Về giá sàn bán gạo xuất khẩu

Hoàng Kim

20 June 

TS. Đặng Kim Sơn hiểu biết rất mơ hồ về giá sàn bán gạo xuất khẩu. Nên phát biểu nghe tưởng có lý nhưng trật lất hết trơn.

Muốn nói về giá sàn bán gạo xuất khẩu phải hiểu: Mục đích ấn định giá sàn để làm gì? Ai được lợi khi ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu? Ai thiệt hi? Ai là người được quyền ấn định giá sàn? Hình như TS. Đặng Kim Sơn chẳng hiểu gì về giá sàn bán gạo xuất khẩu cả.

KTSG hỏi về giá sàn xuất khẩu gạo, TS. Đặng Kim Sơn nói về giá sàn thu mua lúa: "Trong chính sách giá sàn, có hai loại thường được áp dụng. Thứ nhất, là chính sách giá mua tối thiểu nhằm đảm bảo lợi ích cho người sản xuất. Đối với ngành hàng lúa gạo, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách này....". Đây là giá sàn mua lúa.

Và loại thứ hai TS. Đặng Kim Sơn cho biết: Trong trường hợp thứ hai, ở những quốc gia có cộng đồng doanh nghiệp mạnh, được tổ chức thành những hiệp hội phát triển, chính những hiệp hội này xác định mức giá sàn bán ra, đảm bảo doanh nghiệp sản xuất, chế biến hay kinh doanh nhận được doanh thu đủ đáp ứng mức giá thành tái sản xuất và mức lợi nhuận nhất định".

Hiệp hội ngành hàng khác thì được, vì họ ấn định giá sàn sản phẩm họ sản xuất, nếu để bán phá giá các doanh nghiệp sẽ lỗ, còn trong mua bán lúa gạo thì doanh nghiệp bán gạo của nông dân chứ không phải của doanh nghiệp, điều này ông TS hình như không biết.

Giá sàn bán gạo xuất khẩu nhằm mục đích cấm doanh nghiệp bán phá giá gạo xuất khẩu, thế mà giao cho doanh nghiệp ấn định thì làm sao cấm doanh nghiệp bán phá giá gạo? Giá sàn bán gạo xuất khẩu mà giao cho doanh nghiệp ấn định thì khác gì doanh nghiệp được quyền vừa đá bóng vừa thổi còi?

Trong các quốc gia xuất khẩu gạo, ngoại trừ Việt Nam, không có bất cứ quốc gia nào giao cho doanh nghiệp ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu cả. TS. Đặng Kim Sơn hãy đưa ra quốc gia nào giao doanh nghiệp ấn định giá sàn xem.

TS. Đặng Kim Sơn nói: "Việt Nam đề ra mục tiêu giữ cho nông dân có mức lợi nhuận tối thiểu 30%, khi giá xuống thấp thì khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ lãi suất để vay vốn mua lúa của nông dân. Thái Lan trong một số giai đoạn thì xác định mức giá sàn và ngân sách trợ cấp để mua lúa trực tiếp hỗ trợ cho nông dân".

Thật tình tôi không thể hiểu nổi! Một vị TS. chuyên gia chính sách lại thản nhiên nói về mức lợi nhuận tối thiểu 30%  mức lời bần cùng hóa nông dân  như là một chính sách hợp lý đối với nông dân thì tệ không còn gì để bàn na. 

Giá thành sản xuất lúa khoảng 3.000 đồng/kg, lợi nhuận 30% là 900 đồng, vậy doanh nghiệp có quyền mua lúa của nông dân giá 3.900 đồng bất chấp giá gạo quy ra lúa trên thị trường thế giới chăng? Xin đừng lừa đảo bằng cách giải thích đó là mức lời tối thiểu doanh nghiệp có thể vì lòng thương hại nên mua cho nông dân giá cao hơn mức 30%.

TS. Đặng Kim Sơn mắc căn bệnh chung của các chuyên gia chính sách là lẫn lộn giữa kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng XHCN, khi có lợi cho lập luận của mình thì dùng kinh tế thị trường tư bản, mà thực tế nền nông nghiệp hiện nay theo kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mà hình như kinh tế thị trường định hướng XHCN toàn hướng mặt xấu về phía nông dân.

H.K.

Nguồn: FB Nông Dân Hoàng Kim

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn