Hậu bầu cử Mỹ 2020: 'Đội ngũ trong mơ' của ông Joe Biden sẽ giúp nước Mỹ dẫn đầu thế giới?

Duy Phương

Sự chuyển giao quyền lực của Tổng thống Donald Trump cho ông Joe Biden báo hiệu sự trở lại của trật tự thế giới được dẫn dắt bởi nguyện vọng hợp tác quốc tế của Mỹ.

Ông Biden đã đảm nhận những nhiệm vụ cần thiết cho quá trình chuyển giao mà không được hưởng bất kỳ lợi ích nào thường dành cho người chiến thắng. (Nguồn: Getty Images)

Ông Biden đã đảm nhận những nhiệm vụ cần thiết cho quá trình chuyển giao mà không được hưởng bất kỳ lợi ích nào thường dành cho người chiến thắng. (Nguồn: Getty Images)

Hy vọng về hướng đi mới này trong chính sách đối ngoại của Washington càng được nâng cao khi ông Joe Biden, người được truyền thông tuyên bố đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử 2020, công bố những người được ông lựa chọn để bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong chính quyền mới.

Khởi động quá trình chuyển giao quyền lực

Lễ Tạ ơn năm 2020 đánh dấu cột mốc mới ở Mỹ khi người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp Mỹ Emily Murphy thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống Trump khởi động quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden.

Động thái này diễn ra sau 3 tuần ông Trump và đội ngũ của mình không thể thuyết phục được thẩm phán ở các bang rằng kết quả cuộc bầu cử đã bị tác động bởi sự gian lận.

Mặc dù trước đó Nhà Trắng tuyên bố rằng một số người đã bỏ phiếu qua đường bưu điện là những người đã qua đời, nhưng những cuộc kiểm tra cẩn thận đã chứng minh họ còn sống. Trả lời phỏng vấn của CNN, luật sư Sidney Powell cho rằng, hàng triệu phiếu bầu trên các máy bỏ phiếu điện tử đã được chuyển kết quả từ ông Trump sang ông Biden bởi các chuyên gia công nghệ thông tin nhưng không có bằng chứng.

Thời gian qua, ông Biden đã tiến hành những nhiệm vụ cần thiết cho quá trình chuyển giao mà không được hưởng bất kỳ lợi ích nào thường dành cho người chiến thắng.

Đại diện đảng Dân chủ tập hợp một nhóm cố vấn thân cận để lên kế hoạch làm thế nào chống lại sự gia tăng không thể kiểm soát của dịch Covid-19 trên khắp đất nước. Đội ngũ này cũng đặt nền tảng cho một chính quyền mới, trong đó các nghị sĩ Quốc hội sẽ bỏ qua vấn đề đảng phái để cùng hợp tác vì lợi ích của công chúng Mỹ. Đây vốn là một cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông.

Thậm chí, ông Biden còn công bố thành quả của những nỗ lực này ngay cả trước khi Tổng thống Trump dỡ bỏ rào cản cho quá trình chuyển giao chính thức và giới thiệu một số thành viên trong đội ngũ hàng đầu của chính quyền mới.

Những cái tên quen thuộc

Những nhân vật được ông Biden lựa chọn để bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng phản ánh sự đa dạng và kinh nghiệm cũng như quyết tâm về việc đưa Mỹ tái gia nhập cộng đồng quốc tế, bác bỏ chủ nghĩa “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump. “Đó là một đội ngũ phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn đầu thế giới, chứ không phải rút lui khỏi thế giới”, đại diện đảng Dân chủ nhấn mạnh.

Đứng đầu đội ngũ sẽ là ông Antony Blinken, được đề cử cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ và ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, được đề cử là quan chức hàng đầu phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Biden cho rằng ông Kerry là “người có chỗ ngồi ở mọi bàn đàm phán trên khắp thế giới”, đồng thời là người “sẽ phát biểu cho nước Mỹ về một trong những mối đe cấp bách nhất trong thời đại chúng ta”.

Với sự ủng hộ từ Phố Wall, ông Biden đã đề cử bà Janet Yellen cho vị trí nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ. Bà Yellen, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong chính quyền ông Obama, sẽ có nhiệm vụ quan trọng là khôi phục nền kinh tế Mỹ trước thiệt hại do Covid-19 gây ra vào thời điểm đất nước bị chia rẽ sâu sắc.

Sáu quan chức đầu tiên trong nội các dự kiến, được ông Joe Biden công bố trên Twitter cá nhân (Nguồn: Twitter).

Sáu quan chức trong nội các dự kiến, được ông Joe Biden công bố trên Twitter cá nhân (Nguồn: Twitter).

Nhằm từng bước chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực, ngoài những vị trí chủ chốt đã được xác định, ông Biden cũng đang tích cực hoàn thiện nội các mới của mình. Ngày 29/11, ông công bố đội ngũ truyền thông cấp cao của Nhà Trắng gồm toàn nữ giới. Trong số những người được bổ nhiệm, bà Jen Psaki, từng là Giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Obama, sẽ đảm nhận vị trí Thư ký báo chí Nhà Trắng.

Ông Biden và phó tướng, bà Kamala Harris, đã tìm cách nhấn mạnh tính đa dạng khi công bố việc bổ nhiệm những quan chức mới này. Tuyên bố có đoạn: "Những con người có trình độ và kinh nghiệm này sẽ mang lại những góc nhìn đa dạng về công việc của họ và thực hiện một cam kết chung là xây dựng đất nước này tốt đẹp hơn".

Còn về độ ngũ phụ trách kinh tế, hãng tin Reuters cho biết, ông Biden có kế hoạch đề cử Giám đốc điều hành Trung tâm Tiến bộ Mỹ Neera Tanden làm Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, đồng thời chỉ định nhà kinh tế học Cecilia Rouse làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế và ông Wally Adeyemo, Cố vấn kinh tế quốc tế cấp cao dưới thời ông Obama, làm Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ngoài ra, các nhà kinh tế học Jared Bernstein và Heather Boushey được đề cử làm thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Cũng giống như ông Obama năm 2009, ông Biden sẽ được "kế thừa" một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Gần 14 triệu người Mỹ, nhiều người từng làm việc trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, đang nhận trợ cấp thất nghiệp sẽ hết hạn vào ngày 26/12. Dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng có nghĩa là không rõ khi nào họ có thể quay lại làm việc. Chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden chắc chắn sẽ tập trung vào việc đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.

Đội ngũ này cho thấy kỳ vọng muốn Mỹ đi đầu trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp hơn là các chính trị gia đóng vai các đại sứ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại cho rằng đội ngũ nhân sự mới này sẽ đánh dấu “Nhiệm kỳ thứ 3 của Obama” và đưa Washington trở lại "đầm lầy" mà ông Trump đã cố gắng khắc phục.

Tương lai mới cho các hiệp ước, liên minh quốc tế

Giờ đây, thời điểm quan trọng tiếp theo sẽ là ngày 21/1/2021, một ngày sau khi ông Biden chuyển tới Nhà Trắng, khi dự định đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông sẽ triệu tập một cuộc họp tập hợp các quốc gia phát thải nhiều carbon, bao gồm cả Trung Quốc, để đưa ra các mục tiêu và chốt các mục tiêu có thể thực hiện được.

Gần đây, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ đã cam kết thực hiện “các khoản đầu tư lớn và khẩn cấp ở trong nước để đưa Mỹ đi đúng hướng nhằm đạt được một nền kinh tế năng lượng sạch với lượng khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Đây sẽ là tin tốt cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương và nhiều nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời sẽ làm tăng áp lực buộc chính phủ Australia của Thủ tướng Scott Morrison phải thay đổi đường lối của mình.

Ông Kerry, người đã thay mặt chính quyền của Tổng thống Obama ký kết Hiệp định Paris, sẽ vào cuộc ngay lập tức. Ông sẽ cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson thúc giục Thủ tướng Morrison hành động mạnh mẽ hơn để chống lại phát thải khí nhà kính và nhanh chóng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo giá rẻ và hiệu quả.

Một số nhà bình luận lo ngại rằng ông Biden sẽ tập trung vào châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từ đó coi nhẹ các quốc gia Tây Thái Bình Dương. Ông Blinken đã mô tả châu Âu là một đối tác quan trọng của Mỹ và lên án ông Trump về thái độ với Liên minh châu Âu (EU) và các đề xuất về việc rút quân đội Mỹ khỏi Đức. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông Blinken sẽ bỏ qua châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đó, với tư cách là Phó Tổng thống, ông Joe Biden từng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực "xoay trục" sang châu Á, trong đó có việc Mỹ đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mục tiêu của ông Biden là muốn châu Á-Thái Bình Dương trở thành một khu vực ổn định được điều chỉnh bởi trật tự quốc tế mà nhiều quốc gia tại đây vẫn đang tìm kiếm.

D.P.

Nguồn: Baoquocte.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn