Lời cảnh báo cho công nghiệp bôxit

Danh Đức

TTCT - Vụ tràn 1 triệu m3 chất thải bùn đỏ ở Hungary cần được nhìn lại ở nhiều góc độ để rút kinh nghiệm xương máu của họ cũng như của vài nước khác.

HUNGARY-SPILL/

Bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy dòng lũ bùn đỏ độc hại chảy ra từ bể chứa nhà máy luyện alumina gần Ajka, cách thủ đô Budapest 160km về phía tây nam - Ảnh: Reuters

Tại sao Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhất định quả quyết rằng vụ tràn bùn đỏ này là “một lỗi do con người hơn là do thiên tai”? Thiên tai mà nhiều người đang muốn dựa vào để đổ thừa là mưa to kéo dài khiến bờ bao hồ chứa chất bùn thải không chịu nổi. Thủ tướng Orban nêu vấn đề: “Các bờ bao đâu thể tan rã trong chốc lát. Lẽ ra phải phát hiện trước đó!” (1).

Lợi ích quốc gia trên hết

Trong giai đoạn kế hoạch năm năm lần thứ 11, xu hướng chung phát triển công nghiệp nhôm của Trung Quốc là “...sử dụng tài nguyên của nước ngoài... Nhằm hoàn tất sự phát triển bền vững công nghiệp nhôm trong nước, cần tận dụng các tài nguyên của nước ngoài... qua các dự án liên doanh, hợp tác...”.

(trích từ website của Công ty Aluminum Co., Ltd. Weifang Yongchang, công bố ngày 17-10-2009)

Khi Thủ tướng Orban nhấn mạnh “lỗi do con người” và “lẽ ra phải phát hiện trước đó”, ông thừa rõ rằng “hai tuần trước thảm họa, một phái đoàn chính phủ đã đến thanh tra nhà máy và bể chứa chất thải nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào”.

Những phát biểu như thế cho thấy người đứng đầu Chính phủ Hungary không bao che cả ban giám đốc Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL) lẫn phái đoàn thanh tra đó.

Quốc vụ khanh phụ trách môi trường Illes Zoltan cũng cùng thái độ khi nêu nghi vấn: “Phải chăng lượng bùn đỏ tích thải nhiều hơn mức cho phép hoặc các bồn chứa không đủ sức chứa?” (2). Đúng hay sai, kết quả của đoàn thanh tra hai tuần trước vụ tràn bùn nhất định sẽ được thanh tra lại. Đúng hay sai, khối lượng bùn thải và thể tích bể chứa nhất định sẽ được kiểm tra lại.

Đạo đức cầm quyền mà nói, vụ này cho thấy ở Hungary tham nhũng có thể có như ở mọi nước, song không đến mức trở thành xung đột lợi ích vì nạn bè phái. Trong vụ này, lợi ích quốc gia mà Chính phủ Hungary phải bảo vệ chính là không để đất nước mình bị lên án vô trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nhất là khi bùn đỏ từ Hungary đã nhanh chóng đổ vào sông Danube chung của một số nước châu Âu. Hủ tục “bí ẩn - không công khai” trước kia đã phải chấm dứt từ sau khi Hungary gia nhập Liên minh châu Âu (EU) ngày 1-5-2004.

Để được kết nạp, Hungary đã phải phấn đấu đuổi kịp các chuẩn mực mà EU đặt ra từ các chỉ tiêu bội chi ngân sách, tỉ lệ lạm phát, thất nghiệp... đến tính công khai, tôn trọng pháp quyền, môi trường, con người...

Trong vụ tràn bùn đỏ này, tính công khai là quan tâm đầu tiên mà cả Chính phủ Hungary cùng các nước EU đặt ra. Nhất là khi chung một dòng sông, càng không thể từ đầu nguồn xả chất thải xuống! Có công khai mới tránh bị lên án, trái lại để được chia sẻ.

Ngày 11-10, một phái đoàn gồm 40 chuyên gia môi trường EU đã đến tận nơi xảy ra thảm họa, đông gấp 10 lần số nhân sự mà Chính phủ Hungary yêu cầu giúp đánh giá tác động và khôi phục môi trường. Tất nhiên trong một cái nhìn nào đó, càng đông “khách lạ” vô nhà, càng khó “đậy đệm”! Vì vậy, khó hình dung Chính phủ Hungary có thể diễn tuồng bao che cho Tập đoàn MAL.

HUNGARY-SPILL/

Một viên chức cảnh sát (phải) đeo khẩu trang bảo vệ khi đứng gần bể chứa nhà máy luyện alumina bị vỡ và tuôn dòng thác bùn đỏ độc hại vào làng Kolontar - Ảnh: Reuters

Tự soi

Trong số các nước đang rút kinh nghiệm từ thảm họa bùn đỏ của Hungary, phải kể đến Ấn Độ. Các nhà hoạt động môi trường và tổ chức phi chính phủ nước này đang rung chuông cảnh báo trong bang Andhra Pradesh với hai dự án lọc alumina (nguyên liệu thô để sản xuất nhôm) gần Visakhapatnam.

Các cảnh báo này được đưa ra không phải do tác động dây chuyền “hậu Hungary”, mà do những tự đánh giá rất nghiêm túc: “Ngành công nghiệp alumina ở Hungary mới chỉ 60 năm tuổi, song ngành công nghiệp này của chúng ta lại không có thành tích bằng. Ở Hungary, công nghiệp nhôm là một trong những ngành công nghiệp trưởng thành nhất và tiến triển nhất”.

Quả thật, công nghiệp bôxit - nhôm ở Ấn Độ khởi đầu từ năm 1943, tức nay cũng đã có được 67 năm kinh nghiệm. Song đến năm 1981 Công ty nhôm NALCO vẫn còn nhờ đến kỹ thuật của Tập đoàn sản xuất nhôm Pechiney (Pháp) trong việc khai thác bôxit, luyện nhôm, xây dựng bồn chứa chất thải. NALCO không phải hàng “cắc ké” trong ngành nhôm, công ty này đã đưa cổ phiếu của mình lên sàn chứng khoán London từ thuở nào rồi...

Ấn Độ không chỉ có mỗi NALCO mà còn nhiều công ty khác cũng không kém thâm niên trong lĩnh vực khai thác bôxit, sản xuất nhôm. Vậy mà ở Ấn Độ từng xảy ra thảm họa của Công ty nhôm NALCO năm 1999-2000 ở bang Orissa, khiến con sông Bhrahmani bị ô nhiễm.

Hungary đã khai thác và sản xuất nhôm từ 60 năm qua và nay Ấn Độ cũng thuộc vào hàng khá trong lĩnh vực sản xuất nhôm. Hiểm họa môi trường không chỉ ở bùn đỏ mà còn diễn ra từng ngày, từng giờ ngay trong sản xuất. Người Úc đánh giá như sau về gánh nặng thải khí CO2 giữa Úc và Trung Quốc: để luyện 1 tấn alumina, Úc thải khí CO2 chỉ bằng phân nửa Trung Quốc (3).

Vấn đề của mọi vấn đề ở chỗ nay đã là thế kỷ 21, làm sao có thể trở lại đầu thế kỷ 20, thậm chí thế kỷ 19 để chỉ khai thác quặng mỏ rồi bán khoáng sản hay nguyên liệu thô khi mà ngay tại chính quốc, dân chúng đã không chịu nổi nữa? Giữa tháng 7 năm nay, cả ngàn dân ở một làng tại Tĩnh Tây, một huyện nổi tiếng về sản xuất bôxit và alumina thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), giáp với biên giới Việt Nam, đã xuống đường phản đối tình trạng ô nhiễm từ nhà máy khai thác bôxit và alumina của Tập đoàn nhôm và năng lượng Sơn Đông Tân Phát, vốn là một trong các hãng sản xuất nhôm tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Dân làng đã chặn cổng vào nhà máy và phá một số cơ sở sản xuất vì không chịu nổi ô nhiễm (4).

D. Đ.

__________

(1) http://www. bbc.co.uk/news/business-11501441
(2)
http://www.smh.com.au/world/state-of-emergency-follows-toxic-spill-20101006-167xl.html
(3) “Aluminium industry at risk’, http://www.theage.com.au/environment/aluminium-industry-at-risk-20080714-3f4f.html
(4) “Hundreds protest against metals plant in S.China”, Reuters 15-7-2010

Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/405958/Loi-canh-bao-cho-cong-nghiep-boxit.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn