Đài Loan: Liệu Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới cuộc chiến giành hòn đảo? Quan hệ Mỹ - Trung - Đài

Tessa Wong

BBC News, Phóng viên Châu Á

14 tháng 6 2022

China's State Councilor and Defence Minister General Wei Fenghe speaks at a plenary session during the 19th Shangri-La Dialogue in Singapore 12 June 2022

ẢNH:  REUTERS. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ về những bình luận gần đây của họ về Đài Loan

Nhiều tuần sau khi Tổng thống Mỹ cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh đã đưa ra bác bỏ quyết liệt nhất, nói rằng họ sẽ "kiên quyết đập tan bất kỳ nỗ lực nào" nhằm giành độc lập cho Đài Loan.

Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về cơ bản cáo buộc Mỹ ủng hộ nền độc lập của hòn đảo, nói rằng Mỹ "vi phạm lời hứa về Đài Loan" và "can thiệp" vào chuyện của Trung Quốc.

"Hãy để tôi làm rõ điều này: nếu bất cứ nước nào dám chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, chúng tôi sẽ không ngần ngại chiến đấu. Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là sự lựa chọn duy nhất cho Trung Quốc," ông Ngụy Phượng Hòa nói tại Đối thoại Shangri-la, một hội nghị thượng đỉnh về an ninh châu Á được tổ chức tại Singapore.

Liệu Trung Quốc có chiếm thành công Đài Loan vào năm 2030?

Trung Quốc nói sẽ 'đánh đến cùng' để chặn Đài Loan độc lập

Bình luận của ông Ngụy Phượng Hòa được đưa ra sau thông điệp gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắn gửi Trung Quốc rằng nước này đang "đùa với lửa" bằng việc cho máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan. Ông thề sẽ bảo vệ hòn đảo bằng quân đội nếu nó bị tấn công.

Đài Loan tự cho mình là quốc gia có chủ quyền nhưng bị Trung Quốc coi là tỉnh ly khai. Tuy nhiên, Đài Loan cũng coi Mỹ là đồng minh lớn nhất của mình và Washington có luật yêu cầu nước này giúp hòn đảo tự vệ.

Các luận điệu leo ​​thang khi Trung Quốc liên tiếp cử các chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan - đợt bay xuất kích lớn nhất trong năm của họ chỉ vào tháng trước - trong khi Mỹ đã điều tàu hải quân đi qua vùng biển của Đài Loan.

Vậy phải chăng Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới một cuộc xung đột quân sự?

Cân nhắc kỹ những thiếu sót

Một nỗi lo sợ lớn nhất là liệu chiến tranh có nổ ra nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Trước đây, Bắc Kinh từng nói họ có thể giành lại hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.

Nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng điều này - hiện tại - là không có khả năng xảy ra.

Đã có cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có đủ khả năng quân sự để xâm lược thành công hay không, và Đài Loan đã tăng cường đáng kể hệ thống phòng thủ trên không và trên biển.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh nhận thấy một động thái như vậy là quá tốn kém và thảm khốc - không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với thế giới.

"Có rất nhiều luận điệu, nhưng người Trung Quốc phải cân nhắc kỹ những thiếu sót nếu muốn tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan, đặc biệt là quá giống với cuộc khủng hoảng Ukraine," William Choong, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết.

Quan điểm nhất quán của Trung Quốc là tìm kiếm "sự thống nhất hòa bình" với Đài Loan - điều mà Tướng Ngụy Phượng Hòa nhắc lại vào Chủ nhật - và rằng Bắc Kinh sẽ chỉ hành động nếu đối mặt với sự khiêu khích.

Một hành động có thể châm ngòi là Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập. Nhưng đây là điều mà Tổng thống Thái Anh Văn đã hết sức tránh, ngay cả khi bà khẳng định họ đã là một quốc gia có chủ quyền.

Hầu hết người Đài Loan ủng hộ lập trường này, vốn được gọi là "duy trì hiện trạng", dù một vài người ngày càng nhấn mạnh rằng họ muốn tiến tới độc lập.

A handout photo made available by the Taiwan Presidential office shows Taiwan President Tsai Ing-wen handling the Kestrel anti-armor rocket launcher during her visit inside a military base in Taoyuan city, Taiwan, 2 June 2022.

ẢNH: TAIWAN PRESIDENTIAL OFFICE. Tổng thống Đài Loan bên một máy phóng tên lửa chống tăng

Tương tự, Mỹ sẽ miễn cưỡng bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự tốn kém ở châu Á, và Mỹ đã nhiều lần ra tín hiệu rằng họ không muốn chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người cũng tham dự Đối thoại, phát biểu rằng Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, cũng như không muốn "một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".

"Đôi bên đều kiên định lập trường về Đài Loan. Họ cần trông cứng rắn, họ không muốn bị coi là thụt lại hay lùi bước," Collin Koh, nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, nói

"Nhưng đồng thời họ cũng rất lưu tâm về việc nhảy vào một cuộc xung đột toàn diện. Họ đang chăm chú lắng nghe luận điệu của nhau, và cả hai bên đều đang gắng sức kiềm chế rủi ro."

Việc cả Tướng Ngụy Phượng Hòa và ông Austin gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-la là một dấu hiệu tích cực, vì điều đó có nghĩa là cả hai bên đều muốn thể hiện rằng "họ vẫn sẵn lòng ngồi xuống đối thoại, đi đến thống nhất, và hòa giải khác biệt," ông Koh nói.

Ông nói, điều này có thể khiến các cuộc thảo luận hiệu quả hơn giữa quân đội hai nước nhằm giảm khả năng xảy ra các tính toán sai lầm trên thực địa làm dẫn đến xung đột, và mang lại một "làn gió mới cho đối thoại" - thứ vốn không có dưới thời chính quyền của Donald Trump.

US President Joe Biden attends the QUAD leaders summit in Tokyo, Japan, 24 May 2022.

ẢNH: EPA. Những phát biểu gần đây của ông Biden về Đài Loan được một số người coi là sự thay đổi giọng điệu rõ ràng trong chính sách của Hoa Kỳ

Điều đó cho thấy, có khả năng cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ tiếp tục luận điệu của mình trong tương lai gần.

Tiến sĩ Ian Chong, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Trung Quốc thậm chí có thể đẩy mạnh "chiến tranh vùng xám" nhằm làm kiệt quệ lực lượng quân sự và sự nhẫn nại của Đài Loan - chẳng hạn như điều thêm chiến đấu cơ - hoặc các chiến dịch tin giả.

Đài Loan trước đây đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành các chiến dịch tin giả trước cuộc bầu cử của hảo đảo này. Đài Loan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương quan trọng vào cuối năm nay.

Đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, ít nhất hiện thời "không có ý chí chính trị để thay đổi lập trường của mình", đặc biệt là với các sự kiện quan trọng sắp tới - cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào nửa cuối năm - thời điểm mà Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ củng cố hơn nữa quyền lực của ông ta.

Tiến sĩ Chong nói: "Mặt tích cực là không bên nào sẵn sàng leo thang.

"Nhưng không leo thang không có nghĩa là chúng ta sẽ tiến đến một vị trí tốt hơn. Vì vậy, tất cả chúng tôi đều mắc trong thế kẹt này một thời gian."

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn