Thử bàn về việc kiện gì, kiện như thế nào nhân vụ HYDZ-8

Song Phan

(Bài đăng trên TTCT 13/10/2019 đã qua biên tập)

Gần 3 tháng nay tàu Địa chất biển 8 (HYDZ-8) của TQ ngang nhiên tiến hành khảo sát địa chấn trong khu vực gần bãi Tư Chính, tàu hải cảnh của TQ cũng nghênh ngang quấy phá các hoạt động thăm dò khảo sát dầu khí của ta ở lô 06/01. Cả hai khu vực này đều nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) (xem bản đồ 1). Chính phủ VN đã có nhiều nỗ lực tìm cách giải quyết các vụ xâm phạm này qua đường ngoại giao ở nhiều cấp nhưng xem ra phía TQ vẫn càng lấn tới. Một cuộc chiến tranh trên biển để giải quyết vấn đề chắc chắn là không phù hợp với vị thế của đất nước, lòng yêu chuộng hoà bình của dân tộc và xu hướng quốc tế trong thời đại hiện nay. Do đó, có vẻ chỉ còn biện pháp pháp lí là phù hợp hơn cả: kiện TQ ra toà án quốc tế, điều mà chắc hẳn Chính phủ VN cũng có tính tới và chuẩn bị, và đông đảo công dân cũng đang mong mỏi. Tuy nhiên, có thể kiện gì và kiện như thế nào để giải quyết vấn đề theo đúng pháp luật quốc tế là điều cần xem xét.

https://www.livenguide.com/templates/images/status/livenguide-1571047899-0998bb4c50a0b28ee99cf438802b2350.jpg

Bản đồ 1: khu vực HYDZ-8 khảo sát và lô 06/01 nằm trọn trong EEZ/thềm lục địa của VN

Trước nhất, đúng là tàu khảo sát, tàu CSB và cả tàu dân quân biển của TQ xâm phạm EEZ của VN. Khu vực khảo sát này cách đảo Hải Nam từ 480 đến hơn 600 hải lí, cách quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng và cũng tự cho là có EEZ, từ 350 đến 480 hải lí, cách đảo Ba Bình (đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa mà phán quyết ngày 1207/2016 của Toà Trọng tài (PCA) kết luận là không thể có EEZ mà chỉ có lãnh hải 12 hải lí) từ 170 đến 310 hải lí. Còn lô 06/01 cách những nơi đó còn xa hơn nữa: cách Hải Nam, Hoàng Sa, Ba Bình tương ứng 624-640, 495-520, 345-370 hải lí.

Do đó, không thể viện dẫn quy định nào trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) để nói hai khu vực này thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ, bởi vì lãnh hải, EEZ, thềm lục địa không thể vượt khỏi lãnh thổ đang có chủ quyền quá 12, 200 hay 350 hải lí, thậm chí không thể vượt quá trung tuyến tương ứng (có điều chỉnh gần đảo hơn theo nguyên tắc công bằng) khi có chồng lấn với bên khác.

Lưu ý thêm rằng lô 06/01 cách bãi Tư Chính, một bãi ngầm với chỗ cạn nhất cách mặt biển 16 m, khoảng 25 hải lí. Theo luật quốc tế thì bãi ngầm được xem là phần của đáy biển, không sở hữu được và do đó cũng không thể sinh ra quyền gì. Dù với thực tế như vừa nêu, TQ vẫn ngang ngược nói rằng các vùng biển mà tàu họ đang hoạt động phi pháp thuộc quyền tài phán của họ, cụ thể còn cho rằng họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở bãi Tư Chính và các vùng biển liên quan.

Do đó, để có thể kiện TQ về việc xâm phạm EEZ của VN thì trước nhất phải bác bỏ được lập luận này của họ, tức là phải xác lập được rằng khu vực đang bị xâm phạm thuộc về EEZ của chỉ riêng VN, không dính dáng gì đến các vùng biển của TQ.

TQ đã kí kết và phê chuẩn UNCLOS nên xem như đã tự nguyện bị ràng buộc bởi các quy định của điều ước này trừ những quy định mà họ đã tuyên bố bảo lưu. Do đó, VN hoàn toàn có thể thực hiện việc kiện qua trọng tài quốc tế như Philippines đã làm theo các thủ tục quy định trong mục 2 phần XV của UNCLOS, tức là kiện những gì có liên quan mà TQ không bảo lưu, để xác lập khẳng định trên, dù TQ có đồng ý hay không.

Nhưng cụ thể là những gì?

Điều này phụ thuộc vào lập luận cụ thể của TQ. Hiện nay TQ cố ý mập mờ, không đưa ra lí giải cụ thể nên chúng ta chỉ có thể suy đoán dựa trên các tuyên bố đã biết và hành động của họ.

Tuyên bố mới đây ngày 18/9/2019 của Bộ ngoại giao TQ cho rằng đòi hỏi phi lí này là căn cứ theo luật và lịch sử. Các khu vực này, như đã phân tích ở trên, không thể dựa vào quy định nào trong luật quốc tế và UNCLOS để khẳng định rằng TQ có quyền gì ở đó, ngay cả khi giả định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về họ.

Do đó, thứ luật mà họ nói chỉ có thể là luật của TQ hay luật quốc tế giải thích theo cách của TQ.

Còn lịch sử mà họ dựa vào cũng chỉ là thứ lịch sử do họ thêu dệt. Sự thật lịch sử cho thấy TQ chưa bao giờ độc quyền trong việc sử dụng biển Đông hay thể hiện bất cứ quyền gì, dù theo nghĩa lỏng lẻo nhất, trên biển này hay đặc biệt trên các khu vực họ đang xâm phạm, ngoại trừ những hành vì bắt nạt trong vài năm gần đây. Như vậy, có vẻ các suy đoán do Greg Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch biến châu Á (AMTI), đưa ra trên twitter hôm 19/9/2019 mới phù hợp với thứ luật và thứ lịch sử đó.

Theo Poling có thể có các khả năng sau:

- TQ cho rằng quần đảo Trường Sa mà họ nhận vơ là của họ, có lãnh hải, EEZ… như một thể thống nhất và vạch đường cơ sở chung để từ đó phóng ra các vùng biển này như đã làm với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù luật lệ quốc tế và UNCLOS không cho phép như vậy và phán quyết của trọng tài khẳng định lại điều đó.

- TQ gom Tư Chính cùng các các bãi ngầm khác quanh đó vào quần đảo Trường Sa và cho rằng 'quần đảo' mở rộng như thế cũng có lãnh hải, EEZ… chung như thể thống nhất và cũng thưc hiện việc vẽ đường cơ sở chung và từ đó phóng ra lãnh hải, EEZ... như trong cách trên, dù luật lệ quốc tế và UNCLOS chỉ xem nhưng bãi ngầm như thế là phần của đáy biển không sở hữu và đòi chủ quyền được.

- TQ vẫn đang dùng đường lưỡi bò (ĐLB) với cái gọi là quyền lịch sử để đòi tất cả mọi thứ bên trong đường này, dù tránh đề cập tới nó trong các phát ngôn sau khi phán quyết của trọng tài trong vụ kiện của Philippines năm 2016 khẳng định nó không có cơ ở trong luật lệ quốc tế và vô hiệu lực.

Có thể thấy các suy đoán trên dựa vào luật và lịch sử ‘kiểu TQ’. Đường cơ sở chung trong hai cách đầu có thể suy từ tuyên bố của TQ ngày 15/5/1996 về đường cơ sở và lãnh hải, trong đó có xác định đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa như một nhóm, và cho biết sẽ xác định đường cơ sở thẳng cho các nhóm đảo khác sau.

Nhận xét mới đây của PGS Douglas Guilfoyle, chủ trì nhóm nghiên cứu an ninh biển ĐH NSW Australia, củng cố thêm suy đoán này. Theo Guilfoyle, từ sau phán quyết của trọng tài 2016 TQ “đã quay trở lại phiên bản về lập luận ‘quần đảo xa bờ’ mà họ từ bỏ trước đây trong các cuộc đàm phán UNCLOS, một lập luận được Hội Luật Quốc tế TQ hồi sinh trong bài ‘nghiên cứu có phê phán’ về phán quyết của trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc khẳng định rằng họ có thể gộp nhiều thể địa lí biển khác nhau nhập thành ‘quần đảo, bao chúng trong đường cơ sở thẳng và từ đó phóng ra EEZ”.

Còn đường cơ sở lạ lùng bao cả các bãi ngầm để tính lãnh hải, EEZ… cũng có thể suy từ Tuyên bố về lãnh hải của TQ ngày 04/09/1958. Tuyên bố này có nói tới việc vẽ đường cơ sở cho cả Macclesfield, một bãi ngầm mà TQ gọi là “quần đảo” Trung Sa có chỗ cạn nhất cách mặt biển hơn 9 m! Tuyên bố phê chuẩn UNCLOS ngày 7/6/1996 của TQ có thể dùng để suy đoán việc đòi EEZ tối đa rồi thương lượng phân giới sau. Tuyên bố đó có nói rằng “TQ được quyền hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán trên EEZ 200 hải lí và thềm lục địa”.

Bản đồ 2 cho thấy các EEZ mà TQ có thể đòi theo hai cách lí giải đầu từ các kiểu đường cơ sở thẳng khác nhau mà nhóm của Poling nghiên cứu vẽ ra tháng 3/2019. Có thế thấy các EEZ này phủ kín hầu hết diện tích ĐLB và có nhiều phần vượt quá ĐLB.

https://www.livenguide.com/templates/images/status/livenguide-1571047997-8d324977413b0645426e96233df4008c.jpg

Bản đồ 2: EEZ mà TQ muốn đòi theo cách của họ (theo Poling)

- Dạng (khả năng) 1 hay 2: đòi EEZ đầy đủ từ 'nguyên nhóm đảo" kể cả bãi ngầm, tuân thủ một phần hay phớt lờ các hạn chế về đường cơ sở quy định trong UNCLOS (như mỗi đoạn của nó không quá 100 hải lí…).

- Dạng 3 hay 4: đòi EEZ tối đa từ 'nguyên nhóm đảo nổi kể cả các bãi triều thấp lân cận hay được biển thành đảo nhân tạo như Vành Khăn, tuân thủ một phần hay phớt lờ các hạn chế về đường cơ sở quy định trong UNCLOS.

Việc TQ duy trì yêu sách ĐLB, dù không nói rõ ra, có thể suy đoán từ các hành động hiếp đáp ngư dân, cấm đánh cá đơn phương, các hành động quấy nhiễu của tàu hải cảnh và tàu khảo sát của TQ sâu trong EEZ hay ở những khu vực biển mà các EEZ theo hai cách suy đoán đầu không phủ tới của các nước ven biển Đông từ sau phán quyết 2016. Đặc biệt, điều 14 luật về EEZ và thềm lục địa ngày 26/6/1998 của TQ cùng các tuyên bố có nói tới quyền lịch sử sau phán quyết 2016 cũng cho thấy suy đoán cuối về yêu sách ĐLB vẫn cần xét tới.

Hiện nay, như đã nói, TQ vẫn mập mờ, không nêu cụ thể họ dựa vào điều gì để yêu sách như thế nên có nhiều khả năng họ áp dụng cả ba cách nêu trên để khi bị đuối lí cách này thì còn viện tới cách kia (theo kiểu 'lọt sàng còn nia', như có học giả của họ có lần giải thích qua khái niệm 'bảo hiểm kép').

Lưu ý thêm rằng, Hội Luật quốc tế của TQ, trong thư ngày 19/9/2019 trả lời thư mở của Hội luật quốc tế Việt Nam ngày 24/8/2019, có vẻ cũng gần như lí giải theo các cách nêu trên. Họ cũng đề cập tới quyền lịch sử, coi quần đảo Trường Sa là một thể thống nhất với đường cơ sở chung, có nội thuỷ, lãnh hải, EEZ, thềm lục địa… Hội này là một tổ chức ngoại vi trong hệ thống nhà nước TQ nên ý kiến của họ có thể xem như một lí giải bán chính thức của TQ.

Do đó, nội dung kiện có lẽ phải bao gồm tất cả điều trên, tức là phải nhờ trọng tài xác nhận lại ĐLB là vô hiệu lực, quần đảo Trường Sa không thể coi là một thể thống nhất để đòi lãnh hải, EEZ … và không được phép vẽ đường cơ sở chung để làm điều đó, không có thể địa lí nào trong quần đảo này có EEZ, thể địa lí ngầm như bãi Tư Chính thì không thể đòi sở hữu, và cũng không thể coi những điều đó là trường hợp riêng ngoài quy định của UNCLOS. Đó cũng là những nội dung mà toà hoàn toàn có thể thụ lí và xử được vì chỉ liên quan tới các quy định của UNCLOS ngoài nhưng điều TQ bảo lưu.

Những nội dung này nói chung gần giống và có phần lăp lại các nội dung trong vụ kiện của Philippines nhưng e rằng chúng ta phải lặp lại vì theo UNCLOS “mọi quyết định [của toà/trọng tài] chỉ có hiệu lực ràng buộc giữa các bên tranh chấp và trong vụ tranh chấp cụ thể đó” (điều 296.2). Phán quyết trọng tài trong vụ kiện của Philippines cũng tuân đúng theo quy định này. Chẳng hạn về ĐLB, phán quyết nêu rõ “giữa Philippines và TQ với nhau, các yêu sách của TQ đối với các quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hay quyền tài phán khác, liên quan đến các khu vực biển của biển Đông nằm bên trong phần tương ứng của ‘đường 9 đoạn’ là trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lí do vượt quá các giới hạn về địa lí và cốt yếu của các quyền lợi biển của Trung Quốc được có theo UNCLOS…”.

Ngoài những nội dung trên, chúng ta có thể tranh thủ nhờ trọng tài khẳng định những nội dung tương tự cho quần đảo Hoàng Sa với lí do họ đã hà hiếp ngư dân VN, quấy rối việc thăm dò, khảo sát dầu khí trong EEZ của ta gần quần đảo này mà các biện pháp giải quyết qua đường ngoại giao như tham vấn, trao đổi... vẫn không có kết quả. Ở đây, cũng có thể thêm nội dung nhờ trọng tài khẳng định quyền đánh cá của ngư dân ta trong ngư trường truyền thống Hoàng Sa (lẫn Trường Sa).

Tóm lại, nếu được tòa xác nhận những nội dung trên và bất chấp chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa thuộc về ai thì các khoảnh biển mà hai quần đảo này được có theo luật lệ quốc tế, đặc biệt là UNCLOS chỉ là những đốm xanh (lãnh hải của các đảo nổi) tương ứng trong bản đồ 3. Do đó, EEZ của VN (phần tô tím trên bđ 3) chồng lấn không đáng kể các khoảnh biển đó, chủ yếu tại lãnh hải của một vài đảo nổi mà thôi. Như vậy, ngay cả giả định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc TQ, thì tuyên bố của họ rằng khu vực HYDZ-8 khảo sát hay lô 06/01 thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ là hoàn toàn sai trái (xem bản đồ 3).

https://www.livenguide.com/templates/images/status/livenguide-1571048024-e86a44e2670507898bb6f9e942bcc71b.jpg

Bản đồ 3: Nếu thắng kiện theo các nội dung đề xuất thì các khoảnh biển mà các đảo trên biển Đông có được theo luật biển chỉ là các đốm xanh chứ không như trong bản đồ 2.

(Lưu ý: EEZ hai bên đoạn từ cửa vịnh Bắc Bộ tới Hoàng Sa chồng lấn chưa phân định nên tạm vẽ theo trung tuyến)

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhysNiVvdkg3jrEerv2Wal-g-HlC7khXP52W9_zTowpUzn8xbxiG_MNeTf1LpmgrGmYsH0jiEd-HR4q5dBvzAlpvtBLFqPw25DrHln9txC9Er-8f7D2YeJVCGQUVHcgff3681qXljceI54w/s640/HYDZ8_SurveyIllegal.JPG

Bản đồ 4: ngay cả giả định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc TQ, thì khu vực HYDZ-8 khảo sát hay lô 06/01 vẫn hoàn toàn nằm ngoài vùng biển họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán (các đốm xanh)

Tới đây có thể có câu hỏi sau: Do lập luận của TQ có dựa vào việc cho rằng họ có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa), thế sao chúng ta không kiện thẳng họ về chủ quyền cho dứt điểm mọi thứ? Trong quan hệ quốc tế, mỗi nước là một thực thể có chủ quyền, nên có quyền chọn cách giải quyết tranh chấp theo ý mình, toà chỉ xử được khi các bên liên quan tự nguyện chấp nhận cùng nhau ra toà (trực tiếp qua các tuyên bố đơn phương, qua các thoả thuận riêng, hoặc gián tiếp qua các điều ước quốc tế đã kí kết). TQ không là ngoại lệ và rất tiếc là họ đã tuyên bố chỉ chọn cách 'tham vấn hữu nghị' hay đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền (để họ có thể ‘lấy thịt đè người’), không chấp nhận cách nhờ toà phân xử. Do đó, hiện nay việc kiện TQ về chủ quyền là bất khả, trừ khi họ có một chính phủ biết lẽ phải hơn rút lại tuyên bố đó.

Từ đó, có thể nẩy ra câu hỏi: Đồng ý rằng không kiện được chủ quyền, thế sao gác vấn đề chủ quyền lại rồi kiện nhờ trọng tài xác định phân định ranh giới biển cho khu vực biển giữa VN và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (và cả Hoàng Sa) sau cho tiện việc? Rất tiếc là cũng không thể kiện TQ về việc phân giới vì họ đã dựa vào điều 298 UNCLOS tuyên bố không chấp nhận các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc liên quan tới phân giới biển từ 25/8/2006.

Cũng lưu ý rằng dù luật có quy định các điều liên quan đến kiện tụng nhưng những người soạn luật vẫn muốn các bên hạn chế việc giải quyết tranh chấp thông qua toà án. Do đó, trong luật có quy định nhiều điều kiện các bên phải thoả mãn trước khi đưa tranh chấp ra trước toà. Chẳng hạn, phải chứng minh đang có tranh chấp và các bên đã nổ lực hết mức để giải quyết tranh chấp qua thương lượng, tham vấn ngoại giao... nhưng không đạt kết quả. Hơn nữa, việc kiện tụng cũng phải không bị ràng buộc bởi những thoả thuận mà các bên đã kí.

Thực tế trên biển gần 3 tháng nay và thậm chí trước đó với lời qua tiếng lại của đôi bên nên sự tồn tại của tranh chấp gần như hiển nhiên, không khó chứng minh. Về việc thực hiện các biện pháp tiền kiện tụng thì có vẻ chính phủ VN cũng đã tiến hành đúng mức. Đối với việc ràng buộc bởi các thoả thuận đã có, TQ có phê phán rằng ta vi phạm các ràng buộc trong tuyên bố về cách ứng xử các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC) và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển 11/10/2011” của 2 nước. Đối với ràng buộc của DOC, Trọng tài vụ Philippines kiện TQ đã xác định rằng điểm 5 và toàn bộ lời lẽ trong DOC không hề có nội dung nào loại trừ việc tìm kiếm phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tham vấn và thương lượng song phương. Thoả thuận 11/10/201 cũng gần tương tự như vậy, dù chưa qua soát xét của trọng tài, nhưng chắc sẽ có cùng kết luận.

Tóm lại, VN có thể kiện theo nội dung và cách thức gần như Philippines đã làm. Đặc biệt, trong vụ kiện của Philippines có nội dung về bãi Cỏ Rong, vốn là bãi ngầm cách mặt biển từ 9 đến 45 m trong EEZ của nước này, tình trạng rất tương tự với bãi Tư Chính của chúng ta. Philippines đã thắng thì cơ hội chúng ta thắng còn cao hơn nữa. Vấn đề cuối cùng là kiện vào lúc nào để vừa không lỡ cơ hội vừa tối ưu hóa kết quả và hạn chế các tác động xấu chắc chắn sẽ có của vụ kiện. Điều này tùy thuộc vào sự cân nhắc thiệt hơn của các cấp có trách nhiệm trên tinh thần mang lại điều tốt nhất cho đất nước và nhân dân.

(Bài viết được những ý kiến đóng góp quý báu của GS Phạm Quang Tuấn và TS Dương Danh Huy)

S.P.

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/song-phan/th%E1%BB%AD-b%C3%A0n-v%E1%BB%81-vi%E1%BB%87c-ki%E1%BB%87n-g%C3%AC-ki%E1%BB%87n-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-nh%C3%A2n-v%E1%BB%A5-hydz-8/2482105671897648/?qid=6748258938944084665&mf_story_key=3618921819957841216

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn