Dù phiên bản “IPS” của ông Biden là gì, Mỹ đang siết chặt “vòng kim cô” với Trung Quốc - góc nhìn 69

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và ngoài trời

Trong “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” ngày 3/3, Mỹ nêu rõ Trung Quốc là “đối thủ duy nhất có khả năng đe dọa hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”. Trong 5 tháng qua, chính quyền Biden đã tiếp nối “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPS) của người tiền nhiệm, triển khai trên 3 trụ cột:

(i) Về an ninh, Mỹ duy trì 3 hoạt động FONOP trong 6 tháng đầu năm, triển khai tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt, tàu sân bay Nimitz diễn tập chung ở Biển Đông. Ngày 28/5, chính quyền Biden đệ trình ngân sách quốc phòng 715 tỷ USD cho năm tài khoá 2022, trong đó dành 5,1 tỷ USD cho “Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương”. Gần đây nhất ngày 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ban hành chỉ thị nội bộ giúp củng cố quân đội, tăng cường năng lực cạnh tranh với Trung Quốc.

(ii) Về kinh tế, đáng chú ý Nhóm Điều hành “Mạng lưới điểm Xanh” nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 7/6. Sáng kiến “Mạng lưới điểm xanh” (Blue Dot Network) được Mỹ - Nhật - Úc khởi xướng vào năm 2018 giúp đánh giá tính bền vững, minh bạch của các dự án đầu tư hạ tầng. Sáng kiến đem lại một lựa chọn cho khu vực trong bối cảnh các đầu tư của Trung Quốc thường bị cáo buộc thiếu minh bạch, bẫy nợ.

(iii) Về quản trị, chính quyền Biden tiếp tục tối đa hóa đầu tư tư nhân, chống cưỡng ép kinh tế, thúc đẩy sự minh bạch, các quyền con người…Mỹ cập nhật danh sách trừng phạt kinh tế 24 quan chức Trung Quốc do vi phạm nhân quyền ở Hong Kông (17/3); lần đầu tiên cấm nhập khẩu hải sản từ toàn bộ đội tàu cá Trung Quốc do sử dụng lao động cưỡng bức (28/5); trừng phạt 59 công ty Trung Quốc vì hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ, có thể dùng để đàn áp và xâm phạm nhân quyền (3/9).

Đặc biệt ngày 13/6, Thượng đỉnh G7 đưa ra "Sáng kiến Tái thiết Thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) với mục tiêu huy động hàng nghìn tỷ USD đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ngoài việc cạnh tranh đầu tư với sáng kiến BRI của Trung Quốc, B3W có lẽ hướng tới phát huy các giá trị, tiêu chuẩn của hệ thống Phương Tây do Mỹ dẫn dắt.

Khác biệt lớn nhất với người tiền nhiệm, Tổng thổng Biden chú trọng xây dựng hệ thống đồng minh để đối phó Trung Quốc. Trong tháng 3, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ có chuyến công du đầu tiên tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ; lần đầu tiên Thượng đỉnh nhóm Quad nhóm họp theo đề xuất của Mỹ. Đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thăm ba nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Campuchia và Thái Lan.

Không biết “vòng kim cô” của Mỹ khi nào tác dụng, nhưng Trung Quốc chắc chắn đáp trả quyết liệt. Ngay sau Thông cáo chung của G7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh tuyên bố, “Thời kỳ một nhóm nhỏ các nước quyết định vấn đề thế giới không còn tồn tại”.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn