Thời gian nghiệt ngã và những bước đi oái oăm của lịch sử (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 56)

Tương Lai

Lịch sử là con người nhân với thời gian. Mà thời gian thì không ngừng cuộn chảy, cuốn theo những biến động dữ dội. Trong miệt mài dòng chảy ấy, thời gian nghiệt ngã đã xóa nhòa biết bao những điều cứ ngỡ như mãi có giá trị, đồng thời làm nổi bật những giá trị không sợ sự khảo nghiệm của thời gian. Lại cũng chính thời gian đang kết nối quá khứ với hiện tại.

Một quá khứ gần và một quá khứ xa đang hòa quyện, trộn lẫn với nhau trong những biến động của thời cuộc, chất chứa bao câu hỏi cần phải có câu trả lời. Thế nhưng câu trả lời gần với sự thật hơn cả, tiệm cận được với chân lý hơn cả, thì cũng lại phải cậy vào thời gian. Và rồi, cũng chính thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, của ý chí mà từ đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại.

Hơn nữa, lịch sử không mấy khi đi một lèo theo con đường thẳng tắp, mà thường khấp khểnh, gập ghềnh tựa như như dòng sông uốn lượn theo địa hình mà nó chảy qua. Có những đoạn sông gấp khúc, lại có lúc tưởng như sông chảy ngược, nhưng thật ra sông vẫn xuôi về biển cả. Vả chăng, lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngày từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra song vẫn không là phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân họ.

Phải chăng vì thế mà Hégel cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, xét đến cùng, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc để viết nên những trang hào hùng chính là những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ để tạo ra những đột phá thúc đẩy cuộc sống đi tới. Đó mới chính là đáp số cuối cùng của lịch sử, cho dù những biến động lớn của lịch sử, đặc biệt là những cuộc cách mạng dân chủ, thường được châm ngòi và khởi động từ một số ít những người đã ý thức và nhận ra được hướng đi của dân tộc và thời đại, rồi lan tỏa trong quần chúng và bị chi phối bởi quy luật tâm lý của đám đông theo cách lây nhiễm chứ không là suy luận.

Điều ấy càng cho thấy tiến hóa là một quá trình liên tục làm tăng thêm độ phức tạp cái toàn thể của hệ thống, bằng việc làm nảy sinh thêm nhiều yếu tố mới, nhiều mối tương tác mới, tạo thêm nhiều khả năng xuất hiện những thuộc tính hợp trội mới. Các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, là sản phẩm từ dưới lên, chứ không phải chỉ là do từ trên xuống.

 Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh phá kho thóc của Nhật

Vấn đề là làm sao để sức mạnh từ dưới lên ấy tạo áp lực mạnh mẽ thúc đẩy ý chí và quyết tâm của bộ phận đang nắm quyền nhận ra và tìm cách phát huy sức mạnh hợp trội ấy. Nếu nhận ra được và phát huy được sức mạnh dời non lấp biển đó thì họ sẽ là người thúc đẩy lịch sử. Ngược lại, do lú lẫn và quá bé mọn về đầu óc đã đông cứng một mớ giáo điều cũ nát, không sao nhận ra được cái mới nên đành chịu sự chi phối của lợi ích hạn hẹp mà cố bám chặt vào lực lượng ngoại bang để duy trì cái ghế quyền lực đang sụp đổ nhằm bảo vệ lợi ích! Họ trở thành tội đồ của lịch sử. Tính công minh của lịch sử đã chứng minh cho cái quy luật thép đó.

Trong thời đại của Internet nối mạng toàn cầu với những tiến bộ kỳ diệu của công nghệ thông tin, nhận thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân về cái quy luật thép đó được nâng lên với cấp số nhân khiến cho thủ đoạn ngu dân bằng bưng bít thông tin, hoặc đưa thông tin một chiều theo ý đồ bịp bợm và áp đặt của thế chế toàn trị phản dân chủ đang dần dần bị phá sản. Tiếng nói phản biện của xã hội dân sự, nhất là của trí thức và tuổi trẻ mặc dầu bị ngăn cản hoặc bị đàn áp khốc liệt, vẫn có sức lan tỏa khá mạnh trong xã hội. Không gì ngăn nổi những tiếng nói phản biện lúc ôn hòa bằng những lập luận khó chống đỡ, lúc phẫn nộ bật ra từ sự dồn nén quá mức trước bạo lực cường quyền sử dụng luật rừng. Đó là một nhân tố rất quan trọng cấu thành sức mạnh hợp trội đang là áp lực mạnh mẽ, lay chuyển cục diện, thúc đẩy sự phát triển đất nước trong bối cảnh của khu vực và của thế giới với những biến động dữ dội. Tất cả những điều đo đang đặt dân tộc ta trước những thách đố hiểm nghèo và những cơ may hiếm có.

Tuy nhiên cũng đừng quên, vào buổi hoàng hôn của một triều đại, một chế độ, trong cái nhá nhem tranh tối tranh sáng, u u minh minh, không thiếu những hiện tượng, những con người, có khi kết thành những trào lưu, tung hoành ngang dọc khắp nơi, đặc biệt là chiếm lĩnh một không gian không nhỏ trên mạng. Dù muốn dù không cũng phải thấy là điều này đang khuấy động lớp bèo kinh niên dày đặc của quyết sách ngu dân phủ kín mặt nước, che lấp mọi tia sáng chiếu rọi, mọi tiếng động đánh thức đều như hòn sỏi ném vào, rơi tõm rồi chìm nghỉm trong khối nước tù đọng! Cho dù thế thì những khấy động ấy vẫn chỉ đang dừng lại ở sự cựa quậy, đập phá rời rạc và mang tính tự phát, chưa thể hội tụ được một lực mạnh để có thể làm tan rã mảng bèo tù đọng kinh niên kia.

Phải chăng nguyên nhân chính là vì sự khuấy động ấy nằm trong vùng ảnh hưởng của một hệ thống giá trị đang bị đảo lộn, bị dập vỡ, giá trị và phản giá trị đan chen vào nhau khiến cho việc xác định được một cái chuẩn chung thì vẫn đang là chuyện quá cam go. Mà cam go cơ bản là cái tự phong là “chính thống” gánh trọng trách giáo huấn để áp đặt một hệ thống giá trị giáo điều ẩm mốc, thì lại đang ngày ngày phơi mặt ra giữa thanh thiên bạch nhật quá lì lợm “nói vậy mà không phải vậy” gắn liền với những hành động bẩn thỉu tàn ác, giày xéo lên dân chủ và quyền con người với luật rừng thay cho cả một rừng luật chỉ để làm cảnh! “Chính” đã chuyển thành “tà” thì sự bung bét lú lẫn ngọng ngoẹo đòi làm chuẩn sao được.

Mặt khác, cam go còn do sự ngộ nhận của một số ngòi bút chưa xác định được rõ ràng mục tiêu của sự chửi rủa lên án, đôi khi chỉ dừng lại ở việc chứng minh sự hiện diện cái tôi của mình, nhằm đánh bóng tên tuổi theo kiểu Herostratus đốt đền Artemis thời cổ đại, hoặc như con ruồi vo ve bên cỗ xe leo dốc lại tự cho mình đang đẩy xe lên trong truyện ngụ ngôn La Fontaine “Cỗ xe ngựa và con ruồi” (La Coche et la Mouche). Điều này khó tránh khỏi, lịch sử đầy rẫy những chuyện như vậy! Chẳng thế mà ngụ ngôn La Fontaine hay biểu tượng Herostatus lại có sức lan tỏa rộng khắp đến như thế. Thậm chí, ngòi bútcủa một triết gia và là một nhà văn lớn của thế kỷ 20 như Jean Paul Sartre cũng đã dành tâm huyết cho một truyện ngắn viết về một người đàn ông lập kế hoạch phạm tội để trở nên nổi tiếng có tựa đề “Erostrate” trong tập “Le mur” (Bức tường, 1939). “Xem ra, cái thói đời “thuyền đua thì lái cũng đua”, để rồi “giận con bọ chó, đốt cả đụn rơm” được đúc kết trong các thành ngữ quen thuộc, thì từ cổ đại cho đến hiện đại chẳng khác nhau bao nhiêu.

Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ của ta không viết truyện ngắn để nói về “thói đời”, chỉ nhẹ nhàng thâm thúy vài lời răn mộc mạc dân dã chắt lọc từ ca dao, tục ngữ để nói về cái thói phổ biến ấy. Nhưng ngẫm suy kỹ từ mấy câu ngẫu hứng của một tầm vóc thơ rất lớn ấy lại cho thấy những trí tuệ mẫn tiệp, những trái tim đập với nhịp của thế thái nhân tình, luôn nhạy bén với chân lý của đời sống:

Một lưng một vức kém chi mô

Cho biết chanh chua khế cũng chua.

Ðã chắc bữa trưa chừa bữa tối,

Mà tham con giếc tiếc con rô.

Trăm điều đổ tội cho nhà oản,

Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa…

Thì ra, “trò đời” này thật khó tránh, khó bỏ. Chuyện “rơi nước mắt ớt, rớt nước mắt hành” thì bao đời vẫn thế, nói sao cho xiết, mà nói làm gì cơ chứ. Có chăng, trong bối cảnh đất nước đang cần một hợp lực để tạo ra một đột phá đưa dân tộc ta thoát khỏi tình trạng lạc hậu và lệ thuộc, thì hãy ráng mà nhặt nhạnh, vun quén, hun đúc, nhằm quy tụ lại những yếu tố cấu thành sức mạnh hợp trội để tạo ra một đột phá đưa đất nước đi tới thì khó mà tìm thấy từ những chuyện “vạch tranh tìm ngưạ, giáo nứa đâm vườn hoang” kia. Nếu không là ngược lại!

Đồng thời, cũng sẽ khó trở thành những nhân tố cấu thành sức mạnh hợp trội với những quan điểm cực đoan nhằm phủ định sạch trơn lịch sử. Quan điểm này có nguy cơ dần dà cuốn hút không ít người chưa am hiểu kỹ càng lịch sử, tác động không nhỏ đến một bộ phận đang dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh đòi dân chủ và quyền con người. Người ta quên mất rằng “một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ mà cũng chả có tương lai”! Sẽ thú vị hơn khi biết người nói câu đó lại là Robert A. Heinlein, tiểu thuyết gia thành công đầu tiên của thể loại khoa học viễn tưởng trong thời hiện đại! Heinlein được tôn vinh là đã xác lập một chuẩn mực đối với sự hợp lý về khoa học kỹ thuật trong văn học, nhất là trong thể loại khoa học viễn tưởng. Vậy đó! Đến khoa học viễn tưởng mà sự trung thực với lịch sử vẫn phải là một chuẩn mực không được vi phạm.

Đành phải đôi chút dài lời vì làn sóng cực đoan đòi phủ định lịch sử sạch trơn đang tiềm ẩn một nguy cơ. Đó là nguy cơ làm làm phân tán sức quy tụ tạo thành hợp lực những người yêu nước, tập trung vào mục tiêu chống Trung Quốc xâm lược đang bảo kê cho chế độ toàn trị phản dân chủ kìm hãm đất nước. Dù dưới dạng đấu tranh nào, chính kiến nào thì mục tiêu ấy phải là điểm quy chiếu. Ấy thế mà không dễ để thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của quan điểm này. Nguy hiểm là ở đó.

Đành rằng tâm trạng “trăm dâu đổ đầu tằm” là điều khó tránh. Từ một khía cạnh nào đó, trên một chừng mức nào đó, thì điều ấy có lý do xác đáng của nó. Đó là cái thực trạng bung bét, nhìn đâu cũng thấy hệ lụy của chế độ toàn trị phản dân chủ. Những yếu kém và bất cập của bộ máy quản lý xã hội chịu sự lũng đoạn của thế lực tham nhũng và thối nát đang triệt tiêu những công sức to lớn của mọi tầng lớp nhân dân bằng mọi cách chòi đạp, len lỏi để vươn lên.

Nơi này, nơi kia không thiếu những cố gắng vô bờ bến trong lam lũ, nhẫn nại và sáng tạo của những người từng bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, nay từng bước tiếp nhận được những thành tựu của khoa học và công nghệ mới để cố tạo ra những mảng khởi sắc le lói trồi lên, đẩy lùi bớt cái toàn thể u ám. Không thiếu những doanh nhân tài năng biết cách làm giàu một cách chính đáng để vừa lợi nhà vừa ích nước, tạo nên công ăn việc làm cho những người lao động vươn lên thoát nghèo ở những nơi may mắn có được những người còn lương tri trong guồng máy cai trị dám đứng về phía công lý để hỗ trợ dân. Những mảng sáng ấy tuy hiếm hoi song cũng làm quang quẻ bớt đi đám mây đen dày đặc của cường quyền và tham nhũng từ cơ sở đến trung ương bị chi phối bởi quy luật đặc quyền càng cao thì tiền vào càng nhiều, phải có quyền thì mới có tiền! Cho nên, những mảng sáng đang len lỏi trồi lên vừa manh nha đã dễ dàng bị phủ lấp bởi đám mây đen dày đặc kia. Sự phẫn nộ của lương năng lương tri trong từng con người, trong bất cứ ai, là một thực tế cần vun đắp.

Trước hết là lương năng lương tri của những người đã từng đi tiên phong trong cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ để đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Họ từng có mặt trên tuyến đầu, chấp nhận sự hy sinh trước tiên trong ba cuộc chiến tranh cứu nước suốt hơn nửa thế kỷ, đưa non sông quy về một mối. Và của triệu triệu người Việt Nam nặng lòng vì dân tộc, vì tổ quốc. Một số không nhỏ những người tiên phong ấy, những người từng dấn thân vì lý tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân, trong đó có những cựu chiến binh thương tật đầy mình, hiện vẫn đang đau đáu một mối ưu tư về vận nước. Từ thân phận riêng tư với những hoàn cảnh không giống nhau mà họ có cách nhìn, cách hiểu về sự phản bội lại những máu xương và mồ hôi lao động của thế hệ đã dấn thân vì nghĩa lớn như họ. Nhưng dù có cách nhìn, cách hiểu khác nhau thế nào chăng nữa, thì cái mẫu số chung vẫn sẽ là phẫn nộ trước những toan tính và thủ đoạn của bọn bán nước và lũ cướp nước.

Phải đặt cái hiện thực đáng phẫn nộ ấy trong bối cảnh lịch sử-cụ thể của nó, truy tìm nguồn gốc cơ bản của nó, như nhiều người đã chỉ ra: Đó là bản chất của một chế độ toàn trị phản dân chủ bất chấp vận mệnh của dân tộc, lì lợm và ngoan cố duy trì cái ghế quyền lực đã lung lay song vẫn tồn tại được nhờ vào sự hà hơi tiếp sức của Bắc Kinh với nhiều mưu ma chước quỷ, quyết biến Việt Nam thành chư hầu. Trơ tráo và liều lĩnh hơn nữa là dưới áp lực của chúng, một bộ phận trung thành nhất với Bắc Kinh dưới cái mặt nạ “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” lại đang sao chép cái mô hình tổng bí thư giữ luôn chủ tịch nước của “Tập hoàng đế”.

Đã quá muộn để vạch trần ra đây thủ đoạn nham hiểm của Tập nhằm thâu tóm vào một mối để nắm cho chắc những công cụ đã được chúng dày công rèn giũa, tôi luyện. Có thâu tóm được vào một mối, mới không để sổng con mồi Việt Nam mà cả mấy nghìn năm cha ông chúng chưa bao giờ từ bỏ và hiện nay lại càng không thể. Vì lẽ gì? Vì cái vị trí địa-chính trị đặc thù của bán đảo hình chữ S trước Biển Đông trong bối cảnh của những biến động khó lường của khu vực và thế giới.

Tham vọng càng ngông cuồng khôi phục lại cái đế chế Trung Hoa đã lụi tàn, vứt bỏ mưu lược “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, Tập đã không cần dấu mình chờ thời nữa mà công khai phô bày “Giấc mơ Trung Hoa”! Chỉ với kế hoạch “Vành đai và Con đường” mà thực chất là sự giảo quyệt đã bị vạch trần “nước khác trả giá còn Trung Quốc hưởng lợi”, thì theo Bloomberg, Trung Quốc ước tính chi tới 1.300 tỷ USD cho tới trước năm 2027. Không chỉ có thế. Nhân kỷ niệm 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình phát động, Tập đã ngang nhiên tự mình phủ bóng lên hình ảnh người khởi xướng chẳng chút e dè. Theo Le Figaro, với việc cho sửa đổi hiến pháp giới hạn hai nhiệm kỳ của chủ tịch nước, Tập đã vứt bỏ mọi quy định do những lãnh đạo tiền nhiệm áp đặt để tự khẳng định quyền uy tối thượng và không giới hạn của mình.

Một cuộc triển lãm kỷ niệm 40 năm công cuộc cải cách đã được tổ chức tại Bắc Kinh, nhưng cha đẻ của các chương trình cải cách là Đặng Tiểu Bình lại bị rớt xuống hàng thứ yếu. Triển lãm chủ yếu dành chỗ để ca ngợi công lao của Tập, những tấm áp phích lớn với hình ảnh Tập và những câu nói của y được dán kín khắp các bức tường. Với những gì đã được nói đến, người ta thấy rõ giấc mộng ngông cuồng của Tập muốn dựng lại đế chế Trung Hoa để thao túng và thống trị thế giới về kinh tế về quân sự. Đã có đến gần 700 “Viện Khổng Tử” được Bắc Kinh dựng lên trên nhiều quốc gia của nhiều châu lục nhằm truyền bá văn hóa Trung Hoa, cố làm sống lại những tư tưởng từ thời cổ đại, tân trang chúng lên, nhằm tạo ra cái nhãn hiệu “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”!

Đã đến lúc phải nhắc cho người đồng hương của AQ của thế kỷ 21 rằng, sự thật luôn tàn nhẫn hơn cái mà y tưởng tượng và có một tình cảnh còn tồi tệ hơn là mù lòa nữa khi cố cho là đã thấy cái không hề có và không thể có. Thế giới không ngu như AQ hiện đại tưởng. Người ta ngày càng thấy rõ bộ mặt nham hiểm của cái “siêu cường hung đồ” mà Nixon, trước khi qua đời, đã nói với nhà báo William Safire của The New Yok Times ngày 1.5.2000: “Chúng ta có thể đã tạo ra một con một quái vật Frankenstein”!

Thế rồi, năm tháng trôi đi, thế giới, đặc biệt là người Mỹ, đương nhiên không chỉ họ, mà Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh đều đang cảnh giác với những toan tính của ông bạn khổng lồ rất khó chơi. Ở Châu Á thì theo Bloomberg, làn sóng chỉ trích Trung Quốc tại đây diễn ra ngày càng mạnh mẽ đúng vào thời điểm nhạy cảm khi cộng đồng quốc tế đang ngày càng hoài nghi về ý đồ toàn cầu của Bắc Kinh. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Donald Trump phát động là một phản ứng tất yếu. Trong nền kinh tế điện toán với những bước tiến như vũ bão, đặc biệt là khi mạng 5G đang làm biến đổi thế giới, thì điều rất đáng lưu ý là công nghệ cao, trận đấu cân não mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra khốc liệt. Là đòn “cân não”, vì mục tiêu của Trung Quốc không phải chỉ để gia nhập vào nhóm các nước có nền công nghệ tiên tiến như Đức, Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản mà là để thay thế các nước này. Chính vì thế mà kể từ 2015, Trung Quốc đã dồn sức để cố vượt Mỹ về các khoản đầu tư cho công nghệ 5G. Dễ hiểu vì sao mục tiêu của cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động vừa rồi trên thực tế là nhằm ngăn chặn Trung Quốc nâng cấp công nghệ, trận đấu quyết định ai sẽ dẫn đầu và ai sẽ chiến thắng cuộc đua mạng di động thế hệ thứ năm. Đòn chí mạng này đánh vào Trung Quốc không chỉ về kinh tế, quân sự mà đang làm phá sản cái “giấc mơ Trung Hoa” ngông cuồng của Tập. Phát súng khai hỏa nhằm thẳng vào Công ty Huawei là một trong những đòn hiểm ấy của Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác đã thấy ra được những toan tính thâm hiểm của Trung Quốc.

Cuộc chiến ấy lại diễn ra khi kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu trì trệ, Tập đang phải hứng chịu áp lực ngày càng lớn trong nội bộ của một xã hội với một tỷ tư dân số mà sự cách biệt giàu nghèo ngày càng doãng rộng ra. Trái với những lời hứa cải cách đưa ra năm 2013, Trung Quốc ngày càng siết chặt các doanh nghiệp tư nhân và tăng cường sự ủng hộ của đảng với khối doanh nghiệp nhà nước khi mà kinh tế tư nhân đã chiếm đến 60%. Chính điều này khiến phe cải cách quan ngại về cái gì sẽ xảy ra khi các hoạt động kinh tế bị bóp nghẹt? Cùng với động thái đó, tính chuyên chế, độc tài của Tập đang làm sống lại Mao và vượt lên cả Mao trong việc tập trung quyền lực một cách quá quắt, thanh toán tàn khốc các đối thủ.Vào thời điểm này, dường như Tập nghĩ rằng đã loại trừ được các thế lực chống đối để thiết lập quyền lực độc tôn, trở thành “chủ tịch của mọi thứ” (chairman of everything), trong đó dành ưu tiên cao nhất cho ý thức hệ, và tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc!

Thế nhưng, Tập không thể nhắm mắt trước một nghịch lý nghiệt ngã: nếu không cải tổ hệ thống chính trị thì Trung Quốc không thể thực hiện được giấc mơ siêu cường. Mà động vào yếu huyệt đó thì hình ảnh “Thiên An môn” năm nao vẫn còn sừng sững trước mắt! Và đâu chỉ có thế! Lịch sử không lập lại đơn thuần. Truyền thống cát cứ của nước Tàu với các lãnh chúa địa phương của thời hiện đại làm sao cam chịu sự chuyên chế độc tôn của Tập hoàng đế, dù đó là “hoàng đế đỏ”!

Không có gì khó hiểu khi ẩn sau hình ảnh đẹp đẽ được dựng lên rất hoành tráng như vừa dẫn ra, Le Figaro cho rằng nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có những chia rẽ sâu sắc. Quả thật nếu quái vật Frankenstein là sản phẩm hư cấu của Mary Shelley, nhà viết tiểu thuyết giả tưởng người Anh cho ra đời năm 1818, để rồi bằng những tính toán thực dụng rất xảo quyệt cố đánh thức và vực dậy “con sư tử Trung Quốc đang ngủ để nó làm đảo lộn thế giới” mà Napoléon Bonaparte từng cảnh báo, thì Richard Nixon đã phải đã cay đắng và quá muộn để nói lên một sự thật phũ phàng về con quái vật bằng xương bằng thịt chứ không một tí hư cấu nào. Trong tiểu thuyết giả tưởng giàu tính hư cấu được nữ tác gia viết năm mới 19 tuổi ấy thì Frankenstein cuối cùng đã phải đau đớn thốt lên “Ta thật sự chỉ có một mình” trước khi “biến mất hút vào băng giá của Bắc Cực”.

Liệu đó có phải là một dự cảm vừa thoáng gợi tính bí ẩn siêu nhiên, vừa mang tính hiện thực về số phận của những kẻ độc tài mà Tập là một ẩn dụ chăng? Nếu vậy thì số phận của kẻ đã học đòi theo Tập đang lải nhải một cách thảm hại những chiêu trò của tên “hoàng đế đỏ” kia để cố vận dụng vào đất nước đang bung bét với sự điều hành quá rối loạn của một tầm vóc thảm hại so với quan thầy thì rồi sẽ sao đây?

 

Bỗng nhớ chuyện xưa mà sách “Hoàng Lê nhất thống chí” chép: “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn đến như thế”. Để cố níu kéo chiếc ngai vàng đã mục ruỗng, cái “ông vua luồn cúi đê hèn” ấy đã khấu đầu vua quan nhà Thanh và được toại nguyện bởi toan tính xảo quyệt của thiên triều: “Sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam, thật là làm một chuyến mà được hai lợi”!2 Cuối cùng thì Chiêu Thống chết tại Yên Kinh (nay là Bắc Kinh chăng?). Chẳng có gì đáng nói về số phận nhục nhã của một kẻ “luồn cúi đê hèn”. Với triều Thanh hay với triều Tập thì cũng rứa. Điều an ủi có thể là liệu rồi có thêm được một trắc ẩn của một ông vua Tự Đức mới nào đó của thời hiện đại, mở lòng thương hại cho một kẻ lưu vong “bị lừa gạt, bị giám buộc ở quê người đất khách, đến nỗi lo buồn phẫn uất, ôm hận mà chết… vậy nên truy đặt tên thụy là Mẫn Đế” [vua đáng thương]?3

Có lẽ chẳng phải mất công như vậy. Hình như đã có sẵn một công thức nhiệm màu từng được một nhà lý luận nọ “tuyên ngôn” rồi: “Lịch sử đã chuẩn bị, đã mở đường đi cho nó, chỉ có điều chúng ta chưa cảm nhận thấy hết và không hình dung nó nhanh như chúng ta… mong đợi thôi”.4 Quả đúng như vậy thưa nhà lý luận đa ngôn, sự nịnh bợ và sự lố bịch có chung một mẫu số. Sẽ sớm bục ra “cái không mong đợi còn nhanh hơn” cái ông không “cảm nhận thấy hết và không hình dung ra” đâu! Cái đó chắc chắn không còn lâu nữa. Vả chăng, còn có một mẫu số chung cho tất cả những hành động của con người trong cuộc đời không trừ một ai: “Lịch sử có sự báo ứng cho mọi tội lỗi”. Đó là điều mà Theodor Mommsen, nhà sử học, nhà văn học Đức được giải Nobel văn chương năm 1902 đã cảnh báo. Còn trong những mẩu giai thoại dân gian hiện đại thì dù có vận đến “kim cang quyền ấn” e cũng khó mà thoát khỏi sự báo ứng ấy. Cheo ngôn từ của Hégel thì đó là “phiên tòa phán xét” của lịch sử. Nhưng khoan hãy cất công dự báo về những phiên tòa phán xét của lịch sử sẽ xảy ra như một hệ lụy tất yếu. Hãy nói về hệ lụy trực tiếp của quái vật Frankenstein họ Tập trên đất nước đau thương của chúng ta hôm nay.

Càng chịu nhiều sức ép của Mỹ, của Châu Âu và của nhiều quốc gia lớn hoặc nhỏ khác trên khắp các châu lục ngày càng nhìn ra bộ mặt khó chơi và tâm địa nham hiểm Trung Quốc, Bắc Kinh càng phải giữ bằng được cái bán đảo hình chữ S đang được điều hành bởi một thế lực cầm quyền đã được dày công thuần dưỡng sống bám vào cái chiêu bài bịp bợm cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Chính cái chiêu bài bịp bợm này đang ngày càng phơi bày sự phản bội lại sự nghiệp chiến đấu hy sinh của triệu triệu con người. Máu Việt Nam đã thấm đẫm trên từng tấc đất, trên từng thước biển của Tổ quốc. Hàng triệu người từng đổ máu nay đang phải chứng kiến nguy cơ đất nước bị bán từng phần dưới nhiều chiêu trò đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trắng trợn có, giả trá có mà minh chứng sống động là “dự án ba đặc khu đã được Bộ Chính trị ra nghị quyết” rồi phải hoãn lại trước sức phẫn nộ của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của các cựu chiến binh. Phải hoãn, vì tối mắt bởi những lợi ích bẩn thỉu gắn liền với quyền lực toàn trị, họ đã không lường được sức phẫn nộ của người dân trước hành động bán nước.

Điều này cho thấy lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc là điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế Việt Nam. Kích hoạt được điểm nhạy cảm bậc nhất ấy thì lòng dân được khởi động, không một thế lực bán nước và cướp nước nào có thể ngăn chặn được. Đó là bài học hằng xuyên của lịch sử. Phải dồn toàn bộ tâm lực của những người dấn thân vì nghĩa lớn dân tộc cho sự khởi động có ý nghĩa quyết định ấy. Vấn đề đáng lo là: không phải lúc nào, không phải bất cứ ai, cũng đều dồn tâm huyết cho đại sự vô cùng thiết yếu này.

Đành rằng những ý kiến khác nhau trong cách nhìn nhận sự kiện lịch sử là điều dễ hiểu. Hành trình mở nước, dựng nước, cứu nước của dân tộc ta luôn có những ẩn số lịch sử cần phải giải mã. Tuy nhiên, có những điều chẳng cần phải mất công giải mã. Đó là những gì ông cha ta đã chỉ ra rất rành mạch. Hãy chỉ gợi một ví dụ.

Vào thế kỷ 19, khi cụ Tam Nguyên Yên Đổ cảm thán về tệ “có tiền việc ấy mà xong nhỉ, đời trước làm quan cũng thế a”, thì trước đó ba thế kỷ, trong “Kiến văn Tiểu lục” nhà sử học Lê Quý Đôn đã miêu tả rất tỉ mỉ chuyện thối nát ấy: “Từ năm Đoan Khánh (1505-1509) trở về sau; lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dần dần người gọi là bậc danh nho cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ, nào ca trao đổi khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng…, tệ hại không thể nào nói cho xiết đuợc”5.Thời mạt vận của một triều đại, bất luận với hệ ý thức nào, điều ấy cũng là tất yếu. Cứ điểm xuyết vài “phế đế” trong buổi hoàng hôn của những vương triều suốt tiến trình lịch sử thì nhìn ra ngay.

Xưa đã vậy, nay sẽ cũng là vậy thôi. Nếu cụ Nguyễn Khuyến viết câu thơ trên vào thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21 này trên đất nước đau thương của cụ, chắc chắn phải sửa hai từ “đời trước” thành “đời nay”, và cụ Lê Quý Đôn nhất định sẽ viết lại chính xác mấy từ “sĩ phu thối nát” thành lũ “giáo sư tiến sĩ lì lợm và lú lẫn” hiện đại càng “bội phần thối nát hơn, tệ hại không thể nào nói cho xiết đuợc”!

Tuy thế ác một nỗi, không phải tính công minh lịch sử lúc nào cũng được thể hiện, mặc dầu “gấp ngàn trang sử lại, chỉ thấy nổi bật hai điều: dân tộc và nhân dân”6 như nhà sử học tài danh Trần Quốc Vượng đã khẳng định. Cho dù dân tộc và nhân dân là mẫu số chung trong cái nhìn khái quát, nhưng soi vào từng sự kiện, từng nhân vật, từng triều đại lịch sử thì đầy rẫy những cách nhìn nhận và thẩm bình khác nhau. Bởi lẽ, những sử gia tên tuổi, kể cả những tên tuổi lớn như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… cũng đều bị chi phối bởi tính chính thống của triều đại họ đang sống. “Chính sử” luôn được viết dưới sự dẫn dắt, áp đặt của vương triều đang trị vì. Sự minh định chính, tà, khen chê tốt, xấu tất nhiên phải tùy thuộc vào đó.

Xin chỉ dừng lại với Đại Việt sử ký toàn thư, sản phẩm tiêu biểu của nền sử học chính thống, khởi đầu từ Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký năm 1272 cho đến khi nhóm Lê Hy hoàn thành Đại Việt sử ký toàn thư năm 1697 thì quá trình biên soạn bộ quốc sử này kéo dài 425 năm. Giữa quá trình đó, Ngô Sĩ Liên và nhóm Phạm Công Trứ giữ vai trò quan trọng trong việc xác định phạm vi lịch sử dân tộc khởi đầu từ họ Hồng Bàng, xây dựng hệ thống phân kỳ, định ra nguyên tắc, thể lệ, định hình về cơ bản cấu trúc của bộ Đại Việt sử ký toàn thư đã được viết ra.

Hãy đọc vài dòng về quan điểm viết sử của các tác giả:

“Vì sao mà làm quốc sử? Vì sử chủ yếu là để ghi chép sự việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời. Mà ngọn bút chép sử giữ nghị luận rất nghiêm, ca ngợi đời thịnh trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, lên án kẻ loạn tặc thì gay gắt như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ đến việc chính trị không phải là không nhiều. Cho nên là sử là cốt để cho được như thế”.7

Tất nhiên “để cho được như thế” thì các tác giả phải đứng trên quan điểm chính thống, đạo trung quân và những nguyên tắc tam cương, ngũ thường, tam tòng tứ đức… của Nho giáo để ghi chép, phẩm bình, khen chê các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Giáo sư Phan Huy Lê đã viết rõ điều ấy trong bài khảo cứu đăng ngay ở phần mở đầu tập 1,trang 72 bộ Đại Việt sử ký toàn thư do NXB Khoa học Xã hội ấn hành: “Quan điểm Nho giáo biểu thị một cách tập trung qua sự ghi chép và đánh giá đối với một số vương triều và nhân vật lịch sử ”. Cho nên không ngạc nhiên, vì “để tôn chính thống mà nén tiếm nghịch” nên nhà Hồ với Hồ Quý Ly, nhà Mạc với Mạc Đăng Dung không được các tác giả coi là triều đại chính thống. Về chuyện này nhà sử học đáng kính Trần Quốc Vượng đã bình luận khá cặn kẽ: “Vậy Mạc Đăng Dung ông là ai? - Không dòng dõi Nho gia - Không dòng dõi công thần - Không dòng dõi “ngoại thích của nhà Lê” để chỉ ra rất rành rẽ: “ Mạc Đăng Dung không phải là một chân dung Nho gia và có truyền thống Nho giáo… đó là “chân dung một man of power sinh ra giữa “đời loạn” và làm nên “nghiệp lớn” nhờ có tài và có nhiều “thủ đoạn” để dẹp loạn… Mạc Đăng Dung lọt vào triều Lê thời Uy Mục với xuất thân đánh cá và có sức khỏe. Rõ ràng đây là một vấn đề thời đại: Thời loạn!… Mạc Đăng Dung sẽ lợi dụng và khai thác tối đa những mâu thuẫn cung đình buổi Lê suy để “ra khỏi ẩn số của lịch sử” và trở thành “người hùng của lịch sử ”8

.

Không thể không thấy sử gia Ngô Sĩ Liên, người giữ vai trò lớn trong quá trình biên sọan và hoàn thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư đã sống vào giai đoạn độc tôn Nho giáo, vì thế đã có cái nhìn thiên lệch khi nhận định, phẩm bình về một số nhân vật và sự kiện thời Lý, Trần. Giả dụ như, ông khen Lý Thái Tổ “dời đô yên nước, lòng nhân thương dân… thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương. Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém”!9 Cũng bằng cách nhìn ấy, Ngô Sĩ Liên nhận định về Trần Nhân Tông: “Trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ thì sao được như thế? Chỉ có một việc xuất gia là không hợp đạo trung dung, là cái lỗi của bậc hiền giả”.10

Cũng chính Ngô Sĩ Liên đã phản bác Lê Văn Hưu, sử gia từng đánh giá rất cao công lao của Lê Đại Hành, người sáng lập ra nhà Tiền Lê, một anh hùng dân tộc có công lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược lần thứ nhất. Thế nhưng, ông bị Ngô Sĩ Liên lên án gay gắt về tội không hết lòng phò tá con vua Đinh, lại lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu. Cũng tương tự như vậy, với việc kết thúc triều đại nhà Lý với Lý Huệ Tông, ông viết “Đạo trời là như vậy đó. Dù không có lời nguyền của Huệ Tông, cũng phải tin là thế, Thủ Độ coi việc đó là hết lòng trung, lo việc nước, nhưng có biết đâu thiên hạ đời sau đều chỉ mặt gọi là giặc giết vua, huống chi lại còn làm điều chó lợn”. 11 Có thể dẫn ra rất nhiều những ví dụ tương tự. Mà không chỉ của một Ngô Sĩ Liên.

Nhưng, với tất cả những hạn chế không thể nào tránh được của những sử gia qua các thời đại thì xin nhớ cho rằng “người sáng tạo lịch sử không có thời gian để viết lịch sử” như Montaigne, một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất của thời Phục hưng thế kỷ 16 từng nhắc nhở. Vì vậy, “dốt nát về những chuyện xảy ra trước khi ta sinh ra thì chẳng khác nào ta luôn luôn mãi là một đứa trẻ” như Marcus Tullius Cicero, nhà triết học và lý luận chính trị La Mã cổ đại khẳng định!

Nhưng sẽ còn tệ hại hơn thế nếu bằng một thái độ cực đoan quá khích trong việc nhìn nhận đánh giá một giai đoạn, một triều đại, một sự kiện, một nhân vật lịch sử… mà dẫn tới một quan điểm phủ định sạch trơn. Mà sự cực đoan tệ hại nhất là cố tình “nâng các nấc thang khác nhau của sự phản bội lên thành giá trị”, đổi trắng thay đen, biến tội đồ của lịch sử thành vĩ nhân! Cho dù có thế, thì lịch sử vẫn là lịch sử như nó đã có. Không ai có thể bóp méo hoặc đảo ngược được dòng chảy bất tận của lịch sử. Với biết bao khúc khuỷu gập ghềnh, sự vận động của lịch sử vẫn tuân theo quy luật của nó trong những biến động bất ngờ. Khó để đoán trước được hết độ phức tạp, nhưng cũng có thể là sự giản đơn đến sửng sốt của những gì sẽ được bất ngờ hiện ra đó, ngoại trừ điều mà Nelson Mendela tiên đoán “Sự việc đều tưởng như bất khả thi cho tới khi nó được hoàn thành”.

https://hung-viet.org/images/file/_luRBzhj0wgBAMRy/buctuongberlin.jpg

Thì chẳng phải thế sao? Có mấy ai đoán được những gì đã xảy ra sau khi bức tường Berlin bị đạp đổ ngày 9/11/1989, hơn hai triệu người từ Đông Berlin thăm Tây Berlin vào cuối tuần đó để ăn mừng trong một sự kiện được mô tả là “lễ hội đường phố vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới”. Theo Sarotte trong “The Collapse The Accidental Opening of the Berlin Wall” bức tường ô nhục đó đổ là nhờ “một tập hợp khác thường của những con người và các sự kiện ngẫu nhiên vào tối ngày 9/11 “đã hội tụ theo một trình tự chính xác nhưng hoàn toàn không định trước”.

Nếu không có chuyện “nhỡ miệng” của Günter Schabowski, Bí thư Đông Berlin trả lời các phóng viên về thời điểm có hiệu lực của quyết định cho phép mọi công dân rời Đông Đức thông qua mọi cửa khẩu: “Theo tôi biết là ngay lập tức, không chậm trễ”. Vì thế mà trung tá Harald Jager ra lệnh mở cửa cho người dân băng qua. Những cửa khẩu khác nhanh chóng bắt chước Jager và hàng ngàn người Đông Đức băng qua Tây Berlin, trong số đó có cả Thủ tướng sau này của nước Đức thống nhất, người phụ nữ từng được bình chọn là có người có quyền lực nhất thế giới hôm nay, bà Angela Merkel. Đó là thời điểm kỳ diệu của lịch sử! Trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph sau 25 năm, Jager cho biết ông đã khóc sau khi ra lệnh mở cửa.“Thế giới của tôi sụp đổ… Một mặt tôi vô cùng thất vọng song mặt khác cũng khuây khỏa vì nó đã kết thúc trong hòa bình”. Thế nhưng, theo Washington Post, Gorbachev, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã trấn an Jager vào buổi sáng hôm sau: “Ông đã có quyết định đúng đắn vì làm sao ông có thể bắn vào những người Đức băng qua biên giới để gặp những người Đức khác”.

Nhân đây xin gợi lại câu chuyện thú vị trước cửa tòa soạn báo Nhân Dân mà anh Đức Lượng chắc còn nhớ. Mà tôi chắc chắn là Đức Lượng nhớ, vì ở đây có chút tế nhị chẳng cần phải kể. Quãng tháng 5.1990, sau khi tranh luận khá sôi nổi với Đức Lượng, Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân lúc đó và Đinh Thế Huynh, đang là một phóng viên vừa hoàn thành luận án phó tiến sĩ về báo chí tại Matxcơva trở về mà có lần Đức Lượng đã dẫn sang giới thiệu với tôi, xoay quanh sự kiện Liên Xô sụp đổ suốt cả chặng đường dài ngồi trên chiếc Land Cruiser từ Phú Thọ về Hà Nội. Câu chuyện đang hồi gay cấn thì xe đã về đến cổng trụ sở báo Nhân Dân, đành phải dừng lại. Mở cửa xe tiễn hai ông bạn xuống, tôi thân mật nhắc hai nhà báo đầy quyền uy ấy “Này, các cậu chửi Gorbachev vừa vừa thôi không sẽ hố đấy, vì không chừng rồi người ta phải dựng tượng đồng khắc bia đá cho ông ta đấy”! Cả hai trợn tròn mắt : “Sao anh nói liều vậy, Bộ Chính trị đã có chỉ thị rồi mà”. Tôi vẫn nhẹ nhàng : “Đương nhiên, nhưng đây là ý kiến riêng của tớ, nhân các cậu yêu cầu đổi cho cán bộ của tớ sang ngồi xe Volga dành riêng cho cán bộ cao cấp, để các cậu lên ngồi xe Land Cruiser do UNDP tài trợ cho Dự án chúng tớ đang làm để vui chuyện, thì mình ngẫu hứng mà nói lên dự phóng của mình thôi, đúng sai còn đợi thời gian kiểm nghiệm”!

Mà kiểm nghiệm thì cũng có năm bảy đường. Có một kiểm nghiệm rất chi là cụ thể là nhiều năm sau đó, anh bạn trẻ Đinh Thế Huynh lúc bấy giờ đã là một “lương đống” của triều đình, tình cờ gặp tôi trên sảnh đợi sân bay sau khi cùng nối nhau xuống cầu thang đã lẳng lặng tránh mặt, biến mất hút vào phòng VIP. Rồi, chua chát thay, anh ta cũng biến mất dạng khi nghe đâu là người được nhắm sẽ ngồi vào cái ghế của ông Trọng. Cũng chẳng có gì khó hiểu cái chuyện “ra trường danh lợi vinh liền nhục, vào cuộc trần ai khóc trước cười”, hơi đâu mà “đổ mồ hôi muối, no nước mắt gừng”.12 Đưa ra ví dụ trên chỉ nhằm nói lên một sự thật: trong những bước đi oái oăm của lịch sử, nhân tố ngẫu nhiên có vai trò đặc biệt của nó.

C. Mác có lý khi chỉ ra rằng lịch sử sẽ mang tính chất thần bí nếu tất cả những cái ngẫu nhiên không có tác dụng gì cả. Những ngẫu nhiên này chính là một bộ phận trong tiến trình phát triển. Sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào cái ngẫu nhiên, kể cả những cái ngẫu nhiên rất nhỏ mà những mẩu chuyện vừa nêu cho thấy điều đó. Điều này không bác bỏ lập luận của Hégel nêu trên, mà ngược lại, càng chứng tỏ cái được gọi là ngẫu nhiên đó luôn ẩn giấu cái tất yếu. Nói cách khác, cái tất nhiên phải thông qua cái ngẫu nhiên để biểu hiện ra. Và sự trớ trêu của cuộc sống thường hiện diện trong mối quan hệ mà thoạt nhìn có vẻ bí ẩn đó.

Vì thật ra sự nhỡ miệng của Schabowski dẫn đến quyết định của Jager là những ngẫu nhiên đã ẩn giấu trong đó quy luật không thể đảo ngược của sự vận động. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn và hình thức thể hiện mà thôi. Chẳng thế mà các cụ ta xưa nói một cách dung dị nhưng mang ý nghĩa đúc kết rất hàm súc: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”! Voltaire thì diễn đạt ý này trong một khái quát về những oái oăm của lịch sử bằng một mệnh đề mà càng nghĩ càng thấy cuộc sống đầy rẫy những nghịch lý mà trong bài trước tôi vừa dẫn ra: “Tội ác có anh hùng của nó, sai lầm có tử sĩ của nó”! Có một lý do nào đây không khi bàn về sự oái oăm đó trong một nhận định đậm chất hài hước của nhà triết học Pháp: “Thường những kẻ côn đồ giống các vĩ nhân”13 .Vĩ nhân chỉ có thể trở thành vĩ nhân khi biết khơi dậy, phát huy và biết cách nương theo sức mạnh như triều dâng thác đổ của quần chúng nhân dân được khởi động để cùng họ tiến tới mục tiêu. Không hiểu được về sức năng động tự thân của khối nhân quần chúng đang tỉnh thức, không thể trở thành vĩ nhân! Cho nên, sự tranh cãi triền miên không sao có hồi kết về “anh hùng tạo thời thế” hay “thời thế tạo anh hùng” vẫn mang tính cập nhật.

Hãy chỉ nói một ví dụ: Tại thời điểm chín muồi thể hiện rõ một cục diện mới đã xuất hiện cần phải biết chớp lấy, Hồ Chí Minh là biểu tượng sống động của nguyên lý đó, một nhân tố không thể không có để đẩy tới sự thành công của Cách mạng Tháng 8/1945. Cũng không ai khác, Hồ Chí Minh là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho mối quan hệ Việt-Mỹ. Chắc ai cũng biết, mở đầu Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là câu bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ hồi đó ít người biết chính Hồ Chí Minh đã yêu cầu phi công Mỹ thả dù xuống chiến khu Việt Bắc một nguyên bản của văn kiện lịch sử này vào thời điểm cận kề khởi nghĩa Tháng 8.1945. Đơn vị “Con Nai” của OSS đã thực thi sứ mệnh độc đáo ấy!

Rồi trong vòng hai tháng sau đó, vị Chủ tịch của nước Việt Nam vừa tuyên bố độc lập cần tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, mà trước hết là Hoa Kỳ, đã gửi 8 lá thư cho Tổng thống và ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng không có một hồi âm. Chuyện ấy nói lên điều gì nếu không phải là Nguyễn Ái Quốc muốn tìm một lối đi khi đã suýt mất mạng sau khi bị Stalin vô hiệu hóa và giam lỏng ở Matxcơva. Đấy là chưa nói đến bức thư của Trần Phú, Hà Huy Tập gửi cho tổ chức Đệ Tam Quốc tế vào tháng 3 năm 1935, Nguyễn Ái Quốc đã bị phê phán nặng nề vì đã không theo đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Đệ Tam Quốc tế, về tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm.Trong thư này còn có đoạn: “Những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết…”.

Nhưng vì sao mà những bức thư của Hồ Chí Minh không có hồi âm? Đơn giản chỉ vì, người Mỹ không tìm thấy được chút lợi ích nào trong chuyện chìa tay ra với Hồ Chí Minh của Việt Nam ở sát mép nước Biển Đông tít tắp bên kia bờ Thái Bình Dương mênh mông sóng vỗ. Nhưng rồi 70 năm sau, thì chính những con sóng Biển Đông dồn dập ấy đang giục giã người Mỹ xoay trục sang châu Á vì lợi ích của mình trước một siêu cường côn đồ đang thách thức thế giới, mà trước hết là thách thức người Mỹ. Và thế là Tổng thống Obama chìa tay ra với Nguyễn Phú Trọng, bỏ qua những thông lệ ngoại giao. Đấy là vì lợi ích của nước Mỹ trong chiến lược đối phó với âm mưu thâm độc của Tập Cận Bình đang muốn thâu tóm Biển Đông và bành trướng thế lực xuống Đông Nam Á mà Việt Nam luôn là khúc xương ngáng ngang họng, chứ không phải là do sự tự huyễn một cách ngây ngô của một tâm địa bé mọn “mình phải thế nào thì người ta mới mời chứ”!

Cũng chính vì vậy mà đừng quên rằng, những người có tầm nhìn xa, có trí tuệ mẫn tiệp đã hiểu thấu lòng dạ bành trướng của “người bạn láng giềng cùng chung ý thức hệ” như Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt từng quyết liệt đẩy tới mối quan hệ Việt-Mỹ đã bị những “ngu trung” với tầm mắt thiển cận và trí tuệ lú lẫn, chỉ thuộc lòng một mớ giáo điều đã bị cuộc sống vứt bỏ, tìm mọi cách ngăn cản. Đó cũng là ví dụ điển hình cho những oái oăm lịch sử khiến đất nước phải chậm bước không chỉ 20 năm do mối quan hệ lệ thuộc vào “người cùng chung ý thức hệ” mà tệ hại nhất là sa vào cái bẫy Thành Đô. Nói là oái oăm là vì chuyện chui đầu vào cái bẫy ô nhục đó lại được dẫn dắt bởi tính “kiên định và sáng tạo” của Nguyễn Văn Linh cố “tranh thủ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc, để bảo vệ xã hội chủ nghĩa”.14

Với định hướng sai lầm tệ hại đó, một bộ phận những người cầm quyền “kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa” ngày càng bị trói chặt vào cái bẫy đó mà không chịu tìm cách thoát ra như lời cảnh báo của Phạm Văn Đồng, một người cũng từng bị lôi vào cái bẫy ấy từng xót xa thốt lên: “Tôi bị lừa, tôi bị lừa” khi PGS sử học Nguyễn Quốc Hùng hỏi về chuyện Thành Đô. Chả là dạo ấy, Quốc Hùng, bạn tôi ở Đại học Quốc gia Hà Nội, biết tôi thường có buổi làm việc với cụ Phạm Văn Đồng vào thứ sáu hàng tuần, đã ngỏ ý muốn cùng tôi đến gặp để được trực tiếp hỏi về một vấn đề mà anh đang nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương anh đang phụ trách.Tôi nói với anh Nguyễn Tiến Năng là muốn mời một chuyên gia giúp trình bày với cụ Đồng mấy vấn đề mà tôi chưa nắm chắc, vì thế mà có cuộc trao đổi ấy. Về chuyện “bị lừa” này thì trong “Hồi ức và Suy nghĩ của Trần Quang Cơ” có đoạn: “…Trung Quốc nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng, nhưng đó chỉ là cái “mồi” để kéo anh Đồng tham gia gặp gỡ cấp cao”.15  “Hồi ức…” ghi rõ, với tư cách Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Phạm Văn Đồng đã thẳng thắn vạch ra trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 15-17-1991: “Sau chuyến đi Thành Đô, tôi vẫn ân hận… Nghĩ lại, khi họ mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ta sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc vụ viện, lại mời thêm tôi. Tôi khá bất ngờ, không chuẩn bị kỹ. Anh Mười cho là họ mời rất trang trọng, cơ hội lớn, nên đi. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước hậu quả về phản ứng của Bạn Campuchia, rất gay gắt. Tôi hiểu là Bạn khá bất bình, thậm chí là uất nhau. Cho ta là làm sau lưng, có hại cho người ta.”

Vì thế, ông khẳng định: “Đã hớ, đã dại rồi mà còn nói đặt sự nghiệp cách mạng lên trên hết… Người lãnh đạo không nên làm như vậy. Với Trung Quốc, vừa qua không phải là chúng ta bình thường hóa, mà là chúng ta đã bị phụ thuộc hóa quan hệ”.16

Võ Văn Kiệt thì nói rõ: “Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp Đặng thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy” 17. Quả như vậy, “Mấy nghìn năm Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, không nên cả tin. Ta cần thăm dò thúc đẩy nhưng phải cảnh giác đừng để hớ” đúng như cảnh báo của Phạm Văn Đồng trong cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 30.5.1990 bàn về đàm phán với Trung Quốc17. Về chuyện này, Trần Quang Cơ đã phân tích:“Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm hoạ “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô…”18.

Đã quá trễ để phải nói rõ nguồn cơn của việc bị “sập bẫy của Tàu”! Cái bẫy ấy đã giăng ra từ rất lâu trước đó. Hãy đọc một đoạn trong “Hồi ức…” để thấy rõ, thông qua cuộc gặp với Kayson, Tổng Bí thư Lào ngày 7.10.1989, Đặng Tiểu Bình đã bộc lộ dã tâm và thủ đoạn thâm độc của y trong việc khoét sâu vào những bất đồng trong lãnh đạo Việt Nam để lôi kéo Nguyễn Văn Linh, khai thác những khuyết tật của ông để tạo nên một con ngựa thành Troy của Bắc Kinh: “Trong khi không tiếc lời phê phán Lê Duẩn (người hiểu rõ dã tâm của Trung Quốc, kiên quyết nhất trong việc vạch rõ bộ mặt bẩn thỉu và tàn ác của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán), Đặng đã hết lời ca ngợi Nguyễn Văn Linh. Đặng kể lại khi làm Tổng Bí Thư đảng cộng sản Trung Quốc, năm 1963, đã tổ chức đón Nguyễn Văn Linh từ miền Nam sang Hồng Kông để đi thăm Bắc Kinh gặp nhau, khen anh Linh là ‟người tốt, sáng suốt và có tài”, nhờ Kayson chuyển lời hỏi thăm anh Linh, khuyên Nguyễn Văn Linh nên giải quyết dứt khoát vấn đề Campuchia…”!19

Đừng quên một chi tiết tuy nhỏ nhưng là biểu tượng sống động về ảo tưởng đúc nên bởi sự thiển cận và đố kỵ của một người trót được đặt vào cái ghế lãnh đạo, đồng thời cũng minh họa thêm cho sự oái oăm của lịch sử: “Nguyễn Văn Linh xem ra khá tâm đầu ý hợp trong việc bàn chuyện tâm huyết cứu vãn sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới đang lâm nguy với Ceaucescu khi họ gặp nhau tại Berlin! Để rồi vừa chân ướt chân ráo về đến Bucarest thì Ceaucescu thì bị tóm cổ”20, y bị tòa án quân sự xử tử hình vì các tội làm giàu trái phép, diệt chủng và bị hành quyết. Thế là chưa kịp cùng Nguyễn Văn Linh sang Trung Quốc để tìm cách “cứu vãn sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới đang lâm nguy” thì Ceaucescu phải xuống địa ngục đúng ngày Chúa Phục sinh 25.12.1989! Nhưng sự oái oăm của lịch sử không chỉ thể hiện trong việc chọn lựa giữa địa ngục và thiên đường, mà đôi khi lại ẩn kín trong những mưu toan, quyết sách đen tối. Tôi vẫn còn nhớ như in phản ứng giận dữ của Phan Đình Diệu trước những giảng giải của Nguyễn Văn Linh tại hội trường Ba Đình khi ông vừa ở Đức về và mấy ngày sau thì bức tường Berlin sụp, Diệu xô ghế đứng dậy nói với tôi đang ngồi cạnh “Cậu là đảng viên cứ ngồi mà nghe, tớ về đây, không chịu nổi nữa”. Người trí thức cương trực, một kẻ sĩ đích thực của thời đại mới ấy nếu chậm bước vào thế giới người hiền chỉ nửa năm thôi, chắc sẽ phẫn nộ đến thế nào khi chế độ toàn trị phản dân chủ bước vào một giai đoạn mới, tấn công trực diện vào giới trí thức yêu nước từng được công luận trong ngoài nước kính trọng. Là chuyên gia hàng đầu về tin học, người gây dựng những bước đi đầu tiên cho ngành công nghệ thông tin, Phan Đình Diệu sẽ giận dữ đến thế nào khi người ta đang sử dụng những thành tựu tuyệt vời ấy vào việc nô dịch con người mà một ví dụ đáng sợ là sử dụng “thẻ tính điểm tín nhiệm xã hội” nhằm phân loại công dân và phân biệt đối xử công dân theo mức điểm trong đó có sự trung thành với chế độ mà Trung Quốc đang làm và e rồi Việt Nam dưới triều Trọng cũng làm theo. Trung Quốc đã lắp đặt hơn 200 triệu camera giám sát, sử dụng trí thông minh nhân tạo nhận dạng để liệt vào danh sách đen, không chỉ bản thân họ mà cả đến người nhà và con cái của họ từ sự nhận dạng đó.

Phải chăng là học theo cách đó, chuyện lắp đặt camera chắc là đang còn tính toán lộ trình, song việc cần làm ngay để tỏ rõ quyền uy đang được tóm gọn vào một mối thì trước hết là phải bịt miệng trí thức. Dễ thấy nhất là việc trừng trị Chu Hảo, một trong những trí thức đi đầu trong phát triển công nghệ thông tin, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà Xuất Bản Tri Thức, một chủ thể đang có một vai trò và tác động lớn trong sự nghiệp nâng cao dân trí. Nguyễn Phú Trọng chẳng úp mở mà nói toạc ra lý do: “Đây có phải tham nhũng đâu… cậy mình thế này, thế nọ, là công thần rồi phê phán hết cả, phơi bày hết cả... về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế. Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi con người biến mình thành người khác lúc nào không biết, nó lái con đường của chúng ta đi vô cùng phức tạp…” 21. Thực ra, bịt miệng trí thức vốn là chiêu cổ truyền của chế độ toàn trị phản dân chủ, cái đáng lưu ý là chiêu này được tung ra vào lúc cuộc chiến quyền lực đi vào giai đoạn gay cấn và phức tạp nhất sau hàng loạt những cuộc thanh trừng. Chỉ có điều, đầu óc Trọng chắc là khó cài đặt “camera giám sát”, hoặc chưa thể “sử dụng trí thông minh nhân tạo nhận dạng” nên không sao hiểu được một sự thật đanh thép mà những người có chút học thức đều có thể hiểu: “Nếu anh bịt miệng sự thật, chôn nó xuống đất, nó sẽ lớn và ngưng tụ sức mạnh bùng nổ tới mức vào cái ngày mà nó mọc lên, nó sẽ thổi bay mọi thứ ”22, trước hết là cái ghế quyền lực mục ruỗng của kẻ chuyên chế.

Chính vì thế, lý do phẫn nộ của Phan Đình Diệu vừa nhắc sẽ càng phẫn nộ hơn khi người ta vẫn cứ phải cầu viện đến ông tổng bí thư của nỗi nhục Thành Đô đã khuất núi kia để ve vãn người bạn cùng ý thức hệ từng là chí cốt của ông. Thì chẳng phải trước khi Trọng đi Mỹ, để nhằm trấn an“thiên triều” về lời nguyền “lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan” nên đã hoành tráng tô vẽ lại hình ảnh cụ Tổng vốn là người đã hết lòng với người bạn lớn Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình đã cất công chăm lo từ nhiều thập kỷ trước. Vì vậy mới có cung dạo đầu hoành tráng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Văn Linh, người chủ xướng của thảm hoạ Thành Đô! Đây chính là khúc “prélude” của bản hợp xướng công du Mỹ quốc để thưa trước với “người đồng chí cùng chung ý thức hệ” về mối quan hệ chí cốt.

Sẽ càng rõ hơn thâm ý được ẩn kín nếu nhớ lại câu chuyện hai năm sau đó, kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn 7.4.2017 lại đưa về tổ chức tại Quảng Trị với lý do là nơi sinh, để người đọc diễn văn là Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị. Cũng là cách tránh cho Nguyễn Phú Trọng khỏi phải trực tiếp ca ngợi công lao to lớn của người đã nhìn thấu tim óc của lũ bành trướng Đại Hán, quyết liệt chống dã tâm xâm lược của Trung Quốc mà chúng thâm thù nhất và tìm mọi thủ đoạn bôi xấu. Có lẽ hơn bao giờ hết, lịch sử đòi hỏi những người tử tế muốn giữ cho mình cái thiên lương, thiên năng để không bị rối trí, thì phải tỉnh táo nhớ lại khuyến cáo của Einstein: “Hãy có can đảm để đại diện một cách nghiêm túc những niềm tin đạo đức trong một xã hội đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ”.

Ấy vậy mà, lịch sử không chỉ có những “ẩn số” mà còn có những “ẩn ức”. Những ẩn số, ẩn ức đó cho thấy tính phức tạp, đa dạng trong cái toàn thể muôn hình vạn trạng của đời sống xã hội về mối quan hệ giữa người với người trong những bước đi oái oăm của lịch sử. Nhưng đâu chỉ oái oăm, mà còn rất tàn nhẫn trên từng bước đi nhọc nhằn của lịch sử. Ở đó, “chỉ máu là xoay vần bánh xe lịch sử” như sự khái quát lạnh lùng của Martin Luther, nhà thần học thế kỷ 16 từng góp phần làm thay đổi diện mạo của nền văn minh. Trong cái mênh mông thế sự với những oái oăm và tàn nhẫn ấy, thì hai câu hỏi và lời đáp đối nhau chan chát

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế

của hai danh sĩ tài hoa và giàu cá tính thế kỷ 18 Đặng Trần Thường, Ngô Thì Nhậm gợi biết bao suy tư. Cả hai đều có một kết cục bi thảm mang dáng dấp định mệnh, mà nói theo ngôn từ hay dùng hiện nay, là quy luật về thân phận của những người được gọi là trí thức đích thực. Đó vẫn đang là câu hỏi đậm chất triết lý hằng xuyên của lịch sử mà câu trả lời vẫn đang còn chờ ở phía trước.

Thế và thời đều in đậm dấu ấn của lịch sử. Mà lịch sử là cái sự thật đã diễn ra trong quá khứ. Không thể thay đổi quá khứ. Có chăng, chỉ có thể nghe “tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ” như Victor Hugo nói khi trả lời câu hỏi lịch sử là gì. Cái tiếng vọng ấy được nghe thấy, được cảm nhận như thế nào thì lại tùy thuộc vào mỗi cá nhân không ai giống ai đang bị chi phối bởi hoàn cảnh riêng, thân phận riêng thường rất khác nhau.

Vậy thì hãy dẹp bỏ bớt những đa đoan để lắng nghe tiếng vọng ấy trong thẩm bình thâm thúy của nhà văn Nguyễn Mộng Giác về tác giả của lời đáp trong câu đố tàn nhẫn kia: “Chưa có một người trí thức Việt Nam nào, từ xưa tới nay, có một đời sống tâm linh và đời sống trần thế phong phú đa diện cho bằng Ngô Thì Nhậm”23. Mà cũng vì thế, đừng vòng vo lý luận nữa, hãy đến với câu thơ của Ngô Thì Nhậm thấm đẫm chất u hoài của một trí thức tài danh trong dòng chảy bất tận của lịch sử dân tộc với “Vọng thiên thai phú”:

…Vọng tri kỷ hề, thiên nhất nhai
Hà nhân thức hề, ngô linh đài?24

Ngày 21.12.2018,

nhằm ngày rằm nhưng ánh trăng lại bị che khuất

bởi dải mây đen của cơn mưa trái mùa ở Sài Gòn

T. L.

Tác giả gửi BVN

Chú thích:

1. Bài này có sử dụng lại một bài viết đã đưa lên mạng cách đây hơn ba năm, chỉnh sửa và bổ sung những suy nghĩ và cảm nhận nhân nhìn lại năm 2018

2, 3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên quyển thứ 47

4. Vietnamnet 4.10.2018

5. Lê Quý Đôn. Kiến Văn Tiểu Lục. NXB Sử học 1962, trang 306

6. Trần Quốc Vượng. Văn hóa Việt Nam. Tìm Tòi và Suy Ngẫm. NXB Văn học, 2003, tr.110

7. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 1. NXBKHXH1998, tr.96

8. Trần Quốc Vượng, sđd, tr.787

9, 10, 11 Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.252 và tập 2, tr.9

12.Nguyễn Công Trứ. Trách người đời. Tính toan luống đổ mồ hôi muối. Thương xót đà no nước mắt gừng.

13. Souvent des scélérats ressemblent aux grands hommes.

14, 15, 16, 17, 18, 20. Trần Quang Cơ. Hồi Ức và Suy Ngẫm

21. Tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội ngày 24.11.2918

22. Emile Zola, nhà văn lớn Pháp thế kỷ 19 mà Anatole France gọi ông là "lương tâm của nhân loại"

23. Giai phẩm Tây Sơn Xuân Ất Hợi 1

24. Mong Người-Tri-Kỷ chừ, một phương trời. Lòng ta chừ, tri âm ai người?

Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, trang 35.

Chú thích ảnh từ trên xuống:

Ảnh 1. Người Hà Nội xuống đường ngày 19.8.1945

Ảnh 2. Người Sài Gòn xuống đường ngay23.8.1945

Ảnh 3. Quần chúng nổi dậy phá kho thóc của Nhật để cứu đói năm 1945 (ảnh của Võ An Ninh)

Ảnh 4. Một biếm họa của tạp chí Punch năm 1943

Ảnh 5. Một biếm họa trên mạng

Ảnh 6. Tại bức tường Berlin ngày 9.11.1989

Ảnh 7. Phan Đình Diệu

Ảnh 8. Tượng Ngô Thì Nhậm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn