Tội ác từ đất

Anh Quốc 


Vẫn “Đẻ non, đái ép” 

Luật Đất đai coi như đã chốt. 

Bắt đầu từ 1/1/2025 sẽ có hiệu lực.

Các cụ bình luận, Luật lần này cụ thể hơn, liệt kê chi tiết về 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, như thế thì cũng gần như hầu hết các loại dự án muốn triển khai đều bị nhà nước thu hồi.

Chỉ còn cái đất cho các dự án thương mại là không bị thu hồi, nhưng mấy chục năm nay đất “đẹp” cho mục đích này đã về tay nhóm lợi ích, còn đâu nữa mà thu hồi.

Hiến pháp đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu…

Sòng phẳng ra nhà nước muốn thu hồi lúc nào, chỗ nào cũng được, không cần phải quanh co, bàn lên bàn xuống mất thời giờ.

Và bao nhiêu năm nay dân cũng chẳng thắc mắc, và có thắc mắc cũng không được về việc Nhà nước thu hồi đất đai. 

Vấn đề quan trọng nhất là thu hồi đất đai bồi thường, hỗ trợ cho dân thế nào để đời sống của dân không bị vất vưởng, sản xuất kinh doanh, buôn bán ổn định chứ không phải thu hồi đất xong “Sống chết mặc bay” “Đem con bỏ chợ” – Cụ thể là phương pháp tính giá để bồi thường nó như thế nào?

Cứ lấy chuyện tính lương tối thiểu sẽ thấy, mức lương ấy sống sao được mà vẫn ban hành áp dụng.

Phương pháp tính giá đất cũng chỉ có mấy phương pháp, nhưng kết quả có hợp lý không lại do số liệu đầu vào. Ai cung cấp, lấy số liệu đầu vào ở đâu? Vẫn là những ông quan nhà nước quyết định các thông số đầu vào.

Bảo tính theo cơ chế thị trường, nhưng thị trường lại bị nhà nước quản lý, định hướng… Chung quy lại sướng hay khổ, nghèo hay giàu vẫn do các ông quan nhà nước quyết định. 

Ai ra quyết định thành lập Hội đồng xây dựng giáHội đồng Thẩm định giá, ai phê duyệt giá? Vẫn các ông quan nhà nước.

Nói là cụ thể về danh mục nhà nước thu hồi đất, nhưng bản chất thu hồi đất để làm các dự án có mục đích sinh lời, thu lợi nhuận là cho ai? Cho tư nhân, hay cho Nhà nước vẫn rất mập mờ.

Thu hồi đất cho khu vui chơi giải trí, cho thể thao văn hoá, cho chợ dân sinh, khu sản xuất, chế biến… nhưng ai là chủ đầu tư, ai là người bỏ vốn, ai là chủ sử hữu?

Tư nhân đầu tư, nhà nước đầu tư có gì khác nhau trong việc thu hồi đất, định giá đất?

Liệu có chuyện xảy ra, nhóm lợi ích lợi dụng việc nhà nước thu hồi đất xong lại chuyển giao cho tư nhân đầu tư. Tránh việc nhà đầu tư phải thỏa thuận với dân?

Luật không làm rõ chỗ này, việc thu hồi đất là một lỗ hổng con voi chui lọt chỉ béo cho nhóm lợi ích.

Các cụ kết luận, Luật Đất đai không giải quyết được những vấn đề trên cũng chẳng khác gì bình mới nhưng vẫn rượu cũ. 

Cả ba quyền Sở hữu, Chiếm đoạt, Định đoạt đất đai đều trong tay nhà nước.

Nhà nước là ai, nghe thì to tát, Nhà nước nhưng là do con người cụ thể quản lý, con người cụ thể quyền lực lại tập trung vào một nhóm người cụ thể.

Nhóm người cụ thể này thâu tóm mọi quyền lực, có quyền lực định đoạt vận mệnh quốc gia, không bị ai kiểm soát, họ lũng đoạn, lợi ích với nhau thì Luật, chính sách cũng là của họ, bàn gì, góp ý gì cũng vô tác dụng.

Bất công, bất bình đẳng từ đất 

Khi đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, vào một ngày nào đó bạn và gia đình của bạn sẽ phải rời nơi chôn rau cắt rốn của mình từ chục đời tổ tiên để lại, không phải do mình tự định đoạt đến một nơi xa lạ.

Nhà nước thu hồi đất để làm một con đường, tiền làm đường lấy từ ngân sách nhà nước do bạn và người dân đóng thuế. Nhưng khi đi trên con đường ấy bạn và những người tham gia giao thông phải trả phí bị tính hai lần – Phí định kỳ theo năm, và phí theo km … và nhiều thứ phí được tính vào xăng, dầu…

Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, nơi hàng chục đời nhà bạn canh tác, thu nhập dựa hoàn toàn vào mảnh đất ấy.

Nghề nông mất, bạn sẽ phải đi làm trong các khu công nghiệp, chế xuất… nếu bạn còn trẻ và khỏe, nhưng từ làm nông trở thành công nhân thường là không có trình độ do vậy đồng lương kiếm được không làm cuộc sống của bạn tốt hơn khi làm nông nghiệp.

Lúc ấy bạn phải nuôi những người cao tuổi như bố, mẹ, ông, bà – Những người trước đây vẫn làm những việc nhà nông tự nuôi sống mình cho đến khi nằm xuống.

Những ông chủ nhà máy sẽ sa thải bạn bất kỳ lúc nào để thay vào đó những người trẻ, khỏe hơn bạn. Phụ nữ trên 35 tuổi, và đàn ông trên 40 tuổi nằm trong số những người bị sa thải, lúc ấy bạn sẽ làm gì, khi không còn đất.

Nhà nước tuyên truyền, đưa vào Luật nói rằng “Khi thu hồi đất phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người bị thu hồi đất”.

Các cụ xưa tổng kết “hai lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà”

Khi bạn đến nơi định cư mới thường là những vùng đất khó phát triển kinh tế, vì nếu là đất đắc địa họ đã không chuyển bạn đến đấy, bảo rằng thu hồi đất phải di dân đến chỗ tốt hơn chỉ là tuyên truyền dối trá, đạo đức giả.

Bạn hãy chỉ ra ở đâu người bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn, hay chỉ thấy họ cùng cực, bị mất đất, bị đàn áp khi đi khiếu kiện, khiếu nại khắp nơi?

Và có người nào bị thu hồi đất mà không uất ức đến cổ, họ bảo không phải thu hồi mà là ăn cướp.

Khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng trường học, xây chợ dân sinh… con bạn đi học vẫn phải trả tiền xây dựng trường học, và đóng học phí. Tiểu thương vẫn phải bỏ tiền mua chỗ kinh doanh qua hình thức đấu thầu… và hàng năm họ vẫn phải đóng thuế chợ… trong số tiền đó bao gồm cả tiền đất được tính cao gấp nhiều lần, thậm chí hàng chục lần số tiền được bồi thường khi thu hồi đất.

Nhà nước thu hồi đất của bạn làm nghĩa trang, khi người thân của bạn mất, và cả chính bạn nữa đến khi nằm xuống vẫn phải bỏ tiền để mua “nơi an nghỉ cuối cùng”, một mét vuông cao gấp hàng chục lần tiền bồi thường mà bạn được chi trả.

Khi đất không thuộc quyền sở hữu của bạn, từ khi sinh ra đến khi chết bạn chỉ là kẻ lang thang, sống kiếp đời ở nhờ, ở trọ, làm thuê, làm mướn cho các ông chủ, là “thằng dân” của Nhà nước. Và thậm chí khi chết rồi cũng không yên ổn, “nơi an nghỉ cuối cùng” của bạn vẫn có thể bị bới lên để lấy đất cho mục đích phát triển kinh tế.

Khi bạn bị thu hồi đất, bạn sẽ trăm đường khốn khổ, khốn nạn, và trong cái gọi là “phát triển kinh tế” sẽ không biết Nhà nước thu hồi đất lúc nào, trăm triệu người dân luôn nơm nớp tai họa thu hồi đất giáng xuống.

Phát triển kinh tế cho ai? Từ đất nhiều kẻ giàu lên, cùng với “Tiếng oan dậy đất, oán ngờ loà mây” – Bạn đang sống ở thời đại nào, đang ở trần gian, hay địa ngục?

 

“Đất có thổ công, sông có hà bá” động vào đất đai sẽ rất oan nghiệt. Luật đất đai là tử huyệt của chế độ, xin đừng dại đùa giỡn với nó.

A.Q.

Nguồn: FB Anh Quốc

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn