Giải thưởng Hòa bình cho các xã hội dân sự

Thục Quyên

Ngày 14.06.2019 trong khi cả thế giới đang hồi hộp theo dõi cuộc biểu tình bất bạo động tại Hồng Kông liệu có lên tới con số 2 triệu người tham gia hay chưa, thì tại thủ đô Luxembourg của Đại công quốc Luxembourg (Grand Duché de Luxembourg), trong một căn phòng thuộc toà nhà Robert Schuman, nơi một thời đã là trụ sở của Nghị viện Âu châu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được Quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới trao Giải Hòa bình Luxembourg 2019, trước sự hiện diện của khoảng 150 nhà hoạt động cho hòa bình đến từ khắp nơi trên thế giới.

Một học trò xuất gia rất trẻ của Thiền sư, Thầy Pháp Hữu, mới 32 tuổi, đã được Làng Mai lựa thay mặt thầy mình đi nhận Giải Hòa bình Nội Tâm, trong khi Thiền sư Nhất Hạnh, 93t, đã ủy thác các trung tâm thiền và các Viện Phật Học của ông tại Âu, Mỹ, và Á châu cho các đệ tử để về sống tại Chùa Từ Hiếu, Huế, tại quê hương Việt Nam của ông, nơi dân tộc ông vẫn chìm đắm trong sự bất an, kiệt quệ, trong nỗi lo sợ triền miên bị Trung Hoa đè bẹp nhưng chưa tìm được cách để chống trả.

Giải Hòa bình Luxembourg

Luxemboug là một trong những quốc gia có diện tích nhỏ nhất Âu châu nhưng là một trong những quốc gia có tổng sản phẩm nội địa GDP cao nhất thế giới, là thành viên sáng lập của Liên minh Tây Âu (đã giải thể 2011), Liên Hiệp Quốc (1945), NATO (1949), Benelux (1958), và Liên minh Âu châu (1952-2009).

Quỹ Hòa bình Schengen được thành lập năm 2005 với tư cách là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận được phê chuẩn bởi Đại công tước Henri de Luxembourg vào ngày 19 tháng 10 năm 2007, để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bằng cách thúc đẩy Hòa bình-Khoan dung-Hiểu biết, thông qua đối thoại đa văn hóa bằng các cuộc thảo luận, ấn phẩm, triển lãm và hội thảo, qua internet, hoặc qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, và các chương trình giáo dục cũng như các nghiên cứu về hòa bình.

Mỗi năm, kể từ năm 2012, Quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới đã trao Giải thưởng Hòa bình Luxembourg, một giải thưởng nhằm tôn vinh sự xuất sắc của một cá nhân hay một hội, nhóm, trong nhiều lĩnh vực nhằm xây dựng hòa bình : hoạt động cá nhân, giáo dục, tổ chức, nỗ lực cộng đồng, hỗ trợ, công nghệ, tuổi trẻ làm việc cho hòa bình, tiến trình hòa bình, báo chí, môi sinh, nghệ thuật, và đặc biệt hơn cả là năm nay Giải thưởng Hòa bình Nội tâm được trao lần đầu và người nhận giải là một nhà tu phật giáo Việt Nam.

Ông Dominicus H. Rohde, Chủ tịch Diễn đàn Hòa bình Thế giới và Quỹ Hòa bình Schengen, trong Lời mở đầu(1), đã tuyên bố:

“Chúng ta có thể có Hòa bình!

Tôi tin chắc, tôi biết rằng, hòa bình có thể đạt được.

Đây chỉ là một vấn đề toán học và một vấn đề thời gian, cho đến khi chúng ta đạt được khối lượng quan trọng để gây biến chuyển, làm mô hình mới lan rộng.

Cái ác ở khắp mọi nơi và có tổ chức vững vàng. Nền kinh tế của chiến tranh có ‘sức dài vai rộng’. Tuy nhiên, một nền kinh tế hòa bình sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội và mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Ngày chúng ta cùng nhau hành động và thay thế hệ thống cũ bằng một cấu trúc hòa bình có tổ chức, chúng ta có thể mở ra những thực tế mới chưa từng thấy mà chúng ta đã tìm kiếm từ lâu”.

Bình an trong tự thân và trên thế giới

Trong lời tôn vinh Thiền sư Thích Nhất Hạnh đọc tại buổi lễ trao giải, vị đại diện Quỹ Hòa bình Schengen đã nói: “Giáo lý quan trọng của Thiền sư là, với chánh niệm, chúng ta có thể học cách sống hạnh phúc ngay trong hiện tại. Đây là cách duy nhất để thực sự có được bình an trong tự thân và trên thế giới”(2)

Nhưng, như một quả táo mà chúng ta chưa bao giờ nhai trong miệng để tiếp xúc với mùi vị đặc trưng của nó thì chúng ta không thể biết thế nào là một quả táo, giáo lý quan trọng của Thầy Nhất Hạnh để đạt tới bình an trong tự thân và trên thế giới, có vẻ bị tắc nghẽn với Việt Nam, chưa giúp được dân tộc của Thầy. Có phải vì một hạt giống chỉ nẩy mầm khi được gieo vào thửa đất thích hợp, rồi còn phải có mưa thuận gió hòa mới có thể phát triển? Hay tại thời gian Thầy bất đắc dĩ phải sống xa quê hương đã quá lâu để có ảnh hưởng?

Tội kêu gọi Hòa bình ở Việt Nam

Đây không phải là lần thứ nhất Thiền sư Nhất Hạnh được một giải thưởng quốc tế, được tôn vinh, được tạc tượng, được Liên Hiệp Quốc lắng nghe, được một vị Tổng thống Mỹ hỏi ý kiến, nhưng giáo pháp bình an trong tự thân của Thầy đã không được số đông người Việt hiểu và áp dụng. Ngược lại với cái hiểu phải có Hòa bình rồi mới có thể có bình an, Thầy Nhất Hạnh dạy phải có bình an trong tự thân rồi hòa bình mới có cơ hội đến.

Thuở Việt Nam từ Bắc chí Nam khói lửa chiến tranh đang ngùn ngụt, những bên lâm chiến đang say máu kẻ thù, thì tiếng kêu đau thương của Thầy “kẻ thù của ta không phải là con người” chẳng được bên nào nghe lọt lỗ tai. Hơn 40 năm sau chiến tranh, cái tội kêu gọi Hòa bình của Thầy vẫn không bên nào quên được, vì kêu gọi Hòa bình được hiểu là kêu gọi ngưng tiêu diệt phe “bên kia”, như vậy là chống đối “phe mình”, là thuộc phe “bên kia”, là làm hại “phe mình”....

“Vị sứ giả của Hòa bình và bất bạo động” Mục sư Martin Luther King thán phục khi xưa và thế giới hôm nay tôn sùng là “nhà lãnh đạo hòa bình toàn cầu, nhà hoạt động hòa bình toàn cầu”, trong mắt nhiều người Việt chống Cộng là một kẻ “phản chiến”, “làm lợi cho cộng sản”, hoặc ngược lại, đối với Cộng sản VN thì có lúc Thầy là “thế lực thù nghịch âm mưu chống chính quyền”, lúc nhẹ hơn là “phải theo dõi, phòng ngừa”.

Chiến tranh súng đạn không còn ở Việt Nam, nhưng chiến tranh vẫn còn trong tâm thức người Việt, vì hằng ngày trên mảnh đất đó vẫn còn sự bạo tàn và đàn áp.

Và người Việt vẫn tin con đường giải thoát duy nhất là tiêu diệt con người thù nghịch với mình.

Tội muốn tôn giáo góp sức xây dựng hòa bình

Năm 1999 Giám đốc UNESCO Federico Mayor mời Thầy Nhất Hạnh viết một bản hướng dẫn về thực hành hòa bình và bất bạo động (để trở thành 6 điểm căn bản của United Nation Manisfesto 2000)(3) nhưng năm 2005 khi Thầy Nhất Hạnh về Việt Nam lần đầu với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, ngay chính những vị trưởng thượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, những người mà Thầy gọi là những anh em của tôi, những người giỏi hơn tôi vượt bực mà đang không được tự do hành đạo và dạy đạo tại Việt Nam, và Thầy kêu gọi các phật tử Pháp, Ý, Nhật, Đại Hàn, Hồng Kông, Đức, Nga... gom chữ ký đòi trả tự do cho họ, chính những vị này lại từ chối không gặp Thầy, nên hai bên đã mất dịp may bằng vàng cùng nhau lên tiếng xiển dương nền văn hóa hòa bình và không bạo lực của Phật giáo, mà thế giới tin tưởng sẽ thắng mọi bạo tàn.

Không gặp nhau nên không thể đối thoại để hiểu nhau: một sự cố thật bi đát cho Phật giáo Việt Nam, bỏ cửa ngỏ cho kẻ ác, cho những kẻ xây chùa lớn dựng tượng cao, mê tín dị đoan, buôn kinh bán kệ, tha hồ múa may.

Sáu điểm Thầy Nhất Hạnh trao cho Thủ tướng Phan Văn Khải (4) vào cuối chuyến đi này, đề nghị phải tách giáo quyền khỏi chính quyền, phải dùng đức trị để khôi phục đạo đức, niềm tin xóm làng, hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Phật giáo Việt Nam đều phải được chính thức hoạt động v.v... chẳng được phe nào ủng hộ.

2007 Thầy Nhất Hạnh vẫn từ tốn nhưng thẳng thắn giáp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đưa thư đề nghị “Chính phủ thực hiện việc tách rời tôn giáo khỏi chính trị và chính trị khỏi tôn giáo… ngưng lại mọi quản chế của chính quyền trên giáo quyền, giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và trước hết là ngành Công an Tôn giáo. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được sinh hoạt tự do trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, như bất cứ một hội đoàn văn hóa, thương mại, công nghiệp và xã hội nào”(5).

Ảnh hưởng quốc tế chỉ đủ để Thầy không bị cấm cửa không cho về nước nhưng Chính phủ Việt Nam không hề có ý định để các đoàn thể tôn giáo được hành đạo tự do.

Tội đề nghị Việt Nam nên hành xử khác Trung Hoa

Tháng 03/2008 chỉ hơn một tháng trước khi về VN đóng góp cho Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn hơn 3000 người đi thiền hành tại thành phố Roma để chuyển năng lượng thương yêu tới 600 nhà sư Tây Tạng và các phật tử vừa bị xe tăng, thiết giáp của quân đội Trung Hoa đàn áp đẫm máu tại Lhasa. Đài truyền hình quốc gia Ý và các tờ báo lớn Il Manifesto, Corriere della Sera và La Republica đã truyền hình và đăng lời kêu gọi của Thiền sư Nhất Hạnh, yêu cầu Quốc hội Âu châu gửi phái đoàn đến Lhasa và các nơi khác để lắng nghe tại chỗ về những sự kiện đã xảy ra, yêu cầu Chính phủ Trung Hoa để Đức Đạt Lai Lạt Ma về viếng thăm cũng như giảng dạy Phật pháp tại Tây Tạng và Trung Hoa, và để tỏ rõ cho thế giới thấy Việt Nam có lập trường với Tây Tạng rất khác với Trung Quốc, Việt Nam nên mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đến dự Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc: Chính phủ Việt Nam sau đó chỉ có lập trường với Thầy Nhất Hạnh là giải tán Tu viện Bát Nhã!

Thầy Nhất Hạnh một mặt không để bị bắt chẹt phải thay đổi lập trường, mặt kia hướng dẫn toàn thể các học trò xuất gia cũng như cư sĩ của Thầy giữ hoàn toàn bất bạo động, tránh mọi thù hận, xung đột với phe đàn áp. 400 người tu trẻ của Bát Nhã vỡ đàn được một số các vị tôn túc thuộc cả hai Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất lẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngấm ngầm cưu mang cho qua cơn nguy biến. Cho thấy trong lòng cả hai Giáo hội đều có những vị tôn túc vẫn lo bảo bọc xây dựng cho thế hệ tương lai của dân tộc.

Một lần nữa hạt giống hòa bình Thầy Nhất Hạnh gieo và vun trồng có vẻ không bắt được rễ tại Việt Nam.

Nhưng may thay, dân là dân, chính quyền là chính quyền.

Không những nhiều cuốn sách của Thầy Nhất Hạnh là bestsellers tại các nước Âu Mỹ, cuốn “Dữ sinh mệnh tương ước” (Uớc hẹn với cuộc sống) in tại Bắc Kinh còn là bestseller tại Trung Quốc và cuốn “Phóng hạ tâm trung đích ngưu” (Thả con trâu trong tâm tưởng), bestseller tại Hồng Kông.

Bên cạnh những giải “Hòa bình trên Trái đất” (Pacem in Terris) và Union Medal của những Giáo hội Thiên Chúa giáo, nhằm “vinh danh những cá nhân mà cuộc sống của họ là tấm gương thực hiện những sứ mạng hướng thượng trên thế giới”, nhiều đại học Âu Mỹ cũng như hai đại học tại Hồng Kông đã lần lượt vinh danh Thầy năm 2014 và 2017

H Hồng Kông trao bằng TS danh dự về Nhân văn.1

Giáo sư Lee Chi-Kin Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông (Ngày 29/8/2017 tại Thái Lan) trao tặng mũ áo.

“Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình để thúc đẩy hòa bình và những giá trị tâm linh trên khắp thế giới. Người đã nỗ lực để giúp tháo gỡ những vấn đề xã hội đương thời cũng như những xung đột trên thế giới thông qua những phương pháp chế tác bình an và từ bi” và “…là một bậc thầy lỗi lạc, là nguồn cảm hứng lớn lao cho chúng ta”.

Hình ảnh cô Lam Ka Lo, gương mặt của phong trào biểu tình bất bạo động tại Hồng Kông, ngồi thiền trước đoàn cảnh sát kéo đến chặn biểu tình, đã làm nhiều người Việt Nam suy nghĩ. Như vậy cũng dễ tiên đóan là những hạt giống từ bi và an lạc Thầy Nhất Hạnh đã gieo trồng trên thế giới cũng đã, đang và sẽ về tới Việt Nam để làm nguồn cảm hứng xây dựng an bình cho dân tộc của Thầy.

Tinh thần “không thắng không thua, không thành công không thất bại”

Giải thưởng Hòa bình Nội tâm Luxemburg 2019 có ý nghĩa nhất cho những cá nhân và xã hội dân sự đang tranh đấu bất bạo động cho hòa bình. Có nhiều phương cách, nhiều địa hạt để xây dựng Hòa bình. Chống đối là một phương cách nhưng cũng chỉ là một. Các giải thưởng Hòa bình Luxembourg được trao theo 10 lĩnh vực: Báo chí vì hòa bình, hỗ trợ hòa bình, nghệ thuật vì hòa bình, tổ chức hòa bình, giáo dục hòa bình, nhà hoạt động hòa bình, công nghệ hòa bình, hòa bình môi trường, tiến trình hòa bình, hòa bình nội tâm. Tuy nhiên đó chỉ là tượng trưng, vì ngay giải thưởng “Hòa bình Nội tâm” cũng mới vừa được đặt thêm, nghĩa là còn nhiều phương cách để xây dựng hòa bình thực thụ, tùy theo óc sáng tạo. Chia lĩnh vực hoạt động cho hòa bình còn nói lên sự cần thiết phải chuyên môn mới có thể thành công. Chập chờn cưỡi ngựa xem hoa không thể tới bất cứ một cái đích có giá trị nào cả.

Xã hội dân sự là của dân và cho dân. Thành thử điều căn bản là phải đi sát với dân. Không biết thực tế những thiếu đủ, những vui buồn của người dân thì không thể biết cùng đi với họ trên con đường nào, nhanh hay chậm cho thích hợp, để có thể tới đích.

Kêu gọi nhau đồng hành, nhưng chẳng ai biết hướng nào, đi đâu, khả năng sức lực mình bao nhiêu để đi, thì e rằng tất cả chỉ là thùng lon rỗng.

Các xã hội dân sự Việt Nam cần có thời gian và quyết tâm xây dựng thực lực để trở nên hữu hiệu. Không có một không gian chật hẹp nào có thể nhốt tù óc sáng tạo của những người quyết tạo hòa bình trong tự thân để đạt tới hòa bình cho người chung quanh.

Qũy Hòa bình Schengen và Diễn đoàn Hòa bình Thế giới đưa ra mục đích chính là kết nối những người/những nhóm người xây dựng hòa bình. Connecting Peacemakers. Kết nối và trao đổi để học hỏi là chìa khóa của thành công trong thế giới ngày hôm nay.

Thầy Nhất Hạnh cũng đã buông bỏ sở thích ẩn dật của một vị thiền sư thi sĩ để đi vào xã hội. Sự chọn lựa người đệ tử thứ 148 rất trẻ tuổi để thay Thầy đi nhận Giải thưởng “Hòa bình Nội tâm” đã nói lên một điều: Thầy đang yên tâm có mặt cho Việt Nam ngay tại quê hương vì có các đệ tử của Thầy đang tiếp tục nắm tay thế giới trong sứ mạng xây dựng hòa bình.

T.Q.

______

Chú thích

(1) https://worldpeaceforum.org/

(2) https://langmai.org/cong-tam-quan/thich-nhat-hanh/giai-thuong-hoa-binh-luxembourg-duoc-trao-cho-thien-su-thich-nhat-hanh/

(3) https://www.peace.ca/downloads/manifesto2000.pdf http://www.i-p-o.org/manifesto2000.htm

(4) https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/bay-diem-de-nghi-cua-thien-su-nhat-hanh/

(5) https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/nhung-diem-thinh-cau-va-de-nghi-05.05.2007/

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn