Thư giãn chủ nhật: 150 năm liên bang Canada

Bài mừng sinh nhật một quốc gia, từ một người dân Canada tự nguyện

Nguyễn Đức Tường

Phần I – Hai bức thư

25-5-2018

Anh Nguyễn Huệ Chi và Anh Nguyên Ngọc thân kính,

Thư này định viết cho hai anh ngay sau Tết vừa rồi (thực ra đã bắt đầu) nhưng rồi bão, rồi mất điện vài ngày, cộng thêm chuyện nọ chuyện kia cuối cùng quên mất luôn. Bữa nay, tình cờ thấy thư viết dở nên bắt đầu lại, nhưng – hai anh đoán thử – hôm qua lại bão, lại mất điện, đến bây giờ vẫn chưa lên lại, tôi vác laptop ra shopping center vừa nhờ có điện vừa nhờ Internet để làm việc, và hiện giờ đang đánh máy thư cho các anh đây.

Nhưng trước hết, có lẽ hai anh thắc mắc tại sao lại viết thư chung? Lý do là vì sau Tết vừa rồi là đúng một giáp tôi về Việt Nam lần thứ nhì (lần thứ nhất, năm 1974, chừng 7 tháng trước khi Sài Gòn sụp) và có dịp được gặp anh Huệ Chi rồi anh Nguyên Ngọc tại nhà anh Huệ Chi. Thật là một dịp đáng kỷ niệm. Từ đó, tuy không được gặp các anh thường hơn nhưng tôi luôn luôn trân quý chút tình bạn mà tôi có được không nhiều ở bên nhà. Nhưng xin tạm gác chuyện này vì đang muốn nhờ hai anh giúp một việc.

Năm 2017 là năm sinh nhật thứ 150 của Canada, tôi viết một bài nhan đề “Bài mừng sinh nhật một quốc gia, từ một người dân Canada tự nguyện”. Tên bài này tôi nhặt được sau khi tình cờ đọc bài của Mary Walsh có tên“Bài ca tụng một quốc gia, từ một người dân Canada bất đắc dĩ,” cũng viết mừng sinh nhật của Canada. Tôi hỏi bà ta để tôi dịch rồi xuất bản cùng với bài của tôi. Mary Walsh thích lắm, nói rất “thrilled” có được độc giả ở Việt Nam và tôi hứa với bà ta như vậy; bà Walsh khắc khoải, thích bài được xuất hiện ở Việt Nam. Vậy, nếu không quá phiền phức, xin hai anh làm ơn giúp publish hai bài viết kèm đây trong Attachment, trên báo in hay báo điện tử ở bên nhà, nếu được cả hai thì không gì tốt hơn.

Trong bài viết tôi có nói về Điện Biên Phủ. Xin chớ cười là nhai lại mãi “old glory”. Lý do là vì nó thích hợp với bài viết, nhưng lý do quan trọng hơn là vì trong cuộc chiến trường kỳ 30 năm của nước mình, giai đoạn đánh Tây là giai đoạn “pure” nhất mà cao điểm là Điện Biên, rõ ràng, không mơ hồ cần phải chứng minh hay biện minh về sự chính đáng như những giai đoạn sau.

Năm 1974 tôi về Sài Gòn được Chính phủ Miền Nam, với mục đích dụ chuyên viên ở ngoại quốc về nước, cho đi thăm nhiều chỗ thỏa thích, từ Nam ra Bắc, đến tận Bến Hải, đi thăm cả những địa điểm đóng quân như ở mấy núi quanh vùng Huế-Đà Nẵng hay ở Quảng Trị. Khó ai có thể tưởng tượng nổi sau đó chỉ có nửa năm mà Sài Gòn đã sụp. Không thể vì lỗi của những người lính hay cấp chỉ huy trực tiếp của họ mà tôi đã gặp – những người này có thể chiến đấu dũng cảm, không hổ thẹn ở bất cứ nơi nào – và chắc chắn là họ không đánh nhau cho Mỹ. Tôi còn nhớ nói chuyện với anh Nguyên Ngọc, anh kết luận một chuyện nào đó, “dù sao, chúng tôi cũng có chính nghĩa”, tôi trả lời không có vấn đề gì về chuyện này vì tôi cũng luôn luôn tin rằng việc mình chống lại bọn Mỹ là chính đáng, nhưng giải thích chuyện này tốn nhiều công sức và không có gì bảo đảm mình có thể thuyết phục được người đối thoại đã có định kiến. Nhưng Điện Biên thì khác. Ta không cần phải nói gì thêm.

Tôi có một người bạn là một chức sắc trong Bộ Giáo dục, hình như gia đình anh có người nhà bị đấu tố ở Thái Bình nên anh là người chống cộng kịch liệt. Một hôm nhân chuyện gì đó, tôi dồn anh, “Nay một tí mai một tí đến nỗi ông Bảo Đại viết sách phải than 'parfaire' nền độc lập đến 5 lần mà độc lập vẫn chưa xong. Anh có nghĩ nếu mình không đánh nhau với Tây thì nước mình có được độc lập không?” Anh im lặng một chốc rồi mới trả lời, “Không,” mặt anh đanh lại như cố giấu một cảm xúc nhẫn nhục đau đớn. Từ đó mỗi khi gặp anh, tôi cố tránh, không bao giờ nói chuyện chính trị nữa.

Trở lại câu chuyện bỏ dở ở trên. Chắc anh Huệ Chi còn nhớ anh Đàm Quang Hưng. Anh Hưng mất đã hơn năm nay, thọ 85 tuổi. Thật là người bác học, biết vô cùng rộng, từ Hán-Nôm đến Toán. Anh dậy Toán ở Đại học Cộng đồng ở Houston, thì giờ còn lại anh nghiên cứu Hán-Nôm và Truyện Kiều. Tôi biết anh chú giải Truyện Kiều rất công phu, đã hoàn thành đến độ một hai cho xuất bản, nhưng tôi không hiểu tại sao đột nhiên anh dừng lại, rồi dịch và cho in Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Hình như anh Hưng có liên lạc khá nhiều với các vị Hán-Nôm tại Việt Nam như ông Nguyễn Quảng Tuân.

Tôi hiện đang đọc cuốn hồi ký của ông Nguyễn Đăng Mạnh (NĐM). Tôi biết cuốn này đã xuất hiện trên Internet từ gần chục năm nay và nghe người ta nói nhiều về những bài xem như là nẩy lửa, thí dụ bài Hồ Chí Minh, nhưng vì đã đọc nhiều sách bio về cụ Hồ nên tôi nghĩ khó có gì mới lạ nên không kiếm. Gần đây nghe tin ông mới mất, tôi tìm đọc cho biết. Nói chung, tôi thấy NĐM viết rất hay, nói thẳng, mạnh, economie, và khi tả chân dung nhân vật, tất nhiên ai cũng ít nhiều chủ quan, nhưng NĐM khả tín. Có điều này tôi tò mò muốn biết ta bây giờ hay dùng những tiếng rất nặng hay tục (thí dụ, “thằng đểu”) nói thẳng vào mặt nhau (đồng nghiệp), đó có là thói tục bình thường không? Riêng bài Hồ Chí Minh tôi thấy NĐM rất vừa phải, kính trọng đủ và không có gì là controversial cả. Thực ra tôi thích cách viết này về cụ Hồ, một con người thật, ta có thể gần gũi được, chứ không phải một ông thánh. Tất nhiên ông cụ là một chính trị gia, phải lèo lái đất nước trong một giai đoạn rất khó khăn, không khôn ngoan đảm lược thì khó mà sống nổi và chắc chắn là đã thất bại, (cụ Hồ mà không khéo thì có khi đã chết vì tay Stalin rồi). Chương về chuyện nói xấu, chụp mũ nhau tôi không thích lắm, nhất là cách ông nói về Trần Mạnh Hảo tôi không biết gì hay có tài liệu về ông này nên không thể có ý kiến độc lập được. NĐM cho tôi hiểu thêm về một số nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài... Hồi còn đi học, tôi được thưởng cuốn Cười của Nam Cao, quý hóa lắm, sau mất hết. NĐM khiến tôi thay đổi cách nhìn ít nhất là một người: Dương Thu Hương. Thỉnh thoảng đọc bà này trên Internet, tôi thấy bà ta ăn nói bỗ bã quá, qua NĐM nay tôi có thể hiểu được, tuy nhiên tôi vẫn thấy cử chỉ DTH khi theo đoàn quân chiến thắng vào đến Sài Gòn, ngồi khóc trên vỉa hè là không thuyết phục.

Đọc NĐM bây giờ tôi biết anh Nguyên Ngọc nhiều hơn. Tôi còn nhớ mãi lần ngồi nói chuyện với anh về trận đánh ta diệt Groupement Mobile 100 của Tây, hình như tôi và anh đọc cùng một cuốn sách của Bernard Fall, và anh cho biết thêm chi tiết cuốn sách còn thiếu sót. Còn đây là từ NĐM, “... Vì Thi biết sợ. Lãnh đạo ngại nhất là thằng không biết sợ. Sai không sao, ngại nhất là thằng bướng. Thằng bướng thì phải diệt ngay (như Nguyên Ngọc chẳng hạn)... Nguyên Ngọc thì bướng, Tố Hữu thì hách, tất nhiên rất ghét nhau”. Thật economie.

Nhân đọc NĐM tôi tìm hiểu thêm về họ Nguyễn Đăng. Dòng họ này hình như khá lớn và rất thành đạt. Ở trong Nam, ông Nguyễn Đăng Thục, Mai Thảo,... là chú bác ruột của ông NĐM. Ông Nguyễn Đăng Thục, Kỹ sư Hóa học, nhưng là Giáo sư Đại học Văn khoa, Sài Gòn, chuyên về triết phương Đông. Còn Mai Thảo là nhà văn quan trọng của miền Nam, có lẽ là của cả nước ta. Tôi có thể viết dài về Mai Thảo nhưng thư đã dài, xin hẹn một ngày khác.

Mong hai anh giữ gìn sức khỏe. Hy vọng sẽ gặp lại, may ra, một hai lần nữa.

N.Đ.T.

PS. Tôi không chắc anh Huệ Chi nay dùng địa chỉ nào nên gửi đến cả hai địa chỉ

26-5-2018

Anh Nguyễn Đức Tường quý mến,

Mấy năm nay tôi vẫn rất nhớ anh. Thật ra chúng ta đã gặp nhau nhiều lần. Ngoài lần gặp với anh Nguyên Ngọc ở nhà tôi mà anh nhắc lại, còn một lần anh về giảng dạy vật lý ở ĐH trong Nam và ra Hà Nội, cùng các anh chị bên gia đình vợ tôi (vốn là bạn học cũ trước 1954) đi tìm ăn những món ăn cổ truyền Hà thành tại các phổ cổ Hà Nội để nhớ lại những hương vị thuở xưa còn lưu trong ký ức. Và cách đây chừng hai năm, còn có cuộc gặp gỡ thú vị của anh chị với chúng tôi tại nhà con gái tôi ở Malden, MA, sau một ngày ròng rã anh chị lái xe vượt chặng đường dài từ Canada sang tận Boston. Tôi vẫn đang hy vọng có thể có một dịp gặp lại anh chị ở Canada, chỉ vì từ 2015 đến nay chúng tôi được vi vu trên trời không mất tiền do con gái tôi làm ở một hãng bay Hoa Kỳ, hãng Delta, mà một quy định hình như không thành văn là bố mẹ chồng con đều được hưởng quyền đi lại free khắp mọi nơi trên thế giới bằng máy bay của hãng, tất nhiên là ở những nơi hãng đó có máy bay bay tới, mà Canada là một trong số đó. Được thăm ngôi nhà do chính bàn tay không chuyên của anh xây cất nên từ nhiều thập niên trước trên dọc con phố có hai hàng cây cổ thụ rợp bóng là một hứa hẹn đầy lãng mạn có phải không anh?

Tôi đã đọc hai bài anh gửi cho. Rất thích thú. Cả hai bài. Đặc biệt bài anh, ít chất ưu tư hoài niệm hơn nhưng lại nhiều tư cách sưu khảo của một học giả để mô tả tuy khái quát nhưng cũng đủ tường tận quá trình mấy thế kỷ đồng hóa và hội nhập có thể nói là triền miên đẫm máu trong lịch sử cả vùng đất Bắc Mỹ, kết quả sinh ra hai liên bang rộng lớn là Hoa Kỳ và Canada hiện đại ngày nay. Bài học rút ra được từ những gì trải nghiệm của anh về những vấn đề đến nay vẫn còn là nỗi đau âm ỉ - dẫu có thể đã thành sẹo - trong tâm khảm người dân vốn xuất xứ là dân bản địa và cả người dân vốn có nguồn gốc tổ tiên nhập cư từ châu Âu đến Canada và Hoa Kỳ, theo tôi là hết sức quý, cho đất nước Việt Nam hôm nay, bởi vì mấy mươi năm nay, công cuộc gọi là "dân vận" hay là cuộc "đại đoàn kết", “chung lưng đấu cật” giữa các dân tộc/sắc tộc trên mảnh đất hình chữ S, dưới sự lãnh đạo của nhà nước độc nhất đóng vai trò toàn trị này, hình như cũng để lại nhiều vết thương, nhiều tấn bi kịch không ít máu và nước mắt (tuy rất biết cách giấu đi), ở cả những vùng cao nguyên phía Bắc cũng như cao nguyên Trung phần mà sự thiệt thòi, thậm chí tan nát, bao giờ cũng thuộc về các sắc dân thiểu số. May mắn là trên các cao nguyên miền Bắc, người Kinh không kham nổi khí hậu lạnh lẽo nên việc di cư của họ tuy được khuyến khích, vẫn không đến nỗi đẩy người thiểu số đến tận những vách núi cheo leo nhất. Nhưng cuộc di cư của người Kinh lên Tây Nguyên trong mấy chục năm kể từ sau 1975 thì tôi nghĩ là một chính sách không tính toán thấu triệt, hoặc phũ phàng (nhưng cũng có thể là không cưỡng được), làm đảo lộn cuộc sống cổ truyền thậm chí đe dọa sự sống còn, phá nát văn hóa của nhiều tộc người có nền văn minh tối cổ ở đây (việc này anh Nguyên Ngọc là một chuyên gia nên tôi chỉ dám góp chút ý riêng của mình như thế chứ không dám "đánh trống qua cửa nhà sấm" – tôi nghĩ rất cần có những bộ sách lịch sử và dân tộc học chuyên sâu, khảo tả lại thật khách quan, chi tiết, cụ thể, như các nhà dân tộc học Pháp trước từng làm). Nhưng theo tôi, tính thời sự của những vấn đề anh kể lại còn là ở chỗ, cái nguy cơ xâm thực của tộc người Hán phía Bắc đối với các dân tộc láng giềng trong hàng thiên niên kỷ chưa bao giờ bị dập đi, trước mắt lại đang ngày một trở thành một hiện hữu nhức nhối cho dân tộc chúng ta, vì nó không những là bản năng đồng hóa từ ngàn xưa của một dân tộc lớn vốn là kẻ thù truyền kiếp của Bách Việt, mà nay đã trở thành chủ trương bài bản của một nhà nước độc tài không chấp nhận luật pháp quốc tế văn minh, khốn thay cái nhà nước ấy đã biết cách tự cường từ sớm để nhảy lên địa vị thứ nhì thế giới trong thời cuộc hôm nay, trong khi chính khách nước ta thì hết thế hệ này đến thế hệ khác còn mải đuổi theo những ảo vọng vô nghĩa, thậm chí lo tranh ăn với nhau, không biết nhanh chóng tìm đường ra khỏi ngõ cụt để vực toàn dân dậy, hàn gắn vết thương trầm trọng của 3 cuộc chiến tranh. Cho nên, theo cá nhân tôi, anh nói đến Điện Biên Phủ như một đại thắng để dân tộc mình có thể mở mắt với quốc tế, tự khẳng định cốt cách độc lập của mình, điều này đúng, và tôi không hề phủ nhận công lao của thế hệ HCM. Nhưng có lẽ ĐBP cũng là khởi điểm làm lộ diện cái xu thế mà dân tộc này sẽ bị đẩy vào một mối đe dọa vô cùng khủng khiếp là trở lại đối mặt với chính kẻ thù truyền kiếp hùng mạnh mà nếu với một thệ hệ lãnh đạo khác, không bị vướng víu vào hệ lụy ý thức hệ, có tầm nhìn vượt lên để tìm kiếm những mối tương giao khác, thực sự vì lợi ích quốc gia, thì có thể đã thoát ra khỏi nguy cơ này. ĐBP mang hai ý nghĩa/hệ quả khác nhau là ở chỗ ấy. Nó là nghịch lý nhưng cũng là sự thật không thể chối cãi.

Vài điều bàn góp với anh, cho vui, có gì sai xin anh chỉ giáo. Việc bài anh đăng trên báo chính thống ở nhà, tôi chắc cũng không khó, nhưng trước mắt tôi xin đề nghị anh cho đăng trên Văn Việt mà anh Nguyên Ngọc và anh Hoàng Hưng là 2 người đủ thẩm quyền, vì thế trong thư trả lời anh, tôi FW cho cả Hoàng Hưng và các bạn bên trang BVN của tôi.

Thân chúc anh vui khỏe và hẹn sớm gặp lại. Cho tôi gửi lời hỏi thăm Chị, một người phụ nữ còn giữ lại được rất nhiều phong thái người Hà Nội trước đây.

Huệ Chi

Phần II – Lời tác giả

Tôi sống ở Canada hơn nửa thế kỷ, qua hai kỷ niệm sinh nhật quan trọng: Sinh nhật 100 và 150 năm của Canada, đủ lâu để cảm nhận một cách sâu sắc và hiểu được những gì xảy ra ở chung quanh. Nhân dịp kỷ niệm Canada 150, tôi muốn viết ít dòng để ghi lại vài cảm tưởng.

Tình cờ đọc bài viết của Mary Walsh có tựa đề Điều có thể làm bạn đau lòng, cũng có tựa đề nữa là Bài ca tụng một quốc gia, từ một người dân Canada bất đắc dĩ tôi được gợi ý về tựa đề Bài mừng sinh nhật một quốc gia, từ một người dân Canada tự nguyệncho bài viết đã xong trước của tôi.

Newfoundland là tỉnh bang trẻ nhất của Canada, chỉ được (hay bị) sáp nhập vào Canada năm 1949 bởi một đa số rất khít khao, do đấy, một tình cảm cay đắng, chua xót, vẫn còn tồn đọng dai dẳng trong lòng nhiều người dân ở đây. Có lẽ chính vì lý do này mà một mảng dân Canada phản ứng lại, coi thường dân tỉnh lẻ, gọi chung họ bằng thuật ngữ thông tục Newfie. Newfie jokes, truyện khôi hài Newfie, ám chỉ truyện khôi hài nhạt nhẽo, ng ngẩn; còn dân Newfie, giản dị chỉ là truyện khôi hài!

Mary Walsh là một nữ diễn viên kịch nghệ, sinh trưởng ở Saint-John's, Newfoundland. Nhân dịp Canada 150 năm, với nụ cười Newfie, Mary Walsh viết, giễu nhẹ nhàng, không từ cả chuyện bẻ cong một tí lịch sử, cho mấy người ngồi ngất ngưởng trên ngựa xuống thấp một tí, ngang với mình để dễ bề nói chuyện.

Việt Nam và Newfoundland cùng có chút sự kiện lịch sử tương tự, bài viết của tôi có thể khiến một mảng không nhỏ người Việt trong đó có bạn bè, thân thuộc, cau mày khó chịu, còn bài của Mary Walsh cũng khiến không ít Newfoundlanders thấy lòng nhói đau. Dẫu vậy, là dân Canada tự nguyện hay bất đắc dĩ, Mary Walsh vẫn thoải mái là công dân Canada tuy cùng một lúc, niềm kiêu hãnh là một Newfoundlander cứ mãi là ngọn lửa âm ỉ cháy trong tâm hồn, không bao giờ nguội tắt.

Riêng tác giả, được đọc một bài viết đắc ý, lợi dụng tựa đề bất đắc dĩ, thay đổi một tí để gửi gắm một chút suy nghĩ của chính mình... Sau cùng, hỏi Mary Walsh để cho hai bài viết cùng được xuất hiện. – NĐT

Phần III –  Mừng sinh nhật một quốc gia, từ một người dân Canada tự nguyện

Tôi đến Canada cuối năm 1966, mấy tháng trước khi Canada chào mừng sinh nhật thứ 100 – The Centennial Year.

Con đường đưa tôi đến Canada từ Hoa Kỳ không là con đường ngắn nhất, tôi đã phải băng qua Đại Tây Dương đến hai lần. Tất nhiên cũng không là con đường nhanh nhất.

Mùa xuân năm 1965, tôi dự tính có thể học xong vào đầu hè. Một hôm, tại hội nghị về Vật lý do Hội Vật lý Hoa kỳ tổ chức tại New York, đứng xem ở bảng thông tin, tôi bắt chuyện với một nhà vật lý khác. Nghe nói tôi đến từ Việt Nam, ông có vẻ tò mò để ý, rủ tôi ra ngồi uống cà-phê. Thì ra ông là một nhà vật lý khi ấy đang nổi tiếng, Khoa trưởng một đại học ở Israel. Dịp may bất ngờ, ông hỏi về luận án của tôi, tôi bèn mở cặp đưa cho ông bài tóm tắt những gì tôi đã làm xong và hỏi thăm ông về trợ cấp của đại học. Ông gật gù đọc ngay bài tóm tắt nhưng không hứa hẹn điều gì. Ông nói sẽ đi Tokyo và ở đó đến giữa tháng 8 mới về, nếu tôi có đến Israel sớm thì nên đến ở kibbutz cho biết. Ít ra là một khuyến khích, gần như một hứa hẹn!

Để rút ngắn câu chuyện, đầu hè năm đó tôi đến Israel, đi ở kibbutz mấy tuần lễ rồi về làm việc ở Tel Aviv. Một cách gián tiếp, tôi đã sống nhờ qua mấy tiếng “bíp, bíp...” của vệ tinh Nga Sputnik chừng mươi năm trước đó; mấy tiếng kêu yếu ớt tai thường không thể nghe thấy nhưng đã đủ làm cho nước Mỹ sôi sục. Tổng thống Kennedy hứa Hoa Kỳ sẽ đưa người lên mặt trăng trước cuối thập niên và các cơ quan dân sự, quân sự Hoa Kỳ như National Research Council NRC, Navy, Air Force, ngay cả NATO, vân vân, chi tiền không kịp thở, trợ cấp cho các giáo sư đại học hay những cơ sở nghiên cứu.

Gần cuối năm học đó, tôi có nhiều chọn lựa. Tôi có thể tiếp tục ở Israel ít ra một năm nữa hay đi một nước Bắc Âu. Cả hai chọn lựa này đều hấp dẫn cho việc tiếp tục nghiên cứu học hành. Tel Aviv có bầu không khí sôi động; hơn nữa, thêm vào đó là Viện Nghiên cứu Khoa học Weizmann ở Rehovot cũng gần đấy, với những bài giảng hay thuyết trình hàng tuần khiến tôi muốn lười cũng không được. Còn Bắc Âu vốn đã nổi tiếng từ lâu nhưng thú thật, hơi xa lạ với tôi ngày ấy. Ngoài ra, bạn tôi ở Venezuela đã kiếm được job cho tôi ở Caracas, chưa kể tôi cũng có job từ Canada. Tôi chọn Canada vì nhiều lý do mà một lý do là vì tôi hiểu lầm, không biết, nếu một người Canada nghe được chắc sẽ không vui, ấy là Canada giống Mỹ, nơi tôi đã sống quen trong hơn năm năm.

Khác với chuyến bay thẳng từ New York đến Tel Aviv, chuyến bay từ Tel Aviv đến Winnipeg vòng vèo hơn một tháng, qua nhiều nước. Kể hết ký sự du lịch này đòi hỏi một bài viết dài. Đi nhiều nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn tuần lễ, tham dự hội nghị về Vật lý do NATO tài trợ ở Istanbul rồi qua Ý, Thụy Sĩ. Ở Paris, hàng ngày đi qua vườn Luxembourg thân thuộc dù chưa bao giờ đặt chân tới nơi này – một xâm nhập văn hóa qua Anatole France – học được thêm vài từ ngữ mới như Boul Mich... Ở London, nói không ai tin, tôi ở một Bed and Breakfast, được ăn sáng có cả salad! Rồi đến Winnipeg qua ngả Montreal. Ai đã ở được Winnipeg vài năm thì không còn sợ các nơi khác trong Canada, có lẽ chỉ trừ miền cực Bắc.

Ngày 1 tháng Bảy 1867 là sinh nhật của Canada. Đó không phải là một thời điểm đánh dấu sâu đậm một biến cố bạo động đẫm máu như đảo chính, cách mạng hay tuyên chiến. Sau nhiều cuộc tranh cãi, điều đình, bầu bán tại (thuộc địa) Canada và tại Anh, một dự luật cho Bắc Mỹ thuộc Anh (British North America Act – BNA Act) được soạn thảo và đệ trình lên Nữ hoàng Victoria vào ngày 11 tháng Hai 1867, được Quốc hội Anh nhanh chóng thông qua thành luật British North America Act. BNA Act được Nữ hoàng Victoria ban hành vào ngày 29 tháng Ba 1867, đồng thời ấn định ngày 1 tháng Bảy 1867 là ngày khai sinh cho Dominion of Canada, một thuộc địa tự trị. Ngày sinh nhật của Canada, vì thế, quen gọi là Dominion Day.

Như thế, Canada đã ra đời một cách khiêm tốn trong hòa bình – bởi một đạo luật cho thuộc địa mà về sau được coi như hiến pháp, chỉ Quốc hội Anh mới có quyền sửa đổi – nên hầu như không mấy người dân Canada bình thường biết chắc nước mình được độc lập từ bao giờ? So sánh với Việt Nam năm 1946, van lạy nước Pháp, xin cho được tự trị, sống hòa bình trong Liên hiệp Pháp mà không được – nước Pháp chỉ đòi giữ lại các bộ như nội vụ, tài chánh, ngoại giao và quốc phòng mà thôi. May hay rủi thật khó nói vì sự việc không xảy ra nên Việt Nam phải kinh qua một cuộc chiến tranh dài đương đại, tương tự như trận chiến Vimy Ridge mà tôi sẽ đề cập ở phần sau.

Năm 1931, Statute of Westminster được Quốc hội Anh thông qua, Canada mới thật sự trở nên một quốc gia gần như hoàn toàn độc lập. Tuy vậy, ở thời điểm này, dù sinh ra đã được hơn sáu chục năm nhưng trong nước có lẽ hãy còn nhiều người trung thành sẵn sàng chiến đấu cho Đế chếfighting for the Empire – Canada đã quyết định vẫn để Quốc hội Anh giữ việc tu chính Hiến pháp (sửa đổi BNA Act) mỗi khi Canada yêu cầu.

Đó là đất nước Canada khi tôi đặt chân đến, độc lập nhưng bên cạnh hai chữ này có thêm chữ “nhưng” hoặc dấu hoa thị dẫn đến một giải thích. Ngoài chuyện tương đối trừu tượng ấy, Canada là một nước, nói thế nào bây giờ, rất decent, rất văn minh – sẽ được giải thích thêm ở dưới.

Năm 1967, Centennial Year, Canada đã trải qua hai trận đại chiến. Đại chiến thứ Nhất, như một thuộc địa, khi Anh tuyên chiến là đã tuyên chiến cho cả Canada. Tội nghiệp cho thân phận mấy anh dân thuộc địa, trong trường hợp này, tự nhiên phải đi đỡ đạn cho mấy tay tài phiệt, vua chúa châu Âu, ria mép vuốt sáp cong vểnh lên trời, oai vệ cưỡi ngựa duyệt binh, chia nhau quyền lợi, thi nhau xem ai gáy to hơn ai (về sự lố bịch, xin đọc, thí dụ, The Guns of August của Barbara Tuchman, một cuốn sách cổ điển về Thế chiến I).

Truy tầm căn nguyên lịch sử, ta sẽ không thấy có chuyện ái quốc thiêng liêng, bảo vệ fatherland hay motherland gì ở đây mặc dù Canada khi ấy cũng có không thiếu những người gọi là trung thành (loyalist). Ở Việt Nam chừng ba chục năm sau, thập niên 1940, ngoài hai ba tờ truyện tranh kể sự tích Hai Bà Trưng, tôi còn có một tập truyện tranh Đại úy Đỗ Hữu Vị – Anh hùng Pháp-Việt, giống hệt nhau, mà tôi chắt chiu, thu thập được mỗi khi đi học, được thưởng vì làm toán đúng, được điểm 10/10. Ôi, ông Đại úy trông đẹp làm sao, đầu đội képi, quân phục bảnh bao bên cạnh chiếc máy bay đang bốc cháy. Dẫu vậy, ngay ở tuổi đó, tôi cũng không cảm thấy bị thuyết phục mặc dù đôi khi tôi vẫn quen miệng hát, “Maréchal, nous voilà, devant toi...[1]

Không bị ám ảnh bởi những chi tiết lịch sử nhàm chán ấy, đoàn quân thuộc địa Canada đã chiến đấu anh dũng, như để tô cho rõ nét hơn ngày lập quốc không mấy huy hoàng 50 năm về trước. Khó mà tìm thấy một tài liệu nói rõ ràng lý do chính tại sao toàn bộ bốn sư đoàn quân thuộc địa được giao trách nhiệm đi tiên phong tấn công Vimy Ridge, một cứ điểm quân đồng minh đã hai lần cố chiếm mà không được với thiệt hại khổng lồ, hơn một trăm nghìn người chết hay bị thương. Liệu ý nghĩ cho lính thuộc địa đi đầu để gánh bớt trách nhiệm có ít nhất hơn một lần chạy qua đầu mấy ông tướng chỉ huy của mẫu quốc không? Dẫu sao, tuy tổn thất rất nặng nề nhưng đội quân thuộc địa Canada, sau ba ngày chiến đấu, tối ngày 12 tháng Tư 1917, đã hoàn toàn kiểm soát được Vimy Ridge.

Trận đánh Vimy Ridge có thể không có tầm quan trọng chiến lược [2] nhưng nó đã định nghĩa được Canada như một quốc gia độc lập, tự tin, cho dù vẫn còn vướng mắc về Hiến pháp. Ngày đình chiến, những hy sinh lớn lao của dân Canada đã dẫn đến việc Canada không còn bị xem như một thuộc địa, được ký riêng biệt trong Hiệp ước Hòa bình.

Canada Centennial – Canada 100 Năm là lễ kỷ niệm sinh nhật dài suốt cả năm, cũng là kỷ niệm nửa thế kỷ trận chiến ở Vimy Ridge. Không còn mặc cảm của chiếc pháo lép, Dominion Day được đánh dấu bằng một đồng tiền mới do Sở Đúc tiền Hoàng gia phát hành. Centennial Flame, đuốc lửa 100 năm không bao giờ tắt, được long trọng nhóm lên vào lúc 12 giờ 1 phút sáng ngày 1 tháng Bảy 1967 tại Parliament Hill (khu Đồi Quốc hội). Centennial Train, con tàu đặc biệt trang bị những chứng tích lịch sử, chạy suốt năm băng ngang đất nước từ Tây sang Đông, rộng chừng bốn nghìn cây số (từ mỏm cực Đông sang cực Tây, chiều dài là 5514 km). Và nhiều thứ khác nữa. Tất nhiên không thể thiếu Centennial babies, những em bé sinh vào ngày 1 tháng Bảy. Một điều đáng chú ý, em bé Centennial thứ nhất là một bé gái Métis, mang hai dòng máu da trắng và da đỏ! [3].

Nhưng công trình xây dựng lớn lao và công phu nhất có lẽ là Hội chợ Triển lãm Quốc tế 1967, gọi tắt là Expo 67 tại Montreal, Quebec. Có thể nói đó là hội chợ thành công nhất thế kỷ 20. Riêng ngày thứ ba, có tới gần sáu trăm nghìn người vào xem và tổng cộng suốt chiều dài sáu tháng của hội chợ, có đến hơn năm mươi triệu đã tham dự mặc dù Metro (đường xe điện ngầm) bị đình công trong một tháng (năm 1967, dân số Canada chỉ có chừng hơn 20 triệu người). Expo 67 được thiết kế quanh chủ đề Con Người và Thế giới của Nó (Terre des Hommes – Man and His World). Terre des Hommes là cuốn hồi ký xuất bản năm 1939 của nhà văn phi công Saint-Exupéry, trong đó tác giả bày tỏ nhiều suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc của ông về những giấc mơ, những hy vọng vào tương lai cùng giới hạn và liên hệ giữa con người với thế giới của anh ta. Nhìn ra thế giới chung quanh để cảm nhận được sự đơn độc của bản thân và đồng loại, từ đấy anh ta thấy được sự cần thiết của tinh thần tương trợ và đoàn kết. Song song với những suy nghĩ này là kiến trúc và những khám phá/sáng tạo tân kỳ của thời đại được trưng bày ở triển lãm. Ngày khai mạc, người tham dự làm sao có thể quên không chiêm ngưỡng và bình phẩm những chiếc váy ngắn mini-skirt mới được phát minh của những cô chiêu đãi người Anh trong gian hàng Anh Quốc!

Từ Winnipeg đến Montreal, đường bộ dài chừng hai nghìn rưởi cây số, tôi và một người bạn lúc đầu định lái xe đi nhưng phải bỏ ý định này vì mất quá nhiều thì giờ. Nói là đi họp Vật lý ở Đại học McGill nhưng ai cũng thừa biết mục đích chính là đi thăm Expo 67. Không lái xe là một quyết định thông minh vì Metro của Montreal mới khánh thành, vừa kịp cho Expo, hiện đại, chạy trên bánh cao-su êm ái, rất đẹp và rất tiện, hàng ngày chúng tôi có thể di chuyển nhanh chóng giữa McGill và Expo.

Sau những khó khăn ban đầu, Expo đã sẵn sàng trước ngày khai mạc, được hầu như toàn dân Canada trìu mến. Nếu Vimy Ridge đem đến cho Canada một ý niệm về sức mạnh tay chân thì Expo 67 đã biểu lộ sức mạnh não bộ, cả hai cùng kết hợp để đánh dấu một ý niệm quốc gia mới, thống nhất chưa từng thấy, một niềm tự tin đầy kiêu hãnh. Có thể coi đó là bước ngoặt lịch sử của một đất nước gồm nhiều sắc tộc, văn hóa, cũng là căn nguyên tiềm tàng của xung đột và va chạm nhưng đủ sức vượt qua được những thử thách nhất thời. Một thí dụ cụ thể: khi ông Tổng thống vị kỷ, tự cao, tự đại, đến thăm Canada và Expo 67, vị thượng khách Tổng thống De Gaulle đã bất chấp mọi nghi thức xã giao, hô to khẩu hiệu khiêu khích ở Montreal, “Vive Montréal... Vive le Québec... Vive le Québec...libre!” Chữ “libre” sau cùng được phóng ra sau một quãng nghỉ ngắn với một thong thả ấn tượng, chỉ De Gaulle mới có (tình cờ mấy dòng này được viết đúng ngày hôm nay, 24 tháng Bảy, được xem mấy đài truyền hình chiếu lại mẩu thời sự 50 năm về trước). Chúng tôi đã có quá đủ vấn đề và không cần ai giải phóng, thank you!

Tôi thuê xe lái đi thăm Ottawa, thành phố thủ đô. Ottawa là một thành phố chính phủ và công chức, 6 giờ chiều phố xá đã vắng vẻ nhưng đó là một thành phố yên ổn, sạch sẽ; sông ngòi, kênh đào vắt ngang dọc, hữu tình, chờ được phát triển thêm. National Arts Centre, trung tâm cho nghệ thuật trình diễn là một dự án xây cất lớn, đắt tiền cho Canada 100 Năm, khi ấy hãy còn là cái hố sâu rộng lớn. Trung tâm trông ra kênh đào trước mặt, có tiệm ăn sang trọng, thơ mộng; mãi đến năm 1969 mới có buổi hòa nhạc khánh thành đầu tiên.

Tuy đã hơn hai mươi năm sau chiến tranh, thành phố vẫn còn đầy những căn nhà gỗ sơn trắng xây tạm thời cho Thế chiến II còn sót lại, nhất là ở khu tòa án và tòa đô chính ngày nay, nghĩa là sẽ còn tồn tại thêm nhiều năm nữa. Điều khiến tôi yêu ngay Ottawa là ở bên kia bờ sông thuộc Gatineau, tỉnh bang Quebec, có con đường chỉ với hai làn đường cho xe cộ lưu thông hai chiều, lòng đường rợp bóng hai hàng cây cổ thụ cao vút, xum xuê lá, bên vệ đường là những sân cỏ chơi golf. Lái xe trên con đường thôn dã dài hun hút này, tôi quyết định một ngày nào đó, có việc làm, sẽ đến sống ở khu này. Vài năm sau, tôi đã có cơ may thực hiện được giấc mộng nhỏ nhoi ấy.

Những năm đầu sống ở Canada, tôi được chứng kiến những phát triển lành mạnh của một xã hội nhân đạo. Một sắc tộc Canada mới – a new Canadian identity – hình thành với những ý niệm cởi mở như chấp nhận song ngữ chính thức (tiếng Anh và tiếng Pháp, tiếng nói của hai sắc dân chính xây dựng Canada đương đại – về chuyện này ta còn thêm nhiều ở dưới) và thành lập cơ sở chính thức cho tổ chức đa văn hóa, những chương trình dân chủ xã hội như Bảo hiểm y tế (Medicare), chế độ hưu bổng (Canada Pension Plan) vân vân. Đó là những chương trình dân sinh có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đến các thế hệ tương lai. Medicare của Canada universal, cho phép tất cả công dân Canada đều có bảo hiểm y tế như nhau trên nguyên tắc. Ngày tôi mới đến Ottawa, bạn đồng nghiệp giới thiệu cho tôi một Bác sĩ, nói thêm ông này là Bác sĩ riêng của Thủ tướng Pearson. Khi luật Medicare mới ban hành, thủ tục thanh toán y phí khá phiền phức vì Bác sĩ có quyền không tham dự chương trình mà thu tiền trực tiếp từ bệnh nhân rồi bệnh nhân sẽ được Chính phủ bồi hoàn. Bác sĩ của tôi cũng như vậy, tôi đến ông vài lần rồi đổi Bác sĩ khác. Ngày nay, chắc không còn Bác sĩ nào ngoài hệ thống nữa.

Khi tôi đến Canada, Thủ tướng Lester B Pearson hãy còn tại vị. Ông là viên chức trách nhiệm đa số những chương trình quan trọng kể trên. Được chừng một năm, ông về hưu, người kế nhiệm ông là Bộ trưởng Tư pháp Pierre Trudeau. Tôi sống ở đây chưa đủ lâu để được cầm lá phiếu đi bầu cho ông Trudeau trong nhiệm kỳ đầu nhưng được nhìn thấy ông một tay cắp dưới nách Justin Trudeau đi thăm viếng chính thức Cuba. Justin là con trai đầu lòng của ông, thủ tướng Canada tương lai hơn 40 năm sau.

Pierre Trudeau làm Thủ tướng tổng cộng hơn 15 năm, một trong những người giữ chức Thủ tướng lâu năm nhất. Ông có nhiều phẩm tính cao, một nhà trí thức nặng ký nhưng đồng thời tiếng tăm của ông như một rock star còn lừng lẫy nhiều hơn thế. Kể hết câu chuyện về ông ở đây có lẽ sẽ đi quá xa và cần nhiều giấy mực. Nhưng có thể nói việc làm quan trọng và có tính cách tượng trưng nhất của Pierre Trudeau là sự thành công trong việc hồi hương Hiến pháp từ Anh Quốc. Ta còn nhớ đạo luật BNA Act thiết lập Dominion of Canada của Anh, được coi là Hiến pháp của Canada; vì vậy, mỗi lần Canada muốn tu chính Hiến pháp là mỗi lần Quốc hội Anh phải sửa đổi BNA Act – một hiện trạng vô cùng nghịch mắt, không hợp lý và phiền phức đối với một quốc gia độc lập. Năm 1982, việc hồi hương Hiến pháp được thực hiện bởi Quốc hội Anh với sự đồng ý của Quốc hội Canada, thông qua đạo luật Canada Act, 1982, bao gồm Constitution Act, 1982 trong đó Vương quốc Anh từ bỏ mọi trách nhiệm hay quyền lực pháp lý trên Canada, British North America Act 1867 (BNA Act) nay đổi tên là Constitution Act, 1867, cùng tất cả những luật liên quan sau đó.

Ngày 17 tháng Tư 1982, trong một buổi lễ long trọng tại Parliament Hill ở Ottawa, Nữ hoàng Elisabeth II đã ký công bố Hiến pháp mới của Canada trong đó, ngoài những đạo luật cũ còn có thêm Hiến chương Canada về Nhân quyền và Tự do (Canadian Charter of Rights and Freedoms). Với Hiến chương, quyền công dân ghi rõ trong Hiến pháp mới đã thay đổi một cách sâu sắc luật Hiến pháp vẫn được áp dụng từ trước đến nay. Kể từ ngày ấy, việc tu chính Hiến pháp, khi cần, sẽ được thực hiện ngay tại Canada, tuy bây giờ có lẽ khó khăn nhiều hơn trước bởi vì nó không chỉ giản dị là thông qua một đạo luật ở Quốc hội. Và cũng từ đây, Dominion Day đổi tên thành Canada Day.

Thủ tướng Pierre Trudeau thông minh, sắc cạnh, là một người trí thức, không phô trương nhưng cũng không dễ chịu đựng mấy người đầu đặc (suffer fools gladly). Ông là tác giả của nhiều bon mots, nhiều câu đáng trích dẫn. Năm 1970, nhóm khủng bố Mặt trận Giải phóng Quebec (Front de Libération du Québec) bắt cóc Cao ủy thương mại James Cross của Anh, bắt cóc và giết Bộ trưởng Lao động Pierre Laporte của Quebec. Chính phủ Quebec kêu cứu Chính phủ trung ương, xin can thiệp. (Nhớ lại Vive le Québec libre! ở trên). Trudeau quyết định dùng War Measures Act, một đạo luật được ban hành từ Thế chiến I, hiếm khi dùng đến, cho phép Chính phủ bắt giam công dân không cần nêu tội trạng hay xét xử. Tất nhiên, suốt cả tuần tranh luận sôi nổi, gay gắt ở Quốc hội, một số nghị sĩ đối lập, có lẽ trong tâm cũng đồng ý nhưng phản đối lấy điểm mà không sợ bị hề hấn gì, gọi ông bằng đủ mọi thứ tên: phát-xít, Nazi, độc tài, vân vân. Cuối cùng, hết chịu nổi, Trudeau nói thẳng: Ra khỏi Parliament Hill 50 thước, quý vị không là ai cả! (you are just nobodies).

Cá tính mạnh mẽ của Trudeau, coi thường đối thủ có khi đến độ khinh miệt, không thỏa hiệp, nhất là về nguyên tắc như sự vẹn toàn và thống nhất của Canada, ngay cả khi ông đã hồi hưu, khiến ông nổi bật; nhiều người thương ông nhưng cũng không thiếu người ghét ông. Người ghét ông, thậm chí đến bây giờ, có lẽ vẫn còn thù lây đến cả con ông, Thủ tướng đương kim Justin. Thương hay ghét, thời gian trôi qua, những gì tiêu cực sẽ lùi xa vào dĩ vãng, ông thực sự là một trong những người được ngưỡng mộ và kính trọng nhất. Người ta chỉ còn nhớ một Trudeau với tình yêu đất nước sâu sắc, đã đem lại niềm tự hào cho Canada vì tự nó chứ không phải vì đến từ Khối Thịnh vượng chung Anh Quốc. Ngày 28 tháng 9 năm 2000, Pierre Elliott Trudeau, Thủ tướng thứ 15 của Canada, qua đời. Nhiều nguyên thủ quốc gia đến đưa tiễn, Canada thương tiếc vị cố Thủ tướng có tầm nhìn xa, rộng, như chưa từng bao giờ thương tiếc một chính trị gia nào đến thế.

Năm nay, 2017, Canada ăn mừng sinh nhật thứ 150. Tất nhiên Canada không trẻ trung như vậy. Cao điểm của thời kỳ băng hà, hơn 30.000 năm trước công nguyên, eo biển Bering nông hơn mực nước biển ngày nay đến cả trăm thước, đã có một dải đất rộng cả nghìn cây số gọi là Beringia, làm thành một chiếc cầu nối liền hai châu Á-Mỹ. Những con người tiền sử, vì nhu cầu sinh tồn phải đuổi theo những con mồi, đã băng qua vùng đất nổi đó đến Bắc Mỹ, không biết rằng họ đã đến một châu lục mới. Sau khi đến Alaska, một vùng không là băng đá vì ít tuyết, họ có thể sống tạm ở đây và phải chờ hàng nghìn năm nữa cho băng hà tan để chuyển về phía Đông, vào Canada và xuống phía Nam. Trước năm 12.000 trước công nguyên, đã thấy các chứng tích chứng minh rằng họ đã tới bang New Mexico ngày nay.

Thế nào chăng nữa, 10.000 năm trước công nguyên, đời sống Bắc Mỹ đã phát triển, cư dân sống rải rác. Khi những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến, Canada đã không còn là một vùng đất hoang mà là một xã hội có tổ chức. Mười nghìn năm trước công nguyên, cư dân sống trên châu lục Bắc Mỹ, tuy mật độ thấp nhưng họ đã là con người hiện đại – homo sapiens. Sinh sống trong một lãnh thổ rộng lớn và phải thích nghi với nhiều môi trường khác nhau nên phong tục và văn hóa của dân bản địa rất đa dạng. Khí giới của họ vào thời điểm này đã tinh vi, cho phép họ săn những con thú lớn, như ở phía Bắc người Inuit săn bắt hải cẩu, hải mã và cá voi; họ cũng săn tìm cả caribou (tuần hương). Trên bờ biển phía tây, người ta săn hươu, gấu và beaver (hải ly). Họ cũng đánh cá. Hầu hết các bộ lạc đã khéo léo kết hợp săn bắt, hái lượm, trồng trọt ngô, các loại đậu, bầu bí, hạt hướng dương và những sản phẩm khác để có đủ lương thực.

Họ có một đời sống tương đối ổn định, bớt di chuyển, con cái cai sữa muộn. Thông thường, phụ nữ đảm đương việc trồng trọt và phân phối thức ăn; đàn ông thì đi săn bắn hay lo việc chiến tranh. Nhìn chung, xã hội của dân bản địa Canada gắn bó chặt chẽ với đất đai. Việc tìm hiểu thiên nhiên và các hiện tượng tự nhiên đã góp phần tạo nên tín ngưỡng của họ.

Nhưng Canada (và Bắc Mỹ) bị lãng quên cho đến tận cuối thế kỷ 15, khi dân châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh, bắt đầu tràn vào Tân Thế giới. Thành phần những cư dân này phức tạp, có nhiều lý do khiến họ đến đây nhưng mục đích chính là đi tìm đất mới, để kiếm miếng ăn và làm giàu.

Nhìn qua khía cạnh nhân chủng học, có thể nói lịch sử thế giới đương đại là kết quả tất nhiên của những cuộc gặp gỡ/đụng chạm giữa những nhóm chủng tộc lớn của các châu Á, Âu và Mỹ. Những xung đột này, vì nhiều lý do, người ta khoác lên chúng những mỹ từ cao thượng nhưng thực chất của chúng luôn luôn bị chi phối bởi bản năng sinh vật nguyên sơ cùng những hệ lụy của nó: săn bắt, bá quyền, sở hữu, tham lam.

Ba nhóm chủng tộc này, trong nhiều thiên niên kỷ, đã phát triển hầu như hoàn toàn riêng biệt và độc lập với nhau. Hai nhóm chủng tộc Á và Âu phát triển đồng thời, tuy theo đường hướng khác nhau nhưng đã rất tiên tiến; châu Á nghiêng nhiều về tinh thần trong khi châu Âu, có lẽ vì cạnh tranh nội tại cam go và theo bản năng tự nhiên, nghiêng nhiều về công nghệ, rất hữu ích khi lâm chiến.

Nhóm chủng tộc Á đụng độ với nhóm chủng tộc Âu trong thế kỷ 18 và 19, từng chịu thất thế nhục nhã trong nhất thời. Vốn có một cấu trúc xã hội và nền tảng trí tuệ vững chãi, họ chỉ cần không đầy một thế kỷ đã lấy lại được sự cân bằng cần thiết giữa đôi bên một cách tương đối như ta thấy ngày nay.

Nhóm chủng tộc Mỹ, trẻ nhất trong bộ ba, tuy đã để lại những dấu tích của một nền văn minh đáng kể ở nhiều nơi nhưng sinh sau đẻ muộn, phần lớn mới thoát khỏi thời kỳ du mục, cấu trúc xã hội chưa đủ vững chãi, những thị tộc/bộ lạc của họ chưa đạt được khối lượng quyết định nhằm chống trả các đe dọa đến từ bên ngoài để tồn tại. Thế kỷ 16, khi bắt đầu tiếp xúc với nhóm chủng tộc Âu, họ chưa sẵn sàng trước những thử thách mới. Thời gian đầu tương đối thân thiện, trao đổi khá sòng phẳng, dân bản địa cũng cộng tác giúp đỡ người mới nhập cư thích nghi dễ dàng với hoàn cảnh.

Những cư dân đầu tiên đến châu lục này lẽ tự nhiên nhận mảnh đất hoang vu dưới chân họ là của họ; những người đến sau cũng là lẽ tự nhiên tìm cách chia cắt/chiếm đoạt, nếu có thể. Dần dà, khuynh hướng chi phối tiềm ẩn bên trong bản năng sinh vật đặc biệt nơi con người đã lấn lướt, để lộ tính cách thực dân thủ đoạn và mưu mẹo. Thâm ý của nhóm chủng tộc Âu tại Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) bấy giờ là cưỡng chiếm đất đai bằng cách này hay cách khác, xấu hay tốt, nhẹ nhàng hay bạo lực. Họ sẵn sàng ký khế ước/thỏa hiệp với dân bản địa nhưng có lẽ chính họ ngầm nuôi ý định không tuân thủ, mở màn một cuộc đụng độ dai dẳng, không cân xứng trong tình thế dân bản địa không phải là đối thủ. Gần bốn trăm năm phải đương cự với sức mạnh “xâm thực” hung hãn của khối người đến sau, dân số bản địa bị giảm thiểu tới mức độ kinh hoàng, nhiều nơi gần như tuyệt diệt. Họ chết vì nhiều nguyên nhân, ngoài thiên tai, không ít vì bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh đậu mùa do khách phương xa mang đến và do cả phương cách điều trị cố tình sai trái [4].

Nhóm chủng tộc Âu gồm nhiều sắc tộc, ngay khi họ còn vướng mắc cuộc chiến tranh cách mạng dựng nước giành độc lập hay còn đang cố chiếm thêm đất đai, tranh giành quyền bá chủ với nhau, họ cũng đã thừa biết rằng đối thủ chung của họ là dân bản địa ở châu lục mới, con mồi đã bị thương nằm thoi thóp. Giữa thế kỷ 18, Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) đã hoàn toàn bị chinh phục về mọi phương diện cho dù đây đó còn có những xung đột lẻ tẻ. Tuy không hội ý với nhau, nhóm chủng tộc Âu đã cùng đi đến một kết luận mới, một kết luận oan nghiệt không chỉ đơn thuần chinh phục mà là đồng hóa.

Sau cuộc chiến tranh cách mạng từ mười ba thuộc địa chống lại nước Anh và thành lập Hoa Kỳ, Tổng thống George Washington và Henry Knox đã nảy ra ý tưởng đồng hóa người Mỹ bản địa trở thành công dân Mỹ bằng cách “văn minh hóa” họ [5]. Từ đó, sự đồng hóa (tự nguyện hay bắt buộc) đã trở thành một chính sách nhất quán của chính quyền Mỹ qua các thời đại, duy có “văn minh hóa” thì hầu như bị bỏ quên. Ngay trong những điều kiện tốt đẹp nhất, đồng hóa cả một chủng tộc đã là một thảm kịch, nay trong hệ tư tưởng mới của dân tộc Mỹ về “số mệnh hiển nhiên” – manifest destiny [6] – (ngôn ngữ thời thượng là “không thể chối cãi”) thì số mệnh hiển nhiên được an bài của dân bản địa Mỹ là máu và nước mắt. Đất đai, nhà cửa, văn hóa, ngay cả đời sống của họ, có hiệp ước hay không, tất cả mọi thứ đều bị đánh cướp hết.

Một thí dụ tiêu biểu, năm 1830, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Di chuyển dân Da đỏ – Indian Removal Act, Tổng thống Andrew Jackson đã ra lệnh cho di chuyển dân Mỹ bản địa từ đất của họ đến các vùng đất phía tây sông Mississippi. Trên nguyên tắc, di chuyển là tự nguyện nhưng sự việc như đã xẩy ra là một cuộc thanh lọc sắc tộc của nhiều bộ tộc (trong đó có năm bộ tộc gọi là văn minh, i.e. bộ tộc có nhiều thuộc tính của văn hóa thực dân; văn minh cũng không cứu được họ) bị bắt buộc bước vào những hành trình di cư tàn bạo được biết đến là “Đường mòn Nước mắt” – The Trail of Tears. Khi có luật khi không, cưỡng chiếm đất đai hay thẳng tay tàn sát là những sự việc đã xẩy ra trong nhiệm kỳ của nhiều đời Tổng thống.

Công cuộc đồng hóa ở Canada không đẫm máu đến như vậy. Năm 1876, Quốc hội Canada thông qua đạo luật Dân bản địa [7] (Indian Act – Indian: Da đỏ, chữ dùng trong những tài liệu luật pháp chỉ chung người dân bản địa) thống nhất tất cả các luật khác liên quan đến thành phần này được ban hành từ trước, dựa trên quy định của Đạo luật Hiến pháp 1867 – Constitutional Act 1867, hệ thống hóa các quyền lợi hứa hẹn dành cho dân bản địa bởi vua George III trong Tuyên ngôn Hoàng gia 1763 – Royal Proclamation 1763.

Tuyên ngôn Hoàng gia 1763 chính thức tuyên bố chủ quyền trên khắp bầu trời Bắc Mỹ đã được trao cho George III sau khi Anh thắng Cuộc chiến Bảy năm. Tuy nhiên, tuyên ngôn cũng khẳng định rõ quyền sở hữu của dân bản địa đã tồn tại sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, và rằng tất cả đất đai sẽ được coi là đất của dân bản địa cho đến khi có sự chuyển nhượng bằng hiệp ước [8], (và như vậy, hầu hết đất đai thuộc về dân bản địa).

Tất nhiên tuyên ngôn hết hiệu lực trên lãnh thổ Hoa Kỳ khi nước này tuyên bố độc lập, còn ở Canada, tuyên ngôn có thể là lý do của nhiều tu chính cho Đạo luật Dân bản địa. Đạo luật đã được tu chính hơn hai mươi lần kể từ khi được thông qua năm 1876, ngày nay chủ yếu giữ hình dạng lúc ban đầu và cùng với những tu chính, vẫn còn hiệu lực.

Đạo luật Dân bản địa phản ảnh lịch sử lâu dài của chính sách đồng hóa có ý định chấm dứt những khác biệt đặc thù về văn hóa, xã hội, kinh tế, và chính trị của các dân tộc bản địa bằng cách cố hấp thụ họ vào cuộc sống bình thường và các giá trị Canada, qua một quá trình gọi là quyền bỏ phiếu – enfranchisement. Quyền bỏ phiếu khá phức tạp, được xác định và sửa đổi minh bạch theo thời gian (thí dụ, biết đọc và viết tiếng Anh), và chỉ bị hủy bỏ vào năm 1985 bởi một tu chính án.

Đạo luật Dân bản địa không là một mẫu mực cho đức từ bi nhưng có lẽ chính nhờ nó mà người dân bản địa Canada không bị thẳng tay tiêu diệt, chịu chung số phận của dân bản địa Mỹ vì dù sao, luật là luật, và luật này được Hiến pháp bảo vệ. Mặt khác, dù là luật Hiến pháp, luật cũng chỉ là một mảnh giấy do con người soạn ra nên con người có thể thay đổi. Như chiếc vòng kim cô, khi thắt chặt khi nới rộng, những tu chính án cho Đạo luật Dân bản địa thường xiết chặt thêm cho đến gần hết thế kỷ 20.

Tu chính án 1884 bắt buộc trẻ con bản địa từ 7 đến 16 tuổi phải đến trường học nhưng vì không phải reserve (nơi sống dành riêng cho) dân bản địa nào cũng lớn đủ để có trường học, thành ra trẻ con phải đến một loại trường học đặc biệt dành cho chúng. Tháng 1 năm 1879, Sir John A. Macdonald, Thủ tướng đầu tiên của Canada, ủy nhiệm Nicholas Davin làm một báo cáo về hệ thống trường nội trú công nghiệp cho trẻ con bản địa Hoa Kỳ. Sau hai tháng tham khảo ý kiến các quan chức Chính phủ và nhà thờ ở Winnipeg, cùng với cuộc viếng thăm một trường công nghiệp ở Minnesota, ngày 14 Tháng 3 năm 1879, Davin đệ trình báo cáo lên Chính phủ và báo cáo được chấp nhận. Báo cáo Davin đề nghị cho trẻ con bản địa sống biệt lập trong trường nội trú, một hình thức hợp tác giữa Chính phủ và Nhà thờ để thực hiện chính sách “khai hóa tích cực aggressive civilisation, giống như chính sách của Tổng thống Hoa kỳ Ulysses S. Grant. Trường nội trú – residential schools của Canada chính thức ra đời [9].

Từ đầu thập niên 1880, hệ thống trường nội trú được thành lập tương đối quy củ trên khắp Canada, Chính phủ tài trợ nhưng các Nhà thờ điều hành, phần lớn là Nhà thờ Công giáo La Mã. Theo Thủ tướng Macdonald, “Mục tiêu lớn pháp luật của chúng ta nhắm tới là hủy bỏ hệ thống bộ lạc và đồng hóa dân bản địa về mọi phương diện với các cư dân khác trong lãnh thổ để họ nhanh chóng thích ứng với khả năng của họ”.

Dân bản địa chống lại hệ thống giáo dục này trong suốt thời gian các trường nội trú hoạt động kéo dài hơn một trăm năm; vào giai đoạn tột đỉnh, có đến 80 trường cùng hoạt động và trường cuối cùng chỉ đóng cửa vào năm 1996. Cơ quan chức năng lùng bắt con em của dân bản địa, đưa chúng đến các trường cách xa cộng đồng để ngăn chặn sự tiếp xúc thường xuyên, tách trẻ con khỏi gia đình trong một thời gian dài. Theo Tu chính án 1920 của Đạo luật Dân bản địa, trẻ con bản địa không đến trường nội trú là bất hợp pháp.

Trong trường nội trú, học sinh sống kỷ luật như trong quân đội, tuân theo một thời khóa biểu nghiêm ngặt, bắt buộc phải nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, cấm không được dùng ngôn ngữ riêng hay tích cực thể hiện truyền thống của dân bản địa, vi phạm những quy luật này sẽ bị trừng phạt. Học sinh mặc đồng phục, tóc cắt ngắn; nam nữ riêng biệt, ngay cả đến anh chị em ruột cũng hiếm khi được gặp nhau, thường chỉ vẫy nhau trong phòng ăn.

Thiếu sự săn sóc của gia đình, lớn lên, học sinh thiếu hoàn toàn kiến thức và kỹ năng nuôi dưỡng của dòng tộc. Chúng lạc lõng trong cả hai môi trường, cộng đồng gốc và xã hội Canada. Vì mục đích của Chính phủ và Nhà thờ là xóa bỏ tất cả các khía cạnh của văn hóa thổ dân ở trẻ nhỏ nên hậu quả của chính sách này đã làm gián đoạn, thậm chí cắt đứt sự dẫn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh hưởng sâu rộng của các trường nội trú ngày nay vẫn còn tiếp tục tác động nặng nề trên các cộng đồng bản địa, đưa tới một tỷ lệ rất cao những trường hợp bị rối loạn tâm thần do hậu chấn, (PTSD post-traumatic stress disorder), tình trạng nghiện rượu, lạm dụng thuốc xái và tự tử.

Thêm nữa, sinh hoạt trong trường nội trú, do ngân sách thiếu hụt, luôn luôn ở trong tình trạng quá tải: nơi ở đông đúc, ăn uống không đầy đủ, thiếu vệ sinh, sưởi không đủ ấm. Điều kiện sinh sống tồi tệ cộng với thiếu chăm sóc y tế khiến bệnh truyền nhiễm dễ lây lan ở mức độ rộng; có một trường học báo cáo tỷ lệ tử vong lên tới 69%. Ấy là chưa nói tới tệ nạn lạm dụng khủng khiếp trong tay các nhân viên của nhà trường về thể lý, tình dục, trẻ bị ngược đãi, đánh đập, ảnh hưởng lâu dài đến sự hình thành nhân cách của chúng khi lớn lên. Đó là một số những lý do khiến nhiều trẻ con bỏ trốn; nếu may mắn bị bắt lại ngay thì chỉ phải chịu đựng hình phạt, nếu không, chúng có thể gặp nhiều rủi ro hơn, có thể bị tai nạn, chấn thương, nhiều khi đưa đến chết chóc. Những chuyện này xảy ra khá thường nhưng chỉ được nhà chức trách cứu xét lấy lệ, không dấy lên được tiếng kêu cứu trong một xã hội Canada lãnh đạm.

Cho đến năm 1967, tạp chí Maclean trong một truyện chạy tít ở trang bìa, đã tường thuật cái chết đơn độc, bi thảm bên cạnh đường xe lửa của một đứa bé bản địa 12 tuổi, Chanie Wenjack, bỏ trốn khỏi trường nội trú ở miền bắc Ontario. Nó chết vì đói và rét, trong túi chỉ vỏn vẹn có sáu que diêm được giữ khô trong một cái lọ kín. Nó muốn đi về với bố nó ở cách xa hơn 600 cây số...

Qua những thông tin chi tiết trong suốt thế kỷ 20 về sự ngược đãi học trò nội trú cùng các tệ hại khác của hệ thống trường này, Chính phủ Canada bắt buộc phải nhìn nhận sự thật và hành động để thay đổi chính sách, từ đồng hóa sang hội nhập, thí dụ cụ thể hơn, là cho trẻ con bản địa theo học chương trình của các trường công lập thay vì trường nội trú.

Hơn một trăm năm trong chế độ trường nội trú, chừng 150.000 trẻ con bản địa, tương đương khoảng 30%, đã bị đưa vào hệ thống, trong số đó, chừng 6.000 đứa đã chết nhưng người ta ước tính con số tử vong thật còn cao hơn nhiều, ít nhất là 20.000 do sổ sách ghi chép luộm thuộm. Nhưng quan trọng hơn thế, ngoài những trói buộc xã hội khác, hơn một trăm năm trường nội trú đã tạo nên những thế hệ bản địa què quặt nối tiếp nhau, trong thực tế tuy không đẫm máu nhưng chúng ta cũng đã thành công hệt như người Mỹ – hay nói tóm tắt như một ông bạn tôi, nhân nói về cách cư xử giống nhau đối với dân nhược tiểu của các thứ thực dân Anh, Pháp, hay Mỹ, “tiện tay diệt chủng luôn cho gọn (nhìn dân Da Đỏ ở Mỹ và Canada)”.

Những đường nét chính của lịch sử thật vô cùng giản dị, như trên đã nói, nếu nhìn theo khía cạnh nhân chủng học, nhất là khi ta nhìn vào cuộc gặp gỡ của hai nhóm chủng tộc Âu-Mỹ phát triển rất chênh lệch như ở Bắc Mỹ, kết quả thật hiển nhiên, tầm thường, vô cảm. Vấn đề đạo đức không đặt ra vì động lực thúc đẩy thâm sâu nhất vẫn là bản năng sinh vật nguyên sơ cùng những hệ lụy của nó: săn bắt, bá quyền, sở hữu, tham lam.

Nếu là hai đàn khỉ thì có lẽ thế là xong. Nhưng sinh vật đây là con người; trên con đường tiến hóa, đâu đó anh ta nhặt được nụ cười rồi biết cách suy luận. Anh ta không thể mãi mãi đánh bài vô cảm, bỏ qua vấn đề đạo đức vì nay đã biết phải trái. Mặc dù bản năng nguyên sơ vẫn luôn luôn tồn tại và rất mạnh nhưng hành động của anh ta đã bị hạn chế khá nhiều.

Nếu là Hoa Kỳ thì sau khi làm cách mạng giành độc lập, xua đuổi được đám thực dân chiếm đóng thuộc địa, anh ta giữ vững tư duy không chấp nhận chế độ thuộc địa. Dẫu vậy, bài học lý tưởng đó cũng không giúp nổi dân Phi Luật Tân tránh được nửa thế kỷ là thuộc địa bị khai thác, hay không những không giúp giải phóng Việt Nam thoát khỏi chế độ thuộc địa mà còn tiếp tay thực dân cố chiếm lại thuộc địa.

Hoa Kỳ là quốc gia may mắn có được những nhà lãnh đạo lập quốc có tầm nhìn xa rộng, thiết lập được một cơ chế hành chánh và pháp lý gần như hoàn hảo để bảo vệ nền dân chủ. Thế nhưng nhìn vào mục đích bảo vệ quyền lợi của người dân thì mặc dù Hoa Kỳ đã trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu, ngày nay vẫn còn nhiều vấn đề. Riêng đối với người dân bản địa, chỉ cần đọc bài diễn văn của Tù trưởng Seattle [10] khi ký Hiệp ước 1854, ta sẽ hiểu là vấn đề đã được giải quyết từ năm 1854, một lần và mãi mãi cho tương lai. Người dân bản địa đã có reserves, chỗ sống riêng của họ, họ sẽ không bao giờ còn là đối thủ mà chỉ là một điều “hơi bất tiện” cho dân nhập cư mới đến, mang nặng bản năng sinh vật trong tâm thế.

Ta đã thấy số phận của người dân bản địa Canada, về đại thể, không khác gì số phận của người dân bản địa Hoa Kỳ nhưng họ may mắn hơn, tại vì tuy Canada có diện tích lớn nhất nhì thế giới nhưng vẫn là một nước nhỏ về phương diện dân số, ít có tư tưởng bá quyền, do đó kém khắc nghiệt. Hay cũng có thể chỉ vì người dân nói chung, tuy thuộc cùng một nhóm chủng tộc lớn như dân nhập cư Mỹ nhưng lại thường tự xưng là họ khác. Hơn hay kém, tốt hay xấu, đó là điểm để tranh cãi, nhưng chúng tôi khác.

Như nói ở đoạn đầu, sống ở Canada được ít lâu, tôi nhận thấy đây là một đất nước rất văn minh, decent; decent như chữ dùng của Giáo sư A. Grothendieck mà tôi đọc được ở đâu đó [11]. Một nhận xét mơ hồ, nhưng dần dà qua tiếp cận với người xung quanh, qua báo chí sách vở, một vài điểm cụ thể thành hình. Thí dụ vấn đề dân bản địa, đó không phải chỉ là một điều “hơi bất tiện”, đối với Canada đó là cả một vấn đề nhức nhối, đủ để một lúc có thể nẩy sinh ra Truth and Reconciliation Commission Ủy ban Sự thật và Hòa giải.

Ủy ban này khác với những ủy ban khác ở chỗ nó là hậu quả của một dàn xếp tố tụng nên có phần miễn cưỡng, thí dụ Newfoundland và Labrador không thuộc Canada trước năm 1949. Sau sáu năm điều tra, Ủy ban đã công bố một bản báo cáo gồm nhiều tập, dày hơn bốn nghìn trang, về thảm họa của trường nội trú và của dân bản địa, đã đưa ra 94 điều khuyến nghị Calls to Action [12]. Thi hành những khuyến nghị không bao giờ dễ dàng mà hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí và sự can đảm của Chính phủ đương nhiệm. Đã có biết bao nhiêu báo cáo của những ủy ban đặc nhiệm (Royal Commission), tốn nhiều công của để điều tra về một vấn đề nào đó và sau cùng cho thấy chỉ có công dụng để hứng bụi, ngồi trang điểm kệ sách. Tất cả chỉ vì đây là một nước dân chủ, ngay cả khi có tuyệt đại đa số đồng thuận thì cũng vẫn luôn luôn có những nhóm lợi ích, những nhóm tài phiệt rất mạnh, quyền lợi của họ bị va chạm.

Những gì dân bản địa đã mất, thì khó mà lấy lại được, Canada không thể thay đổi lịch sử, chỉ có thể xoa dịu được phần nào vết thương của dân bản địa và chịu trách nhiệm về những sai lầm đã xảy ra. Sự thật đã được phơi bày nhưng còn Hòa giải? Đây mới đúng là chỗ bắt đầu và báo cáo của Ủy ban dần dà rất có thể sẽ được đưa lên ngồi trên kệ sách như nhiều báo cáo khác!

Ngày 11 tháng Sáu 2008, cựu Thủ tướng Harper đã thay mặt nhân dân và Chính phủ Canada xin lỗi dân bản địa [13] tại Quốc hội. Những cựu học sinh của trường nội trú còn sống sót, con số lên đến 80.000 người, mỗi người được bồi thường một số tiền. Điều này quá dễ dù Canada đã phải chi một số tiền lớn. Tuy nhiên, cũng còn một số cựu học sinh sống sót ở Newfoundland và Labrador mà Luật sư của Chính phủ đã khéo léo dùng những thuật ngữ chuyên môn về pháp lý để loại ra và, như vậy, tiết kiệm được một số tiền. Thứ Sáu vừa rồi, ngày 28 tháng 11, 2017 tại Happy Valley - Goose Bay, Labrador, Thủ tướng Justin Trudeau đã xin lỗi những cựu học sinh còn sống sót ở Newfoundland và Labrador[14], bổ túc cho những lời xin lỗi năm 2008. Thay đổi Chính phủ, thay đổi chính sách; hy vọng Chính phủ mới vượt qua được những khó khăn hòa giải, mấy trăm năm lịch sử, tội lỗi, lầm lẫn chồng chất, bất cứ một lý lẽ nào đưa ra, kết tội hay bào chữa, cũng có thể đúng được ít nhiều!

Gần ngày kỷ niệm Sinh nhật 150 năm, vì lý do an ninh, Ottawa và khu đồi Quốc hội hiển nhiên được canh phòng cẩn mật. Dẫu vậy, một lều bản địa teepee cũng được dựng lên ở ngay dưới East Block, một tòa nhà thuộc Quốc hội, bởi một nhóm dân bản địa, không phải để phản kháng mà cũng không hẳn để chào mừng. Sự việc được kể lại một cách duyên dáng bởi phóng viên David Reevely của báo Ottawa Citizen. Teepee vẫn tồn tại sau một va chạm nhẹ nhàng với nhân viên công lực và mấy ngày sau, chính Thủ tướng Trudeau cũng đến viếng thăm [15]. Một phần chỉ vì bộ tộc Algonquin đang kiện Chính phủ đòi một mảng đất lớn, chưa hề được nhượng cho Canada (nhớ lại, tất cả đất chưa được nhượng hay bán cho Canada đều thuộc về dân bản địa), dọc bờ sông kể cả khu đồi Quốc hội. Cũng nên thêm: nhiều việc tố tụng tương tự đã xảy ra ở vài thành phố khác và Chính phủ thường bị thua. Thêm 50 năm nữa, việc hòa giải chắc phải xong, phải chăng đây cũng là một khía cạnh khác về decency của Canada?

Ngày Canada 150 tuổi, trời mưa tầm tã. Dân chúng khắp nơi kéo nhau về thủ đô chào mừng ngày sinh nhật. Vì an ninh nghiêm ngặt để phòng ngừa mọi bất trắc, muốn vào trong khuôn viên Quốc hội phải mất cả giờ đồng hồ, kỷ lục là 5 tiếng, khiến nhiều người than phiền nhưng cũng có nhiều người tìm ra được điều tích cực trong khung cảnh ảm đạm, “Dào, 150 năm mới có một lần!”

Năm sinh nhật Canada 150 cũng là năm kỷ niệm 100 năm trận chiến Vimy Ridge. Cách đây 50 năm, Vimy đã giúp cho Canada có một căn cước rõ ràng, ngày nay người dân Canada hình như không còn gì nghi ngờ, coi đó là chuyện thường tình, không có gì đặc sắc. Đầu tháng Tư năm nay, người ta lũ lượt vượt Đại Tây dương, làm cuộc hành hương đặc biệt sang Pháp để đến Vimy. Vào ngày trọng đại, mồng 9 tháng Tư, gần ba mươi nghìn người cùng quan khách thuộc nhiều quốc gia đến dự lễ kỷ niệm Vimy 100 năm tại Canadian National Vimy Memorial ở Vimy Ridge. Trong số này, tham dự cuộc hành hương hoàn toàn tự túc, có chừng 12.000 em học sinh đến từ khắp Canada. Các em đã phải dành dụm, kiếm tiền suốt hơn hai năm trời, rửa xe, bán chocolat, cookies… hay đi làm ở những tiệm fast-food như McDonald.

Tôi thấy mình ngồi xem đến hết cuốn phim dài 4 tiếng đồng hồ, tường thuật buổi lễ, sản xuất bởi Đài truyền hình quốc gia Canada CBC, không khỏi xúc động nghe lại những giọng nói xa vắng, khi bình thản khi cấp bách của những người đã chết từ hơn 100 năm trước, hay nghe vài em học sinh trả lời phỏng vấn, có em là dân nhập cư sắp có quốc tịch Canada, nhiều em khác có cụ kỵ bốn, năm đời là chiến binh, nay có dịp thăm viếng mồ mả tổ tiên ở đây [16] Những dịp như thế này khiến tôi cảm thấy bùi ngùi, nghĩ đến những người đã chết trong một trận chiến nổi tiếng của Việt Nam, trận Điện Biên Phủ.

Một cách tượng trưng, Điện Biên Phủ giống Vimy ở chỗ nó xác định đặc tính của một dân tộc. Một điểm mà những người chiến binh Việt Nam ở đây hiểu chắc chắn và rõ ràng hơn nhiều người chiến binh khác khi họ lâm trận, ấy là họ đang thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi giặc ngoại xâm cướp nước họ và họ đã thành công. Đó là một sự thực không thể chối cãi.

Suy nghĩ cẩn thận, không bàn về khía cạnh đạo đức, sự va chạm giữa những nhóm chủng tộc Âu-Mỹ và Âu-Á của các thế kỷ trước đã đưa đến những kết luận hợp lý như ta đã biết; sau ngót một trăm năm, nhóm chủng tộc Á tất nhiên không đứng yên một chỗ và sự va chạm Âu-Á vẫn còn đang tiếp diễn, cho nên Điện Biên Phủ là một kết luận hợp lý tất nhiên phải xảy ra.

Lịch sử Việt Nam là một lịch sử dài chống ngoại xâm. Cái nhìn của tôi ở đây hoàn toàn về lợi ích quốc gia, thực tâm của người viết là phi chính trị và, đối với Việt Nam, lợi ích quốc gia là độc lập, thống nhất, không nô lệ kẻ khác. Điện Biên Phủ, trước hết và quan trọng nhất, là thành quả của ý chí người dân Việt, có thể so sánh với những trận chiến lẫy lừng khác trong sử Việt cũ. Nó rất quan trọng ở chỗ đánh dấu một giai đoạn hiện đại mới mà đối phương là đại biểu của một chủng tộc khác đang cố tung hoành để thực hiện giấc mộng bá chủ thế giới. Và nó cũng mới chỉ là điểm bắt đầu vì những thế lực chống đối bên ngoài còn rất nhiều, không từ bỏ bất cứ hành động dã man hay bẩn thỉu nào.

Với Vimy, những người dù trung thành chiến đấu cho Đế chế vẫn bằng lòng sống ở một nước Canada độc lập. Khác với Vimy, Điện Biên Phủ có nhiều nội thù hung bạo, vì nhiều lý do của riêng họ, rất tối dạ, sẵn sàng dùng mọi phương tiện kể cả sách báo, hồi ký của những cựu tướng tá, đại sứ… kẻ thù của chính dân tộc mình, được tung ra với mục đích duy nhất là xuyên tạc, làm xói mòn giá trị, uy tín của mọi thứ liên hệ, con người hay sự vật. Những người liên hệ hay có trách nhiệm ở Điện Biên Phủ chỉ là những con người, cũng lầm lẫn, hay dở như mọi chúng sinh khác, nhưng họ là những nhân vật lịch sử đã chịu nhiều hy sinh bản thân lớn lao với mục đích chính là giải phóng đất nước. Họ không còn nữa và đã làm xong hết nhiệm vụ tự đề ra hay đã nhận lãnh. Nếu ngày nay, trong khi đất nước hãy còn đầy dẫy hiểm nguy mà những thế hệ sau họ là một đám Vua Quỷ, Vua Lợn thì đó thật là điều vô phúc, tuy nhiên, không thể quy trách nhiệm cho họ. Ta đã không trách cứ các vị vua khai sáng Thái Tổ, Thái Tông… của nhà Lê, ta càng nên công bình, không trách cứ những nhà lãnh đạo tiên phong vì những Vua Quỷ, Vua Lợn ngày nay.

Tôi đã sống ở đây quá nửa đời người và đất nước decent này đã cưu mang tôi hơn nửa thế kỷ. Làm sao tôi có thể cảm ơn vô vàn đất nước đã cưu mang tôi nếu tôi không biết cảm ơn đất nước đã cho tôi đời sống? Làm sao, làm sao... Làm sao tôi có thể xúc động ngồi xem lễ kỷ niệm Vimy mấy tiếng đồng hồ, ngắm nhìn tượng người đàn bà trông như pho tượng Pietà đứng từ trên cao, nét mặt u buồn, im lặng cúi đầu nhìn xuống, hay nghe lại tiếng nói của những người từ trăm năm trước mà không thấy động lòng biết ơn những người đã chết ở Điện Biên, những người đã cho phép tôi nhìn lại những ngày thơ ấu như những kỷ niệm êm đềm, cho dù khốn khổ, ăn thường đói, miên man chạy giặc ở đồng quê, hôm nay ngồi học dưới một mái chùa, ngày mai có thể là một ngôi đình khác?

Thank you all.

Gatineau July 2017

Toronto December 2017

N.Đ.T.


[1] Maréchal Pétain - Thống chế Pétain - vị anh hùng dân tộc trong Thế chiến I, được mệnh danh The Lion of Verdun. Trong Thế chiến II, tháng Sáu năm 1940 nước Pháp sắp sụp đổ, ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ và sau đó là Quốc trưởng của Vichy Pháp hòa bình với Đức. Sau chiến tranh, Pétain bị kết án tử hình vì tội phản quốc nhưng được giảm xuống tù chung thân. Ông qua đời vào năm 1951.

[2] Mấy tháng sau khi chiếm được Vimy Ridge Bộ Tham mưu Đồng minh ra lệnh rút quân ra khỏi Vimy.

[3] Truyện em bé Centennial đầu tiên khá hấp dẫn, xin vào đọc trên mạng - Centennial baby celebrates 50th birthday: http://www.eaglefeathernews.com/news/index.php?detail=2866

[4] Chẳng hạn như Amherst, tướng Tổng Tư lệnh Bắc Mỹ của Anh đã viết cho cấp chỉ huy dưới quyền về việc chủng đậu (innoculate) cho dân bản địa bằng những cái chăn (đã được dùng cho người bị bệnh) hay bằng bất cứ phương tiện nào khác (by means of blankets, as well as to try every other method that can serve to extirpate this execrable race).

[5] https://en.wikipedia.org/wiki/Native_Americans_in_the_United_States

[6] ibid.

[7] https://en.wikipedia.org/wiki/Indigenous_peoples_in_Canada

http://indigenousfoundations.arts.ubc.ca/the_indian_act/

[8] http://indigenousfoundations.arts.ubc.ca/royal_proclamation_1763/

[9] http://indigenousfoundations.arts.ubc.ca/the_residential_school_system/

https://en.wikipedia.org/wiki/Canadian_Indian_residential_school_system

[10] https://icevn.org/vi/blog/dien-van-cua-tu-truong-seattle-khi-ky-hiep-uoc-1854/

[11] Tù trưởng Seattle (See­athle hay Si­ahl) là thủ lãnh của bộ tộc Duwamish sinh sống tại vùng đất thuộc bang Washington ngày nay. Khi dân da trắng tiến vào vùng này, xung đột đã xảy ra, dân bản địa phải chịu bán vùng đất này, và sống trong một số reserves. Sau khi ký hiệp định, truyền thuyết cho rằng Tù trưởng Seattle đã ứng khẩu đọc bài diễn văn này, những điều ông nói được dịch lại qua Anh ngữ qua ba thổ ngữ của dân bản địa.

1

[12] http://www.trc.ca/websites/trcinstitution/index.php?p=890

[13] https://www.youtube.com/watch?v=xCpn1erz1y8

[14] https://globalnews.ca/news/3878934/justin-trudeau-apologize-excluded-residential-school-students/

[15] http://www.cbc.ca/news/politics/trudeau-visits-reoccupation-teepee-1.4185758

http://ottawacitizen.com/news/local-news/reevely-parliament-hill-teepee-reminds-us-of-all-we-have-to-make-up-for

[16] http://video247.net/Video-tong-hop/Battle-of-Vimy-Ridge-100th-ann.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn