Ba đề xuất về kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nguyễn Ngọc Chu 

Đã vài lần viết về đề thi và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Định không đề cập gì đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Nhưng rồi cũng cần phải góp ý. Có nhiều điều, nhưng chỉ đề cập ngắn gọn về 3 vấn đề. Tiếp nhận thế nào là quyền của người có trách nhiệm. 

1. Không gộp nhiều mục tiêu trong một đề thi ngắn 

Đề Toán năm nay cho thấy một “nhược điểm” trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT. “Nhược điểm” này cần được khắc phục, nếu không, sẽ tiếp tục xuất hiện “dị tật” trong các năm tiếp theo. Đó là: “KHÔNG GỘP NHIỀU MỤC TIÊU TRONG MỘT ĐỀ THI TOÁN 90 PHÚT”. 

Không thể lấy mục tiêu “PHÂN LOẠI HỌC SINH CAO” để làm số đông bị điểm thấp. Bị điểm dưới trung bình là điều nên tránh, nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bị điểm 1234 về Toán do ra đề khó (vì mục tiêu phân loại) một cách vô tình đã làm cho học sinh hiểu không đúng về khả năng của chính mình, dấy lên sự tự ti, không phấn chấn với con đường học tập, và tệ hơn nữa là cảm giác bị hạ nhục. Ra đề phải đúng với năng lực số đông, phục vụ đúng mục đích, chứ không phải ra đề thật khó mà chỉ rất ít người đạt được điểm giỏi, phục vụ sai mục đích.

Đề thi Toán cho mục tiêu “Tốt nghiệp THPT” thì chỉ để phục vụ cho mục tiêu “Tốt nghiệp THPT”. Nghĩa là phục vụ số đông đủ năng lực tốt nghiệp THPT. Cho nên, tuyệt đại đa số các em dự thi phải đạt được điểm trên trung bình, khá và giỏi.

Nếu có nhiều mục tiêu, thì phải có nhiều loại đề tương ứng.

2. Đề thi phải bám vào thời cuộc hiện tại 

Đề thi văn cho thấy sự “cầm tù của quá khứ”. 

Hiện tại có bao nhiêu vấn đề thời sự đầy thách thức, không lý gì cứ bám mãi vào đề tài chống Mỹ lùi vào quá khứ đã hơn 50 năm. Không phải quên quá khứ. Mà không theo kịp thực tiễn. Sống bằng quá khứ phần lớn là bởi sự già nua, là do sự nghèo nàn của hiện tại. 

Ở mặt khác, dẫu không cố ý, nhưng đề ra hoàn toàn không có lợi cho quan hệ bang giao hiện tại. Nếu trong đề văn câu “Lê và Sơn là pháo thủ trong thời kỳ chống Trung Quốc bảo vệ biên giới” thì chắc chắn đề đã không được chọn và cũng không được duyệt.

Đề thi Văn phải bám sát vào thời cuộc vươn mình của dân tộc, trong sự biến động không ngừng của thế giới. Không xới lại những vết thương trong quá khứ.

3. Cách mạng thi cử 

Nên bỏ kỳ thi “Tốt nghiệp THPT”. 

Rất nhiều nước đã bỏ kỳ thi “Tốt nghiệp THPT”. Trong số đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Nauy cùng nhiều quốc gia khác. 

Trong thời đại công nghệ tiến bộ vượt trội, kiến thức phổ thông của học sinh cùng lứa tuổi đạt ở mức cao hơn nhiều so với thế kỷ trước. Phổ cập phổ thông là điều tất yếu.

a/ Nếu muốn đầu vào đại học không bị thấp (ảnh hưởng bởi quyền tự tuyển sinh của các trường), thì tổ chức KỲ THI ĐẠI HỌC TOÀN QUỐC như Nhật Bản và Trung Quốc.

+ Nhật Bản có “Kỳ thi chung để vào đại học”. Nhưng kỳ thi này chỉ là bước thứ nhất. Bước thứ hai là phỏng vấn và/hoặc thi riêng từng trường.

Trong “Kỳ thi chung để vào đại học” thì môn Toán có hai loại đề:

• Toán I: cơ bản, dành cho hầu hết thí sinh.

• Toán II: nâng cao, dành cho học sinh muốn vào khối kỹ thuật, khoa học.

Điểm số:

• Tính theo thang điểm 100 (mỗi bài thi).

• Các trường có yêu cầu điểm khác nhau:

 Ví dụ: đại học văn học có thể chỉ yêu cầu Toán I, điểm 50/100 là đủ.

 Đại học công nghệ hoặc y khoa cần Toán II, yêu cầu từ 70-90/100 trở lên.

+ Kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc (Gaokao) của Trung Quốc, môn Toán là bắt buộc cho tất cả thí sinh. 

• Có hai loại đề:

Toán khối Tự nhiên: cho học sinh khối KHTN (Lý - Hóa - Sinh).

Toán khối Xã hội: cho học sinh khối KHXH (Sử - Địa - Chính trị).

Thời gian thi trong khoảng 120 -150 phút.

Đề thi:

• Được soạn riêng theo hai khối, mang tính phân loại cao.

• Có sự khác biệt rõ ràng về độ khó, trong đó Toán khối Tự nhiên nâng cao hơn.

Điểm số:

• Tính theo thang điểm 150.

• Các ngành xã hội thường chỉ yêu cầu điểm Toán từ 90-100/150 là đủ.

• Các ngành kỹ thuật, CNTT, Y khoa thường yêu cầu >120/150.

b/ Nếu muốn kết hợp giữa tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học trong một kỳ thi thì phải phân đề thi theo chuyên ngành như Pháp và Đức.

Với Pháp, Baccalauréat là thi tốt nghiệp THPT nhưng cũng dùng làm cơ sở để xét tuyển đại học (nếu đậu Bac thì được quyền nộp hồ sơ vào đại học công lập). Từ 2021, học sinh chọn chuyên ngành để thi tốt nghiệp THPT. Học sinh không phải thi Toán nếu không chọn ngành Toán.

Kỳ thi Abitur của Đức, phục vụ mục tiêu tốt nghiệp THPT và phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh đại học, thì đề thi cũng phân loại. Đề thi Toán được phân 2 cấp độ để lựa chọn

- Toán cơ bản: dành cho học sinh thiên về khối xã hội, nhân văn.

- Toán nâng cao: dành cho học sinh định hướng kỹ thuật, kinh tế, khoa học, v.v.

Mỗi cấp độ có đề thi riêng, được chia làm 2 phần:

- Phần A: không dùng tài liệu, kiểm tra kỹ năng cơ bản.

- Phần B: có thể dùng tài liệu (máy tính, bảng công thức...), kiểm tra ứng dụng.

Học sinh chỉ cần đạt 5 điểm trên thang điểm tối đa 15 là đậu tốt nghiệp. Học sinh các ngành xã hội không nhất thiết bắt buộc phải có điểm toán cơ bản. Ngành kỹ thuật và Y yêu cầu điểm Toán nâng cao.

Thời gian thi toán (tuỳ thuộc bang) trong khoảng 3-6 giờ.

c/ Để các trường đại học tự tuyển sinh 

Cách mạng hơn nữa là không tổ chức cuộc thi toàn quốc nào cả. Các trường THPT tự cấp bằng tốt nghiệp. Các trường đại học tự tuyển sinh. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên và điển hình nhất áp dụng hệ thống giáo dục phân quyền:

• Trường trung học phổ thông tại Mỹ tự cấp bằng tốt nghiệp (High School Diploma). Không có một kỳ thi quốc gia bắt buộc như ở các nước khác.

• Các trường đại học Mỹ tự chủ tuyển sinh: Họ có hệ thống xét tuyển riêng (dựa trên GPA, bài luận, SAT/ACT, hoạt động ngoại khóa...), không phụ thuộc vào một kỳ thi tuyển sinh chung của cả nước.

Đây là đặc trưng lâu đời trong hệ thống giáo dục Mỹ, có từ thế kỷ 19, phản ánh triết lý "giáo dục là trách nhiệm của từng bang và từng cộng đồng địa phương".

Còn “choáng váng” hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một Sắc lệnh Hành pháp vào ngày 20 tháng 3 năm 2025, chỉ đạo Bộ trưởng Giáo dục (Linda McMahon) bắt đầu quá trình giải thể Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (U.S. Department of Education). Nội dung chính của sắc lệnh:

• “Thúc đẩy sự đóng cửa”: khởi động việc giải thể Bộ Giáo dục, đồng thời chuyển trả quyền giáo dục về cho các bang và cộng đồng địa phương.

• Bảo đảm chương trình trọng yếu – như học bổng Pell, hỗ trợ học sinh khuyết tật, cho vay sinh viên… sẽ vẫn được duy trì, nhưng được điều phối qua các cơ quan liên bang khác.

Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên. Khi giáo viên chưa được khai phóng, bị ràng buộc bài giảng trong khuôn mẫu, thì sẽ không có sự đột phá về sáng tạo, không thể bắt kịp những đổi thay của tiến bộ công nghệ. Giáo dục khai phóng, trước hết là trả lại quyền tự do sáng tạo trong giáo dục cho giáo viên.

Càng phân quyền tự chủ, giáo dục càng có cơ hội cải thiện chất lượng và giảm thiểu các dị tật. 

Để các trường THPT tự cấp bằng tốt nghiệp chính là bước đi phân quyền của Bộ GD&ĐT cho cấp dưới.

Vấn đề là Bộ GD&ĐT đã sẵn sàng phân quyền chưa?

N.N.C.

Tác giả gửi BVN 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn