Trường chuyên: Có đúng mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng?

Doan Nguyen

Ý kiến thiết thực cần làm ngay của một Giáo sư trẻ

Nguyễn Thế Yên

“Bỏ những bài tập khó ở tất cả các môn trong chương trình phổ thông” - Đồng nghĩa với việc xóa bỏ tất cả các trường chuyên, lớp chọn trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Thực tế nhiều năm qua, sự tồn tại của các trường chuyên, lớp chọn chủ yếu đạt được mục đích “chính trị” thỏa mãn bệnh thành tích là chính, không phải vì nó và chỉ có nó mới là nơi tạo ra những nhân tài cho đất nước.

Nhân tài là gắn liền với sản phẩm trí tuệ (sáng tạo) dù sản phẩm đó thuộc thể loại gì, lớn hay nhỏ. Muốn có sản phẩm sáng tạo, trước hết người sáng tạo ra sản phẩm phải được trang bị những kiến thức cơ bản và tổng hợp, được lớn khôn từ môi trường giáo dục cởi mở, trách nhiệm, tôn trọng cá tính, khuyến khích sáng tạo, không hình mẫu, định hướng hóa và cuối cùng không thể thiếu là chỉ số IQ cao.

Nhân tài cũng không thể có được cùng với các tiêu chuẩn khác của con người từ việc đốt tất cả thời gian công sức vào việc giải quyết hoặc luyện thi các bài tập khó để thi thố một cách thụ động, trong khi những kiến thức cơ bản thuộc về con người thì lại không thể nắm bắt nhất là khi các em đang ở độ tuổi vàng cho sự hình thành nhân cách.

Để tạo ra những thế hệ người Việt trẻ vừa có tài, có tầm, có tư chất của một người tử tế, ý thức làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, biết thức tỉnh và dẫn dắt nhân quần, dứt khoát phải có một nền giáo dục theo hướng các nước văn minh đang làm mà cũng đúng với triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa trước 1975: “ Nhân bản, khai phóng và dân tộc”.

Việc học phải được bình đẳng và cơ bản, vấn đề còn lại là quyền tự do phát triển, phẩm chất sáng tạo và năng lượng vận động của cá nhân.

N.T.Y.

FB yenthe.nguyen.5

Nghĩ tiếp về "trường chuyên"

Vũ Thị Phương Anh

Có ai nghĩ rằng học sinh say mê môn học mà mình thích (môn chuyên) cũng là một kết quả giáo dục đáng ghi nhận không nhỉ?

Tôi thấy điểm yếu nhất của giáo dục phổ thông thời nay là bắt học sinh học quá nặng ở tất cả các môn mà không có thời gian để các em đào sâu, hiểu rõ và yêu thích môn học, dẫn đến kết quả là các em không thích bất cứ môn nào.

Trong kinh nghiệm của chính tôi - và lý thuyết giáo dục cũng đã khẳng định - thì những người có sự say mê trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ làm việc hết mình, sẵn sàng chia sẻ niềm đam mê với mọi người, và luôn tạo được những nhóm cùng làm việc với kết quả tốt. Có thể không phải cho riêng họ, nhưng những tác động tích cực đến cộng đồng nơi họ làm việc là rất rõ.

Đó chẳng phải cũng là một mục tiêu của giáo dục sao? Đâu cứ phải mọi thứ đều đo được bằng tiền mới là đáng kể? Mặc dù, thật ra cuối cùng những kết quả đó cũng sẽ quy được thành tiền thôi (ví dụ năng suất lao động tăng, giảm chi phí do tránh được những hao hụt, lãng phí hoặc hư hỏng do làm ẩu, làm cho xong để trả nợ quỷ thần chứ không phải vì lòng yêu nghề...).

Chẳng phải là Việt Nam đang rất thiếu những người thợ lành nghề, những giáo viên yêu nghề, những cô bảo mẫu yêu trẻ, những bạn trẻ say mê sáng tạo, những công chức tận tâm sao? Liệu chúng ta có được những người như vậy không, nếu khi còn là học sinh các em chỉ muốn kết thúc chương trình để thoát khỏi nhà trường càng sớm càng tốt?

Có ai muốn tranh luận với tôi về điểm này không nào?

V.T.P.A.

FB vtpanh

Hình ảnh lễ khai giảng ở trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và điểm trường Tắk Pổ (Quảng Nam) năm 2019. Ảnh: VietNamNet/Tạp chí Bảo hiểm Xã hội. Đồ họa: Luật Khoa.

Hình ảnh lễ khai giảng ở trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và điểm trường Tắk Pổ (Quảng Nam) năm 2019. Ảnh: VietNamNet/Tạp chí Bảo hiểm Xã hội. Đồ họa: Luật Khoa.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Đức Thành đã khơi lên một làn sóng tranh luận sôi nổi hiếm thấy về giáo dục, từ một bài đăng Facebook của mình vào ngày 18/6/2020.

TS Thành, một cựu học sinh chuyên Lý trường Hà Nội – Amsterdam, nêu quan điểm rằng các trường chuyên công lập nên được thay đổi theo hướng tư nhân hoá, hoặc kết thúc vai trò “chuyên” của nó để đưa về hoạt động như những trường công khác.

TS Thành đặt câu hỏi rằng, các trường chuyên công lập đang nhận được nguồn ngân sách lớn hơn gấp nhiều lần các trường công khác vì lý do gì, hay dựa trên nguyên tắc, chính sách nào. Ông đưa thêm một số lý do cổ súy cho việc thay đổi khối trường chuyên công lập bao gồm:

Trường chuyên là mô hình lấy của người giàu chia cho người nghèo, và nếu tiếp tục nó sẽ tạo ra những bất công truyền thế hệ, rằng “con vua thì lại làm vua, sư sãi ở chùa vẫn quét lá đa”;

Trường chuyên là nhu cầu xã hội, nhưng nó nên là mô hình trường tư như Olympia;

Tính “danh tiếng” và “đẳng cấp” của khối trường chuyên khiến cho khâu tuyển sinh trở thành cuộc đua không cân sức giữa học sinh thuộc gia đình giàu có với học sinh thuộc gia đình ở cấp bậc sau, khi mà, các gia đình giàu thường “chạy cùng con trên từng điểm số” với những bảng điểm toàn số 10, hoặc những giải thưởng chứng tỏ học sinh nhà giàu có năng khiếu; và cuối cùng

Khối trường chuyên đã hết vai trò lịch sử, xét trong mục đích sản xuất ra những “con gà nòi” để đi thi đấu quốc tế nhằm thể hiện hình ảnh quốc gia. Ngay cả trong mục tiêu đào tạo nhân tài thì các trường chuyên cũng đã không thực hiện được yêu cầu này vì không tồn tại bất cứ ràng buộc nào giữa học sinh trường chuyên với nghĩa vụ phụng sự Tổ quốc sau này – điều này được TS Thành nêu ra ở một bài đăng khác trong nhóm “Thảo luận cải cách trường Ams và hệ thống trường chuyên lớp chọn Việt Nam” trên mạng xã hội Facebook).

Cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra với rất nhiều ý kiến, cả ủng hộ và phản đối đề xuất của TS Thành. Người viết nhận thấy rằng, các vấn đề được nêu lên từ cuộc thảo luận có ý nghĩa nhất định nhằm xác nhận lại, liệu rằng hệ thống giáo dục công của Việt Nam có đảm bảo những nguyên tắc và các quyền phổ quát về giáo dục hay không.

Do vậy, bài viết này xem xét sự tồn tại của khối trường chuyên công lập trong vai trò của nhà nước đối với việc đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, và đặc biệt là sự liên hệ đến nguyên tắc bình đẳng trong các cơ hội tiếp cận giáo dục (Equality of Educational Opportunity).

Từ đó, người viết đánh giá những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực (nếu có) từ sự tồn tại của các trường chuyên trong mối quan hệ với những bất bình đẳng xã hội bắt nguồn từ sự khác biệt về nền tảng gia đình (social background inequalities relating to family) đối với học sinh và xã hội nói chung.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Giáo dục công nên như thế nào?

Nếu cần phải tìm một hệ thống giáo dục làm hình mẫu để học hỏi kinh nghiệm cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam, có lẽ Phần Lan – quốc gia được đánh giá có hệ thống giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới, nên là sự cân nhắc đầu tiên.

Hệ thống giáo dục của Phần Lan được xây dựng và vận hành dựa trên hai nguyên tắc nền tảng, bao gồm: (i) bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là quyền hiến định, và (ii) đảm bảo sự tự do chọn lựa con đường học vấn của mỗi cá nhân.

Tuy vậy, thành tựu của Phần Lan không phải chỉ dựa trên những nguyên tắc tồn tại như kim chỉ nam này, mà còn có động lực vận hành khác, đó chính là thái độ của nhà nước trong việc xác định vai trò, ý nghĩa của giáo dục đối với sự phát triển con người, xã hội, đất nước. Chính phủ Phần Lan nhận thức sâu sắc rằng, quyền được tiếp cận giáo dục là một quyền con người phổ quát, như đã được UNESCO ghi nhận, do đó đã nỗ lực để phân bổ nguồn lực quốc gia hợp lý cho một nền giáo dục gần như hoàn toàn miễn phí.

Thực tế lịch sử và nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, vì ý nghĩa vô cùng quan trọng của giáo dục đối với mỗi cá nhân và xã hội nói chung, nhà nước phải là chủ thể lãnh nhận trách nhiệm đảm bảo cho mỗi cá nhân đều được tiếp cận các cơ hội giáo dục, và phải đảm bảo cho họ có có sự tiếp cận các cơ hội giáo dục một cách công bằng.

Pháp luật về giáo dục công của Australia đã quy định rằng, “một hệ thống giáo dục công phải đảm bảo cung cấp dịch vụ cho cộng đồng và thu hút học sinh thông qua tính sẵn có, sẽ là hoàn toàn không phù hợp nếu học sinh phải tìm kiếm các cơ hội giáo dục trên thị trường. Chính phủ phải chịu trách nhiệm đối với giáo dục công và không cho phép tư nhân hóa lĩnh vực này…”; và “hệ thống giáo dục công phải đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội cho mọi trẻ em để phát triển khả năng một cách toàn diện, bất kể những trẻ em đó học ở ngôi trường nào. Điều này sẽ đạt được thông qua (i) chương trình đào tạo lành mạnh, (ii) nhận biết và giải quyết những bất lợi của học sinh; (iii) một sự cân bằng và hợp lý về số lượng giáo viên giỏi về chuyên môn và kỹ năng”.

Từ hai ví dụ này, có thể rút ra kết luận rằng:

Giáo dục công phải do nhà nước thực hiện (điều này không có nghĩa là không cho phép tồn tại giáo dục tư), bất kể nhìn từ chức năng nội tại của nhà nước hay tầm nhìn của nó đối với việc phát triển quốc gia như thế nào, nhưng nhà nước phải đảm bảo tính sẵn có đối với dịch vụ giáo dục cho mỗi cá nhân. Và, nhà nước thực hiện điều này thông qua chính sách giáo dục quốc gia và bằng ngân sách nhà nước.

Một chính sách giáo dục quốc gia phải đảm bảo thực thi các quyền con người phổ quát trong giáo dục, đặc biệt là sự bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội giáo dục nhằm hướng đến duy trì và phát triển sự công bằng xã hội.

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/07/JPNT0056-1024x683.jpg

Học sinh trường chuyên Hà Nội – Amsterdam trong ngày khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Tạp chí Bảo hiểm Xã hội.

Như thế nào là bình đẳng tiếp cận các cơ hội giáo dục để duy trì công bằng xã hội?

Trước khi trình bày như thế nào là bình đẳng tiếp cận các cơ hội giáo dục, người viết đồng ý với quan điểm rằng, con người sinh ra không bình đẳng. Bình đẳng chỉ là một giá trị mà con người nhận thức ra, xây dựng nên và theo đuổi.

Giả định rằng:

[1] Trường Ams là một cơ hội để được thụ hưởng giáo dục chất lượng cao mà nhà nước cung cấp. Tất nhiên đây là cơ hội dành cho tất cả mọi cá nhân, nhưng không phải mọi cá nhân đều có thể trở thành học sinh của Ams. Bởi lẽ, đây là cơ hội có giới hạn do nhà nước không đủ nguồn lực để phân bổ hàng loạt. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh và quá trình chọn lọc những cá nhân đạt yêu cầu tuyển sinh.

[2] Giả sử yêu cầu tuyển sinh của Ams là: (i) đánh giá kết quả kiểm tra đầu vào về kiến thức học thuật, tư duy logic, các kỹ năng mềm và năng khiếu, và (ii) kết quả học tập của các cấp độ học trước

[3] Được trở thành học sinh trường Ams là mục tiêu của rất nhiều học sinh, số lượng đăng ký vô cùng đông đảo, bao gồm các nhóm:

A: Những học sinh thuộc các gia đình giàu có và thường sống ở các thị trấn, thành phố lớn trên cả nước, thường cũng học chuyên từ cấp cơ sở và được bố mẹ cho đi học thêm, hoặc mời gia sư riêng về dạy tại nhà, hơn nữa còn được bổ trợ các môn năng khiếu như hội hoạ, ca nhạc… (tạm loại bỏ các yếu tố tiêu cực như “cùng con chạy điểm”);

B: Những học sinh thuộc các gia đình nghèo, hoặc có mức sống trung bình (thu nhập đủ chi trả cuộc sống hàng ngày), thường sống ở các vùng ngoại thành, thị trấn nhỏ, khu vực nông thôn, miền núi, và đương nhiên những học sinh này chỉ tham gia các lớp học tại trường.

Vậy, bao nhiêu phần trăm của nhóm A sẽ vượt qua thử thách tuyển sinh của Ams, và bao nhiêu phần trăm trong nhóm B?

Nếu tính “điểm giỏi” trung bình của nhóm A là 9,5, còn nhóm B là 7,5, thì lý do nào dẫn đến sự khác nhau này? là do nhóm A sinh ra đã có những khả năng giỏi bẩm sinh hơn nhóm B, hay do nhóm B sinh ra trong các gia đình nghèo? Sự hỗ trợ của phụ huynh đối với con em họ có phải là một loại bất bình đẳng đối với học sinh khác hay không, và có phải là một loại bất bình đẳng mà nhà nước nên tìm cách giải quyết hay không?

Tiếp tục giả định rằng, phần lớn học sinh khối trường chuyên đều giỏi (không quan trọng do bản năng, nỗ lực tự thân hay nhờ sự hỗ trợ toàn diện từ phía phụ huynh) và đều thành đạt trong xã hội sau này, thì liệu rằng một chính sách tuyển sinh như của Ams, dưới một chính sách thiếu cơ chế loại bỏ bất bình đẳng, bất lợi đối với những học sinh yếu thế như vậy, có tạo nên, hoặc thúc đẩy các giá trị xã hội nền tảng cần có như tính trung thực, lòng bác ái và cảm nhận công lý hay không?

Rõ ràng, bình đẳng sẽ không đương nhiên đảm bảo công bằng, nhưng một chính sách giáo dục hướng đến các giá trị công bình, văn minh thì bất bình đẳng chỉ nên xảy ra như những trường hợp hy hữu, ngoại lệ. Còn nếu, một chính sách tự nó đã chứa đựng sự bất bình đẳng thì chứng tỏ nhà nước thất bại trong nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục công.

Cảnh người dân Mường Chà, Điện Biên đưa trẻ đến trường trong ngày khai giảng năm 2018. Ảnh: VOV.

Cảnh người dân Mường Chà, Điện Biên đưa trẻ đến trường trong ngày khai giảng năm 2018. Ảnh: VOV.

Bình đẳng về tiếp cận cơ hội giáo dục là gì?

Các học giả trong giới nghiên cứu đưa ra rất nhiều định nghĩa, khía cạnh và góc nhìn về bình đẳng cơ hội tiếp cận giáo dục (người đọc có thể tham khảo thêm các tài liệu nêu ở cuối bài).

Trong giới hạn phạm vi bài viết này, người viết chỉ xin đưa ra góc nhìn (mà người viết cho rằng) khả dĩ nhất để trả lời những câu hỏi nêu trên, đó là góc nhìn từ sự công bằng (Fair Equality of Opportunity), mặc dù việc áp dụng góc nhìn này có phải là sự hợp lý nhất hay không cũng vẫn còn là một sự tranh cãi lớn trong giới học giả nghiên cứu. Tuy vậy, những tranh cãi kiểu vậy là điều thường thấy, và là bản chất của nghiên cứu triết học hay các vấn đề xã hội, và nó không ảnh hưởng đến việc lựa chọn ra những khía cạnh phù hợp nhất để áp dụng cho vấn đề đang được nêu ra.

Khái niệm công bằng về bình đẳng cơ hội tiếp cận được triết gia người Mỹ John Rawls (1921 – 2002) nêu ra trong tác phẩm A Theory of Justice (Một lý thuyết về công lý) xuất bản năm 1971, được cho là một góc nhìn khá cơ bản và toàn diện khi đánh giá về tính công bằng trong sự bình đẳng về các cơ hội tiếp cận giáo dục.

Trong tác phẩm này, Rawls cho rằng “để đảm bảo tất cả mọi cá nhân đều được đối xử một cách bình đẳng và được bình đẳng về cơ hội, thì, những đối tượng có ít nguồn lực hơn (fewer native assets) và những đối tượng được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn hơn (born into the less favorable social positions) phải được quan tâm nhiều hơn”.

Cụ thể hơn, theo quan điểm của Rawls áp dụng vào lĩnh vực giáo dục thì, trong vai trò cung cấp dịch vụ giáo dục công dựa trên nguyên tắc công bằng, nhà nước phải có chính sách giải quyết những bất công có tính chất kinh tế – xã hội (inequalities in social luck), như sự phân hóa giàu-nghèo, để những cá nhân có nền tảng gia đình giàu – nghèo khác nhau nhưng có tiềm năng giống nhau thì được hưởng cơ hội phát triển như nhau.

Tại sao người viết cho rằng, lý thuyết về sự công bằng của Rawls là khả dĩ nhất? Tại sao nhà nước phải giải quyết bất bình đẳng về nền tảng kinh tế xã hội (cũng là một loại bất bình đẳng tự nhiên), còn những bất bình đẳng tự nhiên khác (inequalities in natural luck) giữa cá nhân sinh ra đã giỏi và người kém hơn thì sao?

Suy cho cùng, giáo dục là để định hướng dẫn dắt mỗi cá nhân đi đến hoàn thiện con người cả về nhân cách và trí tuệ để họ có thể sống hạnh phúc, thành công, và có đóng góp giá trị đích thực cho xã hội. Điều này chỉ đạt được khi mọi cá nhân bước vào vạch xuất phát giống nhau, với những thử thách như nhau, thì các giá trị giáo dục mới được khai phá và mang lại hiệu quả.

Một gia đình giàu có và hạnh phúc, đó là thành công của bố mẹ, tức là vai trò của giáo dục đối với thế hệ bố mẹ (thế hệ F1) đã thành công và mang lại lợi ích cho họ, và xã hội. Nếu “giá trị thặng dư” (sự giàu có) của thế hệ F1 được đầu tư toàn bộ cho con cái (thế hệ F2) để những trẻ em này cũng thành công như/hoặc hơn bố mẹ chúng (thế hệ F1), và sau đó chúng lại tiếp tục đầu tư cho con cái đời sau (thế hệ F3) thì cái “giá trị thặng dư” của giáo dục chỉ phát triển một chiều, và thậm chí, những đầu tư như vậy còn kiềm chế các giá trị tự nhiên của giáo dục (đáng lẽ sẽ) xuất hiện trong mỗi đứa trẻ.

Nhưng nếu thay vì chỉ đầu tư cho F2, thế hệ F1 dành ra một phần “giá trị thặng dư” của mình để trợ giúp cho những người kém may mắn trong xã hội, chẳng hạn như bạn bè của F2, thì câu chuyện lại rất khác. Hình thức trợ giúp có thể là đóng nhiều thuế hơn, đóng góp làm từ thiện, tham gia công tác xã hội, v.v. Từ đó, họ giúp con cái F2 của những người khác có được cơ hội phát triển bản thân bình đẳng với con mình. Khi mọi đứa trẻ đã được bình đẳng về cơ hội rồi, thì sự thành công trong đời của chúng phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi đứa trẻ. Đây là lúc chúng ta có thể nói: “Sướng hay khổ là do mình”.

Đó chẳng phải chính là giá trị đích thực của giáo dục hay sao? Việc đầu tư vừa đủ tạo điều kiện cho con được phát triển tự nhiên sẽ đặt mọi đứa trẻ vào cùng vạch xuất phát, đó chẳng phải là nguyên tắc của mọi cuộc thi hay sao? Và đó chẳng phải là cách tốt nhất để con người phát hiện ra tố chất thật sự của bản thân hay sao?

Quan trọng hơn, đây là điều mà con người có thể làm được nhờ nhận thức. Đối với những bất bình đẳng có tính chất tự nhiên (như trẻ em sinh ra đã có tài năng, hoặc tài năng trung bình, so với trẻ em yếu kém về trí tuệ) thì dù nhà nước có ưu tiên nguồn lực cho những người yếu hơn, thì cũng không thể chắc những đứa trẻ đó sẽ phát triển được như mong đợi. Đây là điều nằm ngoài khả năng nhận thức và tính hiệu quả.

Từ những điều đã trình bày, ta có thể kết luận rằng:

Giá trị giáo dục chỉ được phát huy nhờ sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận dựa trên nguyên tắc công bằng;

Một chính sách pháp luật công bằng trong tiếp cận các cơ hội giáo dục phải đảm bảo cho mọi cá nhân có năng lực như nhau (có thể nhận diện được) có cơ hội đạt được mục tiêu giống nhau, bất kể sự khác biệt về nền tảng gia đình, kinh tế, xã hội;

Nhà nước phải có chính sách giải quyết những bất công có thể nhận thấy và có nhiều khả năng thay đổi được.

Trường chuyên có làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, hoặc các giá trị phản giáo dục?

Dù rằng đã nêu ra một lý thuyết về sự bình đẳng khả dĩ nhất để có thể gợi mở các giả định và câu hỏi được nêu ra, nhưng người viết cũng không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho mệnh đề trên.

Điều này là bởi lẽ, đây không phải là vấn đề có thể nhận định dựa trên lý thuyết, mà nó đòi hỏi những nghiên cứu và khảo sát cụ thể để đi đến kết luận. Và nếu, dựa trên những quy định về chính sách và pháp luật của nhà nước đối với trường chuyên thì cũng khó để khẳng định, dù rằng, chính sách hiện tại không nhận biết và giải quyết sự bất bình đẳng về nền tảng gia đình, kinh tế, xã hội. Các quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 mặc dù có các quy định về ưu tiên phân bổ ngân sách cho các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo… nhưng không quy định rõ ràng về nguyên tắc bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục.

Mệnh đề này được nêu ra, có lẽ, xuất phát từ tính “chìm” của tảng băng nổi – điều mà chúng ta khó nhìn thấy, nhưng lại có thể cảm nhận được dựa trên những sự thật rằng:

Hệ thống các trường chuyên đang tồn tại như một đặc quyền với nhiều ưu ái từ ngân sách nhà nước, và nó tồn tại như một niềm ao ước của nhiều học sinh, phụ huynh;

Hình ảnh trường chuyên và học sinh trường chuyên được ngưỡng mộ trong xã hội khi nhận thức rằng đó là cái tổ của những học sinh giỏi (học chuyên là giỏi), có con học trường chuyên thường được coi là vinh dự của gia đình;

Theo suy luận logic thì phần đông học sinh trường chuyên là con nhà khá giả trở lên do có điều kiện học thêm nhiều hơn, và do đó chứng tỏ được khả năng hơn (điều này có thể không chính xác, người đọc có thể liên hệ với những trường hợp xung quanh để tự nhận định);

Hiện tượng mua điểm, chạy trường chuyên, lớp chọn cho con của cha mẹ đang tồn tại ở Việt Nam như một tệ nạn xã hội … Với những thực tế và suy luận logic thì một câu trả lời về sự “tha hoá chính sách” có thể được rút ra, và những bất bình đẳng, đương nhiên, cũng có thể từ đó mà xuất hiện.

Vẫn biết rằng, sự khác biệt về nền tảng gia đình đã sớm được nhận biết là một nguyên nhân tạo nên bất bình đẳng xã hội. Việc giải quyết trên thực tế vẫn là thách thức lớn, bởi lẽ, ai có thể cấm, hay khuyên phụ huynh hãy ít đầu tư cho con cái đi?

Nếu có thể đưa ra một lời bình luận mang tính cá nhân, có lẽ tôi chỉ mong rằng, nếu ở đâu đó trong xã hội thực sự có chuyện mua điểm chạy trường, thì hy vọng các bậc phụ huynh hãy dừng lại điều đó. Hãy quan tâm, nhưng đừng sống hộ, hoặc sống ảo trên thành tích của trẻ em. Bởi lẽ, điều đó thật sự phản giáo dục, và nó thực sự huỷ hoại tất cả những gì tốt đẹp nhất mà hệ thống giáo dục, đặc biệt là khối trường chuyên (được cho là) đang tạo ra. Một đứa trẻ khi thấy bố mẹ chúng mua được sự dối trá, nó hoàn toàn có thể nghĩ bố mẹ chúng sẽ mua được cả xã hội.

D.N.

Tài liệu tham khảo:

Equality of Educational Opportunity“, Stanford Encyclopedia of Philosophy.

Kristen Meyer, 2016, “Why should we demand equality of educational opportunity?”, Theory and Research in Education, Vol. 14, No. 3, p. 333-347.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Nguồn: Luatkhoa

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn