Các cựu binh Hoàng Sa và thân nhân thăm nhà trưng bày Hoàng Sa

Huy Đức

18-1-2024

Sáng nay, 18-1-2024, Tiến sĩ Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa đồng thời là Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa, đã tiếp đoàn khách đặc biệt, gồm: 5 cựu binh của VNCH tham gia trận Hải chiến bảo vệ bất thành Hoàng Sa ngày 19-1-1974 và 4 người con của những người lính VNCH đã hy sinh trong trận Hải chiến này.

Chuyến đi của Đoàn do Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa tài trợ và tổ chức.

Sau đúng 50 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, những nhân chứng quan trọng nhất lần đầu đến nơi trưng bày những bằng chứng về chủ quyền phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam này và những chứng tích về quân xâm lược. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng của đồng đội, của cha anh họ.

Không phải người Việt nào cũng từng biết đến địa chỉ lịch sử - văn hóa đặc biệt này.

Các thành viên trong đoàn đã được TS Trần Đức Anh Sơn giới thiệu tỉ mỉ về sự hình thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa, xuất xứ và ý nghĩa của các hiện vật, qua đó hình dung được quá trình đấu tranh lâu dài, cam go nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dựa trên các căn cứ của luật pháp quốc tế về Biển.

Các hiện vật trưng bày cũng như cách sắp xếp tiêu đề từ ngoài vào trong đều thế hiện rõ một sự thật: Hoàng Sa là của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm vào ngày 19-1-1974.

Chuyến đi còn để tưởng nhớ 74 binh sĩ VNCH đã can trường và hy sinh trong trận chiến này. Năm người con có mặt hôm nay, khi cha họ mất ở Hoàng Sa có người mới 5 tuổi, như chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí; có người mới 1 tuổi như chị Đỗ Thị Thanh Tuyền, con gái tử sĩ Đỗ Văn Long; có người còn trong bụng mẹ như chị Lương Thanh Quế, con gái tử sĩ Lương Thanh Thú…

Các Cựu binh Hoàng Sa và gia đình liệt si Hoàng Sa bày tỏ niềm hãnh diện đã trực tiếp tham chiến hoặc có người thân đã chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiến si Lê Tiến Công cho biết, Nhà Trưng bày rất trân trọng những đóng góp về hiện vật cũng như các bản khảo sát nhân chứng của các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ Hoàng Sa. Những hiện vật và tư liệu này đã góp phần quan trọng củng cố những căn cứ lịch sử làm tăng thêm tính thuyết phục của Nhà Trưng bày. Ông Lê Tiến Công cũng đã tặng đoàn sách và tài liệu lịch sử Hoàng Sa.

Năm 2024 cũng đánh dấu mốc 10 năm ra đời của Nhịp cầu Hoàng Sa.

Nhịp cầu Hoàng Sa (NCHS) là một chương trình – được khởi xướng bởi các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức, Nguyễn Thanh Triều, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu và nhà hàng hải học Đỗ Thái Bình – nhằm tri ân những người lính Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, đặc biệt là những người lính đã hy sinh trong hai cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (19-1-1974) và Trường Sa (14-3-1988).

Hoàng Sa là chiến trường duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, nơi – trước ngày 30-4-1975 – người Việt không bắn vào người Việt. Hoàng Sa là một địa danh nhắc nhở, mỗi khi người Việt kề vai sát cánh bên nhau sẽ nhận rõ ai mới thực sự là kẻ thù chung, ai mới là kẻ có dã tâm xâm lược.

Hoàng Sa, vì thế, còn là một NHỊP CẦU, "bắc" để nối những tấm lòng và để, người Việt hòa giải cùng người Việt.

Trong 10 năm qua, Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa đã vận động được hàng ngàn lượt đóng góp, với số tiền lên tới hơn 12 tỷ đồng. Chương trình đã giúp xây mới và nâng cấp 30 căn nhà cho các cựu binh, thân nhân các gia đình tử sỹ Hoàng Sa; các cựu binh và thân nhân các gia đình liệt sỹ Gạc Ma và hai thân nhân liệt sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Biên giới và Hải đảo.

Mức chi cao nhất cho một căn nhà là 1.114 triệu VND (mua nhà cho bà quả phụ Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà).

Sau 10 năm, chúng tôi nhận thấy đã đi được những bước căn bản của phần TRI ÂN, phần lớn các trường hợp khó khăn mà chúng tôi biết đều đã được giúp đỡ. Phần HÒA GIẢI sẽ còn là một chặng đường dài, mong những nỗ lực của Nhịp cầu Hoàng Sa không bao giờ là riêng lẻ.

Xin chân thành cám ơn các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trong 10 năm qua. Cám ơn TS Lê Tiến Công, TS Trần Đức Anh Sơn, Kỹ sư Đỗ Thái Bình, Kỹ sư Nguyễn Đức Huy và hai nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Mai Kỳ đã tổ chức chu đáo cho chuyến đi ý nghĩa này.

Danh sách Đoàn:

Các con của những chiến binh VNCH hy sinh trong trận Hải chiến 19-1-1974: chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh 1969, con gái Hải quân Thiếu tá Nguyễn Thành Trí; chị Đỗ Thị Thanh Tuyền, sinh 1973, con gái tử sĩ Đỗ Văn Long, người nhái hy sinh đầu tiên; chị Lương Thanh Quế, sinh 1974, con gái tử sĩ Lương Thanh Thú; anh Đinh Tiến Dũng, sinh 1972, con trai tử sĩ Đinh Văn Thực.

Các cựu binh tham gia trận Hải chiến 19-1-1974: ông Trần Văn Hà, cựu binh tàu HQ-10, ông Lữ Công Bảy, cựu binh HQ-4, ông Trịnh Văn Quý, cựu binh HQ-4, ông Nguyễn Văn Sáu, cựu binh HQ-4, ông Huỳnh Đắc Lộc, cựu binh HQ-16.

Ảnh: Ky Mai

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn