Những vấn đề Biển Đông

Nguyễn Duy Vinh

Bài “Những vấn đề Biển Đông” gồm 2 phần được tác giả gửi đăng trên trang Ba Sàm cách nay đã hơn 3 năm (phần 1 đăng ngày 27/3/2016, phần 2 đăng ngày 1/4/2016). Trong tình hình mới hiện nay, nhận thấy nội dung bài vẫn còn tính thời sự, tác giả đã gộp 2 phần thành một và gửi các quản trị trang Bauxite Việt Nam cho phép đăng lại. Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả.
Bauxite Việt Nam

Phần 1: Nhân đọc bài của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích viết trước khi ông mất

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đột ngột qua đời lúc 12 giờ sáng ngày 3/3 (giờ miền DDông Hoa Kỳ) khi đang trên chuyến bay tới thủ đô Philippines tham dự một hội nghị cổ súy cho chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Trước khi lên đường GS Nguyễn Ngọc Bích (NNB) có gửi bài viết bằng tiếng Anh của mình cho tờ Viet-Studies [1] mà tôi đã đọc và cố gắng ghi lại đây những điều tôi hiểu bằng tiếng Việt. Giáo sư NNB dùng chữ “fallacies” mà tôi tạm dịch là “những ngụy biện” của Trung Quốc về Biển Đông Nam Á. Giáo sư nói về 5 ngụy biện của Trung Quốc và tôi xin tuần tự trình bày dưới đây.

Ngụy biện thứ nhất của Trung Quốc: Không có một bản đồ Trung Quốc (TQ) nào cho thấy chủ quyền của TQ trên các đảo ở biền Đông ngoài đảo Hải Nam, trừ những bản đồ TQ tạo dựng sau này trong thế kỷ 20.

Ngày nay, nhờ vào những sách vở và công trình nghiên cứu của các nhà sử học, các nhà khảo cổ học, các khoa học gia phiêu lưu thám hiểm về vùng Đông Nam Á, khắp nơi trên thế giới người ta đều biết là phần lớn những bản đồ cũ của TQ còn lưu lại từ đời nhà Thanh cho đến năm 1909 đều ghi rõ là biên thùy xa nhất của TQ về phía Nam dừng lại ở đảo Hải Nam. Trong khi đó những bản đồ cũ của Âu Châu còn lưu lại từ thế kỷ 16, 17 đều gọi “biển Nam Hải” là biển Champa. Chủ quyền của Việt Nam đã thay thế sự bành trướng của dân tộc Chàm vào cuối thế kỷ 15 và vào thế kỷ 17, các hải đội Việt Nam (VN) đã thường xuyên đưa thuyền ra đóng ở các đảo của biển được gọi là Biển Đông. Các hải đội này thâu nhặt đem về nhiều thứ gồm có nào là hải sản hoặc các đồ vật tìm được trong những kiện hàng bỏ lại từ những tàu bị đắm. Trong Phủ biên tạp lục do chí sĩ Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn, ông đã mô tả chi tiết các vùng lãnh thổ của nhà Nguyễn ở Thuận Hóa và các tỉnh Quảng Nam như trích đoạn dưới đây:

“Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào, các thứ chim có hàng nghìn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bên bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước, cua đồng cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 08 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân [tức là Huế sau này] để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng ra các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về”…

“Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai các đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quí ít khi lấy được”.

Như vậy thật rõ ràng theo Phủ biên tạp lục là từ thế kỷ 17, người Việt Nam đã có tổ chức hải thuyền thường xuyên (hàng năm) khai thác Quần đảo Hoàng Sa (Hoàng Sa hay Bãi Cát Vàng cho người Việt, Xisha cho người TQ) và một phần của Quần đảo Trường Sa, một văn bản lịch sử không có một tài liệu nào của TQ có thể so bì kịp. Rồi còn hàng trăm bản đồ lịch sử còn lưu lại ở Âu Châu trong những thế kỷ 17 đến 20 dẫn chứng rõ rệt là Hoàng Sa (và đôi khi Trường Sa) thuộc về triều đình Việt Nam, còn được gọi là Cochinchine (hay Đằng Trong theo tiếng Việt) và vào thế kỷ 19 thì được gọi là Vương quốc An Nam (Empire d’Annam) - và đây, một lần nữa, là những chứng cứ mà không sách vở lịch sử TQ nào sánh kịp.

Thật thế, năm 1816 hoàng đế Gia Long của VN đã thân chinh ra thăm viếng Hoàng Sa để đánh dấu chủ quyền của VN và năm 1836, vua Minh Mạng, người kế vì vua Gia Long, đã ra lệnh cho lập địa đồ Hoàng Sa và được ghi chú là một quần đảo của Vương quốc Đại Việt (theo Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, năm 1838, được hoàn thành bởi Quốc Sử Quan).

Trong quyển Từ điển Nam Việt-Dương Hiệp Tự Vị của ông J.L. Taberd (một tu sĩ của Giáo xứ Lyon, Pháp, 1794-1840) in năm 1838 tại Serampore (Ấn Độ), một bản đồ mang tên An Nam Đại Quốc Họa Đồ cũng ghi Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam (hình do tác giả bài viết này tìm được trên mạng, cắt gọn và dán kèm vào bài dưới đây).

H1

Ngụy biện thứ hai của Trung Quốc: TQ đã từng khước từ chủ quyền về Quần đảo Hoàng Sa trong quá khứ.

Bà Monique Chemillier-Gendreau, một nhà nghiên cứu về Á Châu và về những yêu sách chủ quyền các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của TQ và của VN, vừa là chuyên gia pháp lý vừa là giáo sư đại học, đã viết như thế này về những lập luận của TQ: “Hiện nay, không có một chứng cớ hay dấu vết nào của TQ chứng tỏ TQ đã phản đối những tuyên bố của vua Gia Long và những vua triều Nguyễn kế vì vua Gia Long, từ suốt thế kỷ thứ 18 và nhất là trong suốt thế kỷ 19 khi các vua triều Nguyễn tổ chức việc quản trị cũng như việc khai thác các đảo nằm trong quyền tài phán của triều đình Việt Nam” (trong quyển “La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys”, Paris, l’Harmatan, 1996).

Hơn cả thế, tài liệu lịch sử TQ lại còn xác nhận chủ quyền VN trên các đảo này. Tờ Haiguo tuzhi (bản đồ và biên khảo về các nước thuộc vùng biển, năm 1730) đã viết “Vạn Lý Trường Sa là một bãi cát dài nổi lên giữa biển. Bề dài khoảng ngàn dặm và được dùng như một hàng rào vây chắn cho biên thùy Vương quốc An Nam”.

Ngài Shi Dashan (Thích Đại Sán), một tu sĩ TQ được mời sang giảng dạy trong triều thời Chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725) vào cuối thế kỷ 17 cũng đã viết trong hồi ký của mình: “Những cồn cát nằm thoai thoải dọc bờ biển chạy dài từ Đông Bắc xuống Tây Nam với những hang động dựng đứng như những bức tường và những bãi biển nằm ngang cùng mặt nước, cát khô cứng rắn như sắt mà thuyền nào không may đập vào sẽ vỡ tan thành từng mảnh. Dải cát đó rộng trải dài trên cả trăm dặm với bề dài thên thang mà vì vậy người ta gọi nó là Vạn Lý Trường Sa, và người ta không thể nhìn thấy cây cỏ hay sự hiện diện của cư dân với tầm mắt của mình… Vào đời chúa nhà Nguyễn cuối cùng (Nguyễn Phước Trần, 1687-1691), mỗi năm các thuyền đánh cá được phép đi dọc theo bãi cát dài để thu nhặt vàng, bạc và các thứ đồ vật khác từ những thuyền bị đắm vì đập vào những bãi này”. (Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, được dịch sang tiếng Việt bởi tác giả Cheng Ching-ho, Đại học Huế, 1963).

Nhưng cái bằng chứng đanh thép nhất để chứng minh rằng TQ luôn khẳng định là Hoàng Sa là của Việt Nam là sự kiện của những chiếc tàu của những công ty Âu Tây bị đắm ở Hoàng Sa, chủ nhân của những công ty này đòi chính quyền Quảng Đông bồi thường và được trả lời là những đảo này không thuộc chủ quyền TQ mà là thuộc chủ quyền của triều Nguyễn ở Việt Nam.

Ngụy biện thứ ba: những yêu sách giả dối của TQ trong thế kỷ 20.

Nhiều học giả TQ tuyên bố là Thị trưởng Quảng Đông, ông Zhang Yen-jun, đã cho một tiểu đội hải quân ra đảo Hoàng Sa năm 1909 và ở đây 3 tuần để đòi chủ quyền đảo này cho TQ. Nhưng sự thực thì tiểu đội này đến Hải Nam và dừng lại đây 2 tuần, và cuối cùng họ ra Hoàng Sa ngày 06 tháng 06 và quay về lại Quảng Đông ngày hôm sau. Đây rõ ràng không phải là một khiếu nại đứng đắn của TQ.

Một cuộc thám hiểm khác của TQ nghe nói xảy ra năm 1902 để lại những mốc dấu (markers) mà TQ hô lên là “không thể tranh cãi” đã được tìm ra vài năm sau vào thập niên 1970 trên đảo. Một nhà nghiên cứu người Pháp của Viện nghiên cứu IRASEC (Institut de Recherche sur l’Asie du Sud-Est Contemporaine, Bangkok, Thái Lan), ông François Xavier Bonnet, đã đưa ra bằng chứng gian dối của TQ trong bài nói chuyện của ông ở Manila trong hội nghị về Biển Đông (tháng 03 năm 2014). Ông nói TQ đã chỉ huy một cuộc đổ bộ bí mật ra đảo Hoàng Sa dưới sự lãnh đạo của Huang Qiang vào tháng 06 năm 1937 để chôn dấu những mốc dấu (markers) có khắc năm 1902, 1912 và 1921 trên nhiều đảo của vùng Quần đảo Hoàng Sa. Đây rõ ràng cho thấy cách TQ ngụy tạo những “bằng chứng” về chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, vào thế kỷ 20!

Ngụy biện thứ tư: chính là những tên đảo do TQ đặt.

Người đã đưa ra những bằng chứng hùng hồn nhất về những sự dối trá của TQ về chủ quyền Biển Đông là ông Bill Hayton trong quyển sách ông viết và xuất bản năm 2014 (“The South China Sea - The Struggle for Power in Asia”, Đại học Yale, USA). Trong quyển sách này ông Hayton cho biết là trong những năm Pháp đô hộ VN, Pháp đã thu nạp 6 đảo trong Quần đảo Trường Sa vào tháng 07 năm 1933, mặc dù bị phản đối từ phía TQ. Như tờ báo Shenbao thuật lại, vào lúc đó, ông lãnh sự TQ ở Manila, ông K.L.Kwang, không biết những đảo này nằm đâu trong khi TQ đưa ra yêu sách đòi chủ quyền những đảo này. Ông lãnh sự này đã đi gặp người đại diện Hoa-Kỳ ở Manila để hỏi về những đảo này thuộc Quần đảo Trường Sa. Sau khi biết được là những đảo này không thuộc về Hoàng Sa, chính quyền Nam Kinh (tức là TQ) đã quyết định hủy bỏ những yêu cầu chính thức của mình.

Trong cuộc họp ở Manila năm 2014 về Biển Đông, ông Bill Hayton có nói đến một chuyện khá ngộ nghĩnh về tên của những đảo bằng tiếng TQ của các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào năm 1935, như lời ông Hayton tuyên bố trước hội nghị 2014, chính phủ quốc gia của ông Tưởng Giới Thạch ở Nam Kinh đã ra lệnh cho một nhóm nghiên cứu hoàn thành một bảng tên cho tất cả các đảo trên Biển Đông. Cả thảy có 132 đảo, đá và bãi cạn trên Biển Đông mà TQ nghĩ họ có thể đòi chủ quyền (vô tình hay cố ý, con số 132 đảo này lại khá gần với số 130 đảo mà chí sĩ Lê Quý Đôn đã viết đến vào năm 1777, cho thấy là cách đây 250 năm Việt Nam đã có sự khảo sát và hiểu biết tường tận về các đảo ở Biển Đông). Cái mỉa mai nhất, theo ông Hayton, là cái nhóm nghiên cứu của TQ chưa bao giờ đặt chân tới Biển Đông. Vấn đề họ đặt tên cho các đảo không cách nào không có sai sót. Và cho đa số các trường hợp, tên đặt bằng tiếng TQ hoàn toàn xa lạ với những tên đã có sẵn từ lâu vì những tên đặt đó toàn là những từ dịch từ những tên của các đảo bằng tiếng Anh hoặc những tiếng phiên âm. Tỉ dụ như North Danger thì họ dịch là Bei Xian (Bắc Hiểm theo tiếng Việt), Antelope Reef trở thành Linh Yang (Linh Dương) và Money Island thành Yin Dao (Kim Ngân đảo). Những việc làm lộ chân tướng sự giả mạo của TQ cho thấy tính cách nông cạn trong cái mà TQ gọi là chủ quyền lịch sử trên đảo Hoàng Sa, đó là chưa nói đến những đảo như Scarborough Reefs thuộc về Phi Luật Tân hay là đảo Trường Sa cách đảo Hải Nam đến tận 800 hải lý. Khi Hải Nam luôn được người TQ xem là biên thùy xa nhất của TQ về phương Nam.

Ngụy biện thứ năm: được phơi bày qua việc TQ dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa và một phần của Trường Sa, vụ cưỡng chiếm này đã bị Liên Hiệp Quốc lên án.

TQ rất mưu mô tính toán trong việc tấn công Hoàng Sa vào tháng giêng năm 1974. Mặc dù lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được gửi ra để chống trả cuộc tấn công của TQ không thích hợp với tình thế (hải quân Trung Cộng mạnh thế hơn rất nhiều), cuộc chiến đấu anh dũng của hải quân VNCH đã đánh đắm 2 tàu chiến TQ trong trận thủy chiến và một trong hai tàu bị đánh đắm này là tàu chỉ huy của TQ. Trận thủy chiến này đã đưa đến sự hy sinh của hạm trưởng Ngụy Văn Thà cùng 73 thủy thủ. 74 tử sĩ VNCH đã trở thành những anh hùng của nước VN, không những cho những người dân miền Nam mà còn cho cả những người trẻ và đa số dân của miền Bắc Cộng sản.

Nhờ vào sự chiến đấu dũng cảm này, và mặc dù thua trận, 74 tử sĩ của trận thủy chiến Hoàng Sa, hơn bao giờ hết, đã bảo đảm và trưng bày với khắp thế giới về đòi hỏi chính đáng của VN về chủ quyền đảo Hoàng Sa, đảo bây giờ được coi như lãnh thổ bị chiếm đóng bởi TQ chứ không phải là một hòn đảo được lấy lại vì TQ luôn rêu rao coi nó là thuộc chủ quyền TQ.

Tác giả bài viết này chú thích thêm: một ngày sau cuộc tấn công Hoàng Sa bởi TQ, ngoại trưởng ngoại giao VNCH Vương Văn Bắc đã viết một công điện cho ông Kurt Waldheim (Tổng Thư ký LHQ) phản đối mãnh liệt cuộc tấn công quân sự của TQ ở đảo Hoàng Sa và khẳng định một lần nữa chủ quyền của VN trên Quần đảo Hoàng Sa [2].

________

Tài liệu tham khảo Phần 1:

[1] http://www.viet-studies.info/kinhte/NNBich_ChineseFallacies.pdf [2] www.gio-o.com/ngobac.html

Phần 2: Nhà cầm quyền Việt Nam phải có thái độ mạnh mẽ hơn trước những hành xử hung hăng của Trung Quốc

Trước hết phải xin nói ngay là tác giả bài viết không phải là luật sư mà cũng chẳng là một chuyên gia pháp lý nên chắc chắn sẽ không dám múa rìu qua mắt thợ. Bài viết này chỉ có một mục đích duy nhất là nói lên vài dữ kiện mà tác giả cảm thấy cần chia sẻ với cộng đồng trẻ trên mạng và cũng nhân tiện nói lên cái thấy và hiểu của mình về những diễn biến phức tạp và đầy thách đố về tình hình Biển Đông.

Thách đố thứ nhất: từ ngày có UNCLOS, bãi đá chim … ỉa trở nên có giá nghìn vàng

Phần đất lồi của Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có diện tích tổng cộng không quá 15 km2. Ngày xưa hình như đã có một nhà lãnh đạo Việt Nam hay một nhà ngoại giao Việt Nam nào đó gọi những đảo đó là “những bãi đá chim … ỉa”. Ngày nay nếu được định nghĩa là “đảo” theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS, xin xem bài [1] để hiểu về những từ dùng trong bài này), nước có chủ quyền những quần đảo này có thể đòi và được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo (EEZ). Vùng này, theo UNCLOS, dài đến 200 hải lý đo từ đường cơ sở của đảo trở ra. Những bãi đá “chim ỉa” đó bỗng nhiên trở nên vô cùng quý giá. Những đảo đó không còn là những đảo nhỏ có đường cơ sở, nội thủy và lãnh hải 12 hải lý không thôi, nó còn được nới rộng đến 200 hải lý xung quanh.

Việc này cho thấy tầm quan trọng nắm được chủ quyền hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tầm ảnh hưởng vùng EEZ này là đầu mối của rất nhiều quan ngại, tranh cãi cũng như tranh chấp trên Biển Đông. Chúng ta chỉ việc lấy bút vẽ từ đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa và gần bờ biển Việt Nam nhất) một khoanh tròn có bán kính 200 hải lý, chúng ta sẽ thấy là nếu TQ được Tòa án Quốc tế chính thức cho phép nắm chủ quyền Hoàng Sa, vùng đặc nhiệm kinh tế EEZ với 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam đo ra, và thuộc về Việt Nam, sẽ bị bé đi như thế nào.

Cuộc tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa thêm vào quyền EEZ của quần đảo này sẽ làm những nước chung quanh “nhức đầu” lắm, đó là chưa nói đến vấn đề chiến lược của quần đảo này. Và TQ thì chúng ta đều biết, họ đã ngày đêm ráo riết xây cất từ khi chiếm được hoàn toàn Hoàng Sa năm 1974. Hiện nay trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc Quần đảo Hoàng Sa đã có một phi đạo lớn và dài 3000 m và gần đây nhất họ đã đem ra đó những giàn hỏa tiễn (hay tên lửa nói theo tiếng trong nước) địa không (sol-air) như hình chụp được bởi vệ tinh quốc tế ngày 17 tháng 02 năm nay:

H1

Ảnh tác giả gửi tới.

Thách đố thứ hai: Hiệp ước Việt-Trung năm 2011

Trước những hành xử hung hăng và tiếp tục lì lợm của Trung Quốc (TQ) trên Biển Đông, Việt Nam không thể khoanh tay ngồi im mãi.

Nhà cầm quyền CHXHCNVN hiện nay đang bị kẹt cứng bởi Hiệp ước Việt-Trung mà cả hai nước đã cùng ký ngày 11 tháng 10 năm 2011. Hai nước “anh em xã hội chủ nghĩa” đã ký thỏa thuận với nhau trên 6 nguyên tắc:

  1. Lấy quan hệ đại cục giữa 2 nước làm trọng, phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN-TQ.

  2. Tôn trọng chứng cứ pháp lý, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài.

  3. Đàm phán vấn đề biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung. Theo nguyên tắc DOC (Tuyên bố ứng xử của các bên Biển Đông) đối với tranh chấp trên biển giữa VN-TQ, giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị.

  4. Tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng.

  5. Tự tiệm tiến, dễ trước khó sau.

  6. Tiến hành cuộc gắp gỡ định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần.

Sáu điểm rất là đẹp và cũng rất lý tưởng. Trên thực tế, những sự kiện xảy ra trên Biển Đông sau ngày ký Hiệp ước này (từ vụ giàn khoan HD-981 cho đến những vụ đánh phá tàu đánh cá và giết ngư dân Việt Nam gần đây nhất trong vùng EEZ của Việt Nam) cho thấy người bạn phương Bắc là một người bạn đểu. Việt Nam không thể tiếp tục đặt niềm tin vào cái Hiệp ước này. TQ rõ ràng là một anh láng giềng xỏ lá.

Đứng trước một TQ vừa mạnh vừa hay bắt nạt đó, Việt Nam (VN) phải tìm cách bảo vệ chủ quyền và biển đảo của mình. Hiện nay VN hầu như không có đồng minh trong những tranh chấp trên Biển Đông. Mà Việt Nam lại sợ TQ một phép nên không dám tỏ ra thân thiện với Mỹ.

Thách đố thứ ba: sự trì trệ yếu hèn của Việt Nam trước Trung Quốc

Ông Jonathan London trong bài viết mới đây [2] nói Việt Nam cần dũng cảm đối với Trung Quốc. Ông này đã nhìn thấy rõ ràng sự yếu hèn và trì trệ của nhà cầm quyền Việt Nam trước những hành xử bạo cường của TQ. Bài viết của ông rất thâm thúy mà tôi nghĩ các cấp lãnh đạo trong nước nên đọc. Trong những phương pháp ông London đưa ra, có đoạn này (chép lại dưới đây mà tôi muốn đào sâu thêm):

“Mặc dù Hà Nội không nên có những động thái kích động Bắc Kinh, nhưng họ cũng không nên e ngại làm những gì trong phạm vi chủ quyền của mình. Chẳng hạn như việc kiện TQ ra trước Toà án Công lý Quốc tế hay Toà án Hàng hải Quốc tế sẽ không phải là một hành động gây hấn, mà là việc chẳng đặng đừng vì cách hành xử phi pháp của Bắc Kinh đã không cho Việt Nam một lựa chọn nào khác.

Tôi rất tâm đắc với ông London về điểm này. Xin nói sơ về Tòa án Quốc tế ở đây. Tòa án Quốc tế được thành lập từ năm 1922 và mang nhiều tên gọi khác nhau theo thời gian: Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration hay PCA), Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent Court of International Justice hay PCIJ), Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice hay ICJ). Tên được dùng nhiều nhất ngày nay là ICJ. Các tòa chính thức nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại hội đồng Liên Hiệp QuốcHội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các ủy ban khác trực thuộc Liên Hiệp Quốc như đã ghi rõ trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc từ năm 1946. Tòa tọa lạc tại thành phố Den Haag (hay La Haye - tiếng Pháp), Hoà Lan.

Tòa án Quốc tế đã xử những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo từ năm 1928 (giữa Mỹ và Hòa Lan, sẽ nói thêm chi tiết dưới đây) và vụ gần đây nhất là vụ Phi Luật Tuân đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) với một hồ sơ kiện dầy 4000 trang hoàn tất vào ngày 30 tháng 03 năm 2014. Nghe đâu giữa tháng 07 sắp tới sẽ diễn ra tại La Haye những phiên xử đầu tiên về vụ tranh chấp này dù Trung Quốc tuyên bố không tham dự cũng như phản đối tính cách pháp lý của vụ kiện.

Thách đố thứ tư: sửa soạn hồ sơ cho vụ kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế

Việc sửa soạn hồ sơ này công phu lắm và phải bắt đầu ngay. Phải có một toán luật sư quốc tế giỏi lo thiết lập hồ sơ và đứng ra lo toàn vụ kiện tụng. Kiện đây là kiện đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam.

Tác giả bài viết cũng muốn tản mạn thêm ở đây về những vụ kiện đã xảy ra trong quá khứ, tuy không phải là một chuyên gia pháp lý. Đa số những vụ kiện về lãnh thổ và lãnh hải đều có thể tìm được trên mạng, nếu có thì giờ các bạn có thể tìm đọc bài viết của ông Brian Taylor Sumner[3] rất xúc tích. Đọc qua những case studies (khảo sát) về những vụ kiện [6], tác giả bài viết ghi lại được cả thảy 5 tiêu chuẩn quan trọng mà các quan tòa đã dựa vào để đi đến phán quyết cuối cùng:

  1. Hiệp ước hay Công ước Quốc tế giữa các nước: nếu các nước đã ký với nhau những hiệp ước hay công ước được Liên Hiệp Quốc ủng hộ hay phê chuẩn, những hiệp ước này sẽ có một ảnh hưởng lớn trong vụ kiện. Ví dụ như Hòa ước giữa Mỹ và Tây Ban Nha ký năm 1898. Hòa ước này cho phép Mỹ nắm chủ quyền các đảo Puerto Rico, đảo Guam và quần đảo Philippines. Ví dụ Hiệp định Lausanne ký năm 1923 đưa đến việc thành lập các nước Jordan, Syria và Iraq sau khi Vương quốc Ottoman bị thua trận sau Đại chiến Thứ nhất…

  2. Uti Possidetis (dịch tạm là tiếp tục giữ cái gì đang có): đa số những nước bị đô hộ trong thời kỳ thuộc địa, sau khi nhà nước đô hộ ra đi, họ trả lại cho nước bị đô hộ biên giới lãnh thổ đã có sẵn. Như trường hợp Việt Nam, vấn đề đàm phán biên giới Việt-Trung đã phải dựa trên biên giới vạch ra từ Hòa ước Pháp-Thanh. Dĩ nhiên trong cuộc đàm phán này, VN đã bị TQ lừa về vấn đề cột mốc và còn bị bắt nạt nữa và VN có thể đã mất hàng ngàn km2 trên biên giới Việt-Trung. Vụ Ải Nam Quan nay thuộc TQ cũng như thác Bản Giốc bị cắt đi phân nửa là một vài ví dụ về sự mất mát của Việt Nam sau cuộc đàm phán này. Các bạn trẻ trong nước nên tìm hiểu và học hỏi thêm để thấy tại sao chúng ta lại đàm phán thiệt thòi như thế, có bài của ông Trương Nhân Tuấn cũng đáng xem lắm [4].

  3. Quản trị hữu hiệu: tôi dịch tạm từ chữ “effective control”. Nếu dùng Google để dịch chữ này thì sẽ được dịch là “kiểm soát hiệu quả” nhưng khi đọc sâu vào các chi tiết vụ kiện, hai chữ đó dính dấp đến việc quản trị nghiêm túc và hiệu quả với lãnh thổ (hay lãnh hải) mình đòi chủ quyền. Tỉ dụ đối với Hoàng Sa và Trường Sa, các quan tòa có thể đặt câu hỏi này: xin quý vị cho chúng tôi biết các nhà nước Việt Nam từ thời các vua triều Nguyễn cho đến nay đã có những bằng chứng nào về việc tổ chức quản trị hữu hiệu những quần đảo này. Qua các vụ xử mà tôi sẽ lần lượt nói sơ đến dưới đây, tiêu chuẩn này có thể được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất đưa đến những phán quyết cuối cùng của Tòa án.

  4. Sự đồng thuận (acquiescence): chữ này tôi mượn của ông Trương Nhân Tuấn vì tôi không tìm được từ nào hay hơn. Khi mình làm lơ, im hơi lặng tiếng không phản đối về vụ chiếm đảo chẳng hạn, là mình có sự đồng thuận. Một câu hỏi xin nhờ các chuyên gia và học giả Việt Nam cho một câu trả lời (không dễ) là: khi Trung Cộng chiếm hết đảo Hoàng Sa năm 1974, chỉ có VNCH phản đối chính thức với LHQ trong khi VNDCCH thì im hơi lặng tiếng. Ngày nay CHXHCNVN là kế thừa của VNDCCH, vậy thì CHXHCNVN có bị quy vào tội “acquiescence” không đối với chủ quyền Hoàng Sa? Nhà nước CHXHCNVN luôn coi VNCH là “ngụy” thì có cách nào để được tư cách kế thừa VNCH? Tôi có đọc một số bài viết về vụ này nhưng chưa thấy một giải pháp nào đơn giản. Vần đề lại càng khó khăn hơn vì thêm vào đó có công hàm 1956 của ông Phạm Văn Đồng.

  5. Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS): xin nhớ là UNCLOS chỉ cho ra những khuôn khổ cho việc thẩm định trong khi việc xác định chủ quyền thuộc về luật quốc tế, các bạn nào có thì giờ có thể nghiên cứu thêm về luật quốc tế với những tác phẩm của ông James Crawford xuất bản bởi Đại học Oxford bên Anh.

Bây giờ mời các bạn xem những tóm tắt của tôi về những case studies:

Vụ kiện giữa Mỹ và Hòa Lan về chủ quyền đảo Palmas, 1928:

Sau cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha (TBN), Mỹ chiếm đóng Phi Luật Tân (PLT) và đòi chủ quyền đảo Palmas vì đảo này thuộc quần đảo PLT mà Mỹ là nước kế thừa sau Hòa ước Paris năm 1898. Hòa Lan (HL) phản đối và đòi chủ quyền đảo này mà theo HL là một phần của các đảo miền Đông (Dutch East Indies) dưới quyền đô hộ của HL. Tòa án Quốc tế (PCA) xem Hòa ước Mỹ-TBN không đủ tư cách pháp lý vì trong Hòa ước này không có tên đảo Palmas và HL không là nước ký Hòa ước này. Theo lịch sử thì HL có quản trị và kiểm soát đảo hữu hiệu, có cả cờ HL được cắm trên đảo từ năm 1700 và có thu thuế từ đó. Thêm vào đó TBN đã không phản đối HL về chủ quyền đảo Palmas khi TBN rút quân ra khỏi Molucca năm 1666. Không phản đối chủ quyền có nghĩa là đồng thuận (acquiescence). Ông chánh án Max Huber kết luận là HL tiếp tục có chủ quyền đảo Palmas vì đã gìn giữ quản lý ôn hòa đảo này trong một thời gian dài kể từ năm 1700. Mỹ thua.

Vụ kiện giữa Na Uy và Đan Mạch về chủ quyền Đông Greenland, 1933:

Năm 1933, TAQT (PCIJ) phán xét cuộc tranh chấp giữa Na Uy (NU) và Đan Mạch (ĐM) dành chủ quyền miền Đông của đảo Greenland. Theo Hòa ước Kiel ký năm 1814 thì trên nguyên tắc Greenland thuộc về ĐM. Tuy nhiên TAQT (PCIJ) cũng khảo sát xem ĐM có tiếp tục quản lý tốt đời sống trên toàn đảo sau Hiệp ước Kiel. TAQT định nghĩa việc quản lý “tốt” như sau: “ý định và thiện chí lãnh nhận chủ quyền và tiếp tục thực thi cũng như thể hiện chủ quuyền đó”. TAQT xét lại tất cả những văn kiện ngoại giao và thương mại của ĐM trong suốt thời gian quản lý Greenland thì rõ ràng có chứng tích là những văn kiện này bao gồm cả vùng phía đông đảo Greenland [5]. Thêm vào đó lại có bằng chứng “acquiescence” phía NU qua bức thư trả lời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao NU, ông Nils Claus Ihlen về chủ quyền trên toàn đảo Greenland vào ngày 22 tháng 07 năm 1919. PCIJ kết luận là chủ quyền Greenland hoàn toàn thuộc về Đan Mạch. Vụ xử này cho thấy việc quản lý và kiểm soát hữu hiệu đảo của một nước dành chủ quyền rất quan trọng trong phán quyết của tòa án.

Vụ kiện giữa Pháp và Anh về chủ quyền đảo Minquiers và Ecrehos, 1953:

Năm 1953, ICJ phán quyết chủ quyền của 2 nhóm đảo nhỏ Minquiers và Ecrehos. Hai nước tranh chấp là Anh và Pháp. Tòa đã dựa vào sự quản lý hữu hiệu để xác định chủ quyền. Và tòa đã xử có lợi cho Anh Quốc. Pháp đưa ra bằng chứng về công ước đánh cá và các phao đặt để giúp thuyền bè qua lại, Anh không phản đối, Pháp đưa lý do acquiescence. Nhưng những bằng chứng này chỉ có tác dụng trên biển và không đụng tới đảo nên tòa quyết định chủ quyền thuộc về Anh.

Vụ kiện giữa El Salvador và Honduras về đất, đảo và biên giới đảo, 1992:

Ba đảo trong vụ tranh chấp này là 3 đảo nằm trong vịnh Gulf of Fonseca: đảo El Tigre, đảo Meanguera và đảo Meanguerita. Tòa định dùng uti possidetis lúc đầu để định chủ quyền nhưng cách này không rõ ràng. Tòa xem những bằng chứng về quản trị hiệu quả trong thời gian hậu thuộc địa với Tây Ban Nha. Tòa cũng chấp nhận những bằng chứng về acquiescence và cuối cùng tòa quyết định trao chủ quyền đảo El Tigre cho Honduras (dựa trên tiêu chuẩn quản trị hữu hiệu) và trao chủ quyền hai đảo kia cho El Salvador.

Rồi tôi có thể tiếp tục kể thêm nhưng đến đây tôi thấy cũng khá tạm đủ, tôi cho tất cả những case studies đọc được [6] vào bảng dưới đây:

H1

Và tác giả bài viết xin ngừng tại đây và xin dán xuống đây một tấm hình tiêu biểu cho những tranh chấp hiện nay trên Biển Đông Nam Á:

H1

Tấm hình này cho thấy những yêu sách đòi chủ quyền của mỗi nước. Màu vàng trong vùng biển của mỗi nước là vùng đòi chủ quyền, một loại EEZ như theo đòi hỏi của Brunei. Đường lưỡi bò của TQ và Đài Loan cũng được thể hiện rất rõ. Chỉ cần chụp những đòi hỏi này lên cùng một bản đồ, chúng ta có thể mường tượng dễ dàng sự chồng chéo lên nhau của những yêu sách.

Thay lời cuối thì hiện nay Hoàng Sa đã bị TQ hoàn toàn chiếm đóng, riêng Trường Sa thì tôi mời độc giả xem bảng tóm tắt dưới đây:

H1

__________

Tài liệu tham khảo Phần 2:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B9ng_%C4%91%E1%BA%B7c_quy%E1%BB%81n_kinh_t%E1%BA%BF

[2] Việt Nam cần dũng cảm đối với Trung Quốc.

[3] TERRITORIAL DISPUTES AT THE INTERNATIONAL COURT OF JUSTICE

[4] Về bài viết “Ải Nam Quan và thác Bản Giốc được phân chia như thế nào” của TS Trần Công Trục.

[5] Charles Cheney Hyde, American Journal of International Law, Oct 1933.

[6] Jason S. Nakata, “Law on the rocks: international law and China’s maritime disputes”, Dec. 2014, M.Sc. Thesis, Naval Postgraduate School, Monterey, USA.

Douala, mùa mưa năm 2016

N.D.V.

Tác giả gửi BVN 5/10/2019.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn