Lại câu chuyện về giáo dục (*)

Thái Hạo 

Không muốn nói mấy chuyện này nữa, vì hiện nay nó đã nhiều như rác thành phố, nhưng có nhiều bạn nhắn tin than phiền quá, xin chia sẻ mấy dòng như sau.

Khoảng vài mươi năm nay, cứ cuối năm học là các nhà trường trên khắp cả nước, ngoài lễ tổng kết đã thành truyền thống, thì còn có thêm nội dung "tri ân", phổ biến nhất là "tri ân lớp 12". Và nay thấy có cả "tri ân lớp 5" nữa, nên mọi người bất ngờ thôi.

Để hiểu đúng nội dung của cái lễ này, viết đầy đủ sẽ như sau:

"Lễ tổng kết năm học và lễ tri ân CỦA học sinh lớp x". Cần có chữ CỦA để phản ánh đúng nội dung, nếu không nó sẽ thành ra nghĩa khác.

Như vậy, ở đây có hai nội dung, là lễ tổng kết năm học do nhà trường chủ trì, và hoạt động tri ân đối với nhà trường do học sinh thực hiện. Nhưng do cố viết tắt, viết cho thật ngắn/ gọn nên thành ra méo mó về mặt nghĩa, gây cười một cách thê thảm. 

Nhà trường và giáo viên là nơi dạy chữ cho cả xã hội, nhưng oái oăm thay, hiện nay ở đó tình trạng viết sai tiếng Việt ngày càng trở nên tràn lan một cách đáng báo động. Đó là một thảm cảnh.

Nói thêm về cái hoạt động tri ân này. Đó là những bài phát biểu (thường do chính nhà trường viết sẵn hoặc đã duyệt, sửa) do học sinh (và có khi cả phụ huynh) đọc để cảm ơn nhà trường! Những lời này phần lớn là sướt mướt, sáo rỗng, ba hoa và không thật. Trong lễ tri ân này nhà trường cũng thường tổ chức cho học sinh biểu diễn các tiết mục văn nghệ và tặng hoa, ca ngợi công ơn thầy cô và công lao của nhà trường. Đặc biệt, lễ tri ân sẽ có nội dung học sinh và phụ huynh trao quà cho nhà trường. Quà này có thể là hiện vật hoặc tiền mà trước đó đã bổ đầu học sinh để thu. Mức thu khác nhau giữa các trường và các địa phương, ít thì một vài trăm/em, nhiều thì dăm trăm hoặc hơn nữa.

Tóm lại, là học sinh tri ân nhà trường theo yêu cầu và phân công của nhà trường, nôm na là "Các em phải tri ân thầy và tri ân như thế này, thế này này".

Đã có gần 10 năm ngồi ở những cái lễ tri ân thế này, giờ nghĩ lại còn toát mồ hôi...

À quên, còn một món "tri ân" nữa, đó là ăn cỗ. Sau lễ thường có một bữa tiệc mặn linh đình, thực khách sẽ gồm cả giáo viên nhà trường, quan khách và học sinh, và tiền là do phụ huynh học sinh chi (!).

T.H.

(*) Tựa do BVN đặt 

Tác giả gửi BVN 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn