Cha mẹ dạy Ngữ văn cho con…

Thái Hạo 

Chúng ta, những người làm cha làm mẹ (giả sử không phải người có chuyên môn), có thể “dạy” môn Ngữ văn ở nhà cho con mình hay không? Tôi cho là có. Vậy dạy bằng cách nào?

1. Đầu tiên là phải thay đổi quan niệm về môn học này. Ngữ văn không chỉ là một môn học về tác phẩm văn chương, hiểu như thế không những hẹp mà có khi còn sai lầm. 

Trong giáo dục hiện đại, đặc biệt là các nền giáo dục tiên tiến (như Phần Lan, Canada, Singapore, Nhật Bản…), Ngữ văn (Language Arts / Language & Literature) không chỉ là môn học về văn học mà còn là môn học phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ trong các hoạt động đọc, viết, nói, nghe – nhằm mục tiêu giao tiếp, tư duy và hành động. Tư duy phản biện, năng lực lập luận, sáng tạo ngôn ngữ, khả năng diễn đạt bản thân và tương tác xã hội trở thành những trục chính của chương trình ở các nước này.

Việc tiếp xúc với văn học, trong quan điểm này, không phải là mục đích tự thân mà là một phương tiện giúp học sinh hình thành năng lực đọc hiểu sâu sắc, nuôi dưỡng cảm xúc và phát triển nhân cách qua sự gặp gỡ các giá trị sống. Vì vậy, việc thuộc nhiều thơ văn không còn là tiêu chí chính để đánh giá năng lực Ngữ văn, mà thay vào đó là khả năng sử dụng ngôn ngữ để phân tích, biểu đạt, tranh luận và sáng tạo.

Tóm lại, Ngữ văn Tiếng Việt, cần được hiểu là môn học tiếng Việt (trong đó có tiếng Việt văn học, chứ không phải chỉ văn học – càng không nên lấy tri thức văn học làm đích đến – nó cũng chỉ là phương tiện cho một mục đích thực tế và sâu sắc hơn: năng lực sống – bằng ngôn ngữ). Mà dạy tiếng Việt cũng không phải chỉ là dạy các cấu trúc cú pháp, biện pháp tu từ, phong cách văn bản…, như các kiến thức hàn lâm khô cứng. Dạy tiếng Việt là dạy trẻ biết nghe, biết nói (trình bày, thuyết trình, tranh luận..), biết đọc, biết viết.

Tuy nhiên hiện nay, như tôi quan sát, cả trong dân chúng lẫn nhà trường, môn Ngữ văn vẫn còn bị hiểu là môn học về văn học: phân tích, cảm nhận, bình giá… một tác phẩm thơ văn nào đó. Điều ấy thật tai hại.

2. Khi đã “quan niệm lại” về môn học Ngữ văn như trên, thì tôi nghĩ cha mẹ nào cũng dạy được cho con.

Đầu tiên, dạy cho con nói. Người Việt nói rất kém, ngay cả những người làm việc nói trước đám đông như các quan chức lãnh đạo, họ cũng cắm cúi nhìn vào giấy mà đọc chứ không thoát ly được. Nói cũng không phải là học thuộc văn bản viết rồi lên bục mà “phát lại”. Học sinh Việt Nam cơ bản không được dạy nói, chỉ có những giao tiếp “nhát gừng” hằng ngày, lên trường thì ngồi im nghe cô giáo giảng bài, năm thì mười họa mới được hỏi đến một câu chiếu lệ. Thành ra, dù đi học suốt 12 năm nhưng học sinh rất nhút nhát, không thể đứng trước đám đông mà trình bày một bài nói sao cho chặt chẽ, hùng biện, hấp dẫn, thuyết phục. Nhìn chung là á khẩu. Không nói học sinh, những người chuyên làm “nghề nói" như thầy cô giáo, nhưng khi ra một không gian khác ngoài lớp học, họ cũng thường lúng túng và tắc.

Vì thế, để phát triển năng lực ngữ văn, ở nhà hãy để trẻ được nói, được trình bày suy nghĩ, được kể chuyện, được tranh luận với cha mẹ. Kiên nhẫn lắng nghe con nói cũng là một cách gián tiếp dạy con cách nghe, đồng thời tạo được cho các cháu sự tự tin bởi lòng tôn trọng của người lớn. Khêu gợi cho con nói, như hỏi con hôm nay ở trường có gì vui, có chuyện gì đặc biệt, cùng xem xem ti vi và đặt cho nhau những câu hỏi để cùng tranh luận… Đó chính là đang dạy môn Ngữ văn.

Năng lực không đến một cách đơn giản bằng con đường học thuộc lý thuyết, năng lực ngôn ngữ (tổng hợp) cũng không đến bằng con đường thuộc nhiều thơ văn hay nhớ những kiến thức ngôn ngữ học về tu từ. Nó phải song hành và thông qua thực hành. Vì thế, ở lớp học sinh phải được dạy và được thuyết trình, được tranh luận. Đây phải là một hoạt động học thực chất, liên tục, tự nhiên như hít thở, chứ không thể tiếp tục hình thức, chiếu lệ và giả dối.

Cha mẹ Việt ít để con nói, chỉ muốn chúng vâng lời và làm theo. Các con phải được quyền có quan điểm, được quyền nói ra suy nghĩ của mình. Cha mẹ phải thuyết phục con chứ không phải dùng quyền uy để trấn áp. Nhà trường nhân danh chân lý để trấn áp là quá đủ rồi. 

Nếu bạn quan sát và “nghe lén” bọn trẻ chơi với nhau, bạn sẽ thấy chúng thông minh và lợi khẩu như thế nào. Nhưng vì sao trước người lớn (cha mẹ, thầy cô), chúng lại nhút nhát và á khẩu như vậy? Là do chúng ta, chúng ta chuyên chế và sai lầm. Dần dần, đứa trẻ bị thui chột năng lực ngôn ngữ, cũng tức là thui chột tư duy và sa sút năng lượng sống.

Thứ hai là dạy viết. Ở nhà, hãy cho các cháu viết bất cứ cái gì chúng thích, ghi nhật ký, viết thư, email, đơn từ, viết về cây cỏ hoa lá, về một câu chuyện tưởng tượng, về một buổi đi chơi, về tựa Games mà chúng thích…, không nhất thiết phải viết các bài tập trong sách giáo khoa chỉ để phục vụ cho thi cử. 

Đừng chê, đừng phê phán, chỉ khuyến khích thôi. Nếu ta có thể “chữa văn” cho con được thì tốt, không thì cứ để chúng viết. Chắc chắn việc viết bao giờ cũng tốt hơn là không viết. Không sửa được những chuyện lớn thì ta có thể sửa lỗi chính tả, sửa cách dùng từ, sửa hình thức văn bản… Có thể trả nhuận bút, thưởng một chuyến đi chơi hay đơn giản là một món ăn hoặc một lời khen và đồng cảm, đồng hành. Đó chính là ta đang “dạy Ngữ văn” cho con tại nhà.

Thứ ba, cùng với viết là đọc. Các cháu có thể đọc bất cứ thứ gì (trừ cái độc hại), truyện tranh, truyện thiếu nhi, những bản tin, bài báo, cho đến những cuốn sách. Nếu con chưa quen đọc mà cha mẹ có thể bớt được thời gian thì đọc cùng con, đầu tiên là đọc cho con nghe, rồi nghe con đọc. Lâu dần, trẻ sẽ quen với sách, hình thành thói quen, thích đọc sách…

Chương trình giáo dục 2018 đã chuyển mục tiêu sang phát triển năng lực ngôn ngữ, tuy nhiên vẫn nặng về nội dung văn học theo kiểu truyền thống, cách thi cử kiểm tra thì cơ bản cũng chỉ mới dừng ở thi viết nghị luận rập khuôn như lâu nay. Tôi còn sợ rằng, nó đang có xu hướng quay lui, vì người “bảo hoàng hơn vua” quá đông.

Theo tôi, giáo dục môn học này ở nhà trường cần: giảm t trọng phân tích văn học quá chi tiết; tăng mạnh nội dung luyện viết thực tiễn, viết học thuật, viết đa dạng; bắt buộc đánh giá kỹ năng nói – nghe trong kiểm tra; chú trọng đánh giá quan điểm riêng, tư duy phản biện, cảm nhận cá nhân, phong cách độc đáo; đào tạo lại giáo viên để hiểu đúng và chủ động chuyên môn.

Tuy nhiên, để nó thật sự chuyển dịch mạnh mẽ, sâu sắc, thì e còn cần nhiều thời gian, vì cái cũ đã ngấm quá sâu. Và như đã trình bày, do môn Ngữ văn trong nhà trường vẫn bị trượt theo lối cũ với một gia tốc quá lớn, trong khi đó ở nhà thì cha mẹ có thể giúp con cái học được những năng lực sử dụng ngôn ngữ một cách tương đối nếu biết dành sự quan tâm, vì thế chúng ta có thể bổ trợ cho con mà không cần giáo trình hay sách vở chuyên môn nào ghê gớm cả. Nguyên tắc là khuyến khích và tôn trọng.

T.H.

Tác giả gửi BVN

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn