Những thanh củi cần được vào lò!

Ngô Thị Hồng Lâm

Nguồn gốc đất:

Năm 1968 ông Nguyễn Văn Tý đứng tên mua đất của “Địa phận Công giáo” một mảnh đất có diện tích 715m2, trên hoạ đồ được phân thành:

7 lô thổ cư, được đánh số thứ tự từ 8 ... đến lô số 14, có 16 trụ sạn cột mốc, có bảng xác định toạ độ; 103,27, 34,111,109 thuộc sổ địa bộ 241. Bản đồ số 2, tờ bản đồ số 1.

Đăng kí trước bạ ngày 21/9/1968 toạ lạc tại địa chỉ xã Phú Thọ Hoà – Gia Định, để cất nhà cho 9 đứa con khi trưởng thành (đính kèm).

(Nay số mới là số 206/7/9 Đồng Đen, phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Sau tháng 4/1975 ông Nguyễn Văn Tý bị đi học tập cải tạo. Còn vợ con thì buộc phải đi kinh tế mới tự túc ở Đồng Nai. Sau 2,5 năm học tập trở về, ông Nguyễn Văn Tý đăng kí hộ khẩu cùng gia đình ở vùng kinh tế mới số 8/4 ấp Hoà Bình, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và sinh sống ở đây cho đến khi từ trần.

Sau 2,5 năm khi ông Tý đi học tập, cải tạo trở về, đến ngày 8/6/1994, Ban Quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh đã cho đăng kí và cấp “Sổ địa bộ” số 1315/RĐ-PĐC công nhận ông Nguyễn Văn Tý đứng tên chủ đất của 715m2 đã mua năm 1968.

Khoảng giữa năm 1994 khi ông Nguyễn Văn Tý phát hiện chính quyền quận Tân Bình âm thầm nhổ hết 16 trụ sạn cột mốc trên phần đất của mình mà không thông báo, không có quyết định thu hồi đất, rồi tự ý san lấp phân lô cấp cho nhiều người và bán cho tư nhân xây nhà nhiều tầng dưới danh nghĩa “quy hoạch khu dân cư Bàu Cát quận Tân Bình”, ông Tý đã đứng đơn khiếu nại đến UBND quận Tân Bình để đòi lại 715m2 đất mà UBND quận Tân Bình chiếm dụng trái pháp luật một cách thô bạo bằng quyền lực.

Nhận được đơn khiếu nại của ông Tý, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Thị Minh Tâm đã ra quyết định số 107/QĐ-UB ngày 18/2/1994 trả lời, nội dung trích:

UBND quận Tân Bình nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Tý ngụ tại 8/4 Hoà Bình, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ông Tý sau khi mua đất, gia đình ông Tý không trực tiếp sử dụng, bỏ trống cho đến năm 1975. Ông nguyễn Văn Tý đi học tập cải tạo, cả gia đình vợ và 9 người con đi kinh tế mới tại Đồng Nai. Phần diện tích đất tiếp tục bỏ trống sau 1975. Chính quyền cách mạng quản lý và hiện nay nằm trong khu quy hoạch Bàu Cát quận tân Bình.

Gia đình ông Tý hiện sinh sống ở Đồng Nai không có hộ khẩu thành phố. Từ cơ sở pháp lý nêu trên bác đơn của ông Tý “ (hết trích).

Đối chiếu với quy định pháp luật về nhà đất diện vắng chủ theo tinh thần của:

- Thông tri số 1880/UB ngày 11/11/1976 của UBND  TP Hồ Chí Minh hướng dẫn xác định nhà đất vắng chủ quy định diện:

Vắng chủ:

+  “là người chủ trốn chạy theo địch”.

- Thông tư 201/BXD ngày 23/6/1978 của Bộ Xây Dựng ban hành hướng dẫn xác định về nhà đất thuộc diện vắng chủ quy định rõ những chủ thuộc diện vắng chủ và diện không coi là nhà đất vắng chủ:

+ Vắng chủ: “nhà đất vắng chủ ở miền Nam là nhà đất từ khi giải phóng miền Nam, người đứng tên sở hữu không có mặt ở địa phương không có lý do chính đáng và cũng không đăng kí cư trú tại một nơi nào trên lãnh thổ nước Việt Nam” (hết trích).

+ Diện nhà đất không coi là nhà đất vắng chủ: “Nhà đất của những người tham gia xây dựng kinh tế mới chưa giải quyết xong việc mua bán chuyển nhượng” (hết trích).

- Căn cứ Sổ Địa bộ” số 1315/RĐ-PĐC ngày 08/06/1994 của Ban Quản Lý ruộng đất TP Hồ Chí Minh công nhận ông Nguyễn Văn Tý đứ ng tên chủ đất của 715m2 đã mua năm 1968 là chứng cứ pháp luật.

Chúng tôi nhận thấyrằng:

- 715m2 đất của ông Nguyễn Văn Tý toạ lạc tại số 106/7/9 Đồng Đen, phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh (số mới) không thuộc diện đất vắng chủ đã được quy định tại 2 văn bản có hiệu lực pháp luật nói trên.

- Hơn nữa không có “quyết định thu hồi đất ”của UBND quận Tân Bình với 715m2 đất của ông Tý, vì ông Tý là người có đăng kí hộ khẩu rõ ràng ở Đồng Nai và là người đi kinh tế mới không thuộc diện đất vắng chủ.

- Theo điều 4 Nghị định 30 của Hội đồng Bộ trưởng ngày 23/3/1989: “người đang sử dung đất hợp pháp là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,người có tên trong sổ điạ chính” (hết trích).

Nhưng bà Phó chủ tịch Nguyễn Thị Minh Tâm đã cố tình phớt lờ không áp dụng những quy định về “đất không thuộc diện vắng chủ”, đánh tráo thành “đất mua không sử dụng bỏ trống” điều này không được quy định trong bất kì văn bản pháp lý nào của Nhà nước.

Tại quyết định 107/QĐ-UB ngày 18/2/1994 đã vi phạm Nghị định 30/HĐBT ngày 23/3/2989 lược bỏ đi điều 4 của Nghị định này về công nhận đối tượng sử dụng đất hợp pháp là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên trong sổ đia chính là ông Nguyễn Văn Tý, để ra quyết định một cách thô bạo, trái với luật ban hành, nhằm hợp pháp hoá cho việc tước đoạt tài sản một cách hợp pháp của ông Nguyễn Văn Tý dưới cái gọi là “Quy hoạch dân cư”.

Đầu năm 1995, Không đồng ý với nội dung của Quyết định mang tính thô bạo, trái với luật hiện hành nói trên, ông Nguyễn Văn Tý lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại quyết định số 107/QĐ-UB của Phó chủ tịch Nguyễn Thị Minh Tâm UBND quận Tân Bình lên Sở Địa chính TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Tý nhận được quyết định số 730/CD-ĐC-TTr do Giám đốc sở Huỳnh Phú Sang kí ngày 24/9/1996 , tại quyết định này đã không đưa ra được căn cứ pháp lý nào quy định về “đất mua không sử dụng” thì nhà nước được quyền quản lý!?

Trong khi tại Nghị định 30 ngày 23/3/1989 quy định về công nhận đối tượng sử dụng hợp pháp là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Tý có tên trong sổ đia chính. Tại sao chính quyền được phép thu hồi trái luật ban hành?

Lại một lần nữa Sở Địa chính TP Hồ Chí Minh bác bỏ yêu cầu đòi lại 715m2 đất có nguồn gốc mua bán hợp pháp của ông Tý đã được Ban Quản Lý ruộng đất TP Hồ Chí Minh cấp quyền sử dụng đất và có tên trong sổ địa chính.

Sở Địa chính lại tiếp tục bao che và công nhận quyết định 107/QĐ-UB ngày 18/2/1994 là đúng pháp luật, bác yêu cầu của ông Tý đòi lại đất hoặc xin đền bù.

Xin hỏi: Giám đốc sở Địa chính TP Hồ Chí Minh ra quyết định bác đơn của ông Tý mang tính thô bạo, ngài dựa trên căn cứ pháp lý nào về nhà đất: “đất đã mua không sử dụng” đã được ban hành cụ thể ở văn bản nào để bác đơn xin lại đất hoặc đền bù của ông Tý?

Với cách trả lời giải quyết khiếu nại của dân một cách thiếu công bằng, không thấu tình đạt lý với người dân, trong khi ông Tý là người được Ban Quản Lý ruộng đất TP Hồ Chí Minh cấp đăng kí quyền sở hữu đất số 1315/RĐ-PĐC ngày 8/6/1994, theo nghị định 30 của HĐBT là đối tượng sử dụng đất hợp pháp, mà lại bao che cho cấp dưới tham nhũng, tước đoạt một cách hợp pháp bằng quyền lực nhà nước, rằng:

đã giải quyết đúng pháp luật” đối với tài sản của công dân Nguyễn Văn Tý???!!! Giải quyết đúng pháp luật hay là ăn cướp công khai nhân danh pháp luật từ dưới lên trên?

Năm 1997 ông Nguyễn Văn Tý đã già yếu, không còn đủ sức để đường trường dặm thẳm đi tìm công lý. Ông Nguyễn Văn Tý uỷ quyền sử dụng cho con gái là bà Nguyễn Thị Kim Thủy sinh 1949, cư ngụ tại tỉnh Tiền Giang, tiếp tục đội đơn đi khiếu nại 2 quyết định vi hiến nói trên lên UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Kim Thủy nhận được quyết định cuối cùng số 759/QĐ-UB-NC của UBND TP Hồ Chí Minh do Phó chủ tịch Vũ Hùng Việt kí ngày 16/2/1998.

Nội dung đã cố tình cắt xén đi nơi cư trú của ông Nguyễn Văn Tý sau 1975, trích:

xét phần đất 715m2 tại p 12 quận Tân Bình do ông Nguyễn Văn Tý (cha bà Nguyễn Thị Kim Thuỷ) mua năm 1968 nhưng không sử dụng. Sau ngày giải phóng phần đất trên tiếp tục bỏ trống nên UBND quận tân Bình quy hoạch thành khu dân cư. Nay gia đình bà Thuỷ xin đền bù đất là không có cơ sở pháp lý để giải quyết”(hết trích).

Và tiếp tục công nhận 2 quyết định giải quyết khiếu nại mang tính thô bạo và trái luật trên đây của quận Tân Bình và Sở Địa chính TP Hồ Chí Minh bác đơn bà Thuỷ là đúng pháp luật.

Một lần nữa công luận nhận thấy cả 3 quyết định của 3 cơ quan trên liên quan đến vấn đề giải quyết về đất đai của gia đình bà Thuỷ đã vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai của Việt Nam với đầy tính thô bạo.

Xin được hỏi UBND TP Hồ Chí Minh dựa trên điều nào của Luật Đất đai, của Thông tri, của Thông tư do Nhà nước Việt Nam ban hành có hàm chứa nội dung “đất mua không sử dụng bỏ trốngthì chính quyền có quyền quản lý và thu hồi để tuyên bác đơn của gia đình bà Thuỷ một cách vô nhân đạo, đã tước đoạt một cách trắng trợn tài sản của công dân Nguyễn Văn Tý, nhằm bao che cho cấp dưới tham nhũng, đem kinh doanh một cách lộ liễu.

Quá uất ức, bà Kim Thuỷ tiếp tục mòn mỏi trên con đường đi tìm công lý, lại đội đơn đến Bộ Tài nguyên & Môi trường đòi lại đất của mình. Bà đã nhận được văn bản số 658/BTN&MT do Thứ trưởng BTN&MT Triệu Văn Bé kí ngày 16/3/2004,  trích: “bác đơn “xin lại đất hoặc đền bù giá trị đất là không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Quyết định cuối cùng 759/QĐ-UB ngày16/2/1988 của UBND TP Hồ Chí Minh là đúng quy định pháp luật. Yêu cầu gia đình bà thực hiện đúng quyết định trên” (hết trích).

Năm 2004 không đồng ý với quyết định 658 của Bộ Tài nguyên bao che cho tham nhũng, bà Nguyễn Kim Thuỷ vẫn tiếp tục đội đơn đến cơ quan Thanh tra Chính phủ để tiếp tục mò kim công lý dưới đáy bể.

Lại một lần nữa bà nhận được văn bản 1864/TTCP-V5 do Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Đình Đấu kí ngày 4/10/2005 xin trích một đoạn:

”sau khi nghiên cứu hồ sơ khiếu nại, đối chiếu với những quy định của pháp luật về đất đai, không thấy tình tiết mới,Thanh tra chính phủ thấy việc UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng số 759/UBND TP Hồ Chí Minh ngày 16/2/1998 và Bộ Tài nguyên ban hành công văn só658/BTN&MT ngày 16/3/2004 giải quyết đơn của bà Nguyễn Kim Thuỷ là đúng chính sách, đúng pháp luật”.

Xin thưa với chính quyền các cấp, tình tiết mới ở đây chính là bà Phó chủ tịch Nguyễn Thị Minh Tâm cố tình bỏ lọt điểu 4 Nghị định 30 /HĐBT ngày 23/3/1989 quy định rằng “đối tượng sử dụng đất hợp pháp là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Tý có tên trong Sổ Địa chính “để mưu lợi ích phe nhóm” chứ đâu???

Phẫn nộ với cả một bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới bao che cho tham nhũng, ức hiếp dân bằng quyền lực tại những văn bản pháp luật để cướp đoạt trắng trợn tài sản của mình, năm 2006 bà Nguyễn Thị Kim Thuỷ đội đơn đến cơ quan có thẩm quyền giám sát luật là Quốc hội. Gặp và chất vấn trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại phòng tiếp dân của Quốc hội tại TP Hồ Chí Minh, và họ đã trả lời bằng văn bản cho bà Thuỷ số 833/ĐĐB-TL ngày 7/8/2008, trích:

” nếu bà không đồng ý với các kết quả giải quyết khiếu nại như trên, bà có thể gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ để được giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Quả bóng sửa những quyết định sai trái, vi hiến của cấp dưới một lần nữa lại được đá sang Thủ tướng Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Kim Thuỷ lại khăn gói mòn mỏi đội đơn đi đến văn phòng Thủ tướng tại Hà Nội gửi đơn kêu oan đến ngài Thủ tướng. Từ năm 2006 đến 2008, bà Thuỷ nhận được 3 văn bản của VPCP, của Thủ tướng mang các số:

+ 3671/VPCP-VII ngày 12/7/2006.

+ 258/HD-TDTW ngày 16/7/2008.

+ 6496/VPCP-KNTN ngày 01/10/2008

do Bộ trưởng Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc kí, chỉ đạo chính Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Thuỷ theo pháp luật.

Bà Thuỷ lại trở về TP Hồ Chí Minh gửi những văn bản của VPCP yêu cầu chính Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phải trực tiếp giải quyết khiếu nại của bà Thuỷ, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, xem xét huỷ QĐCC759/UBND TP Hồ Chí Minh ngày 16/2/1998 trái pháp luật do cơ quan này ban hành.

Nhưng đến nay đã 24 năm các vị lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh vẫn phớt lờ, vô trách nhiệm. Không chấp hành theo sự chỉ đạo 3 công văn của VPCP mà họ vẫn cứ vin vào “đã giải quyết đúng chính sách, đúng pháp luật” !

Trong khi người dân thì bị những cán bộ suy thoái về đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đánh tráo khái niệm ban đầu từ “đất không thuộc diện vắng chủ” của người dân biến thành “đất mua không sử dụng bỏ trống” đã không được quy định trong luật hay bất cứ văn bản hiện hành nào của Nhà nước Việt Nam ban hành, để UBND quận Tân Bình được phép quản lý, để ra những văn bản trái với những chuẩn mực của pháp luật, nhằm tước đoạt tài sản của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Thuý một cách hợp pháp, nhưng lại được bao che, không xử lý đúng với những quy đinh của pháp luật của cấp trên, đẩy người dân vào con đường cùng.

Điểm lại những vụ máu đã đổ vì giữ đất, người dân đã đứng lên để tự vệ chống lại bọn người lợi ích nhóm, dùng quyền lực cướp đất của dân, điển hình là vụ đất Thủ Thiêm, Vụ Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), Đặng Văn Hiến (Đắc Nông), của cậu bé 15 tuổi Mai Trung Tuấn (Long An) và gần đây là sự đồng lòng của dân Đồng Tâm đã không cho bọn lợi ích nhóm tung tác trên mảnh đất bờ xôi ruộng mật của họ có từ nhiều đời. Năm ngoái đây thì vườn rau Lộc Hưng!

Trở lại thế kỉ 20 thời Pháp còn đô hộ, tại vụ án Đồng Nọc Nạn ở bạc Liêu về đất đai. Trong cuộc ẩu đả nông dân Mười Chức đã đâm chết một lính Pháp tên là Tournier của “mẫu quốc”. Quan chánh án người Pháp của toà đại hình, đại diện cho “công lý thời thực dân”, đã tuyên một bản án cho những bị cáo trong vụ án “Đồng Nọc Nạn”, mà thời nay không một bản án nào có thể công bằng và nhân ái hơn: “những nông dân bị giam giữ được trả tự do, mọi khiếu nại của nguyên đơn được đáp ứng”.

Bản án ấy còn lưu truyền mãi tới nay mà công lý của Việt Nam hiện nay có bằng công lý của thời thực dân mà các vị đã quyết tâm đánh đổ?

Việt Nam đã tạo ra một cường quốc dân oan cho hàng ngàn gia đình, như gia đình chị Nguyễn Thị Thuý Kim, như rất nhiều gia đình ở Thủ Thiêm, ở Lộc Hưng và còn không biết bao nhiêu gia đình ở vô số nơi trên khắp đất nước đang ngày đêm bị đẩy vào đường cùng, tứ cố vô thân, lưu vong ngay trên quê hương của mình.

Trách nhiệm này không ai khác. Nó thuộc về chính quyền cộng sản Việt Nam!

Vũng Tàu ngày 1-4–2019

N.T.H.L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn