Luật Biểu tình 'cần được toàn dân góp ý'

clip_image001

Cả Thủ tướng Chính phủ (trái) lẫn Chủ tịch Nước (phải) đều có quyền đưa ra sáng kiến xây dựng luật, theo Hiến pháp VN.

“Quyền cơ bản của công dân phải được ý kiến tham gia của công dân trong cả nước. Cho nên điều quan trọng nhất trong luật này là phải lấy ý kiến rộng rãi. Còn lấy ý kiến rộng rãi phải đáp ứng những điều kiện gì thì chắc công dân người ta sẽ có ý kiến. Nhưng tôi nghĩ rằng luật cơ bản đó là quyền biểu tình của công dân hay quyền biểu lộ ý kiến của công dân, thì quyền biểu lộ này phải được thể hiện một cách tự do và rộng rãi” – LS Trần Quốc Thuận.

Nhưng xin LS Thuận đừng quên rằng ở một nước như Việt Nam, mọi thứ diễn ra đôi khi lại lộn ngược với logic thông thường mà con người có thể nghĩ. Cũng như hầu hết dân cư mạng ở bất kỳ đâu, LS hẳn đã từng nhìn thấy tận mắt qua video hình ảnh viên công an đạp vào mặt người biểu tình yêu nước rành rành ra đấy! Ấy thế mà một viên tướng (người Việt) hẳn hoi cũng xem video mà không hề nhìn thấy, chỉ vì logic của con mắt ông ta là không thấy, có thế thôi. Cũng như vậy, đối với vị tân Bộ trưởng GTVT thì nếu bắt được đám “cậu ấm” đua xe không những phạt nặng mà còn phải hủy phương tiện ngay tại chỗ, vì từ lâu ông đã nhìn thấy những loại xe đua của các “cậu ấm” ấy là nguy hại cho xã hội, nhưng cũng viên tướng nói trên lại nhìn ra trong những chiếc xe đua một đống của cải, bèn có ý nghĩ rất “nhân văn” là nên đem bán đi kẻo “tiếc của trời”, để rồi nếu những chiếc xe đó lại tìm trở về đúng tay các “cậu ấm” và... cuộc đua xe sẽ diễn lại, nghĩa là mọi sự sẽ cứ chạy vòng quanh như một chiếc đèn cù, thì lại cho lực lượng công an đi đuổi, khó gì đâu. Thế mới là logic Việt Nam chứ, có phải không thưa Luật sư.

Bauxite Việt Nam

Một cựu Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói Luật về Biểu tình liên quan tới quyền cơ bản của công dân nên phải được phổ biến công khai và "lấy ý kiến rộng rãi" trong cả nước trước khi thông qua.

Trả lời BBC nhân việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Công An soạn Luật Biểu tình, Luật sư Trần Quốc Thuận, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nói cơ quan được giao thay mặt chính phủ "sẽ trình luật" nhưng "không có quyền quyết định gì cả."

Ông Thuận cũng cho rằng Việt Nam nên tham khảo nhiều Luật về Biểu tình của các nước tiên tiến trên thế giới để có thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội, các công dân tham khảo trong quá trình góp ý trước khi thông qua Luật.

Trước hết, cựu quan chức Quốc hội nói về quy trình làm một văn bản luật mới ở Việt Nam phải được tuân thủ những bước và quy trình nào.

Luật sư Trần Quốc Thuận: Theo quy định của pháp luật, việc phân công cho người nào trình, cho cơ quan nào trình thuộc thẩm quyền của thường vụ Quốc hội. Và cũng có cơ quan thẩm tra, thẩm định. Nghĩa là trong Quốc hội, một Ủy ban sẽ thẩm tra dự án luật đó, cũng do sự phân công của thường vụ Quốc hội. Nếu cũng có những cơ quan khác cùng có ý kiến như thế, thì tùy tình hình, có phân công tham gia vào Ban soạn thảo. Ban soạn thảo có thể có nhiều cơ quan đoàn thể tham gia. Còn cơ quan chủ trì trình (dự luật), thì đó là một cơ quan có sự phân công. Nhưng sự phân công đó quyết định sau khi có ý kiến của Thường vụ Quốc hội và thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội.

Trong trường hợp dự luật được giao cho bên hành pháp chuẩn bị trình lại không được tốt như một dự luật khác do một chủ thể khác đưa ra, thì trong hợp ấy phải xử lý như thế nào?

clip_image002

Tên gọi của dự luật là Luật Biểu tình hay Luật về Bảo vệ Quyền biểu tình có thể sẽ là một nội dung được bàn cãi.

LS Trần Quốc Thuận: Cũng theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án luật trình ra Quốc hội được trình theo hai bước. Cụ thể là bước thứ nhất là cơ quan trình, có nghĩa là Bộ Công an (trong trường hợp Luật Biểu tình) là thay mặt cho Chính phủ trình. Khi thẩm tra và khi thảo luận, thì trình ra Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất. Sau đó dự thảo luật đó được chuyển qua cho Thường vụ Quốc hội. Lần thứ hai khi trình để Quốc hội biểu quyết thông qua thành luật, thì đó là trách nhiệm của Thường vụ Quốc hội, không còn là của cơ quan trình nữa.

Theo kinh nghiệm mà Luật sư biết được, để đảm bảo nội dung của một dự luật như Luật Biểu tình được hợp hiến, cũng như khách quan về mặt nguyên tắc, thì việc này được thực hiện như thế nào ?

LS Trần Quốc Thuận : Cũng theo luật ban hành văn bản pháp quy của Việt Nam, tất cả các văn bản khi ban hành phải lấy ý kiến mà luật đó điều chỉnh, tức là phạm vi điều chỉnh. Tức là với luật quy định quyền cơ bản của công dân như luật biểu tình, luật đó phải được lấy ý kiến rộng rãi của toàn thể nhân dân, chứ không phải tự nhiên cơ quan đó có thể trình được. Có nghĩa là phải công bố và được lấy ý kiến rộng rãi. Bởi vì trong luật quy định rằng khi một luật mà đối tượng điều chỉnh có quan hệ với quan hệ xã hội nào thì phải lấy tất cả ý kiến của các quan hệ xã hội đó. Hay nói một cách tóm tắt là Luật Biểu tình là một quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, thì luật đó phải được công bố công khai và được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn quốc và toàn thể nhân dân.

'Để khách quan, hợp lý'

"một luật quan trọng như thế, chắc là mức độ tối thiểu cũng phải có Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án luật đó, hoặc thậm chí các Ban của Quốc hội cùng tham gia thẩm tra và đại biểu Quốc hội thẩm tra"

LS Trần Quốc Thuận

Nếu một cơ quan hành pháp được giao thay mặt Chính phủ chuẩn bị dự luật đưa vào luật nhiều yếu tố liên quan tới quyền lợi của họ nhiều hơn, thì cần phải làm gì, điều chỉnh, sửa đổi như thế nào để bảo đảm luật được khách quan, hợp lý?

LS Trần Quốc Thuận: Như đã nói, để khách quan, hợp lý, dự án luật đó phải được công bố rộng rãi lấy ý kiến của nhân dân, vì đó là quyền cơ bản của công dân. Thứ hai, có cơ quan thẩm tra. Tôi không rõ Thường vụ Quốc hội sẽ giao cho cơ quan nào để thẩm tra. Nhưng một luật quan trọng như thế, chắc là mức độ tối thiểu cũng phải có Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án luật đó, hoặc thậm chí các Ban của Quốc hội cùng tham gia thẩm tra và Đại biểu Quốc hội thẩm tra. Việc quyết định đó sẽ đưa ra Quốc hội để quyết định.

Cơ quan được giao trình sẽ chuẩn bị dự thảo thôi, chứ không phải là cơ quan đó có quyền quyết định cái gì cả. Ví dụ khi tranh luận trước Quốc hội và các cơ quan thẩm tra, họ sẽ phân tách rất kỹ, rồi (tham khảo) ý kiến của nhân dân, ý kiến của báo chí, có lẽ sẽ có nhiều ý kiến tham gia vào cái đó. Và lúc đó, người quyết định cuối cùng vẫn là Quốc hội.

Nếu Luật Biểu tình không được giao cho Bộ Công an chuẩn bị, thì có thể giao cho một Bộ hay nhóm Bộ, cơ quan nào khác chuẩn bị được không?

LS Trần Quốc Thuận: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đề cập ở trên, trong những người có sáng kiến pháp luật có Chủ tịch nước, Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội, các đoàn thể, sáu đoàn thể chính, thì việc giao cho một cơ quan nào, Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến ở chỗ đó.

Nguyên tắc chính làm luật

clip_image003

LS Trần Quốc Thuận nói 'biểu tình là một quyền cơ bản của công dân Việt Nam'

Trường hợp một dự luật được thông qua trong một Khóa Quốc hội này, nhưng đến một khóa nào đó trong tương lai, người ta thấy rằng luật đó là không hợp lý, là không đúng, có thể bỏ bộ luật đó đi và thay thế, thì việc đó có thể xảy ra hay là không?

LS Trần Quốc Thuận: Đúng thế, trong quy định của pháp luật có quyền đó. Luật pháp có thể sửa đổi, bổ sung bất cứ lúc nào. Ở Việt Nam, việc sửa đổi bổ sung các luật cũng thường xảy ra, chứ không phải ban hành là trở thành cố định luôn. Khi có một phản ứng của xã hội, có những ý kiến, thì luật đó có thể dẫn để sửa đổi, bổ sung.

Để cho Luật Biểu tình được hữu hiệu, theo ông, những nội dung và nguyên tắc chính của nó phải là gì ?

LS Trần Quốc Thuận: Về nguyên tắc chính, đây là những quyền cơ bản của công dân, mà các quyền cơ bản của công dân theo quy định phải được Quốc hội thông qua. Quyền cơ bản của công dân phải được ý kiến tham gia của công dân trong cả nước. Cho nên điều quan trọng nhất trong luật này là phải lấy ý kiến rộng rãi. Còn lấy ý kiến rộng rãi phải đáp ứng những điều kiện gì thì chắc công dân người ta sẽ có ý kiến. Nhưng tôi nghĩ rằng luật cơ bản đó là quyền biểu tình của công dân hay quyền biểu lộ ý kiến của công dân, thì quyền biểu lộ này phải được thể hiện một cách tự do và rộng rãi.

"Đặc biệt trong tình hình Việt Nam đang hòa nhập với thế giới, thì luật đó phải phù hợp với thông lệ chung"

Luật sư Trần Quốc Thuận

Còn ở Việt Nam người ta thường quy định theo yêu cầu đảm bảo trật tự xã hội, luật Việt Nam khi thông qua, tôi nghĩ không chỉ đơn giản theo thông lệ trước đây, mà bây giờ cũng phải phù hợp với các luật của các nước trên thế giới. Cho nên khi tôi còn làm ở Quốc hội, thì các luật đó phải được tham khảo với các luật trên thế giới, của các nước tiên tiến. Nên luật biểu tình ở các nước tiên tiến trên thế giới được quy định như thế nào thì luật của Việt Nam cũng phải thể hiện phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chứ không phải Việt Nam phải có một luật gì hơn, đặc biệt, mà không nằm trong thông lệ quốc tế. Đặc biệt trong tình hình Việt Nam đang hòa nhập với thế giới, thì luật đó phải phù hợp với thông lệ chung. Có lẽ tôi nghĩ có nhiều luật về biểu tình trên thế giới sẽ được Việt Nam tham khảo. Đó cũng là các thông tin cần thiết để các đại biểu Quốc hội và người dân Việt Nam tham khảo trong khi người ta tham gia góp ý để xây dựng Luật Biểu tình ở Việt Nam.

Luật sư Trần Quốc Thuận hiện là Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ & Pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là một trong bốn Luật sư bào chữa cho Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử phúc thẩm đầu tháng 8/2011.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn