Langston Hughes và “Cái cày của Tự do”

Trần Ngọc Cư

Nhân chiến thắng nức lòng của Tổng thống Hoa Kỳ Obama trong cuộc tranh cử lần thứ hai vào Nhà Trắng, ông Trần Ngọc Cư, cộng tác viên quen thuộc của BVN, gửi đến chúng tôi bài giới thiệu thi phẩm Cái cày của Tự do của Langston Hughes từng được ông cho đăng trên mạng talawas cách đây 5 năm, nói lên cảm hứng nồng thắm của ông – đến tận hôm nay vẫn còn nguyên vẹn – trước cái quyền thiêng liêng của 300 triệu dân chúng Hoa Kỳ mà ông may mắn là một trong số người thụ hưởng và ngày một thấm thía thực chất giá trị của nó: quyền làm người tự do.

BVN hoàn toàn chia sẻ với ông. Trong ngày 7-11, nhân đưa tin về kết quả nóng hổi bầu Tổng thống Mỹ vừa được các đài truyền thông loan báo, chúng tôi đã có một lời bình ngắn, xét thấy vẫn chưa mất tính thời sự nên xin được đưa lại ở đây như một lời mào đầu cho bài giới thiệu Cái cày của Tự do của ông Trần Ngọc Cư:

Có thể nói trong vài ngày qua, gần 7 tỷ người trên địa cầu nín thở theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Không phải chỉ vì Hoa Kỳ là một siêu cường có ảnh hưởng đến an nguy của nước này nước khác, mà trước hết vì nền dân chủ ở đất nước hùng vĩ ấy thường xuyên lan tỏa ánh sáng tự do và nhân bản ra khắp thế giới.

Chính vì thế, trong những ngày cả đất nước Hoa Kỳ sôi động với việc bầu cử Tổng thống, hình ảnh cả một Hợp chúng quốc nâng niu quyền được làm người bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật, thể hiện ở việc 300 triệu người dân đủ mọi sắc tộc nô nức đi bỏ lá phiếu công bằng cho người lãnh đạo tối cao của đất nước, cũng gần như là tấm gương chiếu yêu lợi hại để nhân loại soi vào đấy mà nhận ra bộ dạng rúm ró của vài ba nhúm yêu tinh đội lốt người còn sót lại đó đây trên trái đất.

Bọn chúng cũng vẽ chuyện bầu bán long trọng, cũng nói những điều hòa bình, dân chủ… hệt như loài người vẫn làm và nói, chỉ khác loài người ở chỗ, mọi việc chúng làm đều diễn ra trong bóng tối nhập nhoạng với đủ trò lừa dối ma mị, và mọi điều chúng nói, muốn hiểu đúng nghĩa đen, phải “lộn đầu xuống đất” thì mới hiểu nổi.

Miệng chúng hô “triệu lần dân chủ” mà khắp nơi dân chúng run rẩy tưởng thấy vị thần cầm lưỡi hái đến đòi tính mạng họ. Chúng nói xưng xưng “bình đẳng”, “của dân do dân vì dân” mà bản thân, con cái và họ hàng chúng ngồi trên những đống vàng sáng chóe, sống trong những biệt thự nghìn tỷ, nằm tại những bệnh viện vip, học ở những phòng học vip sướng hơn cảnh tiên, mặc cho đại bộ phận dân chúng còn lại sống ngắc ngoải dưới bùn, nông dân bị cướp hết ruộng đất, ép giá thóc lúa rẻ mạt phải đem thân đi khắp nơi lang thang kiếm sống. Chúng ve vãn “chung sống hài hòa” mà nhiều nước thất kinh vì mõm chúng há ra đớp vào tài nguyên, rừng biển của bất cứ nước nào bùi tai nghe chúng, đớp xong không bao giờ chịu nhả, bàn chân lông lá chúng thò sang dẫm bừa lên lãnh địa lãnh hải của láng giềng xa gần. Chúng nuôi sống một bộ máy công cụ khổng lồ để thường xuyên o ép người dân nước chúng bằng ngón đòn duy nhất từ thời mồ ma các cụ tổ Lê Xít Mao... của chúng để lại, và cũng dùng món “lẩu” này đem đi dọa dẫm khắp bàn dân thiên hạ: “bạo lực” và “chuyên chính”. Chúng tuyệt nhiên không còn là hiện thân của thế giới chúng ta đang sống.

Hôm nay, 7 tỷ người hân hoan với kết quả dân chủ của nước Mỹ bao nhiêu thì cũng sẵn sàng ca hát để tiễn đưa cái lũ quỷ người đã hoành hành gần suốt cả thế kỷ XX kia sớm đi nhanh… về cõi quỷ – quy luật mà trước sau chúng không tài nào cưỡng được.

Bauxite Việt Nam

Cũng xin đăng lên đây lá thư của nhà giáo Phạm Toàn phúc đáp ông Trần Ngọc Cư sau khi nhận được bài viết mà chúng tôi xem là đồng điệu:

Anh Cư ơi,

Huệ Chi cẩn thận quá, gửi tôi đọc thư và bài của anh trước khi đăng, lý do có lẽ ít vì sự "cẩn thận" cần thiết trước bè lũ gian manh, mà nhiều hơn là vì muốn tôi được hưởng cái hạnh phúc đọc thư bè bạn cách xa cả nửa vòng Trái đất.

Thật ngu xuẩn bọn người sợ hòa giải hòa hợp dân tộc như cú sợ ánh sáng, khiến cho anh em ta không biết khi nào mới gặp được nhau và ôm nhau trong vòng tay siết chặt.

Nhưng chúng ta vẫn gặp nhau một cách vật chất (trên mạng – đố đứa nào phá nổi) và gặp nhau một cách tràn đầy tinh thần yêu thương, đoàn kết, trách nhiệm.

Tôi hứa với anh hễ gặp nhau chúng ta sẽ có đủ điều vui cười hoan hỉ cùng nhau – tiếng cười của những người lòng không bợn chút điều tiếng gì đáng phải... phê bình và tự phê bình... rồi sau đó lại xin tha thứ... để tiếp tục ăn hại đái nát.

Anh cho tôi gửi lời thăm các bạn và người thân của anh.

Yêu anh và tất cả,

Toàn

Langston Hughes (1902-1967) là một trong những cây viết chủ lực của phong trào văn học nghệ thuật của người Mỹ gốc châu Phi trong thập niên 1920, mệnh danh là phong trào Phục hưng Harlem (Harlem Renaissance) – một nỗ lực nhằm cổ động lòng tự hào về văn hóa Da đen. Qua thi ca, tiểu thuyết, kịch, tiểu luận và cả sách thiếu nhi, Hughes kêu đòi bình đẳng xã hội, lên án chế độ kỳ thị chủng tộc và những hành vi chà đạp công lý, đồng thời ngợi ca khát vọng tự do và lòng tự tin của người Da đen.

"Cái cày của Tự do" (Freedom's Plow) xuất hiện dưới mắt bạn đọc như một bài sử thi, qua đó Langston Hughes ghi nhận những thành tựu phi thường mà những con người tự do và can đảm đã thực hiện được khi họ hội tụ trên một quốc gia mới, đó là nước Mỹ. Sợi chỉ xuyên suốt bài thơ là sức mạnh và hiệu năng của tự do nói chung và khát vọng tự do của người nô lệ da màu nói riêng trên con đường đi đến hoàn toàn giải phóng.

Tự do là do tự mình. Không thể nói đến tự do mà không xét đến nguyện vọng và ước mơ của thực thể cơ bản là mỗi một cá nhân. Nhận thức này là cách thế tác giả đi vào bài thơ. Trong một xã hội tự do, cá nhân là cứu cánh và sức mạnh của tập thể được sử dụng như một phương tiện để giúp cho cá nhân thể hiện quyền sống và quyền theo đuổi hạnh phúc của mình. Trí tuệ của con người nhận ra "hợp quần gây sức mạnh" và đó là lý do tồn tại của tập thể – tập thể đem lại lợi ích cho từng cá nhân, nhưng cá nhân có chỗ đứng và giá trị tiên quyết. Theo logic của bài thơ và như là tính đặc thù của văn hoá Mỹ, tập thể hoặc cộng đồng và thậm chí đến cả quốc gia được hình thành là do sự đồng thuận của nhiều thành phần cá nhân có cùng quyền lợi và ước mơ chung, trên những nguyên tắc mà nhà thơ gọi là "mối giềng của Mỹ", như được trích dẫn sau đây:

MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG.

KHÔNG AI ĐỦ TỐT LÀNH

ĐỂ CAI TRI MỘT NGƯỜI KHÁC

MÀ KHÔNG ĐƯỢC Y ĐỒNG Ý.

THÀ CHẾT TỰ DO

CÒN HƠN SỐNG NÔ LỆ.

Khi tinh thần quốc gia được un đúc trên những tiền đề nói trên, những kẻ nhân danh tập thể sẽ khó xâm phạm đến quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi một cá nhân. Nói cách khác, cá nhân không bị đòi hỏi phải hi sinh cho tập thể, thiểu số không nhất thiết phục tùng đa số. Người Mỹ thậm chí không réo gọi đến cả cái tập thể trừu tượng và thiêng liêng là Tổ quốc, vì lý do rất giản đơn: họ không thể quan niệm ra một tổ quốc trên vùng Tân Thế giới này. Mỹ là quốc gia của người di dân (a nation of immigrants). Nhiều người đến Mỹ vì trước đó họ bị đàn áp, bách hại trên quê cha đất tổ của mình vì lý do chính trị hay tôn giáo, đến độ phải bỏ nước ra đi tìm tự do. Họ vượt đại dương đến đây, để lại đằng sau ngàn trùng sóng nước Mẹ Anh Cát Lợi, Mẹ Ái Nhĩ Lan, Mẹ Nga La Tư, Mẹ Ba Lan hay một thứ Mẹ Mìn nào đó:

Buồm lộng gió những con tàu galleon

Chở đến đàn ông đầy giấc mơ, đàn bà giấc đầy mơ.

Trong toán nhỏ cùng nhau,

Lòng vươn tới lòng,

Bàn tay vươn tới bàn tay,

Họ bắt đầu xây dựng quê hương ta.

Có những bàn tay vốn đã tự do

Thì kiếm tìm tự do lớn lao hơn nữa.

Có những bàn tay tá điền

Thì hi vọng có ngày tìm được tự do,

Có những bàn tay nô lệ

Thì ấp ủ trong tim hạt giống tự do.

Dẫu thế nào nhưng tiếng ấy luôn ở đó:

TỰ DO.

Những người này lấy đâu ra được niềm tự hào về "địa linh nhân kiệt", lại càng không thể tự tôn vinh cho mình là giống dân "được Chúa chọn" như người Do Thái, hay là "con cháu Thái dương Thần nữ" như người Nhật. Lịch sử Mỹ quá ngắn ngủi, không có đủ sương mù của thời gian, để họ có thể nương núp vào huyền thọai, tự huyễn hoặc chính mình. Họ vui vẻ gọi quốc gia mới này là cái nồi tạp bí lù (the melting pot), một thực thể do nhiều sắc dân khác nhau tạo thành, “E pluribus unum” (Hợp chúng vi nhất), như châm ngôn được ghi trên tờ Mỹ kim hay trên một số văn kiện quốc gia. Và một cách cụ thể hơn, Hughes diễn tả:

Ai là Nước Mỹ? — Bạn, tôi.

Chúng ta là nước Mỹ!

Đồng thời với việc mô tả sinh động sức sống mãnh liệt và những thành tựu kỳ diệu của con người tự do, Hughes có một sử quan hoà giải hoà hợp khi mô tả thân phận của người nô lệ Da đen. Mặc dù trong sinh thời của Hughes, cuộc đấu tranh cho dân quyền của người Da đen vẫn còn sôi sục, nhưng bài sử thi này hoàn toàn thiếu vắng loại ngôn ngữ kích động xuống đường. Ông lý giải rằng khi Jefferson tuyên bố, "Mọi người sinh ra đều bình đẳng", hay khi Lincoln phát biểu, "Không ai có đủ tốt lành để cai trị một người khác mà không được sự đồng thuận", những lời nói này đã gieo hạt giống tự do trong tim người nô lệ. Vì người nô lệ đinh ninh rằng Jefferson và Lincoln đã nói giùm cho họ, "bằng không thì những lời nói đó trở thành vô nghĩa". Vô nghĩa bởi vì tự do là một ý niệm bất khả phân: không thể dành tự do cho bộ phận này và tước đoạt tự do của bộ phận khác trong một xã hội dân chủ.

Như thế, người nô lệ da đen đã thừa hưởng "hạt giống tự do" từ chủ nhân của họ. Thân tuy làm nô lệ, nhưng tinh thần đã giác ngộ quyền làm người và trái tim luôn luôn khao khát tự do. Ý thức về quyền tự do của mình là một bước phát triển quan trọng, vì tự do là hạt giống rất sung sức; nếu có điều kiện, hạt giống đó sẽ đâm chồi nẩy lộc, không sức mạnh nào kìm hãm được. Sẽ có một ngày người nô lệ Da đen nắm lấy thắt lưng người da trắng để đòi tự do cho giống nòi mình. Trong bài diễn văn “Tôi có một ước mơ”, Martin Luther King đã hùng hồn nhắc nhở món nợ tự do này:

“Khi các nhà kiến trúc nước cộng hoà của chúng ta viết ra những lời tráng lệ trong bản Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập, họ đã ký một phiếu hẹn mà mọi công dân Mỹ đều có quyền thừa kế. Tờ phiếu hẹn này là một lời hứa rằng mọi người, vâng, người Da đen cũng như người Da trắng, đều được đảm bảo những quyền bất khả nhượng, đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

(When the architects of our republic wrote the magnificent words of the Constitution and the Declaration of Independence, they were signing a promissory note to which every American was to fall heir. This note was a promise that all men, yes, black men as well as white men, would be guaranteed the unalienable rights of life, liberty, and the pursuit of happiness).

Như vậy, muốn cho chính nghĩa tự do được thắng lợi, trước hết phải có những người ý thức về quyền làm người và khao khát tự do. Chúng ta thử đối chiếu sự kiện lịch sử này: Trong khi những người Da đen ở châu Mỹ đang làm thân nô lệ thì ở châu Phi, bên kia đại dương, người cùng chủng tộc với họ tiếp tục sống trong văn hoá truyền thống. Và bây giờ chúng ta thấy rõ tự do đã đến với bên nào. Sự thể cũng chỉ vì, con người chìm đắm trong văn hoá truyền thống chưa chắc đã có điều kiện để phát huy tự do. Nhất là khi văn hoá truyền thống đó đồng minh với các chế độ thần quyền, quân quyền, hay các chế độ nhân danh quyền lợi tập thể để bắt cá nhân phải hi sinh tự do và quyền sống. Lịch sử đã chứng minh rằng bãi bỏ chế độ nô lệ còn dễ hơn tháo gỡ những xích xiềng của một nền văn hoá nô dịch. Cuộc chiến đấu cho tự do trước hết là một cuộc vận động thay đổi văn hoá, mà nỗ lực mũi nhọn là làm cho mọi công dân ý thức được nhân quyền và dân quyền (“Dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được”, đó là điều cụ Phan Châu Trinh từng nhấn mạnh với đồng bào Việt Nam vào đầu thế kỷ trước). Và đó mới thật là luống cày băng qua cánh đồng lịch sử, để một ngày kia hạt giống tự do đâm chồi nẩy lộc, trở thành cây cao bóng rợp.

Bao lâu mà người dân chưa ý thức được rằng họ có những quyền bẩm sinh không ai có thể tước đoạt; bao lâu mà cuộc tranh luận về tự do dân chủ chỉ diễn ra giữa một bên là vài sĩ phu can trường bất khuất và bên kia là quyền lực độc tài toàn trị của vua quan phong kiến, cuộc tranh luận xảy ra ở một tầng trời nằm ngoài sự quan tâm của tuyệt đại đa số dân chúng; bao lâu mà những nhà tranh đấu cho dân chủ chỉ còn trông chờ vào lòng hào hiệp, che chở, của viên đại sứ đến từ một nước siêu cường; bấy giờ chúng ta vẫn khó mường tượng ra được một viễn cảnh dân chủ cho quê hương.

Langston Hughes

Cái cày của Tự do

(Trần Ngọc Cư dịch từ bản tiếng Anh)

Khi một người khởi tự số không.

Khi một người bắt đầu với hai bàn tay,

Trống trơn, nhưng sạch,

Khi một người đi dựng xây thế giới,

Người đó bắt đầu trước hết từ chính mình

Với niềm tin có sẵn trong tim –

Sức là đây,

Ý chí là đây,

Để dựng xây.

 

Trước hết trong lòng là ước mơ

Rồi tâm trí mới tìm đường thực hiện.

Mắt y nhìn ra thế giới,

Thế giới rừng cây hùng vĩ,

Thế giới đất đai bao la,

Thế giới sông ngòi.

 

Mắt nhìn thấy kia bao vật liệu xây dựng,

Cũng thấy những khó khăn, trở ngại.

Bàn tay tìm dụng cụ đốn cây,

Cày đất và gò sức mạnh những dòng nước.

Rồi bàn tay tìm những bàn tay khác góp sức vào,

Một cộng đồng những bàn tay giúp đỡ —

Như thế, giấc mơ đâu còn là giấc mơ riêng lẻ một người,

Nhưng đã trở thành một giấc mơ cộng đồng.

Không phải riêng giấc mơ tôi, mà giấc mơ chúng ta rồi đấy.

Không phải thế giới riêng tôi,

Nhưng là thế giới của bạn và của tôi,

Thuộc về tất cả những bàn tay xây dựng.

 

Một thuở xưa, nhưng chẳng quá xa xưa,

Những con tàu vượt biển,

Mang theo kẻ Hành hương và khấn nguyện,

Kẻ phiêu lưu và kẻ cầu tài,

Kẻ tự do và kẻ ở đợ,

Kẻ nô lệ và chủ nô, tất cả mới tinh –

Cho một thế giới mới, America!

 

Buồm lộng gió những con tàu galleon

Chở đến đàn ông đầy giấc mơ, đàn bà đầy giấc mơ.

Trong toán nhỏ cùng nhau,

Lòng vươn tới lòng,

Bàn tay vươn tới bàn tay,

Họ bắt đầu xây dựng quê hương ta.

Có những bàn tay vốn đã tự do

Thì kiếm tìm tự do lớn lao hơn nữa.

Có những bàn tay tá điền

Thì hi vọng có ngày tìm được tự do,

Có những bàn tay nô lệ

Thì ấp ủ trong tim hạt giống tự do.

Dẫu thế nào nhưng tiếng ấy luôn ở đó:

TỰ DO.

 

Ăn xuống đất sâu là chiếc cày

Trong tay tự do và tay nô lệ,

Trong tay tá điền và tay kẻ phiêu lưu,

Lật xới đất mầu là chiếc cày trong lắm bàn tay

Đã cấy trồng và gặt hái ngô khoai để nuôi ăn

Và bông đay để cho mặc America này.

Bổ vào cây là chiếc rìu trong những bàn tay

Đã đốn và tạo hình những nóc nhà của Mỹ.

Toé nước biển sông là những thân tàu

Đã dời chuyển nước Mỹ.

Nghe vi vút là đường roi vung xua đàn ngựa

Qua những bình nguyên nước Mỹ.

Bàn tay tự do, bàn tay nô lệ,

Bàn tay tá điền, bàn tay phiêu lưu,

Bàn tay da trắng và bàn tay da đen,

Nắm vững cán cày,

Cán rìu, cán búa,

Hạ thuyền và quất ngựa,

Đã nuôi nấng, chở che, di dời nước Mỹ.

Và như thế cùng nhau bằng sức lao động

Những bàn tay này đã làm nên nước Mỹ.

Lao động! Có lao động mới có xóm làng

Và phố xá trở thành đô thị.

Lao động! Có lao động mới có thuyền chèo,

Mới có thuyền buồm và tàu hơi nước,

Đến những cỗ xe thồ, xe tứ mã,

Nhờ lao động mới làm nên nhà máy,

Nên những lò đúc, nên những đường ray,

Mới có quán, chợ, tiệm và cửa hàng bách hoá,

Mới có sản phẩm hùng mạnh, đúc, chế,

Bán trong tiệm, chất trong kho,

Tàu đưa đi khắp thế giới.

Nhờ lao động – những bàn tay trắng tay đen –

Mới có ước mơ, sức mạnh, chí bền,

Và đường lối dựng xây nước Mỹ.

Giờ đây mới có Tôi đây và Bạn đó.

Giờ đây mới có Manhattan, có Chicago,

Seattle, New Orleans,

Có Boston và El Paso--

Giờ đây mới có U.S.A Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

 

Một thuở xưa, nhưng chẳng quá xa xưa, một người nói rằng:

 

MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG…

TẠO HOÁ ĐÃ BAN CHO HỌ NHỮNG QUYỀN BẤT KHẢ NHƯỢNG…

TRONG ĐÓ CÓ QUYỀN SỐNG, QUYỀN ĐƯỢC TỰ DO VÀ QUYỀN MƯU CẦU HẠNH PHÚC.

 

Người ấy tên là Jefferson. Thuở ấy cũng có nô lệ.

Nhưng tận đáy lòng người nô lệ vẫn vững tin ông,

Và lặng lẽ đinh ninh

Những gì ông nói đó cũng là bao gồm cả họ.

Một thuở xưa,

Nhưng chẳng quá xa xưa, Lincoln đã nói:

 

KHÔNG AI ĐỦ TỐT LÀNH

ĐỂ CAI TRI MỘT NGƯỜI KHÁC

MÀ KHÔNG ĐƯỢC Y ĐỒNG Ý.

 

Thuở ấy cũng có người nô lệ

Nhưng trong lòng người nô lệ biết rằng

Những gì ông nói ra phải bao gồm cho mọi con người –

Bằng không thì đối với bất cứ ai lời nói này cũng trở thành vô nghiã.

Rồi có người lại nói:

 

THÀ CHẾT TỰ DO

CÒN HƠN SỐNG NÔ LỆ

 

Ông là một kẻ da màu và từng là nô lệ

Nhưng ông chạy về với tự do.

Và mọi người nô lệ biết rằng

Frederick Douglass nói lên điều ngay lẽ thật.

Cùng John Brown ở Bến đò Harpers, những người Da đen đã chết.

Rồi John Brown bị treo cổ.

Trước Nội chiến, những ngày u ám,

Mà nào ai dám chắc

Đến bao giờ tự do mới thắng lợi,

“Biết có thắng chăng”, có người băn khoăn.

Nhưng có người vẫn thấy được rằng tự do nhất định sẽ thành công.

Giữa những ngày u ám đó,

Ấp ủ trong lòng hạt giống tự do,

Người nô lệ tạo nên bài hát:

 

GIỮ VỮNG TAY CÀY! GHÌ CHO CHẶT!

 

Từ chiến tranh, Tự do tới, máu me và khủng khiếp!

Nhưng nó tới!

Có một số người, bao giờ cũng thế,

Không tin cuộc chiến sẽ kết thúc đúng đắn,

Không tin người nô lệ sẽ được tự do,

Hay liên bang có cơ đứng vững.

Nhưng bây giờ chúng ta đã rõ rốt cuộc thế nào.

Từ những ngày vô cùng đen tối cho một nhân dân và cho một đất nước,

Kết cuộc ra sao nay ta đã thấy.

Ánh sáng bừng lên, mây chiến trận cuốn đi.

Đất nước núi rừng lại bao la hùng vĩ,

Và con dân chung lòng thành một quốc gia.

 

Mỹ quốc là một giấc mơ.

Nhà thơ nói Mỹ đã là hứa hẹn.

Nhân dân nói Mỹ vẫn còn đầy hứa hẹn – sẽ thành hiện thực.

Nhân dân không luôn luôn hô hào lớn tiếng,

Cũng không ghi lên giấy điều nọ điều kia.

Nhân dân thường ôm ấp

Tư tưởng lớn ở tận đáy lòng

Và đôi khi chỉ vụng về biểu lộ,

Ngập ngừng và vấp váp nói ra,

Và thực hành có khi sai sót.

Người dân không phải lúc nào cũng thông cảm nhau.

Nhưng, đâu đó,

Vẫn luôn có sự cố gắng cảm thông,

Và sự cố gắng nói rằng:

“Bạn cũng là người. Cùng nhau, chúng ta dựng xây đất nước”.

 

Mỹ quốc ơi!

Đất tạo dựng chung,

Nuôi giấc mơ chung,

Bạn giữ vững tay cày, ghì cho chặt!

Nếu ngôi nhà chưa được hoàn thành,

Đừng nản chí, hỡi người xây cất!

Nếu trận đánh chưa đến thắng lợi,

Đừng nản chí hỡi người chiến sĩ!

Kế hoạch sẵn sàng, khuôn mẫu là đây,

Tự ban đầu sợi dọc sợi ngang đã kết thành nước Mỹ:

 

MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG.

KHÔNG AI ĐỦ TỐT LÀNH

ĐỂ CAI TRI MỘT NGƯỜI KHÁC

MÀ KHÔNG ĐƯỢC Y ĐỒNG Ý.

 

THÀ CHẾT TỰ DO

CÒN HƠN SỐNG NÔ LỆ.

 

Ai đã nói những điều ấy? – Người Mỹ.

Ai là chủ của những lời nói ấy? – Nước Mỹ.

Ai là Nước Mỹ? – Bạn, tôi.

Chúng ta là nước Mỹ!

Với kẻ ngoại thù muốn chinh phục chúng ta,

Chúng ta cương quyết nói KHÔNG.

Với kẻ nội thù muốn chia ta để trị,

Chúng ta cương quyết nói KHÔNG.

 

TỰ DO!

HUYNH ĐỆ!

DÂN CHỦ!

 

Đối với kẻ thù của những từ vĩ đại ấy,

Chúng ta nói, KHÔNG!

Một thuở xa xưa,

Một đám dân nô lệ hướng đến tự do

Đã làm ra bài hát:

Giữ vững tay cày! Ghì cho chặt!

Chiếc cày đó đã mở ra luống mới

Băng cánh đồng lịch sử.

Vào luống đó, hạt giống tự do đã được gieo trồng.

Từ hạt giống kia, một cây đã mọc, đang mọc, sẽ mọc mãi.

Cây ấy cho mọi người,

Cho toàn nước Mỹ, cho cả hoàn cầu.

Xin lá cành toả rộng, che chở thêm

Cho mọi giống mọi dân được biết bóng mát.

 

GIỮ VỮNG TAY CÀY! GHÌ CHO CHẶT!

 

T.N.C.

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10984&rb=0103

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn