Tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước ngành xây dựng – giao thông

Lê Anh Hùng

Tham nhũng đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội Việt Nam hiện nay. Nó diễn ra dưới muôn hình muôn vẻ và ở mọi ngóc ngách của xã hội. Tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng vậy, thật khó mà nhận diện hết những “dạng thức” của nó.

Là người từng làm việc trong một số DNNN thuộc ngành xây dựng và giao thông nên tôi đã được “mục sở thị”, thậm chí nhúng tay vào một số hình thức tham nhũng phổ biến của các DNNN trong lĩnh vực này. Tham nhũng trong các DNNN về xây dựng và giao thông có thể quy thành ba nhóm hành vi chủ yếu: (i) cấu kết với các cơ quan quản lý nhà nước để tham nhũng, (ii) cấu kết với doanh nghiệp bên ngoài để tham nhũng, và (iii) tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp.

i. Cấu kết với các cơ quan quản lý nhà nước để tham nhũng

Các DN chuyên về xây dựng – giao thông của Nhà nước là những nhà thầu chủ yếu trong các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách. Chính vì thế, nghiên cứu về tham nhũng trong các DN này cũng cho thấy phần nào bức tranh tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công ở Việt Nam hiện nay.

Kể từ Quy chế Đấu thầu đầu tiên ra đời kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16/7/1996 cho đến Luật Đấu thầu được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2005, các quy định pháp lý liên quan đến đấu thầu đều lần lượt bị vô hiệu hoá dưới hình thức này hay hình thức khác. Điển hình nhất là tình trạng nhà thầu thông đồng với Ban quản lý dự án để tiến hành các thủ tục đấu thầu - hiện tượng thông thầu. Theo thông lệ, một dự án được lập thành một hoặc một số gói thầu, mỗi gói thầu sẽ được chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) “chấm” cho một nhà thầu nào đó, nhà thầu này sẽ huy động một số nhà thầu khác đóng vai “quân xanh” cho đủ số lượng nhà thầu cần thiết theo quy định để đấu thầu gói thầu đó. Các nhà thầu “quân xanh” này thường chẳng bỏ ra cái gì cả, kể cả hồ sơ dự thầu của họ cũng do nhà thầu “quân đỏ” kia chuẩn bị sẵn cho, họ chỉ việc đóng dấu công ty của mình vào mà thôi. (Dĩ nhiên là các nhà thầu phải “có đi có lại” với nhau.) Mức “giá” cho hình thức “đấu thầu” như thế thường dao động từ 10% đến 20% giá trị gói thầu, tuỳ vào mức độ “béo bở” của gói thầu (ví dụ như trong vụ PCI, ban đầu ông Huỳnh Ngọc Sỹ còn đòi phía nhà thầu Nhật Bản phải chi tới 20% giá trị hợp đồng).

Ngoài ra, trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư thường tạo điều kiện để xác nhận khối lượng phát sinh cho nhà thầu, mà khối lượng khống lại thường nhiều hơn khối lượng phát sinh thực tế. Cố nhiên, ở đây cũng vậy, chẳng ai cho không ai cái gì cả.

Trong những năm qua, nhiều DNNN còn lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Và tất nhiên, ở đây cũng xuất hiện nhiều mánh khoé tham nhũng qua sự cấu kết giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước, như hiện tượng móc ngoặc trong đấu thầu đất đai chẳng hạn [1].

ii. Cấu kết với DN bên ngoài để tham nhũng

Sau khi ký kết hợp đồng nhận thầu với chủ đầu tư (Ban quản lý dự án), nhiều nhà thầu chính (bên B) lại thuê thầu phụ từ bên ngoài, hoặc là do nhà thầu chính không đủ năng lực thực hiện dự án (mà chỉ giỏi “quan hệ” thôi), hoặc là do các vị lãnh đạo DN muốn đẩy những phần “màu mỡ” của gói thầu cho các DN sân sau của mình. Lúc đó, giá trị hợp đồng thầu phụ thường không phản ánh giá trị thực chất của gói thầu, phần lớn lợi lộc dĩ nhiên là rơi vào túi cá nhân của các ông chủ DNNN. Các gói thầu nhiều khi được bán qua tay nhiều lần, từ B sang B' rồi sang B", thậm chí sang cả B"'.

Khi DNNN trúng thầu trúng thầu tự tiến hành thi công công trình, họ cũng thường thuê máy móc thiết bị từ bên ngoài, chủ yếu là từ các DN sân sau của các vị lãnh đạo DNNN, dĩ nhiên là thông qua những hợp đồng dễ dãi và béo bở.

iii. Tham nhũng trong nội bộ DN

Các DN sau khi nhận thầu có thể chia các hạng mục công trình cho các đơn vị trực thuộc thi công. Do cơ chế quản lý yếu kém là “đặc trưng” của các DNNN nói chung nên công trình nào cũng vậy, luôn bị rút ruột:

Trên chứng từ, sổ sách vẫn thể hiện đầy đủ số lượng nguyên nhiên vật liệu theo thiết kế, định mức, nhưng thực ra một phần trong số đó là chứng từ khống và sổ sách được hợp thức hoá theo sự chỉ đạo của những người quản lý. (Số tiền “lại quả” cho các ban quản lý dự án hay tư vấn giám sát cũng phải được hợp thức hoá theo cách này.)

- Nguyên nhiên vật liệu (sắt thép, xi măng, xăng dầu…) nhập về công trường còn bị công nhân viên trực tiếp thi công đánh cắp, ăn bớt và tuồn ra ngoài.

- Các khoản “ngoại giao” (quà biếu, hiếu hỉ…) của doanh nghiệp dành cho các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, Chính phủ… cũng được ấn vào chi phí công trình thông qua các chứng từ nguỵ tạo.

Nếu dự án hay công trình lãi nhiều thì người ta sẽ tìm mọi cách để “nhồi” chứng từ khống vào (đẩy chi phí lên) và rút tiền ra, chỉ để lại một mức lãi “vừa phải” thôi; còn nếu có lỗ thì doanh nghiệp và sau cùng là Nhà nước chịu, chứ các khoản thất thoát vẫn cứ chảy vào túi cá nhân như thường. Đó là cảnh “cha chung không ai khóc” ở các DNNN nói chung, chứ không riêng gì DNNN trong lĩnh vực xây dựng - giao thông. Và cứ hễ có dịp là các DN này lại đồng thanh ca bài ca khó khăn đầy thống thiết lên lãnh đạo bộ và Chính phủ (Với cơ chế này thì ngu gì mà không biết kêu ca chứ!).

Thực trạng trên dẫn đến những hệ luỵ dưới đây.

1. Giá thành công trình cao, chất lượng công trình kém:

Do cơ chế quản lý lỏng lẻo hiện nay nên chủ đầu tư cứ muốn đẩy dự toán công trình lên cao để dễ dàng “mặc cả” và “làm ăn” với nhà thầu. Và một khi chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã “ăn” của nhà thầu rồi thì đâm ra khó bề xử lý họ khi họ chậm tiến độ hay khi công trình bị rút ruột, chất lượng công trình không đảm bảo. Ngoài ra, do quản lý yếu kém nên chi phí thi công trong các DNNN thường cao và khó kiểm soát.

Ngày 1/12/2011 vừa qua, trước những bức xúc của dư luận về các công trình giao thông trọng điểm xuống cấp nhanh chóng sau khi hoàn thành, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ra quyết định thành lập các đoàn kiểm tra 6 công trình: đường Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thanh Trì - vành đai 3 (Hà Nội), sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và quốc lộ 48-2 (dự án WB4 đoạn Yên Lý - Nghĩa Thuận, tỉnh Nghệ An). Kết quả kiểm tra cho thấy là công trình nào cũng hỏng be bét.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 của ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 6/1/2012, chính Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải lên tiếng về tình trạng giá thành công trình đầu tư công cao và chất lượng thấp ở Việt Nam.

Tại sao cả Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đều có cơ quan kiểm định chất lượng công trình cấp Cục (ở Bộ XD là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, còn ở Bộ GTVT là Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông – thậm chí mới đây người ta lại còn “đẻ” thêm Cục Quản lý xây dựng đường bộ trong Tổng cục Đường bộ để “thực hiện việc quản lý xây dựng và chất lượng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Tổng cục làm chủ đầu tư hoặc quyết định đầu tư”) mà chất lượng của các công trình đầu tư công lại thấp đến mức báo động như thế? Xin thưa, đằng sau các dự án đầu tư công đều là các nhóm lợi ích, mà “nòng cốt” là các quan chức chính quyền, trải từ Trung ương đến địa phương. Một mình người đứng đầu cơ quan giám sát chất lượng của một bộ chuyên ngành thì thử hỏi có thể làm được gì? Chưa kể, trong hệ thống này thì bản thân ông ta cũng phải quan hệ, chạy chọt, phải được nâng đỡ, “cơ cấu” đủ kiểu rồi mới được ngồi vào chiếc ghế đó; ông ta là một mắt xích của cái cỗ máy gồm nhiều mối quan hệ lợi ích chồng chéo, vốn đặt ông ta vào chiếc “ghế” của mình, vậy thì làm sao một mình ông ta có thể xoay chuyển được tình hình, nếu không muốn nói điều ngược lại ở đây.

Từ bất lực đến thoả hiệp và cuối cùng là đồng loã với tham nhũng – đó chính là quá trình “tự diễn biến” vô cùng nguy hại đối với tiền đồ dân tộc của hầu như mọi quan chức trong bộ máy chính quyền hiện nay. Một khi Thủ tướng đã phải kêu lên rằng “bây giờ cả xã hội đều lên tiếng về chất lượng xây dựng công trình của chúng ta thấp, giá thành xây dựng công trình của chúng ta cao” – đó cũng phần nào cho thấy sự bất lực của người đứng đầu Chính phủ.

2. Các DNNN ngành xây dựng – giao thông yếu kém và thua lỗ nhiều:

Không chỉ yếu về năng lực tài chính, hầu hết các tổng công ty thuộc Bộ GTVT đang phải gánh những khoản thua lỗ lớn. Ngoại trừ Cienco 4, Cienco 5 công bố lãi, năm tổng công ty xây lắp còn lại đang phải gánh khoản lỗ lũy kế lớn, trong đó “đội sổ” là Tổng Cty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco), với số lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 lên tới 857 tỷ đồng, gấp 7 lần vốn điều lệ (báo Đầu Tư ngày 2/11/2011). Các DNNN thuộc Bộ Xây dựng cũng ở vào tình trạng tương tự. Đó mới chỉ là những số liệu chính thức và công khai trên giấy tờ thôi, còn trong thực tế thì các DNNN không thiếu gì chiêu dấu lỗ hay treo lỗ để bảo vệ uy tín của DN và trên hết là để bảo vệ chiếc ghế của lãnh đạo DN.

Do không cạnh tranh nổi với các DNNN vốn có quá nhiều lợi thế (nguồn vốn; đất đai; cơ hội tiếp cận tín dụng; sự ưu ái chính trị; sự hỗ trợ của Nhà nước…), các DN tư nhân trong lĩnh vực xây dựng - giao thông rất khó phát triển, và nhiều trong số đó chủ yếu là làm thầu phụ cho các DNNN.

Tình trạng hàng loạt gói thầu EPC trong những năm qua rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, không chỉ về năng lực của đội ngũ nhà thầu nội, mà còn cả những quan ngại về an ninh - quốc phòng của đất nước.

Để khắc phục tình trạng trên đây, giải pháp cấp bách và triệt để là phải tư nhân hoá toàn bộ các DNNN trong ngành xây dựng - giao thông và ban hành ngay Luật Đầu tư công. Cần dẹp bỏ ngay lối tư duy theo kiểu “các doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung phải là những cánh tay nối dài của Bộ Xây dựng”; “cánh tay nối dài” ấy chẳng qua là bàn tay “khua khoắng” của các quan chức vốn chỉ biết chịu “trách nhiệm chính trị” trước gương đến từng dự án đầu tư công mà thôi. Như hầu hết các lĩnh vực khác, xây dựng cơ sở hạ tầng là lĩnh vực mà các DNTN hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời Nhà nước cũng không nhất thiết phải kinh doanh hay sử dụng các DNNN để “điều tiết vĩ mô” gì ở đây cả.

[1] Dưới đây là một mánh khoé về tham nhũng đất đai liên quan đến DNNN trong lĩnh vực xây dựng – giao thông, hiện đang diễn ra phổ biến.

Năm 2004, tôi làm cho Cty Xây dựng & Thương mại Miền núi (Cty này nay đã cổ phần hoá và mang tên khác) thuộc Tổng Cty Thương mại Xây dựng – Bộ GTVT (Vietracimex). Giám đốc Cty của tôi là ông PQC, còn Chủ tịch HĐQT Vietracimex là ông VNT. Cuối năm đó, Vietracimex tham gia đấu giá một số lô đất trong một dự án xây dựng biệt thự nằm ở quận Tây Hồ. Một số nhân viên Cty chúng tôi có hộ khẩu Hà Nội được huy động để tham gia cuộc “đấu giá” diễn ra tại trụ sở UBND quận. Tất nhiên là còn một số nhân viên của các Cty khác thuộc Tổng Cty và nhân viên văn phòng Tổng Cty tham gia nữa.

Các lô đất với diện tích khác nhau được ấn định các mức giá sàn khác nhau. Một mức giá sàn có thể dành cho những lô đất với những đặc điểm tương đương. Một lô đất có thể có nhiều người tham gia đấu giá, ít nhất là 2 người. Một người thuộc diện “quân xanh” như tôi tham gia đấu giá nhiều lô đất, với các mức giá sàn khác nhau, và các lô thuộc diện đã “chấm” đó thực ra toàn là “quân nhà” cả.

Theo quy định, mỗi bước giá là 200.000 VNĐ. Nghĩa là, lượt đấu giá thứ nhất cao hơn giá sàn 200.000 VNĐ/m2 và đây là lượt bắt buộc. Sau lượt đấu giá này, người đấu giá có quyền tham gia tiếp (bỏ một mức giá cao hơn) hoặc bỏ cuộc mà không bị mất tiền đặt cọc.

Mọi công tác chuẩn bị đã được người của phía Tổng Cty thực hiện (như đăng ký, nộp tiền đặt cọc, v.v.) nên nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là có mặt tại buổi đấu giá và với mỗi lô đã đăng ký, chúng tôi chỉ tham gia một lượt đấu giá với mức giá đấu thầu cao hơn mức giá sàn 200.000 VNĐ/m2 là đồng loạt bỏ cuộc. “Quân đỏ” trong nhóm đấu giá lô đất đó chỉ việc nâng thêm một bước giá nữa là “thắng”.

Trong khi đó, ở những lô không có móc ngoặc, cuộc đấu giá diễn ra khá gay cấn, mức giá cuối cùng có khi gấp đôi giá sàn. Tuy nhiên, số lô diễn ra đấu giá giằng co như thế lại rất ít. Nghĩa là, phần lớn cuộc đấu giá chỉ là một màn kịch không hơn không kém.

5/2/2012

L.A.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn