Cần tạm hoãn thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng để kiểm tra làm rõ

LSLê Văn Hòa 

Với những điểm mờ ám và vi phạm tố tụng đặc biệt nghiêm trọng tôi nêu dưới đây, thì bất cứ ai dù không am hiểu lắm về luật pháp cũng nhận thấy tử tù Nguyễn Văn Chưởng bị oan - tôi kêu gọi lãnh đạo các cơ quan chức năng hãy đọc kỹ và tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo tạm hoãn thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng để kiểm tra làm rõ!!!

I- Chủ mưu dàn dựng và chỉ đạo lập chuyên án này là Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng (2 người này đã bị quả báo như mọi người đã biết).

II- Nếu Chưởng không oan thì sao chưa thi hành án mà để kéo dài sang năm thứ 17?

III- Trong quá trình khởi tố điều tra vụ án, CA Hải Phòng báo cáo Tổng cục trưởng Cảnh sát Phạm Quý Ngọ, không rõ ông Phạm Quý Ngọ chỉ đạo ra sao (nội dung này cần điều tra Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng để xác định trách nhiệm của từng người / ông Ngọ thì đã chết năm 2014).

IV- Viện KSND tối cao cũng đã e ngại, thiếu tự tin khi Kháng nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét Giám đốc thẩm theo hướng giảm hình phạt Tử hình xuống Chung thân cho Chưởng.

V- Tháng 1/2014, Tổ Kiểm tra, xác minh của Ban Nội chính Trung ương do tôi (Lê Văn Hòa là Tổ trưởng) báo cáo Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh (có ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án tối cao + Thứ trưởng BCA Lê Quý Vương cùng nghe) là đơn kêu oan của Tử tù Nguyễn Văn Chưởng là có cơ sở, Ban Nội chính TW cần báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị cho thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành để kiểm tra làm rõ / thì ngay sau cuộc họp, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo Tổ Công tác của chúng tôi dừng nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý về vụ án này mà không nói rõ lý do (một năm sau ông Nguyễn Bá Thanh mắc bệnh rồi mất).

VI. VI PHẠM TỐ TỤNG ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG: 

   1. CQĐT không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án.

Vụ giết người xảy ra hồi 21h30’ ngày 14/7/2007 (thời điểm đó khu vực hiện trường trời mưa), nhưng đến 15h30’ ngày 15/7/2007 mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.

   2. Việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện. 

Nhân chứng Phạm Hồng Quang, chiến sỹ CA P. Đông Hải 2 (người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ án mạng), anh này đã đem áo mưa, áo cảnh sát, dép… của nạn nhân Sinh gửi ở phòng bảo vệ Công ty Neu Hope; còn điện thoại di động và khẩu súng K59 + 1 băng đạn còn 1 viên của nạn nhân Sinh thì anh ta mang đi đâu không rõ, đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ và đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong (BL: 517; 535).

   3. Có nhiều uẩn khúc nhưng không được CQĐT làm rõ.

- Tại hiện trường vụ án có một đôi dép cỡ 42 không được làm rõ là của ai (rất có thể là của kẻ chém nạn nhân, vì khi đi trực nạn nhân Sinh đi giày màu đen).

- Hiện trường vụ án mạng có một khẩu trang màu trắng kẻ xanh, nhưng cơ quan điều tra không làm rõ của ai (rất có thể là của kẻ giết người đánh rơi khi bỏ chạy). (BL:698).

- Về khẩu súng K59 thu tại hiện trường vụ án mạng:

+ CQĐT không tổ chức giám định vân tay trên cò súng và thân khẩu súng K59 (nên việc kết luận nạn nhân Sinh đã dùng khẩu súng đó bắn 4 phát sau khi bị nhóm Chưởng chém là không có cơ sở).

+ Việc Thiếu tá Sinh sử dụng khẩu súng này là không hợp pháp: Khẩu súng này vẫn thuộc sự quản lý của Công an huyện Cát Hải, chưa làm thủ tục chuyển giao về Công an quận Hải An [Biên bản xác minh ngày 16/4/2008 / BL.690].

+ Giấy phép sử dụng súng đã hết hạn 2 năm rưỡi (cấp ngày 25/1/2002 và chỉ có giá trị đến ngày 25/1/2005) [BL. 689].

- Việc nạn nhân Sinh đi dép hay đi giầy khi bị chém cũng chưa được làm rõ: Hai nhân chứng Phạm Hồng Quang, Nguyễn Văn Phước khai nạn nhân Sinh đi dép [BL. 517; 535]; nhân chứng Đặng Thái Sơn thì khai nạn nhân Sinh đi giầy màu đen có dây [khai 2 lần: BL. 523, 524].

- CQĐT không thu được hung khí giết người, nhưng cán bộ điều tra vẽ sẵn rồi đưa Nguyễn Văn Chưởng và Đỗ Văn Hoàng ký xác nhận.

- Có người lạ bí ẩn đến gặp nạn nhân Sinh trong lúc hấp hối tại hiện trường nhưng không được CQĐT làm rõ.

Tại BL.515, nhân chứng Phạm Hồng Quang (chiến sỹ CAP Đông Hải 2) khai: Ngay sau khi nạn nhân Sinh bị bắn, anh Quang nhìn thấy có một người lạ đi cùng Đặng Thái Sơn (chiến sỹ CA P. Đông Hải 2) tới chỗ nạn nhân Sinh đang nằm hôn mê tại hiện trường (nhưng CQĐT không làm rõ người lạ đó là ai và đến với mục đích gì).

ĐẶC BIỆT, CHƯỞNG CÓ CHỨNG CỨ NGOẠI PHẠM, NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC ĐIỀU TRA LÀM RÕ.

- Nhiều nhân chứng xác nhận thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan. Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) nộp các xác nhận ngoại phạm đó lại bị CQĐT bắt khẩn cấp về tội “Che dấu tội phạm” và bị xử 2 năm tù về tội danh này.

- Chưởng đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng (0974.863.087) trong thời điểm xảy ra vụ án và đề nghị CQĐT khôi phục các cuộc điện thoại đó để xác định toạ độ các cuộc gọi, làm rõ Chưởng có mặt hay không có mặt tại Hải Phòng khi xảy ra vụ án nhưng không được cơ quan điều tra thực hiện, lại bị công an thu giữ điện thoại của Chưởng.

L.V.H.

NguồnFB Lê Văn Hòa 

---

Đọc thêm:

TÂM THƯ GỬI TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ VĂN THƯỞNG VỀ VỤ ÁN OAN NGUYỄN VĂN CHƯỞNG!

Kính thưa Tổng Bí thư và Chủ tịch nước!

Tôi tin là nếu gửi theo đường bưu điện thì bức Tâm thư này cũng sẽ bị văn thư Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước vứt vào sọt rác như lâu nay họ vẫn làm, vì tôi đã bị họ mặc định là kẻ bất mãn tiêu cực vì tôi đã trả thẻ Đảng cho đảng ủy Ban Nội chính Trung ương năm 2016 khi tôi còn công tác ở đó + với việc tôi đã Tố cáo nhiều cá nhân, cơ quan liên quan chỉ đạo án bỏ túi (Vụ án Thái Lương Trí), trong đó có các ông: Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư) vì lý do năm 2009, ông Trần Quốc Vượng là Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo truy tố oan ông Thái Lương Trí (thực chất ông Trí bị cướp mỏ Huổi Chừn, Lào) + ông Võ Hồng Phúc (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư) + ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương (đã buông lỏng quản lý cán bộ, để cho cán bộ Vụ I lợi dụng phát biểu bừa tại các cuộc họp Liên ngành chỉ đạo án bỏ túi về vụ án này) + Hoàng Kông Tư, Trần Đăng Yến (nguyên và đương chức Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an) + gần 10 Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trực tiếp thụ lý vụ án này...

Có lẽ vì thế mà hàng chục bản Kiến nghị của tôi về Vụ án oan Nguyễn Văn Chưởng trong vòng 10 năm qua không tới được tay Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng các ban, ngành chức năng. 

Mấy hôm nay cá nhân tôi và rất nhiều người dân Việt Nam khác đã bằng nhiều hình thức khác nhau gửi Kiến nghị lên các ông cùng các cấp, các ngành chỉ đạo tạm dừng thi hành án đối với Tử tù Nguyễn Văn Chưởng và thành lập Đoàn Kiểm tra làm rõ đơn kêu oan của Nguyễn Văn Chưởng. Tôi hy vọng Kiến nghị của tôi và nhiều người sẽ được các ông quan tâm, chỉ đạo làm rõ!

Về lý do tôi trả thẻ đảng: Tôi đã tuyên bố công khai trên facebook của tôi, việc trả thẻ đảng là để phản đối các cấp, các ngành chức năng đã quan liêu, không quan tâm, không trả lời các đơn Kiến nghị của tôi về vụ án Thái Lương Trí / ông Trí bị cướp mỏ Huổi Chừn, Lào (Kết quả: Vụ án này tôi đã kiên trì đấu tranh làm rõ 100% oan sai, hiện tôi đang tố cáo ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án TP Hà Nội chỉ đạo xử bậy, chờ cơ quan chức năng mời lên làm việc để giải quyết đơn Tố cáo của tôi).

Ngoài ra, lý do ai đó quy chụp tôi có vấn đề về tư tưởng, quan điểm chính trị là họ căn cứ vào việc tôi đã nhận làm luật sư bào chữa cho các bị cáo vụ án Đồng Tâm và một số vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Tôi chỉ làm theo đúng quy định của pháp luật và do lương tâm thôi thúc mà thôi.

Hôm nay tôi xin thưa với hai ông Lãnh đạo tối cao của Đất nước rằng: Tôi chưa bao giờ bất mãn, tiêu cực vì bất cứ lý do gì, bởi tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước: Ông Bà nội tôi được Chính phủ tặng "Bảng Vàng Danh Dự" từ năm 1957 bởi có 3 con giác ngộ, hoạt động Việt Minh từ cuối năm 1944 (trong đó có bố tôi); có 4 con xung phong vào Quân đội đánh giặc từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, tổng cộng được tặng thưởng gần 30 Huân chương các loại (trong đó có bố tôi-Liệt sỹ chống Mỹ Lê Văn Dỵ được truy tặng danh hiệu "Anh hùng LLVTND" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ + được tặng thưởng "Huân chương Độc lập hạng Ba", "Huân chương Kháng chiến hạng Nhất"; 3 "Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba" và hơn 10 Huân chương các loại khác + Bố tôi cũng đã được công nhận là người đã nói câu: "ĐÂU CÓ GIẶC LÀ TA CỨ ĐI" – câu nói khơi nguồn cảm hứng cho Nhạc sỹ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc "HÀNH QUÂN XA" trong lúc cùng bộ đội hành quân tiến lên giải phóng Điện Biên). Bản thân tôi cũng là người yêu nước, yêu Công lý, dám công khai, trực diện chống tiêu cực ở bất cứ đâu nhằm góp phần nhỏ bé xây dựng một nền tư pháp trong sạch, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chẳng dám vỗ ngực tự hào, để làm được nhiều việc có ích cho Đảng, cho Dân như tôi trong thời kỳ Đổi mới thì có lẽ trong hơn 4 triệu đảng viên hiện nay chắc chỉ có vài người mà thôi.

1. Năm 2006-2008: Tôi là ủy viên Ban Thanh tra nhân dân - Ban Nội chính Trung ương (NCTW), tôi phát hiện, tố cáo lên Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vụ Tham ô tập thể đặc biệt nghiêm trọng tại Ban Nội chính Trung ương (thời ông Trương Vĩnh Trọng là Trưởng ban). Sau 2 năm bao che không được (do tôi kiên quyết đấu tranh với Đoàn Kiểm tra của UBKTTW) nên ngày 6/3/2008, UBKTTW đã phải ra Thông báo Kiểm tra số 250 kết luận tôi đã Tố cáo đúng (nhưng việc xử lý những kẻ tham ô, tham nhũng của UBKTTW và Ban NCTW chỉ như trò đùa, chỉ yêu cầu số này "Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm" - mặc dù Đoàn Kiểm tra đã kiến nghị "Cảnh cáo" hơn 10 đối tượng tham nhũng).

2- Năm 2014: Tôi được Trưởng ban NCTW Nguyễn Bá Thanh giao làm Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương tại tỉnh Quảng Nam. Tôi đã phối hợp tốt với Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam lúc đó là anh Phan Việt Cường (hiện là Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) đề xuất, tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam và Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương (ông Phan Đình Trạc) chỉ đạo xử lý dứt điểm, có lý có tình, tháo gỡ được 2 vụ án hình sự nổi cộm nhất tỉnh Quảng Nam trong 13năm (2001-2014), đó là vụ án khởi tố, bắt tạm giam oan ông Lương Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Quảng Cường và ông Nguyễn Mười (được mệnh danh là "Trùm cổ vật miền Trung"). Kết quả: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo 3 ngành tố tụng tỉnh Quảng Nam ngay tại cuộc họp của Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam và Phó trưởng ban, Phụ trách Ban NCTW Phan Đình Trạc với Tổ Kiểm tra của BNCTW; ông Lương Hạnh đã được xử lý hành chính thay cho xử lý hình sự và ông Nguyễn Mười đã được CA tỉnh Quảng Nam trả lại gần 2000 cổ vật bị tịch thu trái pháp luật từ năm 2001.

3- Năm 2014: Tôi được cử làm Phó trưởng Đoàn Kiểm tra Liên ngành (Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương-Ban Nội chính Trung ương) kiểm tra đơn tố cáo đảng viên Lê Sỹ Bảy, Phó vụ trưởng Vụ I Thanh tra Chính phủ khai man bằng cấp, kê khai tài sản không trung thực...

Qua kiểm tra tôi phát hiện, báo cáo đơn tố cáo (nặc danh) là có vấn đề, xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ (Lê Sỹ Bảy thuộc diện quy hoạch Vụ trưởng Vụ I và Phó tổng Thanh tra Chính phủ)... Ngay sau báo cáo tôi bị Ban NCTW rút về không tham gia Đoàn Kiểm tra Liên ngành nữa.

Tôi đã viết đơn tố cáo ông Phạm Quang Thao, Phó bí thư Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương (trực tiếp chỉ đạo Đoàn Kiểm tra) và gặp trực tiếp ông Đào Ngọc Dung (Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan TW), tôi nói với ông Dung: Mặc dù tôi không tham gia Đoàn Kiểm tra nữa nhưng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc kiểm tra, nếu cần thiết tôi sẽ tố cáo cả anh nếu tôi phát hiện anh chỉ đạo kiểm tra bậy. Kết quả: Đoàn Kiểm tra kết luận đơn tố cáo đảng viên Lê Sỹ Bảy là không có cơ sở, sau đó Lê Sỹ Bảy được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ I và hiện là Phó Tổng thanh tra Chính phủ.

4- Cũng năm 2014: Tôi được Ban Nội chính phân công thụ lý xác minh, giải quyết đơn Tố cáo - Kêu cứu của Nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình (Chu Văn Quềnh), Trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Tuồng Trung ương, về việc vợ chồng Nghệ sỹ bị một sĩ quan Công an lừa đảo chiếm đoạt gần 200 triệu đồng (trong lúc Nghệ sỹ Hán Văn Tình đang chạy chữa bệnh ung thư bị kiệt quệ về tài chính). Tôi đã sang làm việc với lãnh đạo đơn vị người bị tố cáo, kết quả: Ngay lập tức viên sĩ quan CA kia đã phải xin lỗi và trả hết tiền cho vợ chồng Nghệ sỹ Hán Văn Tình. 

5- Trước đó vào năm 2012: Tôi là Phó Vụ trưởng Vụ Nội chính - Văn phòng Trung ương, tôi đã phát hiện, tố cáo và Đảng ủy Văn phòng Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã kiểm tra và ra quyết định "Cảnh cáo" bà L.T.H.N (Phó Chánh văn phòng, phụ trách Văn phòng Đảng ủy Văn phòng Trung ương) do vi phạm về đạo đức, lối sống.

6- Năm 1999-2000: Tôi là Đảng ủy viên - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban Nội chính Trung ương, Phụ trách Vụ An ninh (Vụ ) - Ban Nội chính Trung ương, tôi phát hiện, đề xuất và được Tiểu ban Trung ương 6/2 + Ủy ban Kiểm tra Trung ương + Ban Nội chính Trung ương chấp thuận thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành, kiểm tra đơn kêu oan của đảng viên Trần Trung Dũng, Phó Bí thư  -Chủ tịch UBND quận Thủ Đức bị Ban Thường vụ Thành ủy Tp Hồ Chí Minh kỷ luật "Cách chức" oan. Tôi được tham gia Đoàn Kiểm tra. Kết quả: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra Quyết định xóa án kỷ luật oan cho đảng viên Trần Trung Dũng; sau đó anh Trần Trung Dũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Thường trực, rồi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Tp Hồ Chí Minh và luân chuyển làm Bí thư Quận ủy Thủ Đức.

7- Năm 2009: Tôi được Trung tướng Hải Bằng, Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Đại đoàn 316 tại Hà Nội (Trung tướng Hải Bằng là đồng đội với bố tôi trong kháng chiến chống Pháp) giao nhiệm vụ giúp Ban LLBCĐ Đại đoàn 316 nghiên cứu, hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Pháp (Điện Biên Phủ) cho 2 cá nhân: Liệt sỹ Bùi Hữu Hữu và Đại tá Lâm Viết Hữu (2 trường hợp này được đề nghị cùng với bố tôi từ năm 2004, nhưng chỉ mình bố tôi được truy tặng). Tôi đã đem hết sức mình và làm tròn nhiệm vụ do Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Đại đoàn 316 đặt niềm tin giao phó. Một mình tôi đi xe máy lên Phú Thọ gặp chỉ huy các đơn vị Trung đoàn 174 và Sư đoàn 316 cùng Bộ Tư lệnh Quân khu II; tôi còn gặp cả Đại tướng Lê Văn Dũng (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng) để trình bày là 2 trường hợp nêu trên hoàn toàn xứng đáng được xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp. Kết quả: Cả 2 trường hợp trên đã được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Điện Biên Phủ.

...

Tôi hy vọng Tâm thư này của tôi sẽ đến tay Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Kính thư

Luật sư Lê Văn Hòa

 

Chứng cứ khẳng đnh Ban Nội chính Trung ương tham gia chỉ đạo án bỏ túi

Tôi được thay mặt các gia đình liệt sĩ Sư đoàn 316 phát biểu trong một lần kỷ niệm ngày truyền thống Sư đoàn 316 tại Hà Nội. (Hàng ngồi từ trái sang phải: Trung tướng Trịnh Trân, nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Đại tướng Chu Huy Mân, Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng, từ năm 1951 là Đại đoàn 316; bác Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng).

Tôi và Nghệ sỹ Hán Văn Tình, chụp năm 2014 (một năm sau thì Tình mất do bệnh K)

NguồnFB Lê Văn Hòa 

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn