Để nhà nước không phải “gặm xương”

Trong không khí đổi mới tư duy, Nghị quyết 68 của Trung ương mở ra cánh cửa lớn cho kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng quốc gia. Khuyến khích tư nhân là chính sách đúng đắn. Nhưng không thể lấy "giấc mơ lớn" làm bằng chứng cho năng lực. Họ cần được thử thách qua các tuyến nhỏ, phân đoạn độc lập, hợp tác minh bạch. Và quan trọng nhất: họ phải sẵn sàng chịu lỗ bằng tài sản thật, không phải chỉ bằng lời hứa.

Có thể là hình ảnh về 2 người, tàu hỏa và văn bản

1- Tư nhân không phải “Nhà nước khác”

Kinh tế tư nhân, xét về bản chất, là sự kết tinh giữa tư lợi và rủi ro. Tư nhân làm tốt vì họ biết kiếm lợi và biết sợ mất tiền. Họ khôn ngoan vì buộc phải sống sót trong thị trường. Họ sáng tạo vì phải cạnh tranh. Và họ linh hoạt vì không bị ràng buộc vào máy móc hành chính. Nhưng điều đó chỉ đúng trong giới hạn: họ chỉ làm điều có lợi và né điều quá rủi ro – hoặc đùn đẩy rủi ro nếu có thể.

Tư nhân không sinh ra để “phục vụ cộng đồng” như một sứ mệnh hiển nhiên. Họ phục vụ lợi ích xã hội chỉ khi điều đó trùng khớp với lợi ích cá nhân. Đây là điều Adam Smith đã chỉ ra – bàn tay vô hình điều tiết xã hội thông qua tư lợi. Nhưng điều đó không có nghĩa ta có thể giao toàn quyền trong những lĩnh vực mà rủi ro xã hội cao hơn lợi ích cá nhân.

Lịch sử tư bản phương Tây đầy rẫy bài học: khi có lợi – họ đầu tư, cải tiến, tạo ra việc làm, nhưng khi rủi ro vượt ngưỡng – họ thanh lý, sa thải, rút lui. Cái gọi là “trách nhiệm xã hội” chỉ có khi doanh nghiệp có lãi và cần hình ảnh – còn khi lỗ, họ chỉ chịu trách nhiệm đóng cửa đúng thủ tục. Không hơn.

2- Không thể phó thác hạ tầng quốc gia cho những tay chơi cơ hội

Khi một doanh nghiệp tư nhân tuyên bố muốn đầu tư vào các dự án trăm nghìn tỷ kéo dài hàng chục năm, điều đầu tiên không phải là vỗ tay hoan nghênh, mà là đặt ra ba câu hỏi thiết yếu:

1. Doanh nghiệp đó đã từng làm dự án nào tương tự chưa?

2. Họ có tài sản nào đủ lớn để chịu trách nhiệm nếu thất bại?

3. Nếu thua lỗ, họ có sẵn sàng tiếp tục gánh vác, hay sẽ rút lui, để lại công trình dở dang và gánh nặng cho ngân sách?

Nếu câu trả lời là “chưa từng”, “không rõ” và “khó nói trước” – thì đó không phải là doanh nghiệp để đặt cược vào những công trình như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành hay hạ tầng viễn thông quốc gia.

Tư nhân có thể là đối tác, là nhà thầu, là người đồng hành. Nhưng tư nhân không thể là chủ trò nếu chưa qua thử thách thực tế, chưa có lịch sử thành công trong các dự án tương đương. Đặt cược vào họ không phải là phát triển, mà là thí nghiệm ngân sách bằng giấc mơ giấy.

3- Khát vọng không thể thay thế cho năng lực

Tư nhân sẽ làm metro nếu đó là tuyến nội đô sinh lời. Họ sẽ làm mạng di động nếu đó là khu vực đông dân, thu nhập cao. Họ sẽ làm hạ tầng nếu có sẵn nguồn thu để hoàn vốn nhanh. Nhưng họ sẽ né những nơi xa, ít dân, lãi mỏng hoặc lỗ chắc. Nếu không có chính sách hỗ trợ – họ không làm.

Đó là lý do ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhà nước phải đứng ra lo phần còn lại: cầu ở vùng sâu, ga metro nối khu dân nghèo, mạng viễn thông phủ sóng biên giới, hạ tầng mở rộng vào vùng yếu thế v.v. Đây là phần "xương" của công cuộc phát triển, nơi mà tư nhân không chạm tới – hoặc chạm tới là để… rút lui khi hết lợi.

Vì thế, khi một doanh nghiệp chưa từng làm hạ tầng, chưa từng huy động vốn quốc tế, nhưng đề xuất dự án 60 tỷ USD kèm theo điều kiện: nhà nước bảo lãnh, hỗ trợ lãi vay 30 năm – thì đó không phải là đầu tư. Đó là một canh bạc tài khóa, mà người chịu rủi ro không phải là họ – mà là ngân sách, là người dân.

Trong mọi nền kinh tế, nguyên tắc tối thiểu là: tiền của ai, người đó phải quản lý. Nếu nhà nước rót vốn, thì nhà nước phải có quyền kiểm soát, đánh giá hiệu quả, lựa chọn đối tác. Không thể để một doanh nghiệp “môi giới rủi ro”, đứng giữa để hưởng phần chênh, trong khi bản thân không đủ tài sản lẫn uy tín để gánh trách nhiệm nếu dự án trật bánh.

Nếu không, họ sẽ chỉ là người đến ăn tiệc khi mâm cơm đã dọn sẵn, và rút lui khi món chính không hợp khẩu vị. Còn phần dọn dẹp hậu quả – như thường lệ – lại là việc của Nhà nước và Nhân dân.

Nguồn: FB Chính trị Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn