Luật về Đảng và tính tự chịu trách nhiệm của Chính phủ

GS TS Nguyễn Đăng Dung

clip_image003

 

GS.TS Nguyễn Đăng Dung: Trong trường hợp không làm được, tức là không chịu trách nhiệm được, thì phải từ chức.Ảnh: TĐ

 

Thế giới không có ai luật hóa vai trò lãnh đạo của đảng, nhưng tại sao chúng ta lại cần luật hóa? Bởi vì, một đảng không có thể chế đối trọng một cách tự nhiên, là cơ hội dễ dàng cho việc xảy ra tình trạng chuyên chế, độc tài... - Ý kiến của GS.TS Nguyễn Đăng Dung.

LTS: Trong cuộc trò chuyện hôm qua với VietNamNet, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc khẳng định: Không có gì phải né tránh luật về Đảng. Hôm nay, VietNamNet tiếp tục giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm bộ môn Hiến pháp, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo ông Dung, cơ chế chính trị của Việt Nam khác với cơ chế chính trị của các nước, thế giới đa số là đa nguyên, ta là nhất nguyên. Nhất nguyên có cái hay là dễ thống nhất, nhưng bên cạnh đó, Đảng lại dễ rơi vào chủ quan, áp đặt, mà trở thành một lực lượng chuyên chế. Đảng và Nhà nước phải hết sức đề phòng căn bệnh cố hữu này, để luôn xứng đáng với lòng tin yêu như đã và đang có của nhân dân.

Góc nhìn của ông Nguyễn Đăng Dung có thể còn cần phải bàn thảo thêm để làm sáng tỏ vấn đề. Trên tinh thần tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi, tôn trọng không khí tranh luận cởi mở, VietNamNet giới thiệu nội dung cuộc trò chuyện này. Mời bạn đọc cùng tranh luận.

Khó cũng phải làm

Ông Dung phân tích:

Phải tăng cường sự tự chịu trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên nắm các công việc của Đảng và của nhà nước. Bản thân nhà nước bao giờ cũng phải có đảng lãnh đạo. Đó là đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là đảng nắm hành pháp. Thủ lĩnh của đảng cầm quyền là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Vì vậy, khi nói đến nhà nước tức là nói đến đảng và nói đến đảng tất nhiên là nói đến nhà nước.

Ở các nước, nhà nước, tức là chính phủ gắn chặt với sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, không có sự phân biệt. Vì vậy, đảng cầm quyền là đảng chiếm đa số ghế ở quốc hội, có quyền thành lập nên chính phủ của đảng mình và quyết định ai sẽ là thủ tướng và các bộ trưởng. Thông qua đó đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm trực tiếp luôn trước nhân dân. Đó là tính chính đáng và tính phải chịu trách nhiệm của họ. Nhưng bên cạnh họ luôn luôn có một lực lượng đảng không cầm quyền, tạo thành một thế lực đối lập, có trách nhiệm sẵn sàng tìm ra những khiếm khuyết của đảng cầm quyền, và thay đảng cầm quyền nắm chính phủ.

Nhưng ở đây, chúng ta phải hiểu Việt Nam là cơ chế một đảng, nhiều lúc chúng ta vẫn cứ than phiền về việc Đảng làm thay nhà nước, cần phải phân biệt giữa sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý nhà nước. Thật là khó. Tôi đã nhiều lần phát biểu rằng không thể phân biệt được. Nhưng sau này nghĩ lại, khó thì cũng phải làm, vì mình là nhất nguyên, phải làm để Đảng của mình không trở nên chuyên chế.

Sự phân biệt giữa đảng và nhà nước làm cho quyền lực chính trị và quyền lực của nhà nước phân ra nhiều người, nhiều tổ chức khác nhau. Vì vậy mà nhiều khi giữa chúng không có sự thống nhất với nhau. Đây cũng là hạn chế cần phải tìm cách khắc phục.

Ép các nguyên tắc vốn dĩ của thể chế đa nguyên vào thể chế nhất nguyên, nhiều lúc, nhiều nơi gây nên sự phản cảm nhất định. Như việc bầu một chỉ giới thiệu một, người đứng đầu đảng phải là người đứng đầu nhà nước/ hành pháp vốn dĩ là nguyên tắc của thể chế đa nguyên, lại đem áp dụng ở nước ta. Nhưng ngược lại, việc tách chúng ra giữa người đứng đầu chính trị và người đứng đầu hành pháp, thì có xảy ra tình trạng tính chịu trách nhiệm bị giảm đi và nhiều lúc đổ lỗi lẫn nhau.

Một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải luật hóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Là một chuyên gia luật, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Thế giới không có ai luật hóa vai trò lãnh đạo của đảng, nhưng tại sao chúng ta lại cần luật hóa? Bởi vì, thế giới nhiều nước đa đảng. Muốn trở thành đảng cầm quyền thì phải qua lá phiếu của người dân, cho nên người ta không biết đảng nào là đảng cầm quyền để có thể ghi trong Hiến pháp của họ. Một khi đã trở thành đảng cầm quyền thì họ gắn liền với nhà nước luôn như trên đã phân tích, sự chuyên chế, độc tài luôn luôn có một lực lượng kìm chế, thậm chí là túc trực.

Một đảng sẽ dễ xảy ra tình trạng chuyên chế nên cần thiết phải luật hóa để có thể hạn chế sự chuyên chế có thể xảy ra. Luật hóa vai trò lãnh đạo của đảng là một trong những biện pháp cần phải làm đã được nhiều người đề nghị. Đảng chỉ tập trung vào công tác đảng, rèn luyện đảng viên, vận động tuyên truyền đường lối của Đảng để người dân có thể bỏ phiếu cho người của Đảng, trên cơ sở đó mà bố trí nhân sự tốt cho nhà nước.

Dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám từ chức

Mối quan hệ lãnh đạo giữa Đảng với các nhánh quyền lực lập pháp - hành pháp - tư pháp và giữa ba nhánh này với nhau phải minh định ra sao để khắc phục hiện tượng song trùng, chồng chéo và thiếu hiệu quả thời gian qua?

Để có dân chủ thì hành pháp, lập pháp, tư pháp phải phân ra và mỗi cơ quan phải có chức năng, thành phần và cách thức hoạt động khác nhau, trên quan điểm là không có cơ quan nào cao hơn cơ quan nào. Thế giới họ nói lập pháp, hành pháp, tư pháp đều là các cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước. Đối với nước mình lại là tập quyền, nhưng vẫn phải có sự phân công phân nhiệm giữa 3 quyền. Bên cạnh đó thì lại quan niệm Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội không những có quyền giám sát hành pháp mà còn cả giám sát tư pháp. Giám sát tư pháp của Quốc hội là quy định không có ở các nước dân chủ phát triển.

Tư pháp chỉ có được sự độc lập khi và chỉ khi có sự phân công quyền lực. Mục đích của sự phân quyền này là nhằm chống lại sự chuyên chế độc tài. Sự đời không hoàn toàn phân quyền một cách tuyệt đối như vậy. Trong một chừng mực nhất định nào đó, thậm chí nhiều là đằng khác, lập pháp phải thống nhất với hành pháp, lập pháp theo nhu cầu của hành pháp, hành pháp đề xuất các dự án luật, lập pháp thông qua, và tòa án phải xét xử cơ bản theo các đạo luật đã được lập pháp thông qua, đấy là tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Nhưng cho dù nhưng vậy, lập pháp vẫn là lập pháp, hành pháp vẫn là hành pháp và tư pháp vẫn là tư pháp.

Trong 3 quyền ấy, hành pháp chính là trung tâm bộ máy nhà nước nguyên nghĩa, có nghĩa là phải chịu trách nhiệm cao nhất. Chính vì thế, đảng cầm quyền luôn luôn phải nắm hành pháp, nắm cái trung tâm của bộ máy nhà nước. Vì sao lại phải thế? Vì hành pháp nắm vật lực, nắm tài nguyên, nắm nhân lực và đặc biệt là điều hành túc trực hàng ngày bộ máy nhà nước. Sự đời rất sòng phẳng, không ai bắt tội người không có quyền lại phải chịu trách nhiệm. Nói Quốc hội là tối cao, vậy Quốc hội có phải chịu trách nhiệm không? Nếu phải chịu thì Quốc hội phải chịu như thế nào, bằng cách nào?

Vì vậy đã lâu rồi người ta đã quay sang sự chịu trách nhiệm của Chính phủ. Đằng sau Chính phủ là đảng cầm quyền, hay nói một cách khác, Chính phủ và đảng cầm quyền về nguyên tắc chỉ là một.

Nữ hoàng Anh được quyền bổ nhiệm Thủ tướng, nhưng Nữ hoàng không thể nào làm khác hơn nếu như người đó không là thủ lĩnh của đảng cầm quyền – đó quy tắc Hiến pháp bất thành văn của nước Anh. Hành pháp cần phải mạnh, phải biết hoạch định các chủ trương chính sách, nhưng làm không khéo hành pháp sẽ rơi vào chuyên chế. Chính vì vậy mà hành pháp phải biết giải trình, phải biết chịu trách nhiệm. Trong trường hợp ngược lại, chính phủ phải từ chức, tức là đảng cầm quyền phải từ chức. Trong mọi thể chế chính trị đều phải có đảng cầm quyền mạnh, có chính phủ mạnh, và phải tổ chức cho đảng cầm quyền/chính phủ dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám từ chức.

Ở nước mình phân ra quá nhiều tầng quản lý, nhiều tổ chức cơ quan phụ trách giữa đảng và nhà nước, vì vậy mà tính tự chịu trách nhiệm bị phân tán ra quá nhiều nơi. Lúc làm tốt ông bảo của ông, nhưng khi không tốt thì ông lại bảo không phải của ông ấy mà do Đảng lãnh đạo. Đây cũng là điều gây khó khăn cho việc truy cứu trách nhiệm ở Việt Nam, cộng với văn hóa không từ chức, càng làm tăng thêm sự khó khăn của vấn đề.

Theo tôi, không có cách nào khác ngoài việc phải trao tính tự chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa cho Chính phủ,  cho Thủ tướng, cho các bộ trưởng, để họ phải chịu trách nhiệm hơn, không thể đổ lỗi cho ai được. Trong trường hợp không làm được, tức là không chịu trách nhiệm được, thì phải từ chức. Chuyện lên, rồi lại xuống là một chuyện bình thường.

Trần Đông

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn