Trung Quốc chuẩn bị trường kỳ thương chiến

James Palmer, “China Prepares to Endure a Trade War”, Foreign Policy, 08/04/2025.

Tạ Kiều Trang biên dịch

Sau một tuần căng thẳng, diễn biến tiếp theo sẽ là gì?

Bắc Kinh đứng trước thế lưỡng nan chiến lược trong thương mại

Nhà Trắng tuyên bố thuế suất đối với hàng hoá Trung Quốc, với tổng mức lên tới 104%, chính thức có hiệu lực sau khi Bắc Kinh từ chối dỡ bỏ thuế quan trả đũa, vốn được Trung Quốc đưa ra sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước và ngay cả sau khi Trump tiếp tục đe dọa áp thêm 50% thuế trả đũa.

Bắc Kinh cam kết sẽ có biện pháp cứng rắn để đáp trả, gọi động thái của Trump là “sai lầm nối tiếp sai lầm” và tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”.

Nhưng cuộc chiến thương mại leo thang đã đặt Trung Quốc vào tình thế lưỡng nan chiến lược, mọi lựa chọn đều tiềm ẩn nguy cơ và tổn thất. Giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc đã mắc chung một sai lầm với nhiều người trong các tổ chức ở Mỹ: Họ nghĩ nhiệm kỳ hai của Trump sẽ giống nhiệm kỳ đầu, mà không nhận ra các khuôn khổ đã bị phá vỡ.

Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu căng thẳng trong thương mại với Mỹ, như thể hai tay súng đang thách đấu nhau giữa ban trưa. Nhưng thay vì bắn thẳng vào mục tiêu, Trump lại ném thuốc nổ trước. Đây chính là vấn đề với Bắc Kinh: Mỹ đang gây thiệt hại cho các nước ngoài cuộc hoặc đồng minh – nhưng cũng có thể thổi bay cả Trung Quốc theo vụ nổ.

Nếu áp dụng mức thuế trên một cách triệt để, viễn cảnh này sẽ chẳng có lợi cho ai cả. Sau khi thất bại trong việc kích cầu tiêu dùng nội địa hậu đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Dù các mặt hàng đã tìm được đến những thị trường mới trên thế giới, nhưng nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái – một điều hoàn toàn có thể xảy ra – những thị trường đó cũng sẽ bị thu hẹp lại.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Trung Quốc lại ít phụ thuộc vào Mỹ hơn so với Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể tìm được nguồn cung thay thế cho hầu hết mọi thứ mà họ nhập khẩu từ Mỹ, nhất là khi có nhiều nhà cung cấp muốn đa dạng hóa thị trường để đối phó với một Washington không đáng tin cậy.

Vậy diễn biến tiếp theo sẽ là gì? Kịch bản lạc quan nhất – cả hai bên thương lượng để trở lại nguyên trạng trước xung đột (status quo ante) hoặc gần giống như vậy – sẽ cần đến thuật ngoại giao và những lời tán tụng. Một kịch bản tương tự đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của Trump, trong đó một thỏa thuận thương mại đã được ký kết vào tháng 1 năm 2020 – dẫu phần lớn thỏa thuận này chưa được thực hiện, một phần do đại dịch. Đây chính là kịch bản mà Trung Quốc mong muốn.

Tuy nhiên, ông Trump dường như không chấp nhận bất kỳ điều khoản nào nếu đó không phải là một thỉnh cầu – và ngôn từ của Nhà Trắng gần như không cho Bắc Kinh cơ hội nào để rút lui mà không gặp phải tổn thất chính trị trong nước. Chẳng hạn như, lúc Trump gợi ý rằng Trung Quốc “muốn đạt được một thỏa thuận”, khả năng Trung Quốc làm vậy càng thấp hơn.

Quan chức Trung Quốc vốn đã quen với việc chiều theo cái tôi của các nhà lãnh đạo – đây là một kỹ năng thiết yếu khi giao thiệp với Trump. Nhưng hiện nay đang là cuộc đọ sức giữa Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; các nhà phân tích Trung Quốc sẽ khó đề xuất được bất kỳ phương án nào nếu chúng có thể làm phương hại tới ông Tập. Một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc vừa bị đóng cửa, một phần là do đã có một nhà nghiên cứu chỉ trích cách đáp trả của Bắc Kinh trước những tuyên bố đầu tiên của Trump.

Trung Quốc đã phản ứng cứng rắn trước tuyên bố vào ngày 2 tháng 4 của ông Trump – không chỉ áp thuế trả đũa 34% lên hàng hóa Mỹ mà còn mở hàng loạt cuộc điều tra nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, đưa một số công ty Mỹ vào danh sách “các đơn vị không đáng tin cậy”, đồng thời áp đặt thêm các biện pháp siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với đất hiếm.

Những biện pháp đe dọa và trừng phạt như trên nhiều khả năng sẽ là phản ứng trước mắt. Thương chiến thực chất là cuộc thi xem bên nào có sức chịu đựng tổn thất lâu hơn. Xét về mặt kinh tế, nước Mỹ, trước thời điểm ông Trump tái đắc cử, vận hành tốt hơn Trung Quốc khá nhiều. Thế nhưng, người dân Trung Quốc có lẽ sẽ chịu được thiệt hại của một cuộc chiến thương mại tốt hơn một nước Mỹ phân cực, nơi mà thuế quan cũng không được đa số ủng hộ.

Một kịch bản leo thang ở mức độ nghiêm trọng là Trung Quốc có thể bắt giữ con tin, một biện pháp từng được áp dụng và gây nhiều tiếng vang nhất sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của Huawei. Biện pháp này nhiều khả năng sẽ ở dưới hình thức lệnh cấm xuất cảnh đối với các doanh nhân Mỹ đang cư trú hoặc đến thăm Trung Quốc thay vì bắt giữ họ. Một kịch bản khác là Trung Quốc sẽ thể hiện thái độ hung hăng hơn ở khu vực Biển Đông hoặc với Đài Loan nhằm thách thức Mỹ.

Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài qua tuần này, Trung Quốc cũng có thể sẽ khuyến khích cả nước tẩy chay hàng Mỹ – một biện pháp trước đây từng được triển khai để chống lại một số quốc gia như Hàn Quốc. Kịch bản xấu nhất là khi cơn phẫn nộ của công chúng chuyển sang nhắm vào các “mục tiêu Mỹ” theo những phương thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng không hoàn toàn kiểm soát được, tương tự như những gì đã xảy ra trong các cuộc biểu tình chống Nhật năm 2012, khi đó đám đông tấn công trường học và phá hoại các cửa hàng ăn.

Trung Quốc cũng có thể tìm cách trừng phạt một số nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam, là những nước đang chạy đua để ký kết thỏa thuận với Mỹ bằng cách đề xuất mua thêm trang thiết bị an ninh của Mỹ. Dù vậy, kịch bản này khó xảy ra, bởi giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xem thuế quan của Trump là cơ hội để kéo các nước này lại gần Bắc Kinh hơn, lợi dụng tâm lý bất ngờ và bất bình từ phía họ.

Ngay cả khi thương chiến có leo thang hơn nữa, tôi cho rằng Trung Quốc vẫn đang nghiêm túc cân nhắc các cách thức nhằm “mua chuộc” ông Trump, người thân hoặc những người mà họ cho là có thể ảnh hưởng đến chính quyền Trump. Giới chức Bắc Kinh vốn có kinh nghiệm giao thiệp với tầng lớp tinh hoa tham nhũng, dù thường với quy mô nhỏ hơn.

Phương án tiếp cận này có thể ở dưới hình thức các khoản chi trả trực tiếp hoặc điều khoản ưu đãi cho các công ty có liên hệ với ông Trump, nhất là khi chính quyền Mỹ đã tuyên bố họ không còn thực thi các đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài nữa.

J.P.

Nguồn: Nghiencuuquocte.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn