Nước ở châu thổ Cửu Long

Hồ Phương Trinh

10.07.2024 

(VNTB) – Khắp các vùng “ngọt hóa” không thấy chỗ nào giữ nước ngọt để thế cho nước lợ bị chặn dòng, nên đồng khô rạch cạn là tất yếu!

Nước ngọt, nước mặn, nước lợ

Đồng bằng sông Cửu Long từ khi được khai phá đến nay đã là vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá của cả nước. Lúa, tôm, cá, trái cây của châu thổ Cửu Long hiện nay là hàng hóa xuất khẩu quan trọng.

Nước là yếu tố quan trọng nhứt trong sản xuất nông nghiệp: nước, phân, cần, giống. Nước cho người và gia súc uống, nước để trồng lúa nước, nước để tưới cây trái, nước để nuôi tôm cá. Hệ thống sông, kinh, rạch chằng chịt chính là mạch máu nuôi sống đồng bằng sông Cửu Long.

Vài chục năm gần đây ai cũng nghe biết về “biến đổi khí hậu” và “nước biển dâng”. Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến nguồn nước Cửu Long đều quy về do biến đổi khí hậu, do nước biển dâng. Các công trình thủy lợi ngăn mặn (biển) và ngăn lũ (sông) cũng là để đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Có thật vậy không?

Nhắc sơ lại về địa lý: đồng bằng sông Cửu Long có cao độ 1-2 m so với mặt nước biển. Độ cao ở đầu nguồn (biên giới, nơi hai nhánh sông Cửu Long chảy vào đất Việt) cao hơn ở vùng ven biển (vùng cửa sông)

Mặn xâm nhập 

Mùa kiệt nước biển theo sông chảy ngược lên nguồn, nước sông pha nước biển thành nước lợ và nước lợ từ sông chảy vào các nhánh kinh rạch… làm cả  lưu vực của các nhánh kinh rạch đó đều lợ. Chuyện nước lợ là xưa đã vậy chứ không phải mới bây giờ. Bây giờ khác hơn xưa là dòng chảy sông yếu hơn nên nước lợ lên xa biển hơn hồi xưa nhiều, và theo dự báo thì càng ngày nước lợ sẽ xâm nhập sâu hơn, cách biển hơn trăm cây số.

Càng ngược lên xa biển, sâu vào đất liền thì độ mặn của nước sông càng ít (đương nhiên), và thời gian nước lợ càng ngắn. Nhưng dù xa hay gần biển thì mùa nước lợ, nước mặn chỉ dài từ ba đến sáu tháng. Xa biển thì nước bị lợ một, hai, ba tháng, sát cửa biển hay cù lao gần cửa biển thì bị lợ sáu tháng.

Vậy tóm tắt lại là “biến đổi khí hậu” làm nước lợ tiến sâu hơn về phía nguồn trong ba tháng mùa kiệt, sau đó, mùa nước đổ thì nước ngọt lại. Người vùng khác nghe “xâm nhập mặn” tưởng là bị “xâm nhập” thì mặn luôn quanh năm, là hiểu lầm rất lớn.

Nước biển dâng 

Cho đến nay chưa có vùng nào ở đồng bằng bị ngập do nước biển dâng, dù gần hay xa biển. Các đê biển hiện có là để ngăn nước mặn chứ không phải ngăn nước biển ngập. Mực nước ngoài đê biển không cao hơn nước trong đồng, và các công trình thủy lợi ngăn mặn như cống đập Ba Lai, đập Cái Lớn Cái Bé, hệ thống cống đập vùng ngọt hóa Gò Công, ngọt hóa bán đảo Cà Mau đều để ngăn mặn chứ không chống được nước biển dâng. Nếu nước biển dâng như dự kiến, đến năm 2100 dâng lên cao 1 mét so với hiện nay  thì các công trình thủy lợi này cũng sẽ ngập trong nước biển.

Hiện nay nước ngập do thủy triều thì qua con nước là rút, đó không phải là nước biển dâng. Mùa nước kiệt (tháng 1-3) mà nước triều ngập đường phố Mỹ Tho  trong khi hiện nay giữa mùa mưa, triều vẫn cường mỗi tháng hai lần mà không ngập. Đều là do làm thủy lợi sai.

Vậy đồng bằng có thiếu nước không? Hiện nay thì chưa thiếu nước. Vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp đang làm lúa ba vụ. Thiếu nước thì sao làm ba vụ lúa nước được. Lúa nước là cây trồng cần rất rất nhiều nước. Đâu đó ở Cà Mau người ta trồng sầu riêng, được báo Cà Mau ca ngợi. Cả vùng Cai Lậy, Cái Bè hiện nay dân tình đua nhau lên vườn trồng sầu riêng. Giá đất có cây sầu riêng mới trồng đang cao ngất. Sầu riêng là cây cần nhiều nước, nhạy cảm với nước lợ. Thiếu nước sao trồng sầu riêng được?

Sông Tiền sông Hậu mùa kiệt nước vẫn nhiều, vẫn chảy, chưa một ngày cạn nước.

Vậy tháng Ba tháng Tư người ta “la làng” hạn mặn, thiếu nước là do đâu?

Đồng khô rạch cạn 

Như đã nói ở bài trước, hệ thống sông, kinh, rạch chằng chịt là mạch máu nuôi sống đồng bằng. Dòng sông chính, gọi là sông Cái có nhiều nhánh tự nhiên, là rạch dẫn nước sâu vô đồng, sông đào thì gọi là kinh, cũng dẫn nước vô đồng.

Khi xưa mới khai phá thì người ta định cư theo mé sông, mé rạch và khai thác đất dọc theo sông, rạch. Các đô thị miền Cửu Long đều nằm bên bờ sông lớn. Vùng tứ giác Long  Xuyên, Đồng Tháp Mười, Hậu Giang (hữu ngạn sông Hậu, đi về phía Cà Mau) xa sông lớn thì sau khi có hệ thống kinh đào dẫn nước từ sông Cái vào mới khai thác được.

Nước sông theo kinh rạch vào ruộng đồng vườn cây nuôi sống đồng bằng. Mùa nước lợ thì nước kinh rạch vào đồng cũng lợ. Nước lợ 3-6 tháng tùy nơi xa hay gần biển. Ngày xưa vùng lợ nếu trồng cây lâu năm thì người ta trồng dừa là cây thích hợp với nước lợ. Nếu trồng lúa hoặc rau màu thì chỉ trồng mùa nước ngọt, mùa nước lợ thì nuôi hoặc khai thác thủy sản nước lợ, nước mặn: tôm, cua biển, nghêu, sò, cá kèo, v.v. Hiện nay gạo ST 21, 22, 24… nổi tiếng là được trồng trên đất một vụ lúa một vụ tôm. Mùa ngọt thì ngọt, mùa lợ thì lợ, đất không bị ảnh hưởng “nhiễm mặn” như nhiều người lầm tưởng.

Các dự án “ngọt hóa” là để triệt bỏ nước lợ, mục đích ưu tiên trồng lúa. Mà trồng lúa thì lợi ích cũng đâu có nhiều, có lẽ để lấy thành tích xuất khẩu chăng? Hiện nay giá lúa nông dân bán từ 7,5 - 8 ngàn/ký, vậy 8 triệu một tấn. Bán một tấn lúa mua được nửa cái Iphone mà tốn biết bao nước, xài biết bao phân hóa học, thuốc trừ sâu, thải ra môi trường biết bao chất độc, chưa kể là làm hao mòn đất.

Các dự án ngọt hóa nói hay lắm: ngăn mặn, giữ ngọt. Để ngăn nước lợ vào đồng thì phải xây cống, đập bịt đường kinh rạch từ sông cái chảy vào đồng. Bịt các đầu kinh rạch này thì nước sông lợ không chảy vào đồng được, đạt mục đích ngăn mặn.

Nhưng các con kinh rạch  mạch máu của vườn ruộng nhận nước từ sông. Chặn nước sông thì tự nhiên là các kinh rạch này sẽ cạn nước. Vì không có nước sông vào bên đồng cạn khô, kinh rạch cạn trơ đáy. Bờ kinh rạch khô nứt, mà đất đó thì xốp chứ không cứng,nên gây ra lở bờ kinh rạch. Đồng khô kinh khô cũng làm cho phèn từ các lớp đất dưới xì lên trên mặt, mà khi có nước thì bùn và nước chặn phèn lại.

Muốn “giữ ngọt” thì phải có nước ngọt mới giữ được chứ! Khắp các vùng “ngọt hóa” không thấy chỗ nào giữ nước ngọt để thế cho nước lợ bị chặn dòng, nên đồng khô rạch cạn là tất yếu!

Mùa hạn vừa qua, tháng 3-2024, kinh rạch vùng ngọt hóa Gò Công cạn khô, xì phèn, dân thiếu nước là do thủy lợi sai, ngăn mặn mà không có ngọt để giữ, hậu quả ai cũng đã thấy rồi: một xứ Gò Công nháo nhác vì thiếu nước mặn lẫn nước ngọt.

Vùng U Minh thượng bị lở đất sụp đường cũng là do cạn khô nước mặn, lợ mà không có nước ngọt trám vào!

Nếu để tự nhiên thì cũng như xưa giờ, mặn xài mặn, lợ xài lợ, ngọt xài ngọt, kinh rạch bình yên không phải chịu cảnh trơ đáy xì phèn.

H.P.T.

VNTB gửi BVN 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn