Phản kháng phi bạo lực (Phần 3)

Phạm Đoan Trang
Chương III
“TÔI ĐƯỢC GÌ TRONG CHUYỆN NÀY?”
Phải xác định được một đích đến chung cho tất cả mọi người: Bạn muốn Việt Nam và bạn như thế nào trong 5, 10, 20 năm tới? Đất nước Việt Nam của 5, 10 hay 20 năm tới có gì đáng sống hơn bây giờ, có gì đáng để chúng ta đấu tranh cho nó lúc này?
Đây chính là khía cạnh “nghĩ lớn” trong chuyện “mưu sự đại thừa, hành sự tiểu thừa” hay là nghĩ lớn nhưng phải bắt đầu từ việc nhỏ và làm tốt từng việc nhỏ.
Trong việc vận động và thu hút quần chúng cho công cuộc đấu tranh chống độc tài, bạn sẽ phải gặp rất nhiều người, thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Và chắc chắn, bất kỳ người dân nào, cho dù yêu quý và tin tưởng bạn đến đâu, cũng có lúc đặt một câu hỏi – ngấm ngầm hoặc công khai với bạn. Câu hỏi ấy là: Tôi được gì trong chuyện này?
Không chỉ là được gì trong chuyện dấn thân đấu tranh theo bạn, mà còn hơn thế: Được gì trong tương lai, khi cuộc đấu tranh đã kết thúc?




Cho nên, trong khi đang cố gắng làm tốt những việc nhỏ, bạn cũng đừng quên là ngay từ đầu, bạn đã phải xác định một đích đến chung cho tất cả mọi người, trong đó có bạn nhưng không thể chỉ một mình bạn. Trong kinh doanh, đích đến ấy được gọi là “tầm nhìn” hay “viễn kiến” của công ty và người ta dùng nó để thu hút nhân tài về cho công ty.
Trong đấu tranh chống độc tài cũng vậy. Những cá nhân, tổ chức lãnh đạo cần xây dựng một tầm nhìn, và nó phải rất hấp dẫn, nó phải tầm nhìn chung của càng nhiều người càng tốt, mới có thể thu hút họ vào công cuộc chung.
Tầm nhìn hấp dẫn
Người cộng sản ngày xưa vận động quần chúng đi làm cách mạng đã đưa ra tầm nhìn như thế nào nhỉ, bạn nhớ không?
Độc lập dân tộc, xã hội bình đẳng không giai cấp, không còn cảnh người bóc lột người, nam nữ bình quyền, người cày có ruộng, ai ai cũng được học hành. Nhiều lắm và hấp dẫn lắm, nhất là với một dân tộc hết làm nô lệ cho thực dân Pháp lại bị phát xít Nhật đô hộ, 90% dân số làm nông, 90% dân số mù chữ, một nửa dân số (phụ nữ) đã luôn phải sống trong những ràng buộc của chế độ phong kiến.
Cứ cho là đảng Cộng sản đã cho toàn dân tộc ăn bánh vẽ, nhưng dù sao cũng phải thừa nhận, họ đã vẽ quá khéo, cái bánh quá ngon và ra lò đúng thời điểm.
Bây giờ, bạn đấu tranh chống độc tài cộng sản (và độc tài nói chung, chừng nào đất nước còn độc tài). Tầm nhìn mà bạn vạch ra cho người dân – những người có thể đi theo bạn, dấn thân cùng bạn trong cuộc tranh đấu, hoặc ủng hộ bạn về tinh thần, vật chất – là gì?
Đó phải là hình dung về một xã hội mà đảng Cộng sản đã không xây dựng nổi cho người dân Việt Nam. Trong xã hội tương lai ấy, ai cũng được hạnh phúc hơn, kể cả công an, quân đội, và những người hiện nay đang ủng hộ chế độ cộng sản, làm nên những cái nguồn cho quyền lực chính trị của đảng.
Chồng chết ở trại tạm giam, vợ đem quan tài diễu phố, 3/8/2015. Ảnh: Gia đình & Xã hội
Quá tải trong bệnh viện. Ảnh: Hà Nội Mới
Phóng viên tác nghiệp bị công an vừa đánh vừa chửi, 23/9/2016. Ảnh cắt từ clip
Không tiền thuê xe, bó chiếu chở xác em về, 12/9/2016. (Ảnh: Otofun)
Đánh cá xa bờ, ngư dân bị tàu Trung Quốc bắt và làm nhục
Dân oan vạ vật biểu tình tại Sài Gòn, 16/3/2012

Ta thử hình dung xã hội đó sẽ như thế nào?
Ở đó:
- Nông dân không bị cướp đất nữa. Việc lấy đất nông nghiệp cho mục tiêu phát triển sẽ chỉ được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận tự do, tự nguyện và có đầy đủ thông tin giữa các bên, trong đó có nông dân.
- Dân oan không còn bị oan nữa: Các vụ tranh chấp đất đai được giải quyết ổn thỏa.
- Học sinh được đi học miễn phí bậc tiểu học.
- Sinh viên không bị bắt buộc phải học triết học Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh nữa. Giáo dục được tự do, phi chính trị hóa.
- Nghệ thuật được tự do, phi chính trị hóa.
- Phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục được cải thiện.
- Môi trường không bị ô nhiễm nữa.
- Thực phẩm, nguồn nước không còn bị bẩn, nhiễm độc nữa.
- Tai nạn giao thông giảm hẳn, chất lượng đường xá tốt hơn.
- Hệ thống hành chính tốt hơn, minh bạch, hiệu quả và thân thiện hơn.
- Công an, cảnh sát lịch sự, văn minh, không hống hách như bố dân, không lạm quyền ức hiếp dân nữa.
- Mọi người dân đều có thể tự do ra báo, mở đài, viết sách, viết blog, đi biểu tình, và thoải mái chỉ trích chính quyền mà không lo bị đưa lên phường.
- Bất bình đẳng được giảm tương đối: Người giàu vẫn có thể giàu, nhưng xã hội đều biết nguồn thu nhập của họ đến từ đâu và có thể yên tâm rằng đó là nguồn thu nhập chính đáng.
- Bất kỳ ai có năng lực cũng đều được tưởng thưởng xứng đáng.
- Bất kỳ ai làm việc chăm chỉ cũng đều được tưởng thưởng xứng đáng.
- Người yếu thế (tàn tật, neo đơn) được bảo vệ.
- Về đối ngoại, nhà nước độc lập, bình đẳng với các quốc gia khác, không tỏ ra hèn yếu, nhu nhược trước bất kỳ nước nào, nhất là Trung Quốc.
- v.v.
Như vậy, bạn có thể thấy: Phải xác định được một tầm nhìn đủ hấp dẫn với nhiều thành phần trong xã hội, càng nhiều càng tốt, nhất là những thành phần có ảnh hưởng lớn đến phần còn lại, ví dụ như doanh nhân.
Mà để làm được như vậy thì dứt khoát những nhà hoạt động, những người đấu tranh như bạn phải rất hiểu thực trạng xã hội, rất hiểu hoàn cảnh nước mình. Nói một cách văn chương, các bạn phải lắng nghe người dân, cảm thông với tình cảnh của họ, thấu hiểu những nhu cầu, nguyện vọng của họ, các bạn phải nhìn ra các vấn đề của đất nước. Và đó là lý do bạn phải là người Việt Nam sống ở Việt Nam, để có thể cảm nhận và thấu hiểu.
Ở tất cả các nơi trên thế giới, đặc biệt là ở những nước mà chất lượng sống của dân chúng còn thấp (như Việt Nam), hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến những vấn đề mà họ cảm thấy có liên quan trực tiếp đến họ, như lương thực thực phẩm, y tế, giáo dục, giao thông, an sinh xã hội. Trong khi đó, điều quan trọng trong đấu tranh phi bạo lực là: Vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có chính là số lượng.
Do đó, nếu muốn thành công, bạn phải tìm ra một hoặc một số vấn đề mà đông đảo dân chúng có thể dễ dàng đóng góp công sức, điều gì đó mà người ta khó lòng từ chối tham gia, nếu họ được truyền cảm hứng và thúc giục.
Đây là việc rất quan trọng, cho nên nhà hoạt động muốn thay đổi xã hội phải thật sự quan sát, tìm hiểu, suy nghĩ và sáng tạo để xác định được những vấn đề ấy.
*
Nhà truyền giáo
Đã xác định được tầm nhìn rồi, bây giờ việc bạn cần làm là phổ biến tầm nhìn ấy đến người dân, và trong quá trình làm công việc của “nhà truyền giáo” này, bạn phải thực sự sống với một niềm tin mãnh liệt vào tầm nhìn ấy, tin rằng nó tốt đẹp và Việt Nam phải có nó.
Muốn vậy, bạn phải... làm gương. Bạn phải thực sự sống với tầm nhìn ấy, sống trong tầm nhìn ấy. Gandhi bảo: “Bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn có” (“You must be the change you want to”).
Nói cách khác, bạn phải xây dựng hình ảnh của bạn và cả phong trào dân chủ như hình ảnh về xã hội mà người dân muốn thấy trong tương lai. Và đó là nội dung của chương tiếp theo, tập trung vào việc xây dựng hình ảnh.
P.Đ.T.
(Còn tiếp)
Nguồn: bit.ly/phankhang

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn