Câu chuyện Myanmar

Nguyễn Trung

Tướng Thein Sein nhậm chức tổng thống Myamar chưa đầy hai năm. Dưới quyền ông, Myanmar từ bóng tối của chế độ quân phiệt đẫm máu đang bước ra ánh sáng của một thể chế chính trị dân chủ. Bạn bè gần xa của Myanmar đến hôm nay vẫn chưa hết ngỡ ngàng về bước phát triển này.

Bóng tối vừa qua ở Myanmar bắt đầu từ cuộc đàn áp đẫm máu ngày 08-08-1988 do nhóm các tướng lĩnh trong Hội đồng Quốc gia phục hồi Luật pháp và Trật tự (SLORC) chỉ huy quân đội thực hiện, nhằm đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân đòi dân chủ. Hàng trăm sinh viên, các nhà sư và những người chống đối khác đã bị giết, hàng nghìn người bị cầm tù. Bất chấp tình hình này, bất chấp lãnh tụ của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) – bà Aung San Suu Kyi – đã bị giam giữ tại nhà từ tháng 7-1989, đảng NLD trong cuộc bầu cử 05-1990 do chính quyền của SLORC tiến hành, vẫn giành được 329/491 ghế trong Quốc hội. SLORC đã ra lệnh hủy bỏ kết quả bầu cử này và trực tiếp chiếm quyền.

Tháng 7-1997 SLORC đổi tên thành Hội đồng quốc gia vì Hòa bình và Phát triển (SPDC), tháng 5-2008 thông qua hiến pháp mới theo chế độ lưỡng viện và đa đảng. Song trên thực tế, hiến pháp thừa nhận quyền lực bất khả xâm phạm của quân đội bằng việc quy định quân đội được giữ cố định 110/440 ghế của Quốc hội và 56/224 ghế của Nghị viện liên bang; chính quyền tiếp tục củng cố quyền lực của các tướng lĩnh, loại bỏ các đảng đối lập – trong đó có NLD, vận dụng Luật Hình sự 1996 để đàn áp tiếp. Đất nước ngày càng tiêu điều mọi mặt vì độc tài và tham nhũng. Trong khi đó hầu như không thể chấm dứt được chiến tranh xung đột sắc tộc và nguy cơ ly khai của một số bang. Sự lũng đoạn của Trung Quốc về kinh tế và chính trị ở mức nguy hiểm. Cái nghèo và lạc hậu càng gay gắt thêm do sự cấm vận kéo dài của phương Tây – vì các lý do đàn áp 1988, đảo chính 1990 xóa bỏ kết quả bầu cử và vì vi phạm nhân quyền (tàn sát và bỏ tù nhiều người chống đối, có quá nhiều lính là trẻ em, lao động trẻ em…). Lại thêm sự hoành hành của cơn siêu bão Nargis tháng 5-2008 cướp đi gần 140 nghìn sinh mạng người dân Myanmar… Tất cả dìm đất nước xuống bùn đen…

Tình hình chỉ bắt đầu thay đổi kể từ khi có cuộc bầu cử tháng ngày 07-11-2010 với thắng lợi của đảng Liên minh vì đoàn kết và phát triển (USDP) của tướng Thein Sein và việc bà Aung San Suu Kyi được trả lại tự do ngày 13-11-2010.

Ngày 30-3-2011 tổng thống Thein Sein nhậm chức, với cam kết trung thành với hiến pháp 2008 và thực hiện Lộ trình dân chủ 7 bước (đã có từ thời Than Swe làm tổng thống, nhưng nằm chết trên giấy), nhằm xây dựng Myanmar dân chủ và hiện đại.

Bước đi đầu tiên của tổng thống Thein Sein là giải thể SPDC (thực chất là hội đồng tướng lĩnh đầy quyền lực, có tiền thân là SLORC), ban bố các biện pháp cải cách.

Tuy nhiên, bước ngoặt có ý nghĩa quyết định có lẽ là sự kiện tổng thống Thein Sein ngày 19-08-2011 chính thức tiếp bà Suu Kyi và thừa nhận tính hợp pháp của NLD. Trong cuộc họp này cả hai bên cam kết thực hiện hòa giải dân tộc, hợp tác và thúc đẩy quá trình cải cách ở Myanmar. Để có được sự kiện này, cả hai bên đều phải vượt qua nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất về phía tổng thống là nỗi lo chấp nhận NLD sẽ dẫn tới không kiểm soát được toàn bộ phe đối lập. Còn phía đối lập vừa sợ, vừa nghi ngại; nhiều ý kiến cho rằng bước đi này của Thein Sein chỉ là thủ đoạn chính trị để mua điểm, cho là bà Suu Kyi hoặc là mắc mưu, hoặc là ham danh vọng… Cuối cùng, nhiều hiềm nghi lẫn nhau đã lần lượt vượt qua được. Sự hợp tác trở thành nguyên nhân cơ bản thúc đẩy cải cách đồng bộ và toàn diện.

Có thể đo sự tiến triển của cách chính trị trong 20 tháng đầu tiên kể từ khi tổng thống Thein Sein nhậm chức bằng các sự việc đã diễn ra. Đấy là những bước cải cách nối tiếp nhau hoặc lồng ghép vào nhau. Mọi biện pháp cải cách đều được thực hiện rất thận trọng, đi dần từng bước, có bài bản kết hợp hài hòa giữa các vấn đề kinh tế và chính trị khác nhau. Đặc biệt quan trọng là thực hiện được nói đi đôi với làm. Thực tế này tạo ra sự tín nhiệm của nhân dân dành cho tổng thống, trở thành nguyên nhân trực tiếp góp phần đẩy mạnh nhịp độ và quy mô cải cách. Nhờ vậy cải cách ngày càng có điều kiện đi vào những vấn đề cốt lõi: Thực hiện sâu hơn các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Trước hết đấy là các đợt thả tù chính trị, từng bước nới lỏng dần một số kiểm soát dân sự chiểu theo Luật Hình sự năm 2008, nới lỏng việc tụ tập đông người, giảm dần việc kiểm duyệt báo chí, từng bước mở rộng tự do ngôn luận...

Sau khi một số đợt thả tù chính trị đầu tiên diễn ra suôn sẻ, ngày 03-12-2011 chính quyền ban bố luật biểu tình, sau đó tiến hành tiếp các đợt thả tù chính trị, và hoàn tất việc này trước khi tiến hành cuộc bầu cử bổ sung tháng 4-2012.

Tiến triển của tình hình cải cách đã khiến chính quyền ngày 20-08-2012 tuyên bố bãi bỏ việc kiểm duyệt báo chí. Một thời gian sau đó tiếp theo, ngày 24-01-2013, chính quyền tuyên bố xóa bỏ nốt cơ quan kiểm duyệt báo chí và coi như hoàn tất việc thực hiện tự do báo chí. Đây là lần đầu tiên sau 48 năm Myanmar có tự do báo chí. Điều duy nhất trên 200 báo chí tư nhân ở Myanmar bây giờ phải tuân thủ là những mục tiêu quốc gia và những giá trị dân tộc đã được ghi trong Hiến pháp.

Ngày 16-01-2013 tổng thống Thein Sein tuyên bố bãi bỏ luật đàn áp những người chống chế độ được ban hành từ năm 1996, với lời giải thích luật này đã quá lỗi thời, không thể sửa được. Tổng thống kêu gọi mọi người bất đồng chính kiến ở trong nước hay đã ra nước ngoài cùng chung tay xây dựng đất nước.

Ví dụ tiêu biểu cho tiến triển của quá trình dân chủ hóa ở Myanmar có lẽ là cuộc bầu cử bổ sung tháng 4-2012, nhằm bầu tiếp 46 ghế còn trống trong Quốc hội và Nghị viện liên bang. Có khoảng 35 đảng tham gia tranh cử, tất cả đều làm theo đúng những quy định của pháp luật. Tại tất cả những nơi bỏ phiếu, cuộc bầu cử được tiến hành tự do, công khai, dưới sự giám sát trực tiếp của đại diện các đảng tranh cử và của các quan sát viên nước ngoài được mời – bao gồm cả đại diện các đại sứ quán tại Myanmar. Hết giờ bỏ phiếu, hòm phiếu được kiểm đếm ngay tại chỗ và làm biên bản kết quả bỏ phiếu trước sự hiển diện của tất cả những người tham gia giám sát. Cuộc bầu cử trung thực và rất thành công này nói lên nhiều điều về những gì đang diễn ra trong lòng đất nước Myanmar, nhân dân hồ hởi. Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chiếm được 42/46 ghế. Đây thực sự là một thắng lợi lớn, hé mở một tương lai rất hứa hẹn của đất nước này.

Ngày 29-09-2012 trả lời phỏng vấn của BBC, tổng thống Thein Sein nói: Bà Aung San Suu Kyi góp phần quan trọng vào cải cách Myanmar, bà có thể trở thành tổng thống..., nếu được nhân dân Myanmar bầu, ông ta cũng sẽ chấp nhận… Còn giới báo chí Myanmar và quốc tế đánh giá: Tổng thống Thein Sein đã vượt qua được nỗi sợ phe đối lập và giới truyền thông, những nỗ lực cải cách của ông ta là chân thành và cả quyết, nhất là những quyết định của ông liên quan đến quân đội…, ông ta làm tất cả vì đất nước Myanmar... Sự chân thành và quyết tâm cải cách của tổng thống đã tranh thủ được lòng dân, tạo ra hậu thuẫn quan trọng của dân cho những quyết đinh của chính quyền, nỗi sợ của dân đối với chính quyền dần dần được vượt qua…

Quyết định 09-2012 của tổng thống Thein Sein hủy bỏ hợp đồng thủy điện Myitsone 3,6 tỷ USD do một số nhóm trong quân đội đã ký với Trung Quốc là một ví dụ nữa về ý chí kiên quyết và về quan điểm đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Quyết định này được nhân dân Myanmar nhiệt liệt hoan nghênh, vì nó đã cứu được vùng đất tâm linh của nhân dân trong vùng và tránh được cho Myanmar một thảm họa môi trường sẽ không thế khắc phục được. Trung Quốc đã phản đối quyết liệt, nhưng không đảo ngược được tình hình. (Hiện nay những nỗ lực đảo ngược quyết định của tổng thống vẫn đang tiếp tục).

Một ví dụ khác: Đi vào cải cách kinh tế, Myanmar vấp phải tình trạng tỷ giá đồng tiền quốc gia “Kiat” cao hơn 100 lần giá trị thực của nó so với các đồng ngoại tệ mạnh, ví dụ so với đồng USD. Việc này chính quyền Myanmar giải quyết gọn ghẽ trong vòng vài tháng, thúc đẩy kinh tế đất nước mình phát triển. Nhớ lại thời bao cấp ở nước ta cũng có vấn đề tương tự, bước vào thời đổi mới nước ta phải chật vật khá nhiều năm mới giải quyết được vấn đề này.

Một nền kinh tế nghèo trong quá trình cải cách có hàng núi vấn ðề, chýa nói ðến những hậu quả do bị cắt ðứt mọi liên hệ với bên ngoài vì bị bao vây cấm vận quá lâu. Song nhờ rất nhiều giải pháp thông minh, những tiến bộ Myanmar đạt được trong 20 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Thein Sein thực sự đã khiến cho kinh tế Myanmar khởi sắc – có thể đo được bằng mọi chỉ số như tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất/nhập khẩu, tốc độ thu hút FDI, sự xuất hiện những ngành nghề và sản phẩm mới, sự hồi phục các trường đại học…

Chông gai còn rất nhiều ở phía trước trên con đường đi lên của Myanmar. Chuyện nóng bỏng nhất là vấn đề xung đột sắc tộc đã dịu hẳn đi trong những năm gần đây. Bây giờ, giữa lúc cải cách đang tiến triển, xung đột sắc tộc đột nhiên nóng trở lại ở một vài nơi nguy hiểm, đặc biệt là tại bang Rakhine. Tháng 11-2012 xảy ra vụ đàn áp có đổ máu của cảnh sát chống lại nhân dân và các nhà sư phản đối việc khai thác mỏ đồng Letpedaung; dự án này trị giá 1 tỷ USD, do một số công ty của quân đội và Trung Quốc liên doanh. Tổng thống Thein Sein phải cử bà Suu Kỵ đi can thiệp... Việc xử lý những “tác động phụ” của các dòng vốn FDI từ Trung Quốc, từ Thái Lan… chảy vào Myanmar cho thấy không đơn giản chút nào… Ngay cả hiến pháp hiện hành (Hiến pháp 2008) còn nhiều điểm chưa ổn, nhất là vấn đề quân đội được dành vĩnh viễn 25% số nghế tại Quốc hội và tại Nghị viên Liên bang. Chính vì lý do này, sau khi thắng cử bà Suu Kyi đã chần chừ mãi không chịu tuyên thệ trung thành với Hiến pháp, sau đó bà đành nhượng bộ… Vân vân.

Ngày nay, khả năng của chính quyền dân sự Myanmar kiểm soát quân đội bền vững như thế nào? Cuộc đàn áp đẫm máu năm 1988 và việc quân đội thẳng tay xóa bỏ thắng lợi vang dội của NLD trong cuộc bầu cử 05-1990 để chiếm quyền vẫn là những câu chuyện khó quên. Di sản 20 năm của chính quyền quân phiệt và sự lũng đoạn từ phía Trung Quốc rất nặng nề. Ông Thein Sein và bà Suu Kyi năm nay đều 67 tuổi, những gương mặt nào sẽ có triển vọng là những nhân vật kế tục lãnh đạo sự nghiệp cải cách?... Vân vân. Bất chấp những câu hỏi còn bỏ ngỏ này, vẫn có thể hy vọng cải cách ở Myanmar là không thể đảo ngược. Bởi vì xã hội đạo Phật ở Myanmar còn gìn giữ được nhiều giá trị cao quý, nhân dân Myanmar sau những thập kỷ sống dưới chế độ quân phiệt đã tạo ra cho mình sự giác ngộ mới, giới trí thức Myanmar đang ngày càng lấy lại được vai trò của mình, bối cảnh quốc tế và khu vực vừa thuận lợi vừa thúc đẩy nhân dân Myanmar dấn thân trên con đường cải cách dân chủ.

Trong chuyến đi thăm Myanmar tháng 5-2012 với tính cách là người đi du lịch, tôi may mắn được đại sứ quán ta thu xếp cho gặp nhà báo Thet Win, Tổng Giám đốc hãng truyền hình Sky Net – hãng truyền hình tư nhân lớn nhất của Myanmar. Những gì tôi mắt thấy tai nghe được trên đất nước Myanmar trong chuyến đi ngắn ngủi này, và những gì tôi được nghe trong hai giờ nói chuyện với Thet Win, càng củng cố niềm tin của tôi vào triển vọng cải cách ở Myanmar.

Hỏi (đại ý): Nguyên nhân gì quyết định nhất cho sự thành công đến nay của cải cách?

Thet Win (đại ý): Quyết tâm chính trị của những người trong các tầng lớp tinh túy (elite) của xã hội Myanmar trong và ngoài chính quyền – bao gồm cả phái đối lập. Sự hòa giải và thống nhất với nhau coi lợi ich quốc gia Myanmar là tối thượng. Vai trò trí thức được phát huy.

Hỏi (đại ý): Vì sao có được kịch bản, lộ trình, cách thực hiện rất khôn ngoan của cải cách? Vì sao có được nhiều giải pháp kinh tế rất thông minh, sáng tạo và hữu hiệu?

Thet Win (đại ý): Giúp tổng thống Thein Sein và nội các là hàng trăm trí thức các loại cho mọi vấn đề của đất nước. Họ không tham gia chính quyền, nhưng vai trò tư vấn của họ vô cùng quan trọng.

Hỏi (đại ý): Những trở ngại lớn nhất cho tương lai của cải cách là gì?

Thet Win (đại ý): Một là làm sao mọi người phải tuân thủ pháp luật. Hai là làm sao thực hiện được công khai minh bạch. Ba là không để cho khoảng cách giàu/nghèo hủy hoại tiến trình cải cách. Bốn là phải chống tham nhũng có hiệu quả.

Tôi cố gợi ông Thet Win nói thêm về những khó khăn và thách thức từ bên ngoài đối với tiến trình cải cách. Trước sau chỉ được câu trả lời (đại ý): Giải quyết tốt bốn thách thức nêu trên, Myanmar chẳng có gì để sợ. Khi chia tay nhau, ông Thet Win tha thiết: Myanmar và Việt Nam đều cần nhau lắm!

Tôi chỉ tiếc mình không có máy ghi âm để thuật lại toàn văn cuộc gặp này!

Sau chuyến đi này, câu hỏi trong tôi “làm thế nào Myanmar có thể tiến hành được cải cách như vậy” ngày một vỡ vạc ra: Vượt lên nỗi sợ, bắt đầu từ chữ tín, hòa giải, không bạo lực, tất cả vì đất nước Myanmar.

Thế nhưng khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, câu hỏi cũ quằn quại lên trong tôi gấp bội: Myanmar làm được, tại sao Việt Nam ta không làm được?

Trí tuệ và dân chủ – có lẽ đấy là hai thứ đất nước ta lúc này đang cần nhất.

Hà Nội, ngày 25-02-2013

N. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn