Quốc hội rất yêu Chính phủ và một "thông điệp đen"...

Trực Ngôn

clip_image002

BS Hùng chỉ nơi anh bị đám côn đồ hành hung, Ảnh VNN

Sự băng hoại về phẩm giá con người trong xã hội Việt Nam hiện nay quả đã ở mức khủng khiếp nếu không nói là “chạm đáy”, nhưng khi nhìn thì lại phải nhìn từ mặt bằng phía trên: một hiện tượng như Nguyễn Trường Tô và cả bộ sậu cầm quyền tỉnh Hà Giang, hay hiện tượng 18 tỉnh tự ý bán rừng cho nước ngoài mà không hề ý thức được rằng làm thế là bán cả nền độc lập của dân tộc... chứng tỏ kỷ cương phép nước đã lung lay đến gốc, bởi những đại diện này chính là cả một hệ thống trụ cột làm vững yên đất nước, và cũng đấy là nơi nhạy nhất gây nên những tác động tâm lý dây chuyền. Có lẽ giờ đây hơn lúc nào hết, câu nói của người xưa được kiểm nghiệm tuyệt đối chính xác: “Thượng bất chính hạ tắc loạn”.

Bauxite Việt Nam

Trong Phát ngôn và Hành động thứ Sáu tuần này, Trực Ngôn điểm lại một vài câu chuyện thuộc phạm trù văn hóa ứng xử; về những câu chuyện vừa được thảo luận trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Thông điệp đen" từ cái chết trên đường Kim Mã đến sự vô cảm ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Chỉ vì một vụ va chạm xe máy trên đường Kim Mã ngày 19 tháng 7, một thanh niên rút dao ngang nhiên đâm chết anh Vũ Thanh Hà, trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội rồi phóng đi.

Trước đó vào ngày 20 tháng 5, một nhóm người đã đánh đập man rợ em Vũ Văn Hùng 14 tuổi chỉ vì em không đồng ý cho họ phát cỏ trên đất nhà em.

Rồi mới đây cả nước bàng hoàng khi tên Nghĩa đã cắt đầu, gọt ngón tay người yêu cũ.

Nếu chúng ta lấy những tấm da chó sói trùm vào những kẻ nói trên và chứng kiến cảnh chúng đánh đập và giết đồng loại thì chúng ta thấy tất cả hành động của chúng hoàn toàn là hành động của hoang thú.

Những tội ác vừa ngang nhiên, vừa mất hết tính người ấy tưởng chỉ xảy ra ở những nơi rừng rú tối tăm của những thời xa xôi. Nhưng tội ác ấy đang diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật và ở ngay chốn đô thị phồn vinh treo nhan nhản biển "Gia đình văn hóa".

Thế rồi, một ngày, tội ác ấy tràn cả vào công sở. Chuyện hành hung dã man con người ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương trước bao người chứng kiến mà không ai có biểu hiện chống lại là một nỗi hổ nhục và kinh hoàng đối với nhân cách chúng ta.

Chỉ có một mình Bác sỹ Hùng đã lên tiếng bảo vệ người bị hành hung và bọn côn đồ đã tấn công anh. Bảo vệ và cán bộ bệnh viện nhìn thấy nhưng không một ai dám đứng ra ngăn chặn bọn côn đồ.

Và đáng hổ thẹn thay, chính Giám đốc bệnh viện đã cho đó là "chuyện nhỏ" và như là lẩn tránh việc bảo vệ cán bộ của mình, bảo: sẽ giao vấn đề này cho phòng tổ chức cán bộ giải quyết. Thế nhưng, đến tận trưa ngày 15/7, vẫn chưa có cán bộ nào của phòng tổ chức cán bộ liên lạc hay thăm hỏi BS Hùng.

Một Giám đốc bệnh viện đương nhiên là một người được học hành, được đào tạo lại dửng dưng trước tính mạng của con người, hơn nữa là đồng nghiệp, là cấp dưới của mình và coi chuyện đó là "chuyện nhỏ" thì chúng ta sẽ phải nói với nhau một cách công bằng như thế nào về nhân tính đây?

Chính chuyện này làm cho tôi phải nghĩ lại nhiều hơn và nghiêm túc hơn trước sự bất bình của nhân dân về "lương y" thời nay trong các bệnh viện. Một thầy thuốc nhìn thấy một con người có nguy cơ bị cướp đi tính mạng bởi một đám côn đồ lại quay mặt đi và coi đó là "chuyện nhỏ" thì hàng ngày anh ta chữa bệnh cho người dân vì lý do gì?

Vì lòng nhân ái ư? Làm gì có chuyện đó. Bởi khi ta yêu con người thì ta yêu con người trong mọi hoàn cảnh. Làm gì có chuyện một thầy thuốc không đứng ra ngăn chặn một mũi dao đang đâm vào một con người lại có thể thức đêm thức hôm chăm sóc bệnh nhân như mẹ hiền được. Phi lý.

Có lẽ nghề thầy thuốc ngày nay không phải nghề chữa bệnh cứu người mà là nghề "bán thuốc giá cao kiếm tiền" chăng?

Những chuyện nói trên mà tôi vừa đề cập đã gửi cho chúng ta một "Thông điệp đen" với những nội dung chứa đựng trong đó như sau:

clip_image004

Tên Nguyễn Đức Nghĩa trong vụ án chặt đầu người yêu cũ kinh hoàng dư luận vừa qua. Ảnh Vnexpress

1.  Con người càng ngày càng đối xử với đồng loại mình vô cùng hung bạo như bản năng của hoang thú.

2.  Con người càng ngày càng chỉ nghĩ đến cá nhân mình và đang dần đánh mất đức tính vì người khác.

3.  Những kẻ giết người rõ ràng mang một trái tim băng giá còn những người chứng kiến đồng loại mình bị hành hung và có nguy cơ bị cướp đi tính mạng cũng mang một trái tim băng giá và hèn nhát vô độ.

4. Sự vô cảm, sự ích kỷ, sự hèn nhát... đã và đang mang tính tập thể chứ không chỉ là những cá nhân đơn biệt nữa.

5.  Giáo dục không đủ sức mạnh để gieo những hạt mầm của lòng nhân ái vào tâm hồn của con người.

6.  Luật pháp không đủ uy quyền để làm cho kẻ ác phải chùn tay.

7.  Sự bất trắc càng ngày càng tăng và chia đều cho mọi con người ở mọi nơi và mọi lúc.

Quốc hội rất yêu Chính phủ

Ngày 20/7, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7. Một trong những điều mà UBTVQH bàn đến là vấn đề đường sắt cao tốc.

Trong phiên họp này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói như phân bua: "Không phải QH bác bỏ dự án này như một số ý kiến cá nhân mà QH chưa thông qua trong điều kiện hiện nay. Chính phủ sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh để trình trong thời gian thích hợp. Qua trao đổi thì thấy một số đại biểu có lời lẽ nặng nề, gây tâm tư cho một vài thành viên Chính phủ".

clip_image006

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước. Ảnh VNN

Tôi nghĩ, nếu QH bác bỏ một dự án nào đó của Chính phủ thì cũng là chuyện thường tình. Nó chỉ cho thấy sự tiến bộ trong đời sống dân chủ và một lối sống văn minh của chúng ta chứ có gì đâu mà phải... Mà đâu có chuyện cứ là Chính phủ (của tất cả các quốc gia trên thế giới) thì không bao giờ sai. Cải cách ruộng đất ở Việt Nam là một sai lầm và chính Bác Hồ đã phải xin lỗi nhân dân cơ mà.

Thiết nghĩ, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không cần phải phân bua như thế. Và vô tình lời phân bua ấy lại gợi cho tôi thấy lâu nay chúng ta vẫn sống theo kiểu "dĩ hòa vi quí". Khi phê bình ai, phản biện ai xong thì lại lo người đó giận mình. Hoặc nếu trong gia đình, trong cơ quan... có những tranh luận hay chưa thống nhất ý kiến thì lại phải tìm cách nói thế này, thế nọ cho "người ngoài" hiểu là chúng tôi không bao giờ khác ý nhau, chúng tôi không bao giờ phủ quyết nhau, chúng tôi lúc nào cũng hòa thuận...

Thế nhưng cuộc sống này làm gì có chuyện đó. Tranh luận, phản biện, phủ quyết, bất đồng... mới là điều bình thường của cuộc sống này ở trong mọi lĩnh vực.

Vì những hành động đó chỉ là con đường giúp chúng ta đi đến sự thật và lẽ phải. Còn nếu chỉ có đồng ý, đồng ý và đồng ý thì đó mới là điều bất thường. Điều bất thường ấy cho thấy một thái độ sống "yên thân", lợi người lợi ta và ít nhiều chứa đựng sự giả dối.

Khả năng phản biện của QH trong kỳ họp vừa qua cho thấy sự trưởng thành của QH. Tôi có quen biết vài ba đại biểu QH trong những năm tháng trước kia. Họ thực sự là những người chân thành và không có lòng tham gì cả. Nhưng họ được (hoặc bị) cơ cấu vào QH. Thế là đi họp họ chỉ biết gật đầu. Vì nói ra ngộ sai thì người ta cười chết. Bởi lẽ đó nên mới có danh từ "nghị gật" ở nước ta.

Giờ thì mọi chuyện đang thay đổi và phải thay đổi. QH không còn con đường nào khác là người đại diện cho trí tuệ và khát vọng của nhân dân. Nếu người đại diện của nhân dân ở bất cứ vị trí nào chỉ có trí tuệ mà không mang theo khát vọng của nhân dân thì trí tuệ đó sẽ biến thành phương tiện để người đại diện đó kiếm tìm lợi ích cho cá nhân họ mà thôi. Và người đại diện của nhân dân chỉ mang khát vọng của nhân dân mà không có trí tuệ thì chẳng làm sao biến khát vọng của nhân dân thành hiện thực được.

Bản chất đúng của việc phản biện dự án đường tàu cao tốc là QH làm cho Chính phủ nhận ra việc gì nên làm, việc gì không nên làm hoặc chưa nên làm. Như thế, phản biện có thiện chí và có khoa học sẽ làm cho Chính phủ mạnh lên mà thôi. Ai là người Việt Nam mà chẳng nắm chắc chân lý của ông cha: "yêu cho vọt, ghét cho chơi". Còn khi ghét thì ta mặc cho ngươi cứ lao vào con đường sai để cho ngươi không bao giờ đi đến nơi ngươi cần đến.

Xét theo lý ấy, thì QH, người đại diện của nhân dân rất yêu Chính phủ nên mới nói thẳng, nói thật với Chính phủ. Mà QH yêu Chính phủ nghĩa là nhân dân yêu Chính phủ đấy. Ngẫm cho kỹ, cho sâu thì đó là điều đáng mừng chứ sao lại phải lo, phải không bạn đọc?

Xin các đồng chí lãnh đạo hãy... thận trọng!

Cho đến bây giờ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vẫn "giằng co" việc có nên để công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam được dự tuyển làm viên chức hay không.

Theo ngu ý của Trực Ngôn thì việc này là một việc lớn của đất nước. Vậy QH cần tư duy thật kỹ về mọi vấn đề liên quan đến các công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn có quốc tịch Việt Nam về nước làm công chức.Tôi hoàn toàn nhất trí với ông Trần Thế Vượng khi ông cho rằng chẳng ai đang sống ở Mỹ, ở Pháp lại về nước làm viên chức lâu dài. Họ về ngắn hạn thì ký hợp đồng là hợp lý.

Trước khi có những ý kiến phản đối việc này, chúng ta thử phác thảo nhân sự sẽ về nước làm công chức là ai?

1. Những người làm ăn, buôn bán nhỏ sẽ không về làm công chức vì họ không được đào tạo để làm công việc này và quy chế của Chính quyền Việt Nam cũng sẽ không chấp nhận.

2. Những doanh nhân thành đạt cũng không về để làm công chức. Nếu họ về cũng chỉ là để đầu tư, liên doanh... mà thôi.

3. Những người về Việt Nam làm công chức chắc chắn là những trí thức có bằng cấp cao.

Một câu hỏi nữa chúng ta cần phải đặt ra và trả lời: Họ về Việt Nam làm công chức với mục đích gì?

1. Hầu hết những người về Việt Nam làm công chức là những người muốn đem tài năng của mình giúp cho đất nước.

2. Họ về Việt Nam làm công chức bởi xúc động và cảm kích trước sự trọng thị của Chính quyền trong nước.

3. Hầu hết họ không về Việt Nam làm công chức vì tiền hay vì quyền chức vì họ hiểu rất rõ rằng: Việt Nam chưa đủ các yếu tố (trong đó có cả yếu tố bản lĩnh) để trả lương thật cao hay sắp xếp những vị trí quan trọng cho họ trong chính quyền. Hơn nữa, mức thu nhập của những người có bằng cấp, có trình độ ở nước ngoài được đảm bảo cùng với nhiều điều kiện sống ưu việt hơn Việt Nam rất nhiều.

Tôi chỉ đưa ra một vài lý do đơn giản như trên đã có thể kết luận rằng: hầu hết (khoảng 97%) những người muốn về Việt Nam làm công chức là vì lòng yêu nước và vì cách đối xử (không phải là vật chất) của chính quyền.

Tôi thật ái ngại khi nghe ông Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước cho rằng nếu Việt kiều được dự tuyển viên chức sẽ có tình trạng "cài cấy người" vào các đơn vị sự nghiệp công lập.

Liệu có việc "cài cấy người" không? Tôi xin trả lời là có thể có. Đây là chuyện ai cũng hiểu. Nhưng cho dù người ta cấy người một cách dày đặc như các nước đối thủ trong chiến tranh lạnh trước kia cấy tình báo, gián điệp vào các nước kẻ thù thì cũng chỉ cấy đến 2% là cùng.

Vậy, chúng ta sợ 2% người kia mà đánh mất sức mạnh tinh thần và sức mạnh trí tuệ của 98% người yêu nước sao? Cách tư duy này theo các cụ ta nói là: bắt con săn sắt bỏ con cá rô. Nghĩa là quá lo việc nhỏ mà quên đi việc lớn. Sử dụng được chất xám của những Việt kiều này cũng chưa phải là việc lớn nhất. Việc lớn nhất chính là việc làm cho tất cả những người mang dòng máu Việt hướng về đất nước của mình.

Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một chiến lược vô cùng lớn của Nhà nước đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết thì sự nghi ngại "quá mức cần thiết" của những người như ông K'sor Phước có làm cho chiến lược kia "chùng" lại không? Sẽ có bao nhiêu người đang chuẩn bị rời bỏ những điều kiện sống và điều kiện làm việc rất tốt ở nước ngoài trong mấy chục năm nay cũng như có thể phải sống xa gia đình họ để về giúp đất nước có đủ can đảm và tinh thần để vượt qua sự "nghi ngại" hay nói cách khác là sự "nghi ngờ" đó từ phía chính quyền sở tại?

Cách đây mấy thập kỷ, người Mỹ đã cảnh báo những dòng lưu học sinh ồ ạt của Trung Quốc vào Mỹ (khoảng 80.000 lưu học sinh/năm vào Mỹ ở thời điểm đó). Rất nhiều người Trung Quốc đến Mỹ du học rồi ở lại và làm việc ở Mỹ. Nhưng không vì thế mà chính quyền Mỹ cấm học sinh Trung Quốc du học. Điều quan trọng và có hiệu quả nhất là chính quyền Mỹ dựng lên một hành lang pháp lý đủ sức ngăn cản những cuộc "cài cấy người" hay "xâm lược mềm" của những người nước ngoài trong chính sách du học và nhập cư của họ có từ khi lập nước.

Và với Việt Nam, không gì đảm bảo cho "an ninh quốc gia" bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ không chỉ đối với những người Việt Nam trở về nước làm công chức mà đối với tất cả các thành phần nhập cảnh, nhập cư khác như các chuyên gia, các doanh nhân, các tổ chức nước ngoài, khách du lịch, lưu học sinh, những người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam... Và sâu xa hơn nữa, tình yêu đất nước của 98% sẽ là bức tường thành vững mạnh nhất "đánh bại" sự thù địch của 2% "cài cấy" kia. Chắc chắn là như vậy. Nếu đó không phải là chân lý thì đó là một sự vô cùng đúng.

Tôi biết, ý thức của ông K' sor Phước là ý thức bảo vệ "an ninh quốc gia". Nhưng sau lời phát biểu đó, tôi tin chắc có rất nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài bắt đầu bàn luận và thấy "yêu nước cũng đâu là điều dễ dàng". Còn lúc này, tôi lại nghĩ đến bóng đá: phòng thủ là chiến lược "hạ sách" nhất để bảo vệ lưới nhà.

Đất nước đã thống nhất được 35 năm rồi, câu chuyện hòa giải và hòa hợp của chúng ta chậm quá. Chính vì vậy, xin các đồng chí lãnh đạo hãy... thận trọng. Vì đó là việc quốc gia đại sự.

Hoan hô ông Trần Luân Kim, hoan hô các đồng chí

clip_image008

Đại hội điện ảnh, Ảnh Vnexpress

Trên Trannhuong.com có một bài báo rất ngắn nhưng rất hay với một ý nghĩa thật sâu sắc và thật thâm thúy. Đó là bài báo nói về Đại hội Điện ảnh của tác giả Trường Nhân. Tôi xin giới thiệu lại toàn bộ bài viết rất ngắn đó :

Tin nóng sốt từ Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam. Sáng nay (ngày 21/7 - TN) Đại hội tiến hành bầu cử BCH. Danh sách có 150 vị được đề cử, Đại hội quyết định bỏ phiếu chọn 19 vị cao phiếu nhất để bầu BCH 15 vị. Kết quả đã chọn được 19 vị cao phiếu trong 150 vị.

Trong 19 vị đó có ông Chủ tịch Trần Luân Kim. Điều bất ngờ trong 19 vị đã có 4 vị xin rút, đó là ông Trần Luân Kim, Khải Hưng, Nguyễn Hồ, Ngô Phương Lan. Đại hội quyết định đôn 4 vị sát số phiếu để đủ 19 người chọn lấy 15.

Điều đáng ca ngợi là ông Trần Luân Kim và các vị đã ngộ, biết tiến biết thoái. Ông Kim làm hai khóa rồi nên ông xin rút để nhường cho người mới có năng lực hơn. Các vị khác cũng cho mình tuổi già nên nghỉ ngơi để cho lớp sau tiếp tục gánh vác. Tuyệt vời! Ở đời không nên tham quá.

Tôi bỗng nhớ tới một truyện của Thổ Nhĩ Kỳ như sau. Một vị công thần được nhà vua ban lộc bằng cách cho ông ta phi ngựa, đi được đến đâu nhà vua sẽ cắt phần đất ấy cho ông. Một ngày, hai ngày đất phía trước vẫn mênh mông. Vị công thần nọ tiếc rẻ cứ phi ngựa tiếp. Đến ngày thứ 5 thì kiệt sức gục xuống chết luôn. Đất mênh mông ấy về ông mà ông không còn sống để làm chủ. Ôi, lòng tham sao không đáy như  vậy để rồi cũng về 3 thước đất...

Đúng 15 giờ 23 phút, Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả: Bầu một nhát được đúng 15 vị vào BCH mới. Trong đó có hai hội viên Hội Nhà văn là Nguyễn Thị Hồng Ngát và Lê Ngọc Minh. BCH sẽ họp phiên đầu tiên để bầu Chủ tịch và các chức danh khác...

Lời bình nhỏ: Thực ra thì chẳng cần có bất cứ lời bình nào sau bài này nữa vì bài ấy là quá đủ. Nhưng lại vì cái sự "tham" nên Trực Ngôn lại cố bàn thêm một đoạn nữa. Trong 4 người đã xin rút kia thì trường hợp của ông Trần Luân Kim, người đã giữ chức Chủ tịch hai khóa là 10 năm rồi để cho chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều.

Rút là đúng, là thuận với lẽ đời cho dù chúng ta biết nếu không rút ông vẫn có thể trúng với nhiều lý do dễ hiểu. Thường thì ông đã làm Chủ tịch hai khóa rồi cho dù ông không làm nổi đình, nổi đám thì các hội viên vẫn bầu ông nhiều lúc như một thói quen và như một sự "cho yên" vì ngại tìm Chủ tịch mới. Sau đó vẫn được cấp trên để làm Chủ tịch khóa thứ 3. Chỉ có điều thiên hạ rồi sẽ nhìn ông bằng con mắt như thế nào thì hầu như ai cũng rõ. Tóm lại là tội nghiệp.

Tôi không biết ông Trần Luân Kim năm nay bao nhiêu tuổi. Nhưng chắc chắn ông đã ngoài cái tuổi "tri thiên mệnh". Hầu hết những người ở tuổi đó mà còn có tư cách ít nhiều thì họ chẳng tham cho dù lợi lớn đến đâu. Biết dừng ở đâu và dừng lúc nào mới là kẻ hiểu lẽ đời và có lòng tự trọng. Hơn nữa, ông đã không rơi vào ảo tưởng rằng chẳng có ai ngoài mình ra có thể làm được Chủ tịch Hội, rằng không có mình thì Hội sẽ tan...

Khen ông Trần Luân Kim thì phải khen các hội viên Hội điện ảnh cũng không rơi vào ảo giác rằng tìm mãi mà chẳng có ai có đủ năng lực, đủ lòng nhiệt tình, đủ khả năng tổ chức để thay được ông làm Chủ tịch để cho ông Trần Luân Kim được rút. Bởi lâu nay vẫn có không ít người đến trước một ông Chủ tịch nào đấy, hoặc gọi điện cho ông ấy thổn thức rằng: Anh mà không ở lại thì Hội còn gì nữa (hoặc) chúng tôi, chúng em tìm mãi chẳng thấy tay nào thay được anh...

Vì thế mà hành động của ông Trần Luân Kim thật đáng trọng. Hoan hô ông Trần Luân Kim.

Nhưng hoan hô ông Trần Luân Kim thì lại càng hoan hô ông Khải Hưng, ông Nguyễn Hồ và bà Ngô Phương Lan. Ba vị này chưa làm Chủ tịch và có vị chưa phải đã quá già nếu không muốn nói còn rất khỏe như ông Khải Hưng hay bà Ngô Phương Lan. Họ có đủ lý do để tiếp tục tham gia BCH. Nhưng họ biết họ nên dừng lại lúc nào. Đấy mới là những người biết sống, biết quý giá nhân cách của chính mình trước hết và sau đó là biết hy sinh cho sự phát triển của Hội.

Chuyện của các ông bà nói trên ngỡ rằng những kẻ có chữ thì phải hiểu. Nhưng thương thay, có những kẻ có chữ mà chữ nghĩa trong họ đi đâu hết cả rồi mà để cho họ "mộng du" mãi chẳng nhận biết được mình đang làm gì và đang đi đâu. Thế mới hiểu câu nói của người xưa: "Sống mới khó chứ chết thì dễ lắm".

TN

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn