Bàn một chút về Dân chủ và Pháp quyền!

Phan Thế Hải

Dân chủ là đề tài không mới, thậm chí là cũ, rất cũ nhưng để thấu hiểu nó thì không dễ. Dân chủ đi liền với Nhà nước Pháp quyền. Pháp luật do những người đại diện cho dân soạn thảo ra, thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân để rồi Nhà nước dùng Pháp luật để điều hành quốc gia. Đó là tinh thần cơ bản của Nhà nước pháp quyền.

Điều 1 Hiến pháp năm 1946 do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Nhà nước pháp quyền không phải là một phát minh mới mà là sự tìm tòi gian khổ về sự phát triển và tiến bộ của nhân loại, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu sự hưng thịnh của các quốc gia có thể thấy, để có sự ổn định phát triển lâu dài, chỉ có con đường duy nhất ấy là xây dựng một nền dân chủ và quản trị quốc gia bằng nhà nước Pháp quyền…

Nguyễn Trần Bạt có cách lý giải rất hay: “Dân chủ là một công nghệ giúp con người nhận ra cái sai của mình và sửa sai nhanh nhất. Dân chủ là một thể chế mà ở đó, quyền lực được luân chuyển một cách tự do để nó luôn luôn rơi đúng vào tay những người mà xã hội cần, trong những thời điểm quan trọng, và để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của xã hội.

Nhờ tính chất chuyên nghiệp này của nền dân chủ, các sai lầm chính trị không bị kéo dài, quyền lực được kiểm soát, rủi ro được kiểm soát và xã hội không phải trả giá cho những sai lầm của cá nhân hoặc một lực lượng. Chính vì thế, xây dựng xã hội dân chủ là xây dựng một cơ chế để con người có thể sửa sai một cách dân sự nhất…”

Hồ Chí Minh xác định bản chất dân chủ của Nhà nước VN: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Tư tưởng của người lập quốc là vậy, nhưng nhà nước ngày nay đang có xu hướng xa dân, trở nên quan liêu với dân. Đặc biệt với quan điểm “đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện”, đảng thò tay vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội khiến cho không gian của xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp.

Những sai phạm kéo dài về đất đai ở Thủ Thiêm, Bến Lức và nhiều vụ đại án khác cho thấy sự quan liêu của chính quyền đang là một vấn nạn nhức nhối. Những xáo trộn nhân sự cấp cao ở cung đình nhưng hầu hết những người dân đều đứng ngoài cuộc cho thấy quyền làm chủ của người dân đang bị hạn chế rất nhiều.

Pháp quyền là nền tảng của quản trị quốc gia. Sự trỗi dậy của nhà nước pháp quyền sẽ dẫn đến sự thịnh vượng của đất nước và ngược lại, sự suy tàn của nhà nước pháp quyền sẽ dẫn đến sự hỗn loạn của đất nước.

P.T.H.

Nguồn: FB Phan Thế Hải

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn