Chiếc lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần

(Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 116)

Tương Lai

Chúng tôi có nhiều hoài niệm tại đây, nơi đặt tượng Đức Thánh Trần. Ở đấy có chiếc lư hương rất to, cao ngang đầu tôi. Nơi đây chính là chốn đắc địa để cùng nhau biểu tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc xâm lược. Đứng dưới chân tượng, chúng tôi như nghe thấy những lời bộc bạch giục giã, tiếp sức cho nhịp đập dồn dập của trái tim yêu nước trong lồng ngực, máu trào sôi cuộn chảy trong huyết quản, thề không đội trời chung với quân xâm lược. “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.”

Cùng nhau thành kính đốt những nén tâm hương dâng lên Ngài, trân trọng cắm vào chiếc lư hương đặt dưới chân tượng, ngước nhìn lên, thấy hình ảnh uy nghi, lẫm liệt của Ngài như đang bay vút lên trời, văng vẳng lời khuyên nhủ quân sĩ: “…Ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan, trông thấy những nguỵ sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!... Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến nguỵ sứ mà không biết căm…”.

Tôi đã bật ra những lời ấy trong Hịch tướng sĩ của Ngài khi được phân công chủ trì và phát biểu tại cuộc mít tinh của trí thức, nhân sĩ và đồng bào yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17.2.2019. “Bật ra” được, vì trong cảm thức cá nhân, những lời ấy đã in rất sâu vào đầu óc tôi ngay từ thời thơ ấu. Hôm nay nghĩ lại, càng xúc động biết ơn nhà điêu khắc Phạm Thông đã làm sống lại hình ảnh Đức Thánh Trần đại phá giặc Nguyên Mông lần thứ ba, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược cuả một kẻ thù phương Bắc mà vó ngựa của

chúng từng xéo nát bao lãnh thổ từ Á sang Âu, tạo nên một đế chế rộng lớn từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải. Trận quyết chiến định đoạt số mệnh của đế chế Nguyên-Mông diễn ra trên lưu vực sông Bạch Đằng. Biểu tượng thiêng liêng, sống động ấy được dựng tại Công trường Mê Linh cao hơn 6m, đứng trên bục lăng trụ tam giác cao gần 10m sừng sững giữa trời cao đã hơn nửa thế kỷ của bao biến thiên lịch sử đất nước!

Tương truyền rằng khi qua sông Hoá, bùn lầy nhão, voi to nặng bị sa lầy, quân dân ra sức tìm mọi cách cứu voi, nhưng voi to nặng quá mỗi lúc một lún thêm, mà nước triều lại đang lên nhanh. Vì việc quân cấp bách, đành phải bỏ voi lại. Voi chảy nước mắt nhìn vị chủ tướng ra đi. Hưng Đạo Vương cũng không ngăn được dòng nước mắt thương tiếc, trỏ xuống dòng sông Hóa thề rằng: “Chuyến này không phá xong giặc thì ta không về đến bến sông này nữa”... Thắng trận trở về, qua bến cũ thấy xác voi vẫn quỳ ở đó Vương cho lập đền thờ. Ngày nay, sát bên bờ sông Hóa còn một gò đất nổi lên rất lớn. Nhân dân gọi đó là mộ voi.

Trở lại với chuyện chiếc lư hương. Được đặt trang nghiêm dưới chân bức tượng của Hưng Đạo Vương, hôm ấy chặt cứng chân hương. Mùi hương thơm ngát bay lên, lan toả tinh thần và khí phách của vị tướng huyền thoại đứng bậc nhất trong các danh tướng đất Việt, được nhân dân phong Thánh, Đức Thánh Trần. Đây là một địa điểm tuyệt vời để những người con của Đức Thánh Trần đến thắp hương (tháng Mười giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ).

Kỷ niệm 35 năm cuộc Chiến tranh xâm lược tại Biên giới phía Bắc phải lùi lại một ngày, ngày 18.2.2016, bốn chúng tôi: Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu, và Tương Lai đã có chuẩn bị nhằm thoát ra khỏi sự theo dõi và canh giữ chặt chẽ, có mặt dưới chân tượng Đức Thánh Trần đúng 7g30 để tiến hành cuộc mit-tinh hoà bình, thắp hương tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh. Lúc bấy giờ TS. Bs Huỳnh Tấn Mẫm là Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng, do sức khoẻ không tốt, phải nằm viện sau khi bị “người lạ” dùng mô tô đâm ngã xe máy của anh, khiến anh bị trọng thương trên đường Điện Biên Phủ - Quận Bình Thạnh, nên anh Huỳnh Kim Báu thay làm Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng. Chúng tôi nhất trí với nhau không nên nhân danh CLB Lê Hiếu Đằng để tổ chức cuộc mit-tinh mà chỉ nhân danh những trí thức nhân sĩ yêu nước, như thế ý nghĩa rộng rãi hơn, vì có những vị không là thành viên của CLB như Giáo sư Nguyễn Đình Đầu, Linh mục Huỳnh Công Minh, GSTS Nguyễn Bá Thuận từ Đan Mạch, thành viên Nhóm Thứ Sáu Huỳnh Bửu Sơn…

Xin trích ra đây một đoạn trong bài viết của nhà thơ Hoàng Hưng, một nhà văn hoá có tên tuổi để làm rõ thêm điều đó:

“Tôi có nhiều kỉ niệm khó quên, gắn với những cuộc tưởng niệm hàng năm trước tượng Đức Ngài.

Lần được GS Tương Lai uỷ nhiệm đọc tuyên bố phản đối Tập Cận Bình tới múa mép giữa hội trường Ba Đình - Hà Nội. Lần bị công an áp giải lên xe bus cùng nữ nghệ sĩ Kim Chi, nhà thơ Phan Đắc Lữ đưa về “cách ly” tại “trạm tiếp dân” quận 6. Lần sau đó, chưa ra đến tượng đã bị áp giải lên taxi về nhà! Và đúng dịp 17/2/2019, tôi đã bị facebook tước tài khoản vĩnh viễn vì bị báo cáo “mạo tên” chính mình! Đến tận bây giờ, tôi vẫn không giải thích nổi vì sao nhà cầm quyền phải làm cái việc ngu xuẩn, mất lòng dân, ngang nhiên xúc phạm Anh linh giống nòi Việt, cái việc thuộc hàng đại kị như hắt nước bẩn vào bàn thờ tổ tiên mà không một con người bình thường về tâm thần nào không nguyền rủa”.

Đài RFI với Thuỵ My ngay lập tức đưa tin: 18/02/2014

“Nhân sĩ Sài Gòn lặng lẽ kỷ niệm cuộc chiến 1979 chống Trung Quốc

Nếu người dân Hà Nội đã kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh 1979 chống Trung Quốc xâm lược bằng cuộc tuần hành tưởng niệm hôm Chủ nhật 16/02/2014, thì các nhân sĩ trí thức ở Sài Gòn do bị giám sát chặt chẽ, cho đến hôm nay 18/2 mới có thể tập hợp lại làm lễ tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Đặng Tiểu Bình phát động.

Theo các thông tin trên mạng xã hội, do cách đây hai ngày những người chủ chốt đã bị theo dõi liên tục, nên không thực hiện được ý định. Đến sáng nay đã qua ngày kỷ niệm 17/2, không còn bị các nhân viên an ninh theo sát nên các nhân sĩ trí thức đã ngầm liên lạc với nhau, cùng bất ngờ xuất hiện trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh, Quận 1, Sài Gòn.

Những người dự lễ đã thắp hương và làm lễ mặc niệm những đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống lại bọn bành trướng Bắc Kinh. Theo blog Huỳnh Ngọc Chênh, giáo sư Tương Lai đã ứng khẩu bài diễn văn, nhấn mạnh rằng quân xâm lược Trung Quốc đã gây ra bao đau thương cho đồng bào sáu tỉnh biên giới, thế mà ngày nay người ta lại buộc cả dân tộc phải quên đi cuộc chiến tranh tàn khốc. Ông kêu gọi những người lãnh đạo còn lương tri hãy đặt Tổ quốc lên trên hết. …Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, ôn hòa, không bị phá rối”.

Cuộc chiến tranh xâm lược do Đặng Tiểu Bình phát động với hơn nửa triệu quân, tràn sang sáu tỉnh biên giới phía Bắc, tàn sát nhân dân, cướp bóc của cải, đốt trụi nhà cửa của dân lành. Chúng đã phải rút lui trước sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân và tinh thần chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc của quân đội ta. Trung Quốc đã tự phơi bày trước thế giới là một nước xâm lược đáng ghê tởm. Với nhân dân ta, chúng đã lộ rõ là kẻ thù truyền kiếp. Đặng Tiểu Bình, rồi Tập Cận Bình là hậu duệ của các “thiên triều” phương Bắc vừa hung hăng, vừa xảo quyệt. Chúng đưa ra cái chiêu bài bịp bợm “cùng chung ý thức hệ XHCN” nhồi vào đầu Nguyễn Phú Trọng và một nhóm lợi ích gắn chặt với Nguyễn Phú Trọng để tìm cái phao cứu sinh khi biết rằng các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều đảng viên các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều biểu tỏ sự phẫn nộ và “Không cần đến thứ xã hội chủ nghĩa đi xâm lược” như Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gần đây đã nói toạc ra.

Ông Vũ Ngọc Hoàng còn phân tích khá rành rẽ:

“Tàu thâm lắm mà. Tất nhiên đây là nói Ban lãnh đạo chủ chốt của Tàu chứ nhân dân lương thiện của Trung Quốc thì cơ bản là người ta vẫn tốt và mong muốn hòa bình hữu nghị với VN. Trong lịch sử dù VN nhỏ nhưng chưa bao giờ liên kết với ai để đánh Trung Quốc. Trong khi đó chính Trung Quốc đã nhiều lần liên minh, liên kết với nước khác để đánh VN. VN muốn trở thành một quốc gia giàu mạnh thì chỉ có thể do chính người VN làm nên điều đó bằng trí tuệ và sức lực của mình, chứ không có ai thay thế được. Nhưng quan hệ tốt với Mỹ là điều kiện và môi trường (kể cả thị trường) quốc tế quan trọng bậc nhất để phát triển. Trung Quốc với VN đã đối tác chiến lược lâu rồi. Chúng tôi nghĩ, Hoa Kỳ thậm chí còn xứng đáng hơn Trung Quốc.

Trung Quốc đang thực hiện quyết liệt việc cưỡng chiếm phần Biển Đông của VN, còn Mỹ thì ủng hộ và muốn giúp ta giữ Biển Đông.Trung Quốc muốn ta lệ thuộc (nô lệ), còn Mỹ thì muốn giúp ta tự do. Trung Quốc muốn kìm hãm ta phát triển còn Mỹ thì muốn giúp VN phát triển. Trung Quốc càng gây khó cho mối quan hệ Việt – Mỹ thì càng làm cho nhân dân VN không thích Tàu mà thích Mỹ. Trung Quốc không muốn Việt Nam quan hệ nồng ấm với Mỹ nhưng chính cách làm của họ đã thúc đẩy cho Việt Nam và Mỹ gần nhau hơn”.

Quả đúng như thế. Nhưng, vẫn có những người (vốn là “đồng chí” của anh Vũ Ngọc Hoàng) không nghĩ như anh. Vì họ vẫn kiên định là “đồng chí” thân thiết của Tập Cận Bình, mà thân thiết nhất là Nguyễn Phú Trọng! Vì, anh ta kiên định với hệ tư tưởng Mác-Lênin, khi mà hệ tư tưởng này đã bị hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới – kể cả các đảng cánh “tả” – vứt bỏ. Và chính Đảng Cộng sản Trung Quốc của họ Tập cũng không “đeo bám” ý thức hệ này nữa khi họ đang xây dựng một chủ nghĩa xã hội “mang màu sắc Trung Quốc” mà thực chất là xây dựng chủ nghĩa tư bản “mang màu sắc Trung Quốc”! Trọng phải kiên định với “ý thức hệ” này vì đó là lý do tồn tại của anh ta, cho dù liệu anh ta hiểu được thực chất của ý thức hệ đến mức nào, thì đó vẫn còn là một câu hỏi.

Thật ra, lúc đầu, ý thức hệ hay hệ tư tưởng (ideology/idéologie) không có sắc thái biểu cảm xấu. Vào khoảng ¼ đầu của thế kỷ XX, ideology mang sắc thái xấu, dùng để chỉ một hệ tư tưởng (ý thức hệ) mang tính chất giáo điều, phản khoa học, thậm chí có màu sắc “tôn giáo” mê hoặc và ép buộc con người. Nửa đầu thế kỷ XIX Marx và Engels viết cuốn Hệ tư tưởng Đức, trong đó hệ tư tưởng (ý thức hệ) được dùng theo nghĩa xấu.

Khái niệm và thuật ngữ “hệ tư tưởng” không theo nghĩa xấu xuất hiện lần đầu tiên năm 1796, 22 năm trước khi Marx ra đời, sau đó nhanh chóng được dùng trong nhiều thứ tiếng. Cha đẻ của khái niệm và thuật ngữ “hệ tư tưởng” (ideologie) là nhà triết học Pháp Destutt de Tracy. Với ông, hệ tư tưởng ‘bao hàm một lý luận giải thích có tính chất tương đối đầy đủ, toàn diện về kinh nghiệm của con người và về thế giới khách quan. Hệ tư tưởng hướng tới quảng đại quần chúng, song có xu hướng dành vai trò lãnh đạo cho trí thức.

Hiện nay, một thuật ngữ được dùng tràn lan từ hang cùng ngõ hẻm cho đến các khoáng đại hội nghị là khái niệm, thuật ngữ “hệ thống chính trị”, song chưa thấy Trọng hay Hội đồng Lý luận Trung ương đưa ra một định nghĩa thật chuẩn xác, mà lờ mờ được hiểu một cách nửa kín nửa hở là “chuyên chính dân chủ nhân dân” làm nhiệm vụ của chuyên chính vô sản hay thực chất là chuyên chính vô sản.

Với ý thức hệ lấy chính trị làm thống soái, tầng lớp trí thức, tinh hoa của dân tộc bị vùi dập. “Hồng” được đề cao, được tin cậy giao những trọng trách điều hành và quản lý bộ máy nhà nước, “Chuyên” bị nghi ngờ, không được coi trọng vì “lập trường không vững vàng”, thực chất là không dễ sai khiến. Đấy là nguyên nhân sâu xa về sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa của cả hệ thống. Với Đại hội VI của Việt Nam, “Đổi mới hay là chết”, đã cứu vãn được đất nước đang bên miệng vực.

Ấy thế mà, sau đó, khi Trường Chinh mất, tiếng kèn Đổi Mới lại ngập ngừng rồi lùi dần, những tư tưởng “chống Đổi Mới” lại trỗi dậy mà nguy hiểm nhất, lắt léo nhất là từ giai đoạn chuẩn bị Đại hội X với việc lén đưa vào Văn kiện Đại hội những tàn dư của tư tưởng giáo điều bảo thủ. May mà giữa Đại hội, tư tưởng đó bị loại bỏ. (Điều này tôi đã có dịp trình bày trên “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi”, nay không nhắc lại nữa).

Vấn đề dễ thấy nhất là việc Phòng và Chống COVID-19. Bên cạnh những thành công, không thể không nói đến những sai lầm, lúng túng trong việc đưa ra những quyết sách và giải pháp. Như bài trước tôi đã có đề cập, việc chúng ta quá thiếu những nhà y học, dịch tễ học giỏi nằm trong bộ tham mưu giúp lãnh đạo đưa ra những quyết sách và giải pháp như đã nói. Việc dễ làm nhất là huy động “hệ thống chính trị” từ Trung ương đến cơ sở phường xã nhằm thực hiện việc phong toả để dịch không lây lan theo quan điểm “Chống dịch như chống giặc”.

Nói nôm na cho dễ hiểu là huy động người rào chắn chốt để nhốt dân, mà tuyệt đại bộ phận trong họ là người nghèo, người yếu thế phải ở yên trong những ngõ hẻm tối tăm dễ lây nhiễm COVID-19 nhất. Dân gọi đó là chế độ “trương tuần trị”. Khỏi phải nói những người này được huấn luyện ra sao về nhiệm vụ “quản lý đô thị”. Họ chỉ việc vung dùi cui ra, làm rào chắn thật chắc để dân không chui lọt.

Nỗi đau của chúng ta là ở đây, một nỗi đau kéo dài trong nhiều thập kỷ dưới áp lực của tư tưởng “Mao-ít” được khoác ra ngoài tấm áo “ý thức hệ Mác-Lênin”. Chuyện di dời chiếc lư hương đặt dưới chân tượng Đức Thánh Trần cũng nằm trong “vùng phủ sóng” của “ý thức hệ” đó. Lời giải thích quá dốt nát của bà Bí thư Đảng uỷ Quận 1 thật tiêu biểu cho cách nghĩ và tầm nhìn của một người lãnh đạo ở một quận quan trọng nhất của thành phố, nơi tập trung nhiều cư dân có trình độ dân trí tương đối cao, không che được lý do chính là ngăn chặn những cuộc tập hợp quần chung mit-tinh, biểu tình chống Tàu đang bùng lên mạnh mẽ.

Bà ấy trả lời như thể một người bán rau ngoài chợ, mà chắc là bà bán rau thực thụ sẽ có cách nói khôn ngoan hơn vì cái tâm của bà ấy sáng hơn, không bị vướng bận gì về sức nặng của cái ghế quyền lực. Thì chẳng phải đã từng có một bà Bí thư quận của thành phố này ngồi vào ghế Phó Chủ tịch Nước đó sao!

Thời của bà ấy không hiểu có chịu áp lực phải chấm dứt những cuộc biểu tình chống Tàu đang dâng cao khắp cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn hay không, chứ bà Bí thư Quận 1 này thì đó là lý do để bà ấy cho di dời chiếc lư hương theo lệnh của “trên”. Và cái “lệnh của trên” phải di dời chiếc lư hương thì nói như nhà thơ-nhà văn hoá Hoàng Hưng: “vì sao nhà cầm quyền phải làm cái việc ngu xuẩn, mất lòng dân, ngang nhiên xúc phạm Anh linh giống nòi Việt, cái việc thuộc hàng đại kị như hắt nước bẩn vào bàn thờ tổ tiên mà không một con người bình thường về tâm thần nào không nguyền rủa”.

Anh Hoàng Hưng ơi, anh lại chạm đúng nỗi đau đang giày vò tâm hồn tôi khi nghĩ đến cái hệ luỵ quá nặng nề của cái gọi là ý thức hệ Mác-Lênin mà thực chất là tư tưởng Mao-ít khủng khiếp thúc đẩy người ta dám làm “cái việc thuộc hàng đại kị” như anh vừa chỉ ra.

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến cách người Trung Quốc tiến hành “tam phản, ngũ phản” trên đất nước của họ, bằng phương pháp dã man: bắt người thủ trưởng được cho là cần phải “chỉnh đốn tư tưởng và tác phong” quỳ bên cạnh cửa ra vào công sở mà ông ta đang trị nhậm, ngước mặt lên để nhận bãi nước bãi nước bọt của mọi người đi vào hoặc đi ra trong ba ngày. Sau đó ông ta lại trở về vị trí “lãnh đạo” để điều hành công việc! Nếu đem đối chiếu việc này với “cái việc ngu xuẩn, mất lòng dân, ngang nhiên xúc phạm Anh linh giống nòi Việt” thì cũng không khó để giải thích.

Điều nguy hiểm và tệ hại nhất là hệ luỵ của cái gọi là “Kiên định ý thức hệ Mác-Lênin”, thực chất là nối tiếp “tư tưởng Mao-ít” quá oái oăm và khủng khiếp mà dân tộc ta phải chịu đựng, một dân tộc từng quật cường ba lần đánh tan quân xâm lược của một đế chế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, kéo dài từ Á sang Âu. Chính cái đế chế phương Bắc với “Tập Hoàng đế” nay lại đang lăm le đặt lại cái ách “Bắc thuộc” lên cổ dân tộc ta sau khi đã thít chặt cái “mũ kim cô” vào đầu Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm của anh ta.

Di dời chiếc lư hương, xúc phạm đến anh linh của tổ tiên chỉ là một trong những hệ luỵ của cái xiềng xích “ý thức hệ”, cũng như bao chuyện xúc phạm đến anh linh của các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, trên đảo Gạc Ma và trên Biển Đông. Nỗi đau của dân tộc còn tích đọng vào đây nữa. Có lần tôi hỏi và nói những điều trên với người canh giữ, ngăn cản không cho ra khỏi nhà. Anh ta chỉ cúi mặt trả lời: “Chúng cháu phải làm theo lệnh ở trên”!

Cứ thế, đến gần những ngày kỷ niệm, tưởng niệm có liên quan đến hành động xâm lược của Trung Quốc là cả một bộ máy khổng lồ của lực lượng vốn được gọi là “lá chắn” của nhân dân, lại đươc huy động chống lại dân để không làm phật lòng kẻ thù nhân dân mà ông Trọng đang gìn giữ. Chẳng phải ông ta đã từng nói đại ý “không giữ như thế thì liệu có ngồi yên được để chuẩn bị Đại hội” đó sao.

Vậy là chuyện “Chiếc lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần” chính là nỗi đau trần thế chạm vào nỗi đau tâm linh bị xúc phạm của một thể chế toàn trị phản dân chủ đang đè nặng lên đời sống vật chất và tinh thần của cả một dân tộc nghìn năm văn hiến.

Cầu mong anh linh của Đức Thánh Trần sẽ làm quang quẻ bớt bóng mây đen vần vũ quanh Tượng Ngài mà nổi cơn thịnh nộ trừng trị những kẻ bán nước “trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến nguỵ sứ mà không biêt căm”.

Ngày Giỗ Đức Thánh Trần

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Có thể là hình ảnh về 4 người và mọi người đang đứng

Có thể là hình ảnh về 12 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 9 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về ngoài trời và văn bản

Có thể là hình ảnh về 9 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

T.L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn