Phấn đấu làm chi cho mệt (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 106)

Tương Lai

Đó là chuyện “phấn đấu đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50” mà bà Chủ tịch Quốc hội vừa phát biểu. Bà phải phấn đấu hay Đảng phải phấn đấu, hay cả dân tộc gồm gần 100 triệu người phải phấn đấu nhỉ?

Chắc là bà Chủ tịch Quốc hội thừa biết cái chỉ tiêu được ban phát “từ 25-50” ấy đến từ đâu. Chắc không từ Quốc hội, càng không từ Mặt trận Tổ quốc mà là từ Đảng. Một sự chồng chéo kéo dài thực trạng “hai nhà nước trong một nhà nước” mà nhà nước Đảng lại ngồi chồm chỗm trên cái Nhà nước – mà trên danh nghĩa là do dân bầu, dân uỷ quyền – trên cả Hiến pháp, đã gây nên những hệ luỵ quá lớn, kìm đất nước trong sự trì trệ quá dài với chế độ toàn trị phản dân chủ của một nhà nước độc đảng, mà đảng cầm quyền lại không do dân bầu.

Vì vậy mà phải đổi mới. “Trong lúc này chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết”. Đấy là sự khẳng định của Trường Chinh, người phất cao ngọn cờ Đổi Mới tại Đại hội VI. Mà Đổi Mới trước hết từ bỏ mô hình Xô Viết đã sụp đổ, trong đó “vô sản chuyên chính” được vận dụng quyết liệt theo luận thuyết của Stalin là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lênin càng gần thắng lợi thì cuộc đấu tranh giai cấp càng quyết liệt hơn, càng phải thực hành chuyên chính vô sản triệt để!

Khốn khổ thay, Việt Nam lại bập ngay vào cái quan điểm tệ hại đó, nhất là khi lại bị ảnh hưởng nặng nề của “chủ nghĩa Mao”. Đau đớn hơn nữa ở Việt Nam “vô sản chuyên chính” được bập vào quá sớm, “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” – hệ luỵ trực tiếp của “Luận cương Trần Phú” năm 1930 – cho dù sau đó Nguyễn Ái Quốc đã cố gắng ngăn chặn lại qua một chỉ thị của Quốc tế Cộng sản “Từ trước các đồng chí chưa rõ vấn đề ấy, mà nay cũng vẫn mập mờ, nên dù tổ chức cách mạng vẫn đơn thuần công nông và là một màu sắc nhất định – như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên đỏ, Sinh hội đỏ và Cứu tế đỏ; do đó thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, họ là tầng lớp trên hay ở vào lớp giữa cũng vậy, và cho tới cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn độc lập quốc gia, để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để cần kíp tổng động viên toàn dân…”1.

Nhưng rồi khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, rõ hơn là từ sau 1975, “chuyên chính vô sản” thực chất là chuyên chính của người cầm quyền được đẩy tới một cách mạnh mẽ. Tại sao? Tại vì trong sự chuyên chính của người cầm quyền ấy lại có cái quyền giữ cho được cái ghế họ đang ngồi! Cái ghế đó gắn chặt với lợi ích của chính họ, mà vì thế, ai động đến cái ghế ấy thì phải chuyên chính một cách quyết liệt! Cái ghế quyền lực ấy ngày càng nảy nòi ra không biết bao nhiêu sự thối nát. Điều ấy rất dễ hiểu: “Quyền lực có xu hướng tha hoá. Quyền lực càng tuyệt đối thì sự tha hoá cũng tuyệt đối”. (All power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely). Sự tha hoá dễ thấy nhất là tham nhũng (từ corrupt trong tiếng Anh còn có nghĩa là thối rữa, tham nhũng). Đó là sự đúc kết rất sâu sắc và súc tích của Lord John Dalberg-Acton – nhà sử học nổi tiếng được coi là người Anh thông thái nhất trong thời đại của ông.

Và “nhà lý luận” Nguyễn Phú Trọng đã sáng tạo ra một khái niệm “rất uyên bác” là phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”(?!). Vậy thì ông là người cần phải nhốt vào cái lồng đó trước tiên. Bởi vì tham nhũng quyền lực là điều tệ hại nhất trong các kiểu loại tham nhũng mà ông “thì treo giải nhất chi nhường cho ai” khi chính ông từng lên án và ngăn chặn những ai có tham vọng quyền lực. 2 Rồi cũng chính ông đã bằng mọi cách để giành lấy cái ghế quyền lực cao nhất, kể cả giẫm đạp lên Điều lệ Đảng để đạt được khát vọng quyền lực ấy!

Khốn nỗi đầu óc Trọng không tạo ra nổi khái niệm “lồng quyền lực” này đâu mà ông ta mượn của thầy ông ta: hoàng đế Tập Cận Bình! Ngày 22/1/2013, phát biểu trước Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đòi “nhốt quyền lực vào lồng chế độ” [把权力关进制度的笼子里] thì ngày 14/4/2016, nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, Trọng đề cập đến chuyện “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, rồi sau đó một thời gian đưa ra khái niệm lồng quyền lực nói trên. Khốn khổ vậy đó.

Đề cập đến vấn đề quyền lực này, Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã phân tích rất đúng về sự tha hoá của quyền lực: “Quyền lực là “ma túy” gây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến. Có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy, quyền lực hấp dẫn hơn các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người có tham vọng quyền lực suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ lại muốn lớn hơn nữa. Cứ thế, gần như không có điểm dừng, thậm chí không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất”.3

Đó là một trong những nguyên nhân khiến ở Việt Nam “chuyên chính vô sản” kéo dài quá lâu, lâu nhất trong các Đảng Cộng sản, kể cả đảng cầm quyền và đảng không cầm quyền trên thế giới. Cho dù có lúc đã loé lên một tia sáng “không thể vô sản lại chuyên chính với chính mình khi mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ đất nước” nhưng rồi tia sáng ấy đã chìm đi trong đám mây mù của quán tính “tả khuynh”, càng “tả” càng cách mạng, càng vững lập trường! “Tả khuynh” đi đôi với giáo điều như bóng với hình đè nặng lên đời sống tinh thần của một dân tộc vốn từng quật khởi và không chịu lùi bước trước bất cứ một kẻ thù cướp nước nào, bóp chết mọi sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo của thế hệ trẻ. Hệ luỵ của những chủ trương sai lầm do “tả khuynh” và giáo điều đó là đất nước bị đẩy tới bên bờ vực của sự sụp đổ.

Đổi Mới với Đại hội VI đã xua bớt đi đám mây mù tả khuynh giáo điều với những biến thái một khi mà quyền lực có xu hướng tham nhũng đó, cũng có thể nói Đổi Mới trước hết là đổi mới tư duy, “đây là một chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng để tạo ra những những cái mới mẻ tốt tươi”4. Nhưng rồi, cuộc “cuộc chiến đấu khổng lồ này”4, vấp phải sự ngoan cố bảo thủ và trì trệ của cái quán tính “tả khuynh” tệ hại. Những khủng hoảng của thời kỳ trước Đổi mới thực chất là khủng hoảng về chính trị. Và rồi cuộc khủng hoảng về chính trị ấy, nhất là về lý luận chính trị chưa được giải quyết một cách triệt để, tư tưởng tả khuynh và giáo điều dần dần trỗi dậy, công cuộc đổi mới có biểu hiện co lại, tiếng kèn đổi mới lại ngập ngừng, có lúc lạc điệu để rồi xuất hiện tư tưởng “phản đổi mới” thể hiện rõ nhất ở Đại hội XI với Nguyễn Phú Trọng mà tôi đã nói rõ trong “Mênh mông thế sự… số 104”, xin được miễn nhắc lại.

Điều cần nói thêm là hiện nay thuật ngữ “chuyên chính vô sản” đã mất hẳn trong sách vở lý luận, trong các “giáo trình chuẩn” nhưng có khi còn diễn đạt một cách mập mờ “chuyên chính nhân dân thực chất là chuyên chính vô sản”. Dù sao thì bỏ được cụm từ chuyên chính vô sản, bỏ chậm hơn hầu hết các đảng Cộng sản trên thế giới để thay bằng khái niệm “hệ thống chính trị” cũng là một thay đổi đáng kể. Tuy vậy, quan niệm hệ thống chính trị ấy vẫn còn mù mờ, và mù mờ nhất là chưa giải đáp được dân tộc ở trong hay ở ngoài “hệ thống chính trị”5. Sự mù mờ này sẽ dẫn tới những biến thái của “chuyên chính vô sản” như cách diễn đạt nhập nhèm “chuyên chính nhân dân làm nhiệm vụ của chuyên chính vô sản” trong việc đưa ra những chính sách, giải pháp thực tiễn.

Xin đưa một ví dụ: Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 22.8.2006 đăng bài viết của Trần Trọng Tân, Phó bí thư Thành uỷ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương trong đó có câu “các vấn đề lớn trong Văn kiện Đại hội X đều ẩn chứa nội dung và chức năng của chuyên chính vô sản… mặc dầu không nhắc đến cụm từ chuyên chính vô sản”. Cũng xin có vài lời về ông Trần Trọng Tân, người tôi từng có cảm tình khi ông ra Hà Nội đảm nhiệm trọng trách Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, đã tìm tôi và nhiều lần trao đổi ý kiến khá tâm đắc, thậm chí tôi đã phải cử một cán bộ của Viện tôi, anh Nguyễn Phan Lâm làm cầu nối (mà chúng tôi gọi đùa là “sĩ quan liên lạc”) giữa tôi và ông vì tôi không có thì giờ để thường xuyên gặp ông, mà ông lại có nhiều vấn đề muốn trao đổi.

Một trong những vấn đề đó là có những trí thức uyên bác dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội đang bị chụp cho “cái mũ xét lại” nên không thể phát huy được năng lực của mình, tôi chỉ nói riêng trường hợp anh Trần Đình Hượu bạn tôi. Sau khi đọc một công trình nghiên cứu uyên bác của anh Hượu tôi đưa cho ông, Trần Trọng Tân đã đồng ý với tôi nên tổ chức một buổi thuyết trình của Trần Đình Hượu tại Hội trường Ban Tư tưởng và Văn hoá trước đông đảo các nhà khoa học xã hội. Chính sau cuộc thuyết trình đó – mà anh em gọi là được “cởi mũ” – Trần Đình Hượu mới được mời đi “thỉnh giảng” ở nhiều nơi, trong đó có trường Đại học Aix-Marseille (AMU) tại Aix-en-Provence.

Trong chuyến đi dự một hội thảo ở Aix-en-Provence, tôi được giáo sư Trịnh Văn Thảo, Chủ nhiệm Khoa Xã hội học của trường cho biết là những bài giảng của Trần Đình Hượu thu hút được rất đông sinh viên, tên tuổi của Trần Đình Hượu được nhắc đến với lòng ngưỡng mộ và trân trọng. Vì thế, tôi rất biết ơn ông Trần Trọng Tân về việc “cởi mũ xét lại” cho anh Trần Đình Hượu. Thế nhưng tôi rất ngạc nhiên khi gặp ông tại Sài Gòn, ông lại cố tình quay đi với thái độ dửng dưng như không hề quen biết trên một chuyến xe buýt chở các đại biểu ra sân bay đi Hà Nội dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ VI do chị Võ Ngọc Dung hướng dẫn. Tôi ngạc nhiên, nhưng sau đó ngẫm nghĩ ra ông Trần Trọng Tân xa lánh tôi vì bất đồng quan điểm với tôi và vì biết tôi đang là người gần gũi với ông Võ Văn Kiệt với tư cách là thành viên trong nhóm tư vấn. Và bài viết trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 22.8.2006 nói trên là chĩa vào bài viết của ông Võ Văn Kiệt trước đó hai ngày. Khi ông Kiệt có bài trao đổi lại thì báo Sài Gòn Giải phóng – dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ai đó – không đăng.

Dài dòng chuyện này để nói rằng, cái di luỵ của “chuyên chính vô sản” nặng nề và kéo dài đến thế nào. Một trong những biểu hiện dễ thấy là Quốc hội và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đang diễn ra. Hãy chỉ nói riêng cái chỉ tiêu “phấn đấu” của bà Chủ tịch Quốc hội là “từ 25 đến 50 người ngoài Đảng” để thấy cụ thể thế nào là việc duy trì bằng được thể chế độc Đảng. “Họ quên rằng, so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp thì Đảng không làm được việc gì hết”… “Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi… Nếu ai nói chúng ta không có dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ thì thật có như thế. (Hồ Chí Minh)6

Thật có như thế, đúng! Người ta quên mất lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Nói quên thì cũng có thể. Nhưng người ta vẫn tìm cái phao cứu sinh ở “phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” khi mà chế độ toàn trị độc đảng đã mất lòng dân. Vì vậy mà người ta phải lờ đi những gì mà Hồ Chí Minh nói thẳng vào những khuyết tật tệ hại của họ. Nếu mà họ thực sự làm theo những tư tưởng đúng đắn và tốt đẹp của Hồ Chí Minh thì họ phủ định chính họ.

Cho nên cái “phao cứu sinh” kia chẳng thể cứu được họ khi mà sự chuyên chính đã đẩy tới thời đoạn tàn khốc mà vụ án Đồng Tâm là một ví dụ nóng bỏng. Họ sợ sự nổi dậy của quần chúng khi mà họ nhận ra sự phẫn nộ của lòng dân mà điển hình là sự kiện Đồng Tâm là điểm quy tụ nổi bật với những phản ứng dữ dội sẽ lan mạnh ra trong thời đại của mạng Internet nối mạng toàn cầu, nên phải bằng bạo lực cực kỳ dã man để dập tắt từ trong trứng. Họ đã nhầm.

Cuộc nổi dậy của nhân dân Miến Điện là một ví dụ nóng bỏng. Hàng ngày, toàn thế giới nhìn thấy những cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người trước họng súng và xe tăng xe thiết giáp (y hệt như xe tăng đặc chủng chống bạo loạn đã được chiếu đi chiếu lại trên màn hình tivi “Chào mừng Đại hội Đảng XII” nhằm thị uy và răn đe quần chúng)!

Bất chấp chế độ độc tài quân sự cho lính bắn thẳng vào người biểu tình, máu đã chảy lênh láng trên đường phố thủ đô Miến Điện, hàng trăm ngàn người vẫn tràn xuống đường hô to khẩu hiệu đòi dân chủ, phản đối độc tài quân sự. Cô gái dũng cảm Kyal Sin đã ngã xuống được biết đến với cái tên Angel, đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ "Everything will be OK - Mọi việc sẽ tốt” cô đã viết khi xuống đường hoà vào dòng người phẫn nộ với ý thức rằng, có thể cô sẽ trúng đạn của kẻ thù. Cô gái anh hùng ấy đã nằm xuống nhưng dòng chữ trên ngực cô đã là thông điệp sáng ngời của niềm tin mãnh liệt: bạo lực dù dã man cỡ nào cũng không dập tắt ni niềm tin vào chân lý và chiến thắng sẽ thuộc về nhân dân. “Vì với chế độ độc tài quân sự, cuộc đời của nhiều người đã bị hủy hoạichúng tôi không cho phép thế hệ tương lai gặp phải số phận tương tự như hiện nay”. Đó là ý chí của người dân Miến Điện.

Và cô gái Miến Điện Kyal Sin đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của chân lý trong thời đại văn minh thế kỷ XXI vẫn còn nhiều chế độ độc tài toàn trị đang đè nặng lên đời sống dân tộc trên nhiều quốc gia, trong đó có chế độ độc tài toàn trị của Nguyễn Phú Trọng. Hãng tin Reuters ngày 6.3.2021 dẫn lời nhân chứng cho biết các nhà chức trách Myanmar đã khai quật mộ, phẫu thuật và dường như đã lấy đi một thứ gì đó từ thi thể cô Kyal Sin.

Tin khủng khiếp đó khiến công luận thế giới bàng hoàng giống như đã bàng hoàng trước việc cụ lão nông Lê Đình Kình bị rạch bụng để thực hiện một ý đồ đen tối của nhà cầm quyền, và chỉ một ngày sau (tức 10/1/2020), Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 41/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho ba người, trong đó gọi Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh là Đại tá, gọi Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân là Trung úy, và gọi Trung úy Phạm Công Huy là Thượng úy, mặc dù sau một ngày nữa (tức 11/1/2020) Bộ trưởng Bộ Công an mới ký quyết định truy thăng ba bậc quân hàm ấy! Điều này cho thấy mọi kịch bản giết người đã được chuẩn bị chu đáo và đã được Nguyễn Phú Trọng hạ lệnh cho thực hiện. Chế độ độc tài đã không từ một thủ đoạn man rợ nào để giữ cho được cái ghế quyền lực đang run sợ trước bão táp của sự phẫn nộ đang ló dạng ở chân trời. Nhưng chính sự tàn bạo đã là ngọn lửa tôi luyện cho dũng khí và sức mạnh của người dân hiền lành mà lời nói dõng dạc cất lên giữa phiên toà phúc thẩm vụ án Đồng Tâm của bà Bùi Thị Nối đã ném thẳng vào mặt Chủ toạ phiên toà bằng những câu hỏi: Đảng có giết đảng không? Tại sao có luật pháp mà không thi hành? Bà lặp đi lặp lại câu hỏi ấy đến những 5 lần tại phiên toà.

Luật sư Đặng Đình Mạnh đã kể về cái tư thế hiên ngang của người phụ nữ có dáng vẻ lam lũ đứng lên chất vấn Hội đồng xét xử. Thật là những câu hỏi đanh thép, cho dù chữ nghĩa của bà không đủ giúp bà tự viết một lá đơn kháng cáo mà phải nhờ vào bạn tù tạm giam. Và rồi chất vấn của bà Bùi Thị Nối hoàn toàn rơi vào thinh không cũng như bao lời chất vấn khác của các luật sư cũng cùng số phận như vậy. “Chính bà mới là người xử án… Mối hận sẽ đi vào thiên sử”, vị luật sư kết luận!

Phải trong bối cảnh này mà bàn về cuộc bầu cử Quốc hội đang diễn ra. Trước hết hãy nhìn vào việc tiến hành bầu các đại biểu từ cơ sở với các đơn vị bầu cử để hình thành một Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp nhưng không theo nguyên lý tam quyền phân lập vốn đã là một thành tựu của văn minh mà nhân loại đạt được, điều ấy đang được thực hiện ra sao thì mọi người có chút hiểu biết, qua trải nghiệm thực tế, đều có thể nhận ra sự bất cập của nó.

Ba chức năng của Quốc hội được áp dụng gần như ở hầu hết các nước phát triển và các nước đang phát triển trên thế giới là: lập pháp, giám sát đại diện. Chức năng đại diện thường được coi trọng nhất, vì nó là nền tảng để vận hành chức năng lập pháp, cũng như giám sát. Rõ ràng, câu hỏi lập pháp cho ai, giám sát vì ai sẽ do chức năng đại diện trả lời. Khi đã xác định những ai sẽ là đại biểu đại diện cho dân thì nhân danh ai mà được phép đưa ra “chỉ tiêu” nói trên?

Đấy là chưa nói đến nguyên lý “tam quyền phân lập” từng bị phỉ báng một cách ngu xuẩn đã được báo chí trong nước và và giới truyền thông quốc tế công khai đưa ra. BBC đưa nguyên văn bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam tối 25/2 dẫn lời ông Trọng phát biểu phỉ báng “tam quyền phân lập” khi ông ta tới tỉnh Phú Thọ: “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa”. Quan điểm tệ hại ấy đang ngự trị trên chính trường, áp đặt vào trong “hệ thống chính trị” từ trung ương đến cơ sở. Hãy dừng lại ở một ví dụ về cuộc tổ chức bầu cử Quốc hội đang được triển khai mà bà Chủ tịch đang “phấn đấu” đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 – 50” trên 500 đại biểu đã được dự kiến, và Mặt trận Tổ quốc được giao nhiệm vụ hiệp thương và tổ chức lấy phiếu cử tri tại các đơn vị từ cơ sở đến trung ương.

Với tư cách là người tham gia vảo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc từ đại hội III 1988 đến đầu Đại hội VI 2013 tôi quá hiểu về cái gọi là “hiệp thương” đó nói riêng, phương thức hoạt động của Mặt trận nói chung và cũng đã nhiều lần phát biểu công khai tại diễn đàn Đại hội và Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận về những vấn đề trên. Tựu chung lại, ý kiến của tôi là chừng nào Mặt trận chỉ là cánh tay nối dài của Đảng mà không tự mình trở thành một diễn đàn thu hút mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những trí thức ngoài Đảng, để lắng nghe được tiếng nói thẳng thắn của họ góp ý kiến xây dựng đất nước thì chừng ấy Mặt trận mới có lý do để tồn tại và hoạt động (với chức năng đích thực của nó như thuở ban đầu “Hội phản đế Đồng Minh” – hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất).

Để tiện cho việc trình bày, xin dẫn ra đây một vài ý kiến trong những phát biểu của tôi tại các Đại Hội, các Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận:

1. Chức năng tập hợp và phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, trong có những trí thức tâm huyết để phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc.

…Chừng nào mà thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tuỳ tiện quy kết của một số người cầm quyền tự cho mình cái “quyền” đó thì chức năng nói trên không thể thực hiện được… Ngược dòng lịch sử, từ đầu thế kỷ thứ X, nhà cải cách đầu tiên trong lịch sử dân tộc là Khúc Hạo đã đề xướng quan điểm “chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị, dân chúng đều được an vui”. Quan điểm đó là tinh thần xuyên suốt trong nhiều thế kỷ dựng nước và giữ nước tiếp theo. Tinh thần ấy đã trở thành một nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc dân tộc, bản sắc văn hoá Việt Nam. Triết lý dẫn dắt đường lối đại đoàn kết dân tộc của chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tư tưởng khoan dung đó. “Hồ Chí Minh là người khơi dậy những tiềm năng bị chôn vùi, phát huy những sức mạnh sẵn có, làm nảy nở những cái mới, cái hay cái đẹp của cả dân tộc và trong mỗi con người” (Phạm Văn Đồng). Với Hồ Chí Minh, dân tộc là điểm xuất phát của lý tưởng cách mạng. Chúng ta chắc chưa quên lời Hồ Chí Minh nói với Huỳnh Thúc Kháng – một nhân sĩ ngoài Đảng đang đảm nhiệm trọng trách Quyền Chủ tịch Nước – ngày 31.5.1946 trước khi lên đường sang Pháp: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Bất biến là mục tiêu, vạn biến là giải pháp. Cái bất biến đó là lợi ích dân tộc và vạn biến là là chọn giải pháp khả thi nhất để đạt được mục tiêu đó bao gồm cả cố gắng tranh thủ những lực lượng nào có thể tranh thủ được nhằm thực hiện vững chắc và lâu bền lợi ích của dân tộc trước sự biến động khó lường của thế giới và của khu vực với vị thế địa chính trị đặc thù của nước ta, ở sát liền với một nước lớn vốn không ngừng nuôi khát vọng bành trướng về phía Nam. Những trải nghiệm vừa qua cho thấy chỉ có lợi ích của dân tộc là vĩnh viễn còn những cái khác đều có thể thay đổi, kể cả việc kết bạn và định thù. Vì vậy không một ai, không một tổ chức nào được đứng trên dân tộc vì mọi cá nhân, mọi tổ chức đều có thể tiêu vong nhưng dân tộc thì trường tồn.

Cho nên, theo thiển nghĩ của tôi, vấn đề lớn đặt ra hiện nay cho Mặt trận là làm sao thực hiện chức năng đích thực của mình là đưa lên tầm cao mới của tinh thần khoan dung để thu nhập vào mình những ý kiến khác nhau, biết bỏ qua cái tiểu dị để trân trọng cái “đại đồng” trong mọi con người Việt Nam dù họ đang ở đâu. Vả chăng, sự đa dạng muôn hình muôn vẻ của các thành viên trong xã hội là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bởi lẽ đa dạng hoá cấu trúc là tiền đề của sự tiến hoá. Cần lưu ý rằng “tiềm năng của một cá thể là sự phối hợp chức năng khác nhau về hành vi và trạng thái mà người đó có” (Aristotle).

Đã đến lúc những tiếng nói khác nhau, kể cả tiếng nói trái tai những người chỉ quen nghe những điều mình muốn, những điều mình cho là đúng, sản phẩm tồi tệ của thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy và tuỳ tiện quy kết tôi vừa nói ở trên. Trực tiếp hơn nữa là phải trân trọng lắng nghe những ý kiến “trái tai” và tạo điều kiện cho những ý kiến đó được dõng dạc đường hoàng nói lên, tờ báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận đăng công khai những ý kiến đó chứ không như hiện nay, sau tiếng vỗ tay khích lệ thì những tiếng nói ấy được xếp vào ngăn kéo của ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Mặt trận để cho mối mọt phê phán.

(Phát biểu ngày 22.9.2004 tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI)

2. Đối thoại thay cho độc thoại

Chúng ta vừa kỷ niệm 60 năm ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của một đất nước vừa giành được độc lập, dân chủ và tự do. Quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng khi thực dân Pháp có sự hỗ trợ của đế quốc Anh đang có mặt ở Nam bộ, chủ yếu là ở Sài Gòn mưu toan mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược trở lại. Để thực hiện quyền dân chủ, ở Sài Gòn và một số tỉnh ở Nam Bộ, cử tri đi bỏ phiếu dưới mũi súng của kẻ thù với ý thức “mỗi một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Có lá phiếu bầu đã nhuộm máu người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Thì ra, bài học lịch sử về cái giá để có được dân chủ đích thực chứ không là dân chủ lừa mỵ và bịp bợm đang còn nóng hổi. Bài học dân chủ ấy thật không dễ học. Những tên độc tài cầm quyền thì lại muốn quên đi.

(Khi tôi viết những dòng này thì phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm đã kết thúc với kết luận giữ nguyên mức án sơ thẩm, trong đó có hai bản án tử hình cho các con trai của cụ Lê Đình Kình càng cho thấy rõ máu của người dân Đồng Tâm, của gia đình người lão nông dũng cảm và đầy trí tuệ Lê Đình Kình, người đồng tuế mà tôi đã từng gắn bó thân thiết, từng sẻ chia về ý chí và những dự định trong sáng vì dân, vì nước. Lê Đình Kình bị bắn chết, và chết không toàn thân, sau khi bị bắn chết, người lão nông 54 tuổi Đảng ấy đã bị các “đao phủ đồng chí” của mình rạch bụng, một sự dã man vượt xa những sự dã man đã đánh thức lương tri của những người đang sống, nhất là những đảng viên cộng sản. Câu chuyện đau đớn này càng cho thấy rõ hơn những điều vừa trình bày về cái giá phải trả cho cuộc đấu tranh giành dân chủ thật là khủng khiếp, kể cả bằng máu.)

Bài học của Đổi Mới cũng là bài học dân chủ sống động. Đó là bước ngoặt đột phá có ý nghĩa lịch sử mà nếu không có nó thì không có được những thành tựu về kinh tế với những bước đi ban đầu của dân chủ hoá đời sống kinh tế và quản lý xã hội thì đất nước khó mà thoát khỏi tình thế đứng bên bờ vực sụp đổ. Nói cách khác, đó là thành tựu của dân chủ. Dân chủ được thực hiện được đến đâu thì thành tựu về kinh tế, xã hội đạt được đến đó. Khi mà tư duy về dân chủ có chiều sâu chưa được khai thông mạnh mẽ vì sức trì kéo của tập quán cũ cộng với giáo điều và bảo thủ đang lấp kín não trạng của người cầm quyền thì kinh tế, văn hoá và xã hội khó mà bứt lên như mong muốn với sức bật của năng lượng tiềm ẩn trong nội lực dân tộc.

Lấy đối thoại thay cho độc thoại, vì vậy mà làphải là phương thức hoạt động của Mặt trận, và cũng nên là triết lý của Mặt trận. Mọi hoạt động của Mặt trận, nên theo triết lý đó: thực sự lắng nghe tất cả mọi ý kiến, nguyện vọng của tất cả mọi tầng lớp nhân dân “không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.

Điều này không dễ khi não trạng đã nhão nhoét với mớ lý luận mốc thiu của giáo điều, bảo thủ. Chính vì thế trong bài phát biểu tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận năm trước 13.1.2005, tôi đã thẳng thắn nêu lên sự bất bình về chuyện một vị Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận [hình như là được phân công phụ trách công tác tổ chức] vi phạm nguyên tắc dân chủ, đã tuỳ tiện sửa lại Điều lệ Mặt trận đã được Đại hội VI biểu quyết thông qua. Ông ta đã bỏ đi ba từ “ý thức hệ” trong câu quan trọng nhất nói về tính chất và vai trò của Mặt trận: “đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc Đổi Mới…”. Đáp lại lời phê bình của giáo sư Phạm Khiêm Ích và tôi, ông ta dám biện minh rằng: “Việc sửa lại nội dung Điều lệ nói trên là theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và cũng không trái gì với nội dung của Điều lệ sửa đổi đã được Đại hội VI của Mặt trận biểu quyết thông qua cả”. Nếu không là thói cả vú lấp miệng em thì là đầu óc của ông ta không nhận thức nổi được rằng bỏ ba chữ “ý thức hệ” đi thì không thể có sự hội tụ đông đảo như chúng ta đang ngồi đây. Nếu không công nhận sự khác nhau về ý thức hệ, thì các vị linh mục, các vị chức sắc của Phật giáo, các vị nhân sĩ là kiều bào… không cùng ý thức hệ cộng sản với ông Chủ tịch Phạm Thế Duyệt, sẽ lịch sự chào ông để nắm tay nhau nhã nhặn từ biệt ông Chủ tịch, rồi bước ra khỏi hội trường này.

(Xin nói thêm là vào giờ giải lao, một người quen biết – cũng có thể gọi là người bạn gần gũi “đồng sàng dị mộng” tại Mặt trận trong nhiều năm – ghé tai tôi: “Người ta nói ông thiếu khiêm tốn và dạy đời đấy”. Tôi trả lời rằng tôi đâu dám, nhất là các vị trong Chủ tịch Đoàn toàn là nhưng bậc đạo cao đức trọng cả, kể cả ông ĐDT càng đạo cao đức trọng khi ông ta là lão làng thâm niên công tác Mặt trận, nhưng về tuổi tác thì ông ta kém tôi 7 tuổi cơ đấy. Chẳng qua là “…Quen mất nết đi rồi, Tẻ vui, thôi cũng tính trời biết sao”. Chỉ là anh ta chưa quen đối thoại đấy thôi. Vừa rồi, đọc danh sách Uỷ viên Đoàn Chủ tịch của Đại hội IX Mặt trận lại thấy tên cả hai ông này. À ra thế!

Đợi ông bạn nọ đứng lên, Phan Đình Diệu rủ tôi ra quán cà phê ngồi nhâm nhi không trở lại Hội trường nữa. Diệu cười, “Cậu sắp được “giải phóng” rồi đấy. Người ta sẽ cho cậu thôi không lâu nữa đâu. Mình cũng nghỉ thôi, mất thì giờ vô bổ”. Chị Hoàng Xuân Sính vừa rời ghế Đoàn Chủ tịch đi ngang qua chỗ chúng tôi ngồi, dừng lại vừa cười vừa nói: “Thôi xin chào các anh, tôi đào tu trước đây, anh Tương Lai cố bấm bụng ngồi lại để nói thay tôi nhá, còn ông Diệu thì cân nhắc xem, người ta đang cần cái bóng của ông thấp thoáng trên dãy ghế thứ ba của Đoàn Chủ tịch để điểm trang đấy. Tôi thì mệt mỏi quá rồi. Mong hai anh rộng lượng bỏ qua cho”. Chị Hoàng Xuân Sính vừa đi thì Cao Xuân Phổ sà vào nắm chặt tay tôi khi tôi đưa ly cà phê mời anh: “Cám ơn Tương Lai đã nói thay chúng tôi”. Cả ba ngồi trầm ngâm trước ly cà phê uống dở.)

Thưa rằng, muốn có đại đoàn kết thật sự phải tháo gỡ thói quen độc thoại để thay bằng thói quen đối thoại trong tư duy cũng như trong ứng xử. Sự tháo gỡ này không dễ chút nào vì thói quen độc thoại đã thấm sâu vào não trạng của không ít những người cầm quyền vốn chỉ thích ban phát và áp đặt chứ không muốn lắng nghe và tiếp nhận ý kiến. Họ tự cho mình đã biết tất cả, chân lý đã có sẵn dành cho mình. Họ không hiểu hay cố tình không hiểu rằng biết đối thoại và dám đối thoại là vì chân lý đến từ tìm tòi, suy ngẫm, phân tích và tiếp nhận từ dòng chảy miệt mài, liên tục của cuộc sống. Phong cách đối thoại còn là thành tựu của tư duy hiện đại về tiến hoá. Tiến hoá không chỉ là quá trình chắt lọc cái này và loại bỏ cái kia để vì thế mà làm nghèo đi sự phong phú và đa dạng của cái toàn thể. Tiến hoá thực chất là đồng tiến hoá. Tư duy hiện đại đã vượt qua sự cố chấp của nguyên lý loại trừ mà đến với nguyên lý bổ sung

Thưa quý vị. Tôi nói cũng đã dài, những điều muốn nói còn dài hơn, nhưng không nên lợi dụng sự nhẫn nại lắng nghe và sự khó chịu của những người không muốn nghe, nên xin dừng lại vói một lời cầu chúc: năm 2006 sẽ là năm của nguyên lý bổ sung thay cho nguyên lý loại trừ để chúng ta khỏi phải chịu đựng những tràng độc thoại suốt ngày dài lại đến đêm thâu của sự phi lý nhân danh mọi thứ nhân danh, chỉ không nhân danh được cho chân lý. Mong rằng chúng ta phải giành cho được quyền đối thoại để tiếp cận với chân lý cuộc sống. Mà cuộc sống thì mạnh hơn những giáo điều đã học thuộc lòng cho dù đám mây đen của chúng vẫn đang còn che phủ những tia sáng của Đổi Mới.

(Phát biểu tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 9.1.2006)

3. Về vấn đề Phản biện xã hội và Xã hội Dân sự

Vấn đề này tôi đã đặt ra từ nhiều lần trước đây, nhưng hôm nay, đọc lại những báo cáo của Thường trực Đoàn Chủ tịch tôi nghĩ cần trình bày lại kỹ hơn trong Hội nghị bàn về dự thảo Quy chế Giám sát và Phản biện xã hội này.

Chấp nhận có phản biện xã hội, giao cho Mặt trận thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội là một bước tiến trong tư duy của lãnh đạo Đảng trước áp lực của đòi hỏi mạnh mẽ và bức xúc của cuộc sống. Nói cuộc sống là nói đến quy luật phát triển của nó trong tính đa dạng muôn hình muôn vẻ, cũng là nói đến mọi tầng lớp nhân dân đang bức xúc về thực thi dân chủ thể hiện trong quyền làm chủ cụ thể và thiết thực của đời sống hàng ngày từ buổi chợ đến bữa cơm, từ có việc cần đến “cửa quan” không phải chìa ra “ba trăm lạng việc này mới xong” và thiên hình vạn trạng những điều mà người dân nhận được trên giấy hay những lời rao giảng đã quá nhàm tai.

Vậy thì tại sao trong Dự thảo Quy chế của Mặt trận lại phải đưa cả ba quy chế, một của Đảng, một của Quốc hội, một của Chính phủ, liệu có phải vẫn còn dè dặt và lúng túng trong việc xác lập cơ sở lý luận của phản biện xã hội là tiếng nói từ dưới lên cho nên phải chia làm ba nhưng về thực chất thì chỉ là một, đó là triết lý của Mặt trận, điều tôi vừa trình bày ở trên. Thời gian đã đủ để có thể cảm nhận sâu hơn về ý tưởng “con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến tính.”7

Với những thành tựu kỳ diệu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, nhân loại đang chứng kiến một sức mạnh mới: Ở mọi nơi, các thứ bậc đang bị thách thức từ bên dưới và phải tự biến đổi thành cấu trúc theo chiều ngang và có tính cộng tác hơn chứ không chỉ theo chiều dọc từ trên xuống. Sự thay đổi đó vừa đòi hỏi vừa tạo ra một cách nhìn mới, cách suy nghĩ mới vế đảng cầm quyền và về quyền lực nhà nước.

Cuộc sống đang diễn ra không hề là một chuỗi các sự kiện có liên kết với nhau theo trình tự cái này sau cái kia mà là một chuỗi những đụng độ va đập làm biến đổi những sự kiện tiếp theo mà kiểu tư duy tuyến tính không thể nào lường được hết. “Những ai chần chừ tin rằng, tương lai sẽ là sự tiếp tục của quá khứ sẽ sớm thấy bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ buộc phải suy nghĩ lại: “sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó khi mà đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi”.7

Vậy mà những người soạn Dự thảo lại nói rất mập mờ: “Chủ thể phản biện là nhân dân, nhưng nhân dân ở đây là nhân dân có tổ chức, do vậy…”. Còn về giám sát thì càng mập mờ lúng túng hơn: “phải làm rõ giám sát ở đây là giám sát mang tính nhân dân chứ không mang tính quyền lực”. Quả là người soạn Dự thảo đã chưa có đủ tri thức về “quyền lực”. Họ quên rằng “quyền hành và lực lượng nơi dân”, đó là điều Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ khi nhà nước Dân chủ Cộng hoà còn trong trứng nước, năm 1947! Khi Hiến pháp xác định “Quốc hội là Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” thì cần hiểu rằng đó là quyền lực của dân trao cho. Cao nhất không phải là tất cả, không phải là toàn bộ. Chỉ nhân dân mới có cái toàn bộ đó theo nguyên lý: “Quyền hành và lực lượng đều nơi dân” như đã dẫn ở trên.

Cho nên, làm thế nào để trao quyền mà không mất quyền, đó là một vấn đề cực kỳ nan giải mà những bộ óc lớn của loài người từng suy ngẫm, tìm tòi nhằm xây dựng những cơ chế tối ưu cho việc thực hiện việc trao quyền nhưng không mất quyền, nhưng xem ra cơ chế khả dĩ gọi là tối ưu đó vẫn chỉ mới tạm dừng lại ở nguyên lý “tam quyền phân lập” với sự khởi xướng của Montesquieu, nhà Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Đã thế, chuyện trao quyền và mất quyền ở ta còn nặng nề hơn vì cơ chế “tam quyền phân lập” – một thành tựu của văn minh nhân loại – lại bị kỳ thị như đã trình bày nên câu chuyện cực kỳ nan giải nói trên càng thêm bội phần lúng túng cho những người soạn thảo Dự thảo Quy chế!

Lúng túng và bối rối hơn khi Dự thảo Quy chế viết “Chỉ phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối chính sách, dự án chương trình, đề án về tổ chức cán bộ, dự thảo, dự án văn bản pháp luật” với lập luận rằng “Khi các dự thảo dự án, đề án được ban hành thì chỉ giám sát việc thực hiện cho tốt mà không phản biện nữa. Như vậy mới không trái với nguyên tc tập trung dân chủ của Đảng và Nhà nước”. Nếu vậy thì quả thật họ không hiểu được thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, bài học vỡ lòng ấy chẳng nhẽ không còn đúng nữa sao.

Trong cuộc đời thực có cơ man những chủ trương, giải pháp qua sự vận động thực tiễn đã thấy rõ là sai lầm, thậm chí là có thể đẩy đất nước đứng bên bờ vực của sự sụp đổ. Sự lo sợ phải mất quyền lực, vẫn bị cái bóng ma của “chuyên chính vô sản” ám ảnh, quen chuyên chính mà không đếm xỉa đến những tiếng dội từ cuộc sống qua tiếng nói của dân đã từng phải trả cái giá rất đắt. Đại đa số nhân dân đã phải còng lưng dưới sự chuyên chính nhưng không dám nói ra vì những tấm gương tày liếp của những người dám nói lên một phần sự thật đã bị đàn áp như thế nào, còn in đậm trong đầu óc họ. Sự đàn áp ấy sẽ càng tăng lên khi nhà cầm quyền thấy ra sự nguy hiểm của sự phẫn nộ bị dồn nén.

Sự cảnh báo của nhà Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII vẫn còn nguyên vẹn giá trị: “Nhân dân cần được soi sáng. Đó là điều ta chớ thờ ơ. Những định kiến của các nhà cầm quyền thường bắt đầu là định kiến của dân tộc. Thời còn dốt nát, người ta chẳng hoài nghi gì, ngay cả khi người ta làm điều bậy bạ nhất. Đến thời sáng suốt người ta còn run lên khi làm điều tốt đẹp nhất”. Nếu cần nói thêm thì đó là điều mà thế kỷ XVIII chưa có: “sự phá huỷ sáng tạo”. Mạng Internet là một biểu trưng chuẩn mực của nền kinh tế số mà người ta dùng hình ảnh này để nói về sự diễn tiến của nó. Bởi lẽ một hệ thống mạng phức hợp nếu dừng mãi ở trạng thái cân bằng và ổn định sẽ là nguy cơ đẩy tới sự đình đốn và suy thoái. Luôn luôn phải tìm kiếm sự mất cân bằng trong phát triển, đó là một đặc trưng của nền kinh tế số. Hơn nữa, trong nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI này thì đó không chỉ là đặc trưng riêng của kinh tế số. Điều đó buộc chúng ta phải nhìn cho ra sự biến đổi chính là một hằng số trong thế giới mà chúng ta đang sống. Vì vậy mà có lẽ cần phải suy ngẫm về khái niệm: “chuẩn mực chính là sự thay đổi ”!7

4. Về xã hội dân sự

Nói phản biện xã hội nhưng “Dự thảo Quy chế” không hề đả động gì – đúng hơn là né tránh – xã hội dân sự! Nhưng chính đó lại là vấn đề quan trọng của phát triển trong thời đại mới với việc xây dựng nhà nước pháp quyền đích thực gắn liền với xã hội dân sự như bóng với hình. Không có xã hội dân sự sẽ không có phản biện xã hội như chúng ta mong muốn.

Bởi lẽ, để Mặt trận làm tốt chức năng phản biện xã hội đúng nghĩa thì phải chăng là trước hết phải khắc phục dần để đi đến loại bỏ tình trạng “Nhà nước hoá Mặt trận” như hiện nay. Cái gọi là nhà nước hoá đó là thể hiện mối “liên kết dọc” như đã đề cập ở trên với cơ cấu tổ chức, phương thức điều hành, kể cả kinh phí hoạt động. “Nhà nước hoá” tất nhiên phải đi liền với “hành chính hoá”. Điều này sẽ tước bỏ hoặc chí ít là làm nghèo nàn nội dung xã hội của sự tự quản trong tinh thần tự nguyện với tính đa dạng cực kỳ phong phú, nhiều chiều cạnh của các tầng lớp, các nhóm xã hội, các cá nhân. Họ có những lợi ích riêng biệt không hoàn toàn đồng nhất với nhau những đòi hỏi không ai giống ai, nhưng vì mục tiêu chung mà cùng liên kết, hợp tác và cạnh tranh với nhau tạo thành một hợp lực thúc đẩy sự phát triển.

Tính đa dạng và phong phú đó tạo thành mạng lưới xã hội trong mối liên kết ngang các “cấu trúc mạng” hàm chứa ý chí và nguyện vọng của nhân dân thể hiện trong xã hội dân sự. Có thể nói rằng chất lượng của phản biện và giám sát của Mặt trận tuỳ thuộc vào sự thúc đẩy và phát triển xã hội dân sự. Nếu không thế thì trong nhiều tình huống sẽ rơi vào tình trạng tập hợp lại những người đã là tác giả hoặc góp phần vào việc hoạch định những chủ trương chính sách ngồi lại dưới cái ô của Mặt trận để phản biện chính những tác phẩm của chính mình.

Không bứt khỏi những đường mòn có sẵn, mời người giám sát và phản biện theo cách nhàm chán “quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu, tới hay lui cũng ngần ấy mặt người”, rất lãng phí thời gian và công của được lấy từ tiền thuế của dân. Ấy thế mà “giải phóng chính trị là quy con người thành thành viên của xã hội dân sự”, cho nên, “con người với tư cách thành viên xã hội dân sự có nghĩa là con người theo đúng nghĩa của nó”. (K. Marx)

(Phát biểu tại Hội nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 19.8.2008 bàn Dự thảo Quy chế Giám sát và Phản biện xã hội)

Trên đây là những vấn đề trích từ những phát biểu của tôi cách nay đã gần 20 năm. Có những vấn đề đặt ra từ buổi ấy nay xem ra đã phần nào lạc hậu vì dòng sông của cuộc sống cuồn cuộn chảy qua bao nhiêu thác ghềnh với bao biến động dữ dội và đầy bất ngờ. Nhưng điều không bất ngờ là cái quy luật của quyền lực mà từ thế kỷ 19 Lord Acton đúc kết thì ngày càng được đẩy tới một cách tàn nhẫn trong gần 20 năm qua mà mới đây sự kiện Đồng Tâm là một vết đen ghê tởm trong lịch sử cầm quyền của chế độ toàn trị phản dân chủ. Dù sao thì những phát biểu ấy cũng giúp minh hoạ thêm những điều tôi đã trình bày ở trên.

Những gì đã trình bày cũng chỉ những nét chấm phá của một bức tranh toàn cảnh về chuyện tôi muốn trình bày tại sao chẳng cần phải phấn đấu làm chi cho mệt về cái chỉ tiêu đưa một số người ngoài Đảng vào Quốc hội để làm cảnh. Cái đó đã được an bài từ chỉ thị của Đảng. Xem ra điều mà ai cũng biết, họ mượn hình tượng Hồ Chí Minh chỉ để làm “phao cứu sinh”, nhưng không dám thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền: “Họ quên rằng, so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu… không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi”.

Họ phải ôm, vì quyền lực đẻ ra sở hữu, đó là sự đúc kết của Max Weber, nhà xã hội học lớn nửa sau thế kỷ 19 – nửa đầu thế kỷ 20. Cứ xem phần lớn các nhà cầm quyền Việt Nam có ai chịu ở một căn hộ tầm thường, tự phục vụ mà không cần người giúp việc như bà Merkel, 18 năm làm Thủ tướng của nước Đức, người đứng đầu danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, và giữ vị trí này trong 13 năm tiếp sau đó. Năm 2015, bà được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm. Và thật quá hiếm quan chức Việt Nam nào chịu sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ bình dị như ông Thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama đạp xe đi chợ mua thực phẩm giúp vợ! Thế thì những “biệt phủ”, những “biệt thự” và những tiện nghi sang trọng khác từ đâu mà có? Bất cứ người dân thường nào cũng có thể trả lời. Vậy thì hãy bớt đi cho những lời rao giảng về đạo đức, về lập trường quan điểm, về “nhà nước của dân, do dân và vì dân”!

Khó lắm thay, xin hãy nhìn biệt thự của một vị Thứ trưởng Việt Nam để hiểu cái khó của việc rời bỏ cái ghế quyền lực trong một thể chế mà cái bóng ma “chuyên chính vô sản” đã nhập vào hình hài mới là “chuyên chính của người cầm quyền” trong một nhà nước chuyên chế độc Đảng. Với cái hình hài ấy thì “cái lồng quyền lực” không thể nhốt họ vào được, bởi lẽ, tham vọng quyền lực của người tạo ra cái lồng đó để định nhốt họ vào lại đứng đầu bảng về tham nhũng quyền lực. Thế là huề cả làng!

Tôi nói “phấn đấu làm chi cho mệt” là vì vậy.

Chú thích:

1. Ði-a-côp, Xớc-kin, Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960.

2. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm. “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng”. Trang Thông tin điện tử Ban Nội chính Trung ương.

3. Tạp chí Xây dựng Đảng, 6.3 2021.

4. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

5. Việt Phương, Bài trình bày tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương.

6. Hồ Chí Minh, “Sửa đổi lề lối làm việc”. Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, tr.278 và 283.

7. Thomas L.Friedman, Thế giới phẳng. NXB Trẻ, 2014.

Ngày 10.3.2021

T.L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn