Đức Giáo Hoàng đi thăm Việt Nam chỉ có lợi khi mang lại tự do cho tất cả các tôn giáo

Quang Nguyên

(VNTB) –  Việc đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền của Đức Giáo Hoàng không chỉ cho người Công Giáo thuộc Vatican, mà cho tất cả các tôn giáo khác.

Tin từ các giới chức liên quan đến Tòa Thánh Vatican cho hay Đức Giáo Hoàng Francis có lẽ sẽ thăm Việt Nam làm tín đồ công giáo ở Việt Nam và cả năm châu hân hoan. Đã từ lâu Giáo Hoàng mong muốn được thăm Việt Nam, đất nước đang nằm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản vô thần, nhưng đạo Công Giáo có đến 117 thánh Tử Đạo và hơn 7 triệu tín đồ, đông nhất kể cả về số lượng cũng như tỷ lệ dân số trong vùng Đông Nam Á.

Khi được hỏi về chuyến viếng thăm có thể có của Đức Thánh Cha tới Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói: “Tôi nghĩ chuyến đi sẽ (diễn ra) nhưng cần thực hiện thêm một số bước nữa trước khi có thời điểm phù hợp [1; 2]. Điều này có thể hiểu như tất cả vướng mắc cho chuyến đi chưa giải quyết xong, có thể ám chỉ việc giải quyết các vấn đề hay điều kiện cụ thể trước khi Giáo Hoàng quyết định chính thức thực hiện chuyến đi. 

Các vấn đề đó có thể hoặc là chuyến đi sẽ chưa xảy ra, hoặc có thể là một chuyến thăm chính thức hoặc không chính thức. Lời của ĐGM Gallagher cũng có thể hiểu rằng quyết định cuối cùng về chuyến đi sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các bước tiếp theo và giải quyết các vấn đề cụ thể, ví dụ như Đức Giáo Hoàng có thể đặt ra một số vấn đề với Việt Nam, như:

Giáo Hoàng có thể yêu cầu Việt Nam giải trình về việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng cho người dân trong nước.

Giáo Hoàng cũng có thể yêu cầu một diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tôn giáo và chính trị, nhằm thảo luận về việc tìm kiếm sự đồng thuận và giải pháp hòa bình trong bối cảnh đa dạng tôn giáo. Hoặc chính quyền phải có các cuộc đối thoại với mọi tôn giáo như thế sau này.

Mạnh hơn, Giáo Hoàng có thể đặt ra các vấn đề chính quyền Việt Nam phải loại bỏ đàn áp tôn giáo và đảm bảo rằng mọi người có quyền tự do tín ngưỡng và thể hiện tôn giáo theo ý muốn.

Giáo Hoàng là người thường nhấn mạnh giá trị nhân quyền, cho nên Ngài có thể đề cập đến quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và quyền con người nói chung.

Giáo Hoàng sẽ có những cuộc giảng đạo trước con chiên, Ngài chắc sẽ nói đến các giá trị và tư tưởng truyền thống của Thiên Chúa Giáo, về tự do bình đẳng và bác ái. Ngài có lẽ sẽ nhấn mạnh sự hòa hợp và đóng góp tích cực của tôn giáo đối với xã hội.

Những giả định nói trên nếu được Giáo Hoàng nêu ra, không chỉ nhắm vào lợi ích cho tín đồ Công Giáo, mà cho toàn thể các tín đồ các tôn giáo khác, nhất là tu sĩ và tín đồ các giáo hội đang bị chính quyền đàn áp như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hội Thánh Cao Đài Chân Truyền 1926, Hòa Hảo, các Hội Thánh Tin Lành Tây Nguyên, H’Mông không nằm dưới quyền các Tổng Hội Tin Lành miền Bắc, Miền Nam thuộc Mặt Trận Tổ Quốc.

Đàn áp tôn giáo đang là vấn nạn của Việt Nam. Trong những phiên họp định kỳ của Liên Hiệp Quốc về vi phạm nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo, Việt Nam vẫn chỉ hứa suông sẽ thay đổi. Cho tới nay Việt Nam chưa có bước tiến rõ rệt nào về tự do tôn giáo. Hồi cuối năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam trong danh sách Đặc Biệt Theo Dõi SWL về tôn giáo, mặc dù một tháng trước, Việt Nam đã cử một phái đoàn hùng hậu gồm thứ trưởng nội vụ và nhiều tu sĩ quốc doanh sang Hoa Kỳ gặp nhiều quan chức ngoại giao và thủ lãnh tinh thần của nhiều tôn giáo để “giải độc”.

Năm 2015, Đức Giáo Hoàng Francis đã thăm Cuba tiếp theo sau hai vị Giáo Hoàng Jean Paul ll năm 1998 và Benedicto XVI năm 2012.  Trong chuyến đi Cuba, Đức Francis có một mục tiêu có lợi lớn cho Cuba so với hai vị tiền nhiệm khi đến thăm đảo quốc cộng sản có tỷ lệ người theo Công Giáo lên đến 60%, chỉ cách Hoa Kỳ khoảng 200 cây số. Ngài muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Đó là điều chính quyền cộng sản nước này vô cũng mong muốn.

Havana và một số các thành phố khác của Cuba mà Giáo Hoàng  thăm được chỉnh trang, các con đường tại thủ đô được lót gạch lại và các nhà thờ được sơn phết đẹp đẽ trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha,

Tình hình có vẻ lạc quan hơn khi trước cuộc viếng thăm của Ngài, chính quyền Cuba cho biết sẽ ân xá cho 3.522 tù nhân, tương tự như được thực hiện trong chuyến thăm của  hai Giáo hoàng trước đó. 

Trong cuộc thăm viếng, ngoài lời kêu gọi người dân Cuba phục vụ “người dân chứ không phải hệ tư tưởng” đã gây được tiếng vang lớn, nhưng Đức Francis đã không như vị tiền nhiệm John Paul II kêu gọi rõ ràng về “tự do”, hay lên án “chủ nghĩa độc tài”. Đức Francis đã chỉ trích Cuba và viết trong một cuốn sách năm 1998 rằng chế độ “độc tài” và “tham nhũng” của nước này nên bị loại bỏ để ủng hộ một nền dân chủ đại diện. 

Nhưng sau hai tuần kể từ khi Đức Francis rời Cuba, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chuyến thăm của ngài đã dẫn đến bất kỳ thỏa thuận tốt đẹp nào cho giáo hội Công Giáo nói riêng và tình hình tự do tôn giáo nói chung tại Cuba. Cuba không có nhượng bộ mới nào đối với giáo hội. Việc hứa trả tự do cho tù nhân không xảy ra. 

Người ta báo cáo có tới 353 vụ bắt giữ người bất đồng chính kiến quanh chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Chính quyền cũng làm mất mặt Giáo Hoàng khi bắt giữ hai phụ nữ từng chỉ trích chính phủ, mà các quan chức giáo hội đã mời đến gặp Giáo Hoàng. 

Cuối tháng 12/2023, chính phủ Hoa Kỳ vẫn liệt Cuba vào danh sách Các Quốc Gia Đặc Biệt Quan Tâm (Countries of Particular Concern CPC) [3].

Là đại diện cao nhất và uy tín nhất của giáo hội Công Giáo, là một nhà lãnh đạo hàng đầu trong số các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới, việc đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền của Giáo Hoàng không chỉ cho người Công Giáo thuộc Vatican, mà cho tất cả các tôn giáo khác. 

Đi thăm Việt Nam lần này, nếu không tác động được chính quyền Việt Nam trả lại tự do tôn giáo, tôn trọng nhân quyền không chỉ cho đạo Công Giáo trực thuộc Vatican mà phải cho toàn thể các tôn giáo khác, chuyến đi của Giáo Hoàng có lẽ sẽ chỉ để lại hình ảnh và những bài báo ca ngợi sự ưu việt của chế độ công sản, và báo chí nhà nước có dịp đồng ca khen ngợi ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với tài ngoại giao cây tre khôn khéo đã lôi kéo được Giáo Hoàng đến đánh bóng cho chính quyền cộng sản vô thần. Biết đâu, chung cục sẽ chỉ là Tòa Thánh Vatican đã mở rộng vòng tay, nhưng Việt Nam vẫn đóng chặt cửa tự do tôn giáo và nhân quyền?

____________

Tham khảo:

(1) https://vietnamthoibao.org/vntb-duc-giao-hoang-to-y-muon-den-tham-viet-nam/

(2) https://vietnamthoibao.org/vntb-giao-dan-trong-cho-duc-thanh-cha-sang-tham-viet-nam/

(3) https://www.state.gov/countries-of-particular-concern-special-watch-list-countries-entities-of-particular-concern/

https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2015/10/07/what-the-pope-francis-effect-hasnt-delivered-in-cuba/

https://www.newyorker.com/news/news-desk/pope-francis-in-cuba

https://www.theatlantic.com/international/archive/2015/09/pope-francis-visit-castro-cuba/406120/

https://www.cbsnews.com/newyork/news/pope-francis-cuba/

https://www.cnn.com/2015/09/19/world/pope-cuba-open/index.html

Q.N.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn