyển trực tiếp đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chúng tôi cũng đã gửi qua Bưu Điện [từ gợi ý của đại biểu Dương Trung Quốc] ngày 1.6.2018.

Cho đến 21h ngày 8.6.2018, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ Quốc hội, chúng tôi buộc phải đưa công khai Kiến nghị này lên các phương tiện truyền thông để mọi đại biểu Quốc hội và toàn dân biết được nội dung của Kiến nghị. Đó chính là đáp ứng ý chí sục sôi của công luận trước nguy cơ hiểm nghèo của đất nước nếu Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Ý chí sục sôi và làn sóng phẫn nộ đang dâng trào khắp cả nước buộc Quốc hội phải tỉnh táo cân nhắc, đừng để phải trả một cái giá quá đắt bởi mưu toan đen tối của một nhóm quyền lực định bản rẻ chủ quyền đất nước cho Bắc Kinh. Làn sóng phẫn nộ ấy là biểu hiện sống động và quyết liệt của tinh thần yêu nước truyền thống của nhân dân ta. Hãy nhớ rằng, “từ xưa nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Phải dừng ngay việc thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt này. Muốn có Luật này thì Quốc hội phải trưng cầu dân ý, không thể để cho một nhóm người đã bị thao túng sẵn sàng bán rẻ đất nước vì cái ghế quyền lực của họ.

Những người soạn thảo Kiến nghị

KIẾN NGHỊ VỀ THỜI HẠN CHO THUÊ ĐẤT TẠI ĐẶC KHU KINH TẾ

Kính gửi Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đang tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV tại Hà Nội,

Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Quốc hội cẩn trọng xem xét Dự luật về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” gọi tắt là “Dự luật về đặc khu kinh tế” trong đó có điều khoản về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Đã có rất nhiều tiếng nói, bài viết tâm huyết về “dự luật Đặc khu kinh tế” này, nhưng trước hết là điều công luận đang đặc biệt bức xúc là thời hạn cho thuê đất tại đặc khu kinh tế, một vấn đề cực kỳ nhạy cảm liên quan đến đến vận mệnh dân tộc, chủ quyền đất nước, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Bởi lẽ, cả ba đặc khu kinh tế định thành lập đều nều nằm ở các vị trí hiểm yếu trên vùng duyên hải Bắc, Trung, Nam rộng hàng chục ngàn km2 bao gồm đất liền, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mang ý nghĩa chiến lược không chỉ về kinh tế mà trước hết là về quốc phòng.

Càng nguy hiểm hơn khi mà những âm mưu và hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, uy hiếp và lấn chiếm lãnh hải và đảo, đá của Việt Nam để xây căn cứ quân sự, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam hành nghề trên biển.

Cần lưu ý rằng Vân Đồn chỉ cách các căn cứ quân sự Trung Quốc ở Hải Nam 200 hải lý; Vân Phong đối diện với Trường Sa, gần với cảng Cam Ranh; Phú Quốc là đảo lớn nhất của Việt Nam trên vịnh Thái Lan rất gần với vùng Sihanouk Ville của Campuchia, mà khu vực này đã được thỏa thuận cho Trung Quốc thuê 99 năm và người Trung Quốc được tự do sinh sống ở đó bằng cơ chế ưu đãi visa với nước kề cận trong Luật đặc khu, có thể từ đó vào Phú Quốc dễ dàng, mua đất, mua nhà, lập những “China Town” mới. Với Vân Đồn cũng ẩn chứa nguy cơ tương tự.

Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, giá nhà đất thấp hơn so với nhiều quốc gia láng giềng khiến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn cho giới săn nhà Trung Quốc và Hong Kong. Nhu cầu mua bất động sản tại Việt Nam của người Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2018 cao gấp 300% so với quý đầu tiên của năm 2017, người mua từ Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong năm 2017 chiếm 25% tổng số giao dịch của người mua nước ngoài tại Việt Nam, so với 21% năm 2016 (theo BBC ngày 24.5.2018). Thử hỏi, nếu Trung Quốc tung tiền vào ba địa điểm có ý nghĩa chiến lược kia để “đầu tư” nhằm thuê đất, mà chỉ với hơn 50 năm chứ không cần đợi đến 99 năm cũng đã đủ cho những “China Town” mọc lên, thì rồi “đặc khu” sẽ là của ai đây?

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, hình thức thu hút đầu tư qua các đặc khu kinh tế nay đã lạc hậu, tốn kém và ít có tính khả thi. Hiện nay dường như chỉ có các nhà đầu tư bất động sản là hăm hở tranh thủ sự “ưu ái” về giá đất, thời hạn giao đất để sở hữu được nhiều đất, cũng như các nhà “đầu tư” không vì mục đích kinh doanh có lợi nhuận mà vì các lý do khác!

Ngay tại diễn đàn Quốc hội đã có đại biểu thẳng thắn chỉ ra “đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm: không có vòng đời nào của dự án đầu tư hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Thời hạn này ngang với ba, bốn thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa”.

Đừng quên rằng, “nhượng địa” gợi liên tưởng đến các tô giới, nơi một bộ phận lãnh thổ của quốc gia bị một thực thể khác quản lý tách khỏi chủ quyền của đất nước hiến nhượng. Nếu Dự luật cho thuê đất mà kéo dài đến 99 năm, với “thực chất là hình thức nhượng địa” như tiếng nói cất lên tại Quốc hội, sẽ là miếng mồi ngon và dễ ngoạm cho Bắc Kinh.

Chúng tôi cho rằng phải hết sức dè chừng với việc ai đó đã có toan tính khi đưa ra dự luật nói trên. Chúng ta phải tỉnh táo trước mọi thủ đoạn đen tối. Phải ghi lòng tạc dạ khuyến dụ của đức Trần Nhân Tông về tinh thần cảnh giác không chút mơ hồ về kẻ thù cướp nước từ phương Bắc mà Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần đã chép rõ. Cùng với tinh thần cảnh giác, hãy nhớ đến lời cảnh báo nghiêm khắc của vua Lê Thánh Tông Kẻ nào để mất một thước đất vào tay giặc sẽ bị tội tru di (Đại Việt Sử ký toàn thư. Kỷ Nhà Lê). Vì vậy, cần bác bỏ ngay điều khoản giao đất có thể lên đến 99 năm trong dự luật nói trên.

Trên tinh thần đó, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội hoãn việc bỏ phiếu thông qua Dự luật về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” đang ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa; hoặc chí ít phải bỏ các quy định ưu ái quá mức và nhất là thời hạn 99 năm! Cũng vì thế, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội hoãn việc bỏ phiếu thông qua Dự luật về “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” đang ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa. Với một chủ trương lớn không chỉ có ý nghĩa về chính trị, kinh tế mà trước hết là về quốc phòng thì phải có trưng cầu dân ý, điều mà Hiến pháp 1946 đã đề ra, nhưng suốt 72 năm chưa thực hiện, phải chăng đã đúng lúc cần vận dụng điều ấy với “Luật Đặc khu Kinh tế” đang có nhiều bàn cãi này. Chúng tôi mong Quốc hội nghiêm cẩn lắng nghe những ý kiến tâm huyết, thể hiện ý chí và tâm trạng của quần chúng nhân dân.

Vì tính cấp bách của sự việc, chúng tôi những người ghi tên dưới đây đề nghị các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Dương Trung Quốc trực tiếp chuyển kiến nghị này đến bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và qua bà gửi đến các tất cả Đại biểu Quốc hội.

Trân trọng.

Tp Hồ Chí Minh ngày 28.5.2018

Danh sách ký vào Kiến nghị ngày 30.5.2018:

Từ thành phố Hồ Chí Minh:

- Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa

- Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 75, đại biểu Quốc hội khóa VI

- Lê Công Giàu, Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, nguyên Phó bí thư Thường trực Đoàn TNCS tp Hồ Chí Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Saigon Tourist

- Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước tp Hồ Chí Minh

- Bùi Tiến An, cựu tù chính trị Côn Đảo trước 1975

- Tương Lai, nguyên Thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học VN

- Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh

- Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam.

- Huỳnh Công Minh, Linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

- Nguyễn Quốc Thái, nhà báo

- Lê Công Định, luật sư

- Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng

- Hoàng Dũng, Phó giáo sư Tiến sĩ

- Nguyễn Thu Giang, Luật sư, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tp. HCM

- Hoàng Hưng, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Văn hóa, báo Lao động thời “Đổi Mới”

Từ thành phố Đà Nẵng:

- Nguyên Ngọc, nhà văn

- Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

- Nguyễn Thế Hùng, Giáo sư Tiến sĩ

Từ thành phố Huế:

- Tô Nhuận Vỹ, nhà văn

- Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử

- Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTTTT tỉnh Thừa Thiên-Huế

- Bửu Nam, Phó giáo sư Tiến sĩ

Từ Đà Lạt-Lâm Đồng:

- Trần Thế Việt, nguyên Bí thư Thành ủy ĐCSVN tp Đà Lạt

- Trần Minh Thảo, viết văn, CLB Phan Tây Hồ, Bảo Lộc, Lâm Đồng

- Bùi Minh Quốc, nhà thơ, nhà báo, Đà Lạt

- Mai Thái Lĩnh, nhà nghiên cứu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt

Từ Hà Nội:

- Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương ĐLĐVN (1960-1975), nguyên Đại sứ VN tại TQ (1974-1987)

- Nguyễn Trung, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan

- Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải

- Nguyễn Ngọc Lanh, Nhà giáo Nhân dân, nguyên Giáo sư Đại học Y khoa Hà Nội

- Hồ Uy Liêm, Tiến sĩ, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KHKTVN

- Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư

- Đặng Thị Hảo, Tiến sĩ

- Phạm Đức Nguyên, Tiến sĩ, nguyên Giảng viên Đại học, hưu trí

- Nguyễn Đình Cống, Giáo sư, nguyên Giảng viên Đại học Xây dựng

- Nguyễn Đông Yên, Giáo sư Tiến sĩ Toán học

- Hoàng Xuân Phú, Giáo sư Tiến sĩ Toán học

- Nguyễn Thế Hùng, Tiến sĩ Vật lý

- Trần Thanh Vân, Kiến trúc sư cảnh quan, hưu trí

- Nguyễn Thị Ngọc Trai, nhà văn, nhà báo, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ của Hội Nhà Văn VN

- Nguyễn Thị Ngọc Toản, Đại tá, GS Bác sĩ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sản, Bệnh viện Quân y 108.

- Phạm Gia Minh, Tiến sĩ Kinh tế

- Phạm Gia Khải, Giáo sư Y học, nguyên Phó Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe TƯ

- Phạm Toàn, nhà nghiên cứu Giáo dục

- Nguyễn Quang A, Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng IDS

- Nguyễn Gia Hảo, chuyên gia tư vấn (Kinh tế đối ngoại) độc lập, nguyên thành viên Tổ tư vấn Võ Văn Kiệt

- Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

- Vũ Ngọc Tiến, nhà văn

- Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận TƯ, nhà nghiên cứu Trung tâm Minh triết

- Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ Hán-Nôm học

- Đào Tiến Thi, Thạc sĩ, nhà nghiên cứu Văn học và Ngôn ngữ

- Hoàng Quốc Hải, nhà văn

- Nguyễn Đăng Quang, Đại tá, nguyên cán bộ Bộ Công an

Những người đang sống ở nước ngoài:

- Vũ Quang Việt, nguyên là Chuyên viên của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ

- Ngô Vĩnh Long, Giáo sư Đại học Maine, Hoa Kỳ

- Phạm Xuân Yêm, Giáo sư Paris, Pháp

- Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo, Paris, Pháp

- Phạm Tư Thanh Thiện, nhà báo, Paris, Pháp

- Nguyễn Đình Nguyên, Tiến sĩ, Australia

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn