Phải cứu sông Cửu Long bằng sáng kiến Lancang-Mekong

Phạm Phan Long

Hội Sinh Thái Việt

Dẫn nhập: Từ năm 1995 khi thành lập, tổ chức Mekong River Commission đã không tạo dựng phát triển bền vữngcho lưu vực mà lại dẫn các nuớc Mekong lâm vào tình cảnh bế tắc tại hạ lưu. Trong 15 năm qua lưu vực suy thoái nhanh chóng và an toàn thực phẩm và nguồn nước của dân cư bị đe dọa liên tục vì thiên tai lẫn nhân tai. Bốn nước Mekong sẽ không bao giờ có thể có phát triển bền vững khi các biến đổi lớn nhất lại nằm ở thượng lưu mà MRC không biết rõ và không theo dõi. Lancang-Mekong là dòng sông quốc tế, cả sáu nước cần phải hợp tác trong một chương trình toàn lưu vực— Lancang-Mekong Intitiative — ngay trong năm nay để đạt một hiệp ước “Lancang-Mekong Treaty” thì mới kịp thời cứu vãn an toàn thực phẩm, bảo vệ nguồn nước, phát triển lưu vực và tránh gây thiệt hại cho dân cư các nước vùng hạ lưu.

Hoàn cảnh bi đát

Lancang là thượng lưu (Upper Mekong Basin - UMB) và Mekong là hạ lưu (Lower Mekong Basin - LMB), hai đoạn của một dòng sông quốc tế, là cùng một hệ sinh thái mà ngư sinh vật và phù sa di chuyển không cần sổ thông hành qua các biên giới chính trị do con người làm ra, nhưng các hồ thủy điện lại ngăn cản chu trình tự nhiên này.

Hiệp định sông Mekong đã ký kết từ năm 1995 và Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) đã được thành lập bởi bốn nước hạ lưu: Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan. MRC hoạt động dưới sứ mạng khuyến khích phát triển bền vững. Nhưng thực tế, từ năm 1995 đến nay, Mekong đã phát triển không bền vững mà còn hứng chịu hạn hán liên tiếp 8 mùa trong 15 năm qua; ngư sản đánh bắt được đã giảm dần trong khi nước mặn tiếp tục lấn sâu vào lục địa đe dọa vựa lúa và nông nghiệp Việt Nam. Những biến đổi này do cả nhân tai lẫn thiên tai và mỗi năm càng thêm khắc nghiệt. Hậu quả là môi trường và tài nguyên thiên nhiên lưu vực suy thoái nặng nề. MRC không có hành động thực tế chặn đứng sự suy thoái ấy, tuy có nghiên cứu và các kế họach quản trị hạn (Drought Management Plan - DMP) và lụt (Flood Management Plan - FMP), nhưng chỉ là mô hình lý thuyết, không thấy hành động thực tế như ngăn hạn hán, chống lụt lội, cản sạt lở, bảo vệ thiên nhiên, kế sinh nhai, an toàn nguồn nước và thực phẩm của dân cư lưu vực.

MRC nằm dưới sự chỉ đạo của cấp Bộ trưởng các nước Mekong và giới hạn phạm vi nghiên cứu trong vòng lãnh thổ chính trị của bốn nước thành viên, tức là chỉ ở hạ lưu và không nghiên cứu về tác động từ thượng lưu. Suốt hai thập niên qua, trên UMB tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (TQ) đã xây đập Mạn Loan (1993), Đại Chiếu Sơn (2001), Cảnh Hồng (2004, đập Tiểu Loan (2010) và sắp hoàn tất Nọa Trác Độ năm 2014; vậy mà cho đến năm 2009, MRC đã không làm nghiên cứu đánh giá tác động môi trường (Strategic Environmental Assessment - SEA) cho một dự án Vân Nam nào. MRC cũng không phê bình TQ về việc thiếu nghiên cứu SEA đối với hạ lưu. MRC không chất vấn TQ về những hứa hẹn tốt lành của các đập Vân Nam cho hạ lưu mà dân cư Mekong chưa bao giờ được thấy.

Báo cáo chiến lược tác động môi trường SEA 2010

Mãi đến năm 2010, MRC mới có một tường trình đánh giá chiến lược môi trường (SEA) cho 12 đập thủy điện dự trù trên Mekong [1]. Ban đầu MRC đã không hề nhắc đến tác động của 8 đập UMB trên Vân Nam trong các bản tường trình SEA 2010 sơ bộ. Nhưng bất ngờ, trong ấn bản sau cùng, SEA 2010 đã báo cáo tác động không những của 12 đập LMB trên Mekong mà còn cộng cả 8 đập UMB trên Lancang. Đây là một công trình nghiên cứu công phu rất đáng trân trọng. Trong phạm vi bài này, bản tường trình này tạm viết gọn là SEA 2010.

clip_image002

SEA 2010 có ước tính các lợi ích, sự phân bố lợi ích và các tác động tích cực lẫn tiêu cực trên lưu vực và tại từng quốc gia trong lưu vực.

Lợi ích của thủy điện LMB là sẽ cung cấp 14,697 MW công suất mà Lào sẽ thụ hưởng 70% lợi ích kể cả thu họach thủy điện. Việt Nam và Thái Lan sẽ tiêu thụ 90% năng lượng thủy điện này. Nhưng ich lợi đó lại không cân xứng với những thiệt hại xã hội và môi trường. Kết luận quan trọng nhất của SEA 2010 là khuyến cáo các nước Mekong nên trì hoãn kế hoạch xây 12 con đập LMB trên Mekong trong 10 năm để làm thêm các nghiên cứu cần thiết khác.

Tác động thủy điện thượng lưu UMB

so với hạ lưu LMB qua SEA 2010

Thể tích hồ chứa

Xét tất cả các dự án thủy điện đã có và đang dự tính xây chặn dòng chính trên toàn lưu vực Lancang-Mekong, thể tích 8 con đập quy ước (storage dam) của thượng lưu Lancang sẽ chiếm 78% thể tích tất cả các hồ chứa vì 12 con đập hạ lưu trên Mekong thuộc lọai đập không tạo hồ chứa (run-of-river) 22%.

Lancang Maintream Reservoirs

 

Reservoir

MAF

Storage

Storage/MAF

 

 

km3/yr

km3

 

1

Gongquiqiao*

 

0.51

 

2

Xiaowan

38.47

14.56

37.85%

3

Manwan

38.74

0.90

2.32%

4

Dachaoshan*

 

0.93

 

5

Nouzhadu

55.19

22.40

40.59%

6

Jinghong*

 

1.22

 

7

Galanba*

 

0.20

 

8

Mensong*

 

0.90

 

 

 

Subtotal UMB

41.12

78.08%

*Note: Data not stated  in SEA 2010 added by Viet Ecology Foundation

Mekong Mainstream Reservoirs

 

Reservoir

MAF

Storage

Storage/MAF

 

 

km3/yr

km3

 

1

Pak Beng

96.50

0.28

0.29%

2

Luang Prabang

100.00

0.80

0.80%

3

Xayabuti

124.80

0.37

0.30%

4

Pak Lay

130.70

0.39

0.30%

5

Sanakham

133.80

3.78

2.83%

6

Pak Chom

141.60

0.10

0.07%

7

Ban Koum

294.60

0.63

0.21%

8

Lat Sua

294.60

0.12

0.04%

9

Don Shahong

325.10

0.03

0.01%

10

Stung Treng

432.50

1.55

0.36%

11

Sambor

405.80

3.49

0.86%

12

Thakho

 

 

 

 

 

Subtotal LMB

11.54

21.92%

Sự chênh lệch tổng số thể tích các hồ chứa giữa Lancang (thực hiện gần xong) và Mekong (chưa thực hiện) là gần 350% nên tỉ trọng tác động của UMB Vân Nam trên lưu vực rất nặng so với LMB hạ lưu.

Trọng tải phù sa theo SEA 2010 [1]

Theo SEA 2010, trọng tải phù sa năm 2000 từ Lancang vào Mekong chảy ra biển là 90 Mt/năm; 8 con đập Lancang trong 20 năm nữa sẽ ngăn cản 77% chỉ còn cho Mekong 20 Mt/năm. Tại Kratie sẽ có 168 tấn/năm nhưng 12 con đập Mekong sẽ ngăn cản 53% trọng tải này và chỉ cho 42 Mt/năm theo ra biển.

clip_image004

Thu hoạch ngư nghiệp theo SEA 2010 [1]

Theo tiên liệu của SEA 2010, các dự án thủy điện Lancang-Mekong từ năm 2015 đến 2030 sẽ làm Mekong mất đi từ 550.000 tấn đến 880.000 tấn cá họ có thể đánh bắt được. SEA 2010 không nói rõ ra, nhưng bản đồ cho thấy LMB sẽ mất đi 400.000 tấn cá trong khoảng 2000-2015 vì các đập UMB Vân Nam. Tổng cộng nếu tính từ năm 2000, LMB sẽ vĩnh viễn mất đi khoảng 1.220.000 tấn cá hàng năm hơn 50% số thu hoạch năm 2000.

Đạo diễn Tom Fawthrop đã thực hiện phim tài liệu “Where have all the fish gone” và xem tranh chấp trên Lancang-Mekong là một “Trận chiến trên sông Mekong” giữa đầu tư khai thác thủy điện và dân cư lưu vực (Battle over the Mekong) [2].

clip_image006

Những số liệu nêu trên chứng tỏ biến đổi trên thượng lưu UMB sẽ có ảnh hưởng quan trọng và sức tác động trực tiếp vào tình trạng bền vững của LMB hạ lưu. Mekong là nguồn sống của dân cư lưu vực nên kế hoạch phát triển cho Mekong bền vững được hay không sẽ phải lệ thuộc các tác động từ thượng lưu. Việc MRC giới hạn vùng nghiên cứu ở hạ lưu chẳng khác gì MRC đã tự bịt mắt mình và các chuyên gia của họ.

Tuy SEA 2010 đã soạn thảo rất công phu nhưng đã không làm rõ nét các tác động riêng của chuỗi đập UMB Vân Nam và không làm sáng tỏ kết luận quan trọng là phần lớn tác động là từ UMB thượng lưu xuống LMB hạ lưu.

Phải cứu Mekong thoát các tác động Lancang sắp đổ xuống

Mekong phải nằm dưới 8 con đập Vân Nam có tổng số thể tích 41 tỉ mét khối (Billion cubic meters - BCM) tương đương 72% lưu lượng trung bình hàng năm (Mean Annual Flow - MAF) Lancang cho Mekong [3] [4]. TQ đã tích lũy nước xong tại các hồ chứa Vân Nam từ năm 1995 tại 4 hồ thủy điện để hoạt động và TQ sẽ còn tích lũy nhiều hơn nữa tại các hồ tương lai. Cho đến nay, TQ chưa hề công bố lịch trình tích nước tại các hồ chứa cho hạ lưu biết để phòng nguy cơ cho họ.

Hai điều kiện rất quan trọng hạ lưu Mekong cần TQ bảo đảm khi xây dựng và điều hành các đập trên Lancang: (1) duy trì liên tục lưu lượng nước xả tối thiểu hàng tháng, đặc biệt trong mùa khô; và (2) duy trì lượng nước xả lũ cần thiết để có thể giúp làm đầy hồ Tonle Sap trong mùa mưa.

Các chính phủ quốc gia hạ lưu và MRC không thể chấp nhận TQ giữ bí mật các hoạt động của họ trên Vân Nam khi các hoạt động này tác động trực tiếp đến sinh kế có từ ngàn đời của hàng chục triệu dân cư và đe dọa vựa lúa của hai dân tộc Cam Bốt và Việt Nam như thế. MRC càng không thể ngồi yên mà cần tìm mọi phương cách điều tra và theo dõi động thái TQ tại các hồ chứa này. Rất tiếc, SEA 2010 đã không khuyến cáo MRC yêu cầu TQ trì hoãn chuỗi đập Vân Nam chậm lại một năm nào.

Hoa Kỳ đã nhận ra điều này này nên trong kế hoạch viện trợ Lower Mekong Initiative, Hoa kỳ sẽ cung cấp hệ thống điện toán “Forecast Mekong” để tiên liệu tác động của các hồ thủy điện trên Mekong và công bố kết quả rộng rãi trên internet cho công chúng và chuyên gia sử dụng [5]. Hệ thống Forecast Mekong sẽ giúp 65 triệu dân cư lưu vực có những thông tin mà TQ vẫn giữ bí mật không cho ai biết và MRC vẫn chỉ thụ động đợi chờ.

MRC cần tự hỏi mình ngay bây giờ, tuy đã rất muộn, nếu TQ vẫn tiến hành hoàn tất hết cả 8 con đập Vân Nam thì hạ lưu Mekong cần TQ điều hành hệ thống đó như thế nào để có thể tối thiểu hóa những thiệt hại ở hạ lưu hay ít nhất bảo đảm được những yêu cầu tối thiểu thường thấy trong việc điều hành các hồ chứa thủy điện. Điều bi đát là MRC cho đến nay chưa có những nghiên cứu để có thể xác định các yêu cầu tối thiểu này. Qua cung cách cố vấn và lãnh đạo của MRC trong 15 năm nay, bốn nước Mekong không thể giao cho MRC sứ mạng cứu vãn tình thế lưu vực và cũng không thể quanh quẩn bàn tính với nhau ở hạ lưu khi đầu mối nguy cơ lớn của Lancang-Mekong lại nằm trên Vân Nam.

Trong tình cảnh này, MRC và TQ sẽ không giúp đỡ gì cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tránh thất thoát, vậy ĐBSCL và Việt Nam đã có phương án gì giúp dân và đối phó với thượng lưu chưa?

Những hồ chứa lớn như Lancang trên thế giới thường phải cần 10 năm để chứa đầy nhưng xét theo lịch trình, cứ ba năm là TQ đã có thêm một đập mới hoạt động nên tác động xuống hạ lưu tăng lên gấp ba. Năm ngoái, mùa lũ đã không về ĐBSCL; toàn lưu vực Lancang-Mekong bị hạn hán đúng lúc TQ hoàn tất hồ Tiểu Loan để hoạt động; chắc chắn TQ đã tích lũy nước tại Tiểu Loan dù cho 2010 là năm khô hạn 50 năm kỷ lục. TQ đã cố trấn an hạ lưu, nhưng thực tế TQ đã cấm không cho ai đến gần các con đập Lancang và không cho ai kiểm chứng độc lập các tài liệu họ cung cấp. Năm ngoái, cá linh tại ĐBSCL đã khan hiếm đến nỗi thị trường tăng giá gấp 10 lần ngay trong mùa lũ mà đáng lý ra phải có rất nhiều và rẻ nhất. Sau đó, mực nước cuối lũ tăng lại do triều cường gây ra, không có việc TQ giúp tăng 40% lưu lượng nước xuống hạ lưu khi các hồ Vân Nam chưa đầy hết.

Trong năm 2011 đến 2014 TQ chắc chắn sẽ tích nước tại hồ chứa Nọa Trác Độ cho kịp hoạt động. TQ sẽ gây nguy khốn cho Mekong nhiều lần hơn trong những năm sắp tới. BS Ngô Thế Vinh đã tiên đoán “flood pulse” hay nhịp tim của Tonle Sap và có thể thêm vào cả ĐBSCL sẽ cùng nhau ngừng đập [6].

Nỗi cô đơn của Đồng bằng sông Cửu Long

TT Hun Sen đã bán linh hồn Cam Bốt cho TQ khai thác thủy điện và khoáng sản ngay trên Cam Bốt. TT Hunsen không phản đối mà còn hứng thú bênh vực các dự án khai thác thủy điện trên Vân Nam lẫn Cam Bốt. Như thế Tonle Sap chấp nhận chờ chết. Lào là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất và chịu ảnh hưởng ít nhất từ thủy điện nên sẽ chống chế cho mình và TQ đến cùng. ĐBSCL của Việt Nam sẽ phải bơi ngược dòng tìm lẽ sống tồn tại.

MRC cho đến nay đã không tự mình tìm hiểu cung cách sử dụng nguồn nước, cách tích lũy điều hành các hồ chứa, cách chuyển nước và số liệu khí tượng thủy văn trong vùng Vân Nam để MRC đánh giá hệ lụy từ TQ giáng xuống hạ lưu. MRC chưa bao giờ hỏi TQ tại sao TQ không xả nước giúp hạ lưu khi ĐBSCL kêu cứu hay ngăn nước giảm nhẹ bớt lũ khi Vientiane kêu cứu. Ngược lại, có khá nhiều lần MRC công khai bênh vực TQ.

Chính ông Jeremy Bird đã tỏ ra lạc quan khi TQ tuyên bố sẽ cung cấp cho Mekong các thông tin của họ [7]. Vậy mà, từ đó đến nay MRC vẫn không có giải thích nào việc mực nước thất thường và gián đoạn thông tin. Các dữ kiện Vân Nam của TQ tới nay vẫn chưa xuất hiện trở lại. MRC có lẽ chẳng bận tâm mấy về sự gián đoạn thông tin này từ TQ cũng như không bận tâm về thắc mắc của Hội Sinh thái Việt (HSTV). MRC xem thường công luận và công bố trên website MRC như sau [8]: “No special obligations or responsibilities applied to the general public” [9].

“Không có ràng buộc hay trách nhiệm đặc biệt gì với công chúng”.

Vào tháng 10 năm 2010, ĐBSCL không thấy lũ về, Hội Sinh thái Việt (HSTV) phát hiện lưu lượng hạ xuống quá bất thường tại Chiang Saen vào ngày 30 tháng 10, 2010 từ 4750 m3/giây xuống 2750 m3/giây trong bốn ngày theo dữ kiện trên website của MRC mà MRC đã không có giải thích nào. HSTV đã viết thư yêu cầu MRC giải thích nhưng không được MRC quan tâm trả lời [10].

clip_image008

clip_image010

Nguồn: MRC [11] [12]

ĐBSCL đã bị bỏ rơi quá lâu thành nạn nhân của tắc trách, thiển cận và yếu hèn; ĐBSCL không thể để sự sinh tồn của hàng chục triệu dân cư bị hủy diệt. ĐBSCL và chính quyền Việt Nam không thể trông đợi ai khác, mà ngay bây giờ cần điều chỉnh cung cách lãnh đạo của MRC. VN cần thuyết phục Cam Bốt và Lào dè dặt lại trước mối nguy hiểm tiềm ẩn sau những đồng tiền viện trợ và đầu tư ồ ạt của TQ vào Lào và Cam Bốt. Quan trọng hơn hết là VN cần liên kết chặt chẽ với Thái Lan để cùng phản đối 8 con đập Vân Nam và yêu cầu TQ tôn trọng sự sinh tồn của ĐBSCL, xác định quyền lợi cốt lõi của VN trên Lancang-Mekong bằng tất cả những phương cách ngoại giao khôn khéo và quyết liệt nhất mà VN có thể làm.

Lancang-Mekong Initiative

Nguồn nước là tài nguyên thiên nhiên quý báu nhất mà các dân tộc chung một dòng sông đòi đời sẽ cùng chia sẻ. Các dòng sông quốc tế chảy qua nhiều biên giới quốc gia thường trở thành nguồn gốc tranh chấp quyền lợi nước giữa các dân tộc. Trên thế giới có trên 300 dòng sông quốc tế và đã có trên 400 thỏa hiệp sông ngòi quốc tế. Âu Châu đã có các thỏa hiệp quốc tế từ 1815 nhờ họ sớm nhận thức tranh chấp không giải quyết và sẽ là bức tường ngăn cản tất cả những cơ hội hợp tác kinh tế và chính trị khác mà hậu quả là thiệt thòi nặng nề chung cho toàn lưu vực.

Trở về với Lancang-Mekong, trước sự suy thoái thể hiện trước mắt trên lưu vực Lancang-Mekong, sự vô hiệu của MRC và vô cảm của TQ, sự bất lực của hạ lưu và mối nghi ngờ TQ ở thượng lưu ngày càng sâu đậm, đã đến lúc phải tìm giải pháp toàn bộ cho lưu vực. HSTV trân trọng đề nghị lãnh tụ sáu nước Lancang-Mekong cần họp lại tìm một đáp án quốc tế cho toàn lưu vực bằng Sáng kiến Lancang-Mekong (Lancang Mekong Initiative - LMI). Chỉ có LMI có cả 6 nước lưu vực mới có thể cùng nhau đi đến một hiệp ước quốc tế Lancang-Mekong Treaty.

Lancang Mekong Intitative (LMI) không thể theo bước MRC vì MRC đã đi vào bế tắc, mất sự tin cậy và không thể hiện được tư cách độc lập và khoa học trong sáng. Tuy nhiên LMI không phải vì thế bắt đầu từ số không vì đã có sẵn những luật lệ sông ngòi quốc tế làm căn bản để thỏa hiệp.

Liên Hiệp Quốc đã thông qua bộ luật “The United Nations Convention on the Law of the Non-Navigational Uses of International Water Courses” vào năm 1997. Bộ luật Helsinki Rules (1996) và Berlin Rules (2004) đều đem nguyên tắc “không gây thiệt hại đáng kể cho các nước khác” (not to cause significant harm to other riparians) và nguyên tắc “sử dụng hợp lý và công bình” (reasonable and equitable utilization) làm nền tảng thỏa hiệp giữa các dân tộc [13,14, 15].

Từ năm 2011 đến 2014 là thời gian và cơ hội cuối cùng cho Lancang-Mekong thực hiện LMI để còn kịp thời bảo vệ và vãn hồi môi sinh đang thoi thóp ở hạ lưu. LMI là cơ hội lớn để TQ chủ động chung với các nước láng giềng vì quyền lợi và uy tín của chính TQ. Nếu TQ tham gia, tiềm năng thành công của LMI rất cao vì TQ có khả năng, phương tiện và uy tín trong khi các nước Mekong có thiện chí và nhu cầu cấp bách để hợp tác với TQ hơn bất cứ cường quốc thế giới nào khác vào lúc này.

HSTV yêu cầu các NGO quốc tế và các học giả quốc tế cũng như trí thức TQ và các dân tộc ở lưu vực Mekong thúc đẩy các chính quyền tiến hành sáng kiến LMI như lộ trình hay con đường cái quan tốt nhất để cùng phát triển bền vững toàn lưu vực, để không ai còn bị nghi ngờ là ích kỷ thủ lợi một mình hay gây cho một phần dân tộc nào phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì mình nữa.

Lịch sử sẽ không khoan dung nếu Lancang-Mekong không có một hiệp ước quốc tế khi cơ hội hy vọng cuối cùng vẫn còn. Các dân tộc và chính phủ Lancang-Mekong hãy viết nên lịch sử dòng sông bằng một LMI và ký kết Lancang Mekong Treaty không phải sau 2014 mà ngay trong năm 2011.

Tài liệu tham khảo

[1] http://www.mrcmekong.org/ish/SEA/SEA-Main-Final-Report.pdf

[2] http://the-diplomat.com/2010/10/22/the-battle-over-the-mekong/

[3] http://deltas.usgs.gov/abstracts2009Summit/Daming%20He.pdf

[4] http://www.mrcmekong.org

[5] http://www.state.gov/p/eap/rls/rm/2010/09/147674.htm

[6] http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/59

[7] http://ipsnews.net/news.asp?idnews=50931

[8] http://mouthtosource.org

[9] http://www.mrcmekong.org

[10] http://groups.google.com

[11] http://ffw.mrcmekong.org

[12] http://ffw.mrcmekong.org/AHNIP/Reports_AHNIP/CSA_AHNIP.html

[13] http://www.bjwconsult.com/THEHELSINKIRULES.pdf

[14] http://www.cawater-info.net/library/eng/l/berlin_rules.pdf

[15] http://www.internationalwaterlaw.org

PPL

Nguồn: vietecology.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn