Euromaidan (cuộc biểu tình hướng về châu Âu)

Trần Mai Lan

clip_image002

Euromaidan (cuộc biểu tình hướng về châu Âu) ở Kiev vừa qua cho mình quá nhiều cảm xúc, có lẽ mình sẽ ghi lại những mẩu chuyện nhỏ để lưu lại về sau (mong FB sẽ còn hoạt động thêm nhiều năm nữa).

Câu chuyện thứ nhất: Bắt đầu

Cuộc biểu tình đã bắt đầu được vài hôm rồi, mình đã chẳng để ý lắm ngoài thông tin là chính phủ Ucraina đã huỷ bỏ việc kí kết hợp tác với liên minh châu Âu vào phút cuối. Rồi một buổi trưa mình thấy hai cô nhân viên văn phòng đến xin nghỉ buổi chiều để ra Maidan (quảng trường Độc lập): vì đêm qua cảnh sát đuổi đánh sinh viên biểu tình tay không trong các lều trại. Nước mắt lưng tròng các cô ấy nói: "họ đánh con cái chúng ta, dân Kiev đang kéo ra quảng trường phản đối, chúng tôi cũng muốn đi”.

Và thế là mọi sự bắt đầu.

Từ mấy cái lều cắm trại của sinh viên biểu tình bị dẹp bỏ và vài sinh viên bị đánh phải bỏ chạy trốn trong nhà thờ, trong mấy ngày cuối tuần lượng người tập trung ở quảng trường đã lên đến gần 800.000. Họ không phải là lực lượng khủng bố hay bạo loạn như mọi người vẫn nghĩ, họ là hai cô nhân viên văn phòng của mình tuổi xấp xỉ 50, họ là mấy ông chồng về hưu sống ở ngoại ô nghe vợ con gọi điện đi chuyến xe cuối lên Kiev, họ là giáo viên và học sinh các trường đại học nghe tin sinh viên bị đàn áp bỏ cả thi kéo nhau tới hỗ trợ…

Ngày hôm sau, những con người như thế từ khắp các thành phố kéo nhau lên Kiev, họ biết rằng những người hôm qua đứng, hôm nay phải có ai đó thay, người này truyền tin cho người khác, tự nguyện và không hề có động cơ gì đặc biệt, chỉ là sự phẫn nộ của những người có nhận thức và có lương tri.

Ngày hôm sau đi làm, giọng khản đặc vì nhiễm lạnh, cô kế toán của mình kể rằng người ở nơi khác đến, không có đồ ăn, không đủ áo ấm. Cả văn phòng quyết định chiều lại ra Maidan. Mình chạy ra cửa hàng mua bánh mỳ, giò và pho mát, cả phòng ngồi gói thành xuất để phân phát, tin tức về việc chính quyền tăng thêm lực lượng đàn áp làm ai cũng lo lắng. Anh Tuyen Nguyensy gọi cho mình hỏi bên em có ra không anh đi cùng với. Sau giờ làm việc từng đoàn người lại kéo nhau đi lên Maidan…

Cả tuần biểu tình trong hoà bình, tối đến ca sỹ ra hát miễn phí, những bà cụ về hưu đi từ quê lên ủng hộ mang theo 1 lọ mật ong và dưa chuột muối nhà làm. Thuốc men, quần áo ấm liên tục được mang ra, họ đứng tập trung ở Maidan bàn bạc, trao đổi để xác định rằng chính quyền này quá coi thường dân chúng, coi thường pháp luật, tham nhũng và lạm quyền... Họ quyết định đứng tiếp và ra những yêu cầu thay đổi cho chính phủ… và những con buôn chính trị xuất hiện.

Bắt đầu có đại diện các phe nhóm chính trị và mục tiêu cá nhân, người vô tư, kẻ lợi dụng... Chính quyền lo lắng và căng thẳng leo thang.

Câu chuyện thứ 2: Quảng trường độc lập

Diễn biến ở Maidan bất ngờ cho cả nhân dân và chính phủ, khi chính quyền thành phố Kiev quyết định dùng một số lượng đông cảnh sát chống bạo động (Berkut) với lí do dẹp lều trại của sinh viên biểu tình để lắp cây thông đón năm mới ở quảng trường Độc lập, rồi khi sinh viên các trường đại học kéo lên phản đối hành động đó, họ cho điểm danh những người vắng mặt tại trường những ngày nay bất kể lí do gì, doạ sẽ không cho thi, cắt học bổng...

Càng doạ dẫm, người dân Kiev và các thành phố khác kéo lên hỗ trợ nhau càng đông. Họ lên mạng xã hội thông báo: hôm nay xe cá nhân biển số: ..., lên Kiev sẽ đỗ ở vị tri này, còn ... chỗ trống, ai muốn đi cùng cứ việc ra lên xe đi theo, người góp chút tiền xăng, người mang đồ ăn đường cùng san sẻ.

Mình thật khâm phục người dân Ucraina khi nhìn thấy những điều diễn ra ở Maidan, dù đã sống ở Kiev 24 năm, nếu không có Maidan mình cũng không thể nghĩ rằng họ lại văn minh đến thế, tử tế và nhận thức chính trị cao đến thế. Mấy ngày liền mua thực phẩm cho nhân viên xách ra đóng góp, họ kiên quyết bắt mình ở lại văn phòng vì mình có con nhỏ, sợ mình ra ốm về lây cho trẻ con, họ kể rằng ở Maidan người biểu tình đã lập một nhà ăn, thực phẩm dân mang ra góp được nhà ăn tiếp nhận, san đều ra các khay rồi mang ra phục vụ tất cả những người có nhu cầu. Gối và chăn ấm được phát buổi tối cho những người ở lại trực đêm, sáng hôm sau lại trả về khu lưu giữ, trà và cà phê luôn nóng, thuốc phát miễn phí. Mọi người đều vui vẻ lịch sự. Đến tối người biểu tình chia thành 2 đội đá bóng trên phố đi bộ, một cái đàn Piano được ai đó chở ra để ở góc phố, thỉnh thoảng các nghệ sỹ nghiệp dư trong nhóm biểu tình nổi hứng lại dạo một bài nhạc vui... Anh Minh làm ở công ty mình sống ở thành phố khác ghé Kiev để về Việt Nam, nghe kể thế không tin lắm, đòi anh Phi Sang Dao chở ra tận nơi, ăn một bát súp nóng, nhâm nhi ly cà phê được mời rồi xin viên thuốc đau đầu uống tạm mới chịu đi ra sân bay.

Trời lạnh bất ngờ và tuyết rơi dầy đặc, những người biểu tình làm nóng người bằng cách xúc tuyết cho vào bao tải, dọn sạch đường phố, lúc đó họ cũng không biết rằng những bao tuyết này sẽ giúp họ tạo thành công sự để chống lại cuộc tấn công buổi đêm của Berkut.

Lực lượng Berkut lập ra để chống bạo động được sử dụng để chống lại dân chúng, những con người lương thiện và hiền lành không chấp nhận điều đó, chính quyền thay vì lắng nghe và tìm tiếng nói chung với nhân dân thì lại ngang nhiên coi họ như kẻ thù. Đã bắt đầu có người biểu tình mất tích, mấy hôm sau tìm thấy một trong số họ với nhưng vết đánh trọng thương bị vứt ngoài rừng tuyết, một đã chết, tay chân còn đang trói chặt. Cô nhà báo đưa tin biểu tình trên đường về nhà bị một toán đàn ông lái xe đuổi theo, lôi ra khỏi xe đánh cho đến biến dạng mặt mày. Vì luôn tác nghiệp nên cô này để máy quay tự động ghi lại toàn bộ sự việc, nhóm hành hung bị bắt rồi... thôi.

Câu chuyện thứ 3: Tiếng chuông nhà thờ Mikhail

Những ngày cuối năm 2013 dần trôi qua, toàn bộ khu trung tâm Kiev được biến thành khu vực riêng của người biểu tình, dân thành phố đã quen với việc này và chính quyền cũng vậy. Cây thông năm mới với khung sắt lắp dang dở được dân chúng tự trang hoàng bằng bất cứ cái gì họ có, mấy quả thông bằng thuỷ tinh màu, con gấu bông cũ hay vài bông hoa giấy, trông giản dị và ngộ nghĩnh biết bao.

Các cửa hàng trong lòng khu biểu tình vẫn mở cửa, đồng hồ Patek Phillipe giá 100.000$ hay túi LV 5.000$ một sản phẩm vẫn bày trên kệ sau khung kính, đu quay nhạc cho trẻ em vẫn rộn ràng, không có cướp bóc hay đập phá gì trong suốt một tháng qua. Cái ung dung tự tại của người dân Ucraina nói riêng và dân Kiev nói chung có lẽ lây sang cho cả tổng thống và chính phủ của ông ta. Họ vẫn kéo nhau đi trượt tuyết ở Áo và Thuỵ sỹ, còn thổng thống Yanukovich thì bay sang Trung Quốc và đi dạo bảo tàng nhàn tản ở Bắc Kinh khi một vài đêm trước chẳng biết ai ra lệnh, Berkut lại tấn công ban đêm vào khu của người biểu tình, những người dân không vũ khí, không nơi ẩn nấp chạy vào nhà thờ Mikhail, các tu sỹ mở cửa cho họ và kéo chuông suốt đêm, người dân Kiev lại kéo nhau ra đường hỗ trợ người biểu tình, dòng người miên man kéo về nhà thờ trong tiếng chuông rền rĩ gợi nhớ thời trung cổ khi thành phố lâm nguy.

Cảnh sát ngày càng lạm quyền, họ đã quen với cách đàn áp dân chúng vô lối mà không phải chịu trách nhiệm gì, đã có thêm vài người biểu tình chết trong khi xô xát với Berkut, trên mạng xã hội có vài đoạn Video quay từ điện thoại cho thấy họ lôi một thanh niên biểu tình vào góc phố, 12 cảnh sát đánh đập dã man bằng chân tay và báng súng mặc anh ta la hét. Đoạn video quay cảnh một toán Berkut bắt anh G, thuộc nhóm biểu tình Codak, giữa thời tiết âm 20 độ C, lột trần truồng chỉ còn đôi tất ở chân rồi người đấm đá, kẻ cười cợt cho đồng ngũ dùng điện thoại để quay. Hàng mấy chục người dân căm phẫn đứng nhìn cảnh nhục hình này cách nhà quốc hội 100 mét giữa ban ngày còn nghe họ thách thức: nhìn đi, có muốn quay video thì quay đi... mọi việc đã đi quá giới hạn của lương tri.

Câu chuyện thứ 4: Mùa đông ảm đạm

Cuộc biểu tình đã đi vào ngõ cụt, những người dân thường ra đường phản đối chính quyền đã trở về cuộc sống áo cơm, họ lại kiên nhẫn chờ cuộc bầu cử tới. Thay chỗ của họ ở Maidan là những nhóm người có tổ chức và mục tiêu chính trị rõ ràng, được lãnh đạo bởi một đảng phái chính trị nào đó, và một nhóm các sinh viên ở miền Tây lên quyết đi đến cùng vì tương lai của họ.

Chính khách các nước đổ đến Kiev, ra tận Maidan gặp các nhóm biểu tình, trên mạng xã hội nhiều thông tin nói rằng 3 km vuông ở Maidan là một chiến trường khốc liệt giữa các chính trị gia và tình báo quốc tế (?).

Dù họ có lợi ích và mưu đồ gì, thì họ cũng làm được cho nhân dân Ucraina một điều là yêu cầu chính quyền đối thoại hoà bình và tôn trọng quyền tự do của người biểu tình, tránh đàn áp và đổ máu.

Cái lạnh của mùa đông đã lên tới đỉnh điểm, khi nhiệt độ ngoài trời là âm 20 độ C vào ban ngày và âm 27 độ C vào ban đêm. Người biểu tình không trụ được trong các lều bạt trên phố với thùng củi và ngọn lửa sưởi leo lét, họ kéo nhau vào chiếm vài toà nhà công sở trong Maidan và đặt trụ sở chính ở toà nhà công đoàn. Ai đã từng đến Kiev sẽ nhớ toà nhà đối diện bưu điện trung tâm trên có bảng đồng hồ, toà nhà này đã được cho thuê từ lâu, và các công ty tư nhân có văn phòng ở đó rút đi từ khi cuộc biểu tình bắt đầu để lại mấy tầng nhà trống. Các bác sỹ tình nguyện làm việc ngoài đó kể rằng đến đêm, trong toà nhà là cả dàn đồng ca những tiếng ho của người biểu tình nhiễm lạnh.Dù gì với hoàn cảnh này người biểu tình đã vi phạm pháp luật khi chiếm công sở của nhà nước.

Chính quyền phản ứng rất khó hiểu và tiêu cực, họ lập những nhóm người ở vùng ủng hộ tổng thống, trả tiền thuê biểu tình và chở các thanh niên đó lên Kiev. Họ là những thanh niên khoẻ mạnh tham gia các câu lạc bộ quyền anh hay võ thuật ở địa phương, được lên Kiev chơi miễn phí lại có tiền tiêu nên cũng hào hứng lắm, việc của họ nghe đơn giản chỉ là ủng hộ chính quyền và ngăn bọn "gây rối" ở Maidan. Có một anh chàng tên là Vadim Titusko, dẫn đầu một nhóm như vậy ở Kiev, anh ta hung hăng nổi tiếng đến mức những người như anh ấy đã được gọi theo họ của anh ta; từ Tituski (những người giống Titusko) chính thức xuất hiện như vậy đấy (một từ hoàn toàn mới trong tiếng Nga nhé). Sau khi dẫn đội đi gây rối vài nơi, về Maidan đứng trước đoàn người biểu tình toàn sinh viên và trí thức, những ông cựu chiến binh và các bà già về hưu, anh chàng này biết họ bị lợi dụng bởi thông tin sai lệch. Vadim Tituski cùng nhóm của anh ta liền xin lỗi nhân dân và chạy sang đứng vào hàng của người biểu tình, mặc cho cảnh sát ngăn cản và doạ truy cứu.

Câu chuyện bi hài này được kể râm ran ở bến xe, trên tàu điện, còn Vadim thì vẫn đang chẻ củi đắp công sự ở Maidan cho đến ngày hôm nay. Chỉ có điều tên họ của anh đã biến thành từ mới chỉ những người gây rối, và chiều chiều với điếu thuốc trên môi ngồi trầm ngâm ở Maidan anh ấy ngậm ngùi thấu hiểu: Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Câu chuyện thứ 5: Họ là ai?

Tình hình Kiev đã trở nên bất ổn bởi nhiều đoàn người từ khắp các vùng kéo đến, với ý đồ và mục tiêu khác nhau. Ở các thành phố khác như Kharcops, Odessa... cũng vậy. Bất ổn nhưng không nguy hiểm như mọi nguời vẫn nghĩ. Bao giờ cũng thế và ở đâu chẳng vậy: vài vụ đánh nhau, ai đó bị đâm hay kho hàng bị ăn trộm lúc nửa đêm... Nhưng vì cuộc biểu tình ở Maidan nên chính quyền quy kết nguyên nhân do nguời biểu tình gây rối, báo chí nuớc ngoài đưa vài hiện tuợng nổi bật làm dư luận xôn xao.

Ngay cả nguời dân Ucraina và chính phủ cũng không thể hiểu đuợc điều gì đang thực sự diễn ra hàng ngày.

Dân chúng huớng sự phẫn nộ vào lực luợng cảnh sát, họ tìm ra nhà riêng của một ông chỉ huy Berkut, chặn nguời thân của ông ta lại yêu cầu gọi chồng con về nhà. Một đoàn nguời có xe riêng cắm cờ Ucraina tập hợp thành đội xe gọi là Avtomaidan tìm đến nhà Bộ truởng Bộ Nội vụ và nhà riêng của tổng thống để biểu tình chống đàn áp... Vài cảnh sát bị thương, thêm một cậu thanh niên 20 tuổi nguời gốc Armeni, sinh ra tại đất Ucraina bị giết. Nguời cha cậu bé lên nhận xác con nghẹn ngào kể lại: Nghe tin con trai cùng bạn bè ở đại học đi lên Kiev biểu tình trên Maidan, ông gọi điện bảo con: Về nhà đi, đừng dại dột, họ trả cho con bao nhiêu tiền mà con ở trên đó lâu thế? (Chính quyền buộc tội nguời biểu tình vì được trả tiền). Con trai ông trả lời: Bố! Con sinh ra ở đây, Ucraina là đất nuớc của con, con làm như vậy vì tương lai của chính con. Không ai trả tiền cho chúng con cả, con sẽ ở đây đến cùng…

Vâng, cậu ấy đã vĩnh viễn ở lại Maidan, mãi mãi...

Họ là ai?

Đại diện các đảng phái như đảng “TỔ QUỐC” của cựu thủ tướng Yulia Timosenko, đảng “Nắm Đấm” của cựu vô địch quyền anh Klichko, đảng "Tự do" từ miền Tây và vài ông tỷ phú liên tục ra Maidan kêu gọi người biểu tình ủng hộ phe cánh của mình. Rồi bỗng nhiên xuất hiện nhóm cực hữu mang tên "cánh tả" với súng ống trong tay. Họ duờng như đuợc huấn luyện ở đâu đó và từ khi nào đó, họ biết làm bom xăng, biết tấn công và phòng vệ, tiến lui như những binh lính nhà nghề. Nghe bảo họ tập hợp được những cựu chiến binh từng chiến đấu ở Afganistan và Kavkatz (thời CCCP là những mật trận khốc liệt nhất lính Liên xô đã từng tham chiến), lại nghe nói các cựu binh này rất bất mãn với chính tổng thống Yanukovich vì lần gần đây nhất khi họ tổ chức tuởng niệm đồng đội đã hi sinh, họ đã phải đứng duới trời mưa gần 2 tiếng đồng hồ, không đuợc phép đặt hoa truớc khi tổng thống đến. Ông ta đến muộn, rầm rộ nhân viên bảo vệ, nhà báo quay phim, không chào hỏi những cựu binh tập trung quanh tuợng đài, đặt hoa xong ra xe thẳng tiến.

Họ là ai trong chúng ta? Những nguời dân Ucraina hiền lành vô danh, hay cha con ông viện sỹ viện hàn lâm Ucraina: giáo sư tiến sỹ Kuznesov Mikhail và cậu sinh viên con trai ông (ảnh dưới, hai bố con ông viện sỹ trong cuộc biểu tình ngày 19-2 trước nhà Quốc hội). Họ là bà bác sỹ Olga Bogomolez, cháu gái của phó chủ tịch viện hàn lâm khoa hoc Liên xô Aleksandr Bogomolez (1881-1946), từ những ngày đầu tiên bà đã ra Maidan cấp cứu cho những nguời biểu tình bị thương không dám vào bệnh viện (sau một vài truờng hợp bệnh viện từ chối cấp cứu cho nguời biểu tình, hoặc vào viện rồi bị bắt đi mất tích), bà ấy vì đồng bào mình và lời thề thiêng liêng khi nhận bằng tốt nghiệp, không vì mục tiêu cá nhân hay động cơ chính trị nào khác, bằng chứng là khi chính quyền mới thành lập, họ đã mời bà nhận chức bộ truởng bộ y tế, rồi phó thủ tướng nhưng bà từ chối. Họ là mấy chục ngàn tên tội phạm được thả ra trong thời gian ngắn vừa qua, là khuôn mặt chịu đựng của những cảnh sát cơ động vì nhiệm vụ phải đứng trên chiến tuyến chống lại đồng bào mình? Vì sao và vì cái gì? Câu hỏi này ngay cả nguời trong cuộc cũng không trả lời được. Vậy những kết luận vội vàng và vô cảm từ chúng ta có quá bất công?!

clip_image004

Ngày hôm nay lại có báo đưa tin, họ là tỷ phú Soroc và nhà sáng lập hãng Ebay tài trợ cho nguời biểu tình Maidan, dưới đó kèm theo comment là họ buôn chính trị, lũng đoạn thị trường cũng có, bảo họ muốn xây dựng một nền dân chủ thưc sự ở Châu Âu cũng có (uh, sao lại không nhỉ? Đâu phải người giàu nào cũng xấu, thay vì họ đầu tư xây giếng nước ở châu Phi xem ra mục địch rất rõ ràng, thì giúp Đông Âu xây dựng nền dân chủ thực sự cho mấy trăm triệu nguời lại có vẻ như là khó hiểu và không thực).

Lớp màn bao phủ Maidan đúng là khơi dậy nhiều hiếu kỳ, định đoán: những bác sỹ nhân đạo cấp cứu khi được phóng viên phỏng vấn làm sao họ có thể tiến hành phẫu thuật phức tạp như vậy trong điều kiện tạm bợ ở Maidan, họ nói rằng: bạn không thể tin đuợc đâu, ở bệnh viện dã chiến tại Maidan có những máy móc và dụng cụ y tế trị giá 500.000$, những thứ mà chưa từng có trong các bệnh viên công ở Kiev (?).

Rồi lốp xe cũ chất cao như núi tại Maidan dùng để đốt ngăn cảnh sát tấn công, rồi củi để suởi suốt ngày đêm ròng rã mấy tháng trời (mình mua một bó củi 2kg đốt lò suởi nhà mình giá 3$ tại siêu thị, cháy cùng lắm đuợc 3 tiếng). Rồi thức ăn đồ uống, rồi mạng WIFI miễn phí ở Maidan. Nếu nói rằng chính quyền cho họ mang các thứ đó vào Maidan thì không phải, nhưng cấm họ mang vào thì rất dễ, vậy thì tại sao nó có ở đó? Tại sao???

Không còn hiểu ra làm sao nữa! Tổng thống Yanukovich vừa gặp bà Catherine Ashton, đại diện ngoại giao của khối châu Âu buổi chiều hứa sẽ thương lượng với bên biểu tình và tìm giải pháp trong hòa bình để tránh đổ máu, đến đêm vài nhóm cảnh sát lại tấn công nguời biểu tình làm hai bên có nguời bị thương, sáng hôm sau đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ thì chẳng có ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm cả. Vài lần như vậy trong mấy tuần liên tiếp… Tại sao tổng thống cũ lại làm thế? Hay là ông ta quá coi thuờng mọi thứ, hay là ông ta phát điên rồi? Hay ông cũng không kiểm soát đuợc tình hình nữa?

Dư luận quốc tế phẫn nộ, nhân dân phẫn nộ, ngay cả Berkut cũng chán ngán lắm vì nhiệm vụ rất nặng nề và vô nghĩa họ đang phải làm. Rất nhiều người đã đầu hàng phía biểu tình, họ đuợc những nguời biểu tình dẫn đi và bảo vệ để họ không bị đánh bởi phần tử quá khích, ông cha đạo đi trước dẫn đuờng đưa họ về nhà thờ trú tạm.

Thật là đau lòng vì sự vô nghĩa trong nhiệm vụ phải thực thi của đội Berkut, họ là những phần tử ưu tú nhất của ngành công an, vậy mà nay họ nhận sự phẫn nộ từ chính đồng bào của họ, đến mức một đội bóng đá mang tên Berkut -2 quyết định đổi tên để không mang tiếng xấu này.

Vài tay súng bắn tỉa xuất hiện, bắn chết những người biểu tình, bắn cả vào lực luợng y bác sỹ đang cứu nguời trên phố, mấy nhà báo bị giết hại. Nhân dân quá phẫn nộ lại đổ ra đuờng… rồi bất ngờ hơn khi phía cảnh sát cũng bị bắn, từ đạn súng bắn tỉa của Anh (mỗi khẩu súng này có giá vài chục ngàn $)… Ai là nguời bắn?

Ngày hôm qua nguời thuộc phe biểu tình tìm thấy những căn phòng bí mật dưới hầm ngầm trong tư dinh tổng thống cũ, họ đã tìm được nhiều tài liệu mật chứng tỏ các tay súng bắn tỉa là người được Mockva đưa xuống, xin trích dẫn đuờng link (xin lỗi những bạn không đọc đuợc tiếng Nga). Đây chỉ là thông tin tham khảo, nhưng nó chứng tỏ nhiểu câu hỏi tại sao ở phía trên mà chính quyền cũng như nhân dân Ucraina và cộng đồng thế giới luôn thắc mắc:

http://elise.com.ua/?p=11668&fb_action_ids=10201613296675883&fb_action_types=og.likes.

Câu chuyện thứ 6: Bực bội và lo âu

Dân Ucraina là những người hiền lành và kiên nhẫn, dù cuộc sống mấy năm nay rất khó khăn, dù họ biết rõ chính quyền Yanukovich tham nhũng và lộng hành, dù chán cái chế độ gia đình trị này đến tận cổ, họ cũng bình thản chờ cuộc bầu cử mới. Nếu như Euromaidan khởi đầu bằng nhóm sinh viên và trí thức yêu cầu chính quyền kí hợp ước với liên minh Châu Âu có mục tiêu chính trị rõ ràng, thì mấy trăm ngàn người biểu tình sau đó chỉ để phản đối sự đàn áp vô lối của nhà cầm quyền với những người biểu tình mà thôi.

Kiev đón năm 2014 trong trạng thái bực bội và lo âu, mình thấy ghét nhóm "TỰ DO" quá khích kéo bằng được tượng Lê Nin ở đối diện chợ Đầu bò (Бессаравский рынок). Bức tượng đẹp, cùng chất liệu và kích thước với tượng Lê Nin ở Hà nội. Dân Kiev cũng ra cắt cử nhau cùng cảnh sát bảo vệ không cho họ phá bức tượng này, không phải vì họ còn tôn sùng vị lãnh tụ Cộng sản, mà vì họ trân trọng lịch sử.

Chính quyền thờ ơ, người dân lương thiện ngoài ánh sáng không ngăn được dã tâm của kẻ trong bóng tối, bức tượng bị lật nhào vào một đêm cuối năm, mình căm phẫn thấy vài tên phá hoại trong hàng ngũ biểu tình xúm quanh đập từng mảnh vỡ một cách hả hê... Thật là man rợ và kém văn minh, đất nước Ucraina chắc cũng chẳng trông chờ gì được vào đảng dân tộc chủ nghĩa này!

Nét lo âu hằn trên khuôn mặt người dân Ucraina, chịu đựng và vị tha như trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, họ đoàn kết và yêu thương nhau hơn bao giờ hết. Nhiều câu chuyện cảm động rơi nước mắt trong thời Maidan làm mình cảm phục và trân trọng đất nước và con người nơi đây. Mình mong và cho rằng họ sẽ có một tương lai tốt đẹp dù phía trước còn muôn vàn khó khăn.

Trung tâm Kiev luôn đẹp rực rỡ đến mộng mị với đèn màu đón năm mới lấp lánh dưới tuyết rơi những đêm cuối năm chỉ còn là nỗi nhớ, cuộc biểu tình và thái độ mập mờ của chính quyền (với việc giải quyết triệt để vấn đề nằm trong tầm tay của họ ) làm tan biến mọi niềm vui.

Thỉnh thoảng lại tìm thấy một xác chết đeo cờ của người biểu tình dạt vào bờ sông hay chết cháy trong xe ô tô cá nhân, mà kết luận của cơ quan điều tra lại là : tự tử (?).

Vài chiếc xe bị đốt cháy, tội phạm gia tăng do " bần cùng sinh đạo tặc", do chính quyền buông lỏng trật tự và những kẻ gây rối lợi dụng.

Người biểu tình đã có tổ chức chặt chẽ hơn, chia thành từng đội 100 người gọi là Sotnhia (сотня) nghe nói cho đến cuối tháng 1-2014, sotnhia thứ 38 đang tuyển tình nguyện viên, có nghĩa là khoảng 3.800 người biểu tình luôn túc trực ở Maidan.

Báo chí và truyền hình vô cùng nhanh nhạy và tích cực, chưa bao giờ minh được thấy CMI (giới truyền thông) làm việc tốt và hiệu quả như thế. Họ đưa tin Maidan từng giờ trong mục Maidan online, đưa tin chính xác và vô tư cả về bên chính quyền lẫn bên biểu tình. Trong một đêm có người của Sotnhia thứ 7 lấy quần áo tại một cửa hàng trên phố, sáng hôm sau thông tin đã lên mặt báo rồi (mình phục cách quản lí ở Maidan ghê cơ, nếu có một vụ trộm trong hoàn cảnh bình thường thì cơ quan điều tra chắc cũng không xác đinh được tội phạm nhanh hơn thế). Tất cả video cảnh sát đánh người, nghị trường cãi vã hay người biểu tình kêu gọi nhau đều được đăng tin nóng hổi trên báo và TV. Vài nhà báo Ucraina đã hi sinh khi lấy tin, mấy phóng viên nước ngoài áo đầy máu vẫn bám sát điểm nóng.

Không lẽ cứ thế này cho đến cuộc bầu cử năm 2015?

Câu chuyện thứ 7: Lửa đã cháy và máu đã đổ

Tuần lễ từ 15/2 đến 21/2/2014 là thời gian khốc liệt nhất của cuộc biểu tình, khi có thông tin đêm 16/2 chính phủ sẽ huy động một lực lượng hùng hậu cảnh sát quét sạch quảng trường và đập tan cuộc biểu tình. Dù người biểu tình có nhiều phe nhóm và mục tiêu khác nhau, dường như có một bộ chỉ huy thống nhất, đồng loạt ở các thành phố dân tình kéo đến chiếm toà thị chính, ở Kiev, họ khẩn trương chuẩn bị đối đầu. Cảnh sát dùng xe phun nước đẩy người biểu tình lùi vào khu đã được quây bằng lốp xe và bao tuyết (dùng nước phun vào người ở nhiệt độ ngoài trời âm 20 độ C thật nguy hiểm), bên kia dùng bom xăng ném lại rồi kéo đến vây phủ tổng thống và nhà quốc hội. Cảnh giằng co trở nên khốc liệt hơn vào ngày thứ 3, những phát súng bắn tỉa từ trên cao làm vài người chết, và không chỉ người biểu tình bị giết, bên cảnh sát cũng hi sinh bởi những phát đạn chính xác vào cổ hoặc đầu gây sát thương tức thì. Cả hai bên đã mất kiểm soát, họ trút căm hờn lên nhau. Cảnh sát trước đây chỉ được dùng súng bắn đạn cao su, nay được lệnh bắn đạn thật, lính dù (loại lính thiện chiến nhất) được điều về Kiev, xe bọc thép tiến vào quảng trường...

Đã có mấy chục người chết, chính quyền và cảnh sát không thể chấp nhận được việc bọn bạo loạn giết người thi hành công vụ, còn người biểu tình và dân chúng không tha thứ cho nhà cầm quyền giết người tay không vũ khí. Thành phố sôi sục. Đêm hôm thứ 4, toà nhà công đoàn, trụ sở chính của người biểu tình và cũng là bệnh viện dã chiến bốc cháy. Không phải là cảnh sát đốt vì toà nhà nằm giữa khu quảng trường do người biểu tình kiểm soát. Chỉ có thể là AI ĐÓ trà trộn vào đám biểu tình hoặc bọn tituski (những kẻ đuợc chính quyền thuê tiền để quấy rối) gây ra vụ này thôi... Gần 50 người chết trong đám cháy gồm phụ nữ, bệnh nhân và cả các bác sỹ tình nguyện thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng trong dân.

TV đưa tin liên tục, chưa bao giờ từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 số người chết lại nhiều như mấy hôm đó, cả hai bên con số thương vong đã lên tới cả trăm nguời. Cảnh sát bắn chết một bà hưu trí đi qua đám biểu tình, một cô gái bị lựu đạn xém lưng khi nằm che cho một bà cụ về hưu lúc cảnh sát tấn công… Đến 15:00 Metro ở Kiev đóng cửa, chuyến tàu Lvov- Kiev ngừng hoạt động ngăn người từ miền Tây lên hỗ trợ Maidan...

Cô thư kí lao vào phòng kế toán lạc giọng hét: ra Maidan thôi, bọn họ đánh phụ nữ, bọn họ giết người. Hai cô kế toán nhìn nhau:

- Đi chứ?

-Nhưng tôi đang mang giày cao gót...

- Metro đóng rồi, xem có ai đi xe ra quảng trường chúng ta đi thôi.

..., .....

Căng thẳng quá, mình ra ngoài pha cốc cà phê, nghe cô thư kí gọi điện cho con trai (cô ấy là mẹ đơn thân, con trai mới 13, 14 tuổi gì đó):

- Mẹ ra Maidan đây, nếu đêm nay mẹ không về nữa, con biết mẹ ở đâu rồi đấy…

Mình nghẹn ngào, sau khi nghe điều đó thì tất cả những lời nói đều sẽ là vô nghĩa.

Câu chuyện thứ 8: Ván bài

Cuộc khủng hoảng chính trị của Ucraina kéo dài nhiều năm đẩy đất nước này vào tình trạng kiệt quệ và suy yếu.

Trong thời "cai trị" của mình ông Yanukovich đã thâu tóm hầu hết quyền lực và kinh tế vào tay những người thân cận với gia đình ông, thậm chí không nương tay với những người đồng đảng "các khu vực" đã đưa ông ta lên "ngai vàng". Mâu thuẫn với đảng đối lập "Tổ quốc" của bà Timoshenko hướng tới cuộc bầu cử 2015 đưa ông ta đến sự lựa chọn Nga thay vì EU vào phút cuối.

Khi biểu tình nổ ra ở Maidan, rất nhiều thành viên đảng "Các khu vực" đã rời khỏi đảng.

Các chính khách ngoại giao và đại diện các đảng phái lặn ngụp ngoài Maidan để tìm giải pháp đồng minh chống lại chính quyền của ông Yanukovich. Sở dĩ vấn đề Maidan phát triển một cách không logic và nhiều bất ngờ, bởi lẽ các chính trị gia đối lập ra vào thoả thuận vài điều kiện với chính phủ lại không đại diện cho người biểu tình ở Maidan, mà chỉ cho đảng của họ thôi. Người biểu tình ở Maidan không hoàn toàn ủng hộ bất cứ ai trong đám chính trị gia đối lập ấy, cũng chẳng có được một đại diện cho chính mình. Các thoả thuận giữa chính phủ và người biểu tình thông qua đại diện những đảng phái đó không được tuân thủ 100% từ cả 2 phía.

Cuộc xung đột đẫm máu trong tuần trước làm lợi thế nghiêng về các đảng phái đối lập khi nhân dân lại đổ ra đường chống chính phủ, dù sao họ cũng ở bên chiến tuyến của người biểu tình, dù sao thì đám đông cũng cần người đại diện, và họ cũng đã tìm được tiếng nói chung.

Trước sức ép ngoại giao của Mỹ và EU về việc chấm dứt xung đột và sức ép từ phần đông dân chúng, tổng thống Yanukovich đã chịu ngồi vào bàn thương lượng ngày 20-2 và các điều kiện thoả thuận đó sẽ được kí vào ngày hôm sau, với sự chứng kiến của vài ngoại trưởng các nước EU.

Nghe một nhân chứng EU kể lại, cuộc thương lượng rất khó khăn, ông Yanukovich liên tục ra ngoài gọi điện thoại, sau một cuộc điện đàm với Putin, ông đã nhanh chóng đồng ý thoả hiệp (đến thời điểm này thì ông Putin được đề cử giải Nobel vì hoà bình năm 2014 là có lý:) ).

Đêm hôm đó ông Yanukovich vội vã bay đi, chỉ là đi họp đảng"các khu vực" ở Kharcop thôi, nhưng ông đã vội vã bay 2 trực thăng cùng gia đình đi trong đêm, có lẽ ông đã biết ông không còn quay về nữa.

Khi đại diện các bên của phe biểu tình đến kí hiệp ước theo thoả thuận vào ngày hôm sau, tổng thống không đến, chẳng ai biết ông ở đâu, đến nhà gõ cửa thì đội bảo vệ cũng không còn ai, biết kí với ai bây giờ?

Cách mạng thắng lợi bao giờ cũng do biết tận dụng thời cơ, họ liền kêu gọi tập hợp quốc hội và phế truất tổng thống.

Đảng "Tổ quốc" của bà Timoshenko thắng lớn, nói theo ngôn ngữ của người chơi tá lả là "ù luôn trên tay". Họ có sẵn người trong quốc hội, họ đã từng nắm quyền và là các chính trị gia lão luyện. Ngay lập tức họ phân bố người của họ vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền lâm thời, chức vụ tổng thống, thủ tướng và bộ trưởng bộ nội vụ, và các tỉnh trưởng.

Trong hai ngày tiếp theo, đang trên đà thắng lợi, dưới sự đe doạ của các người biểu tình ngoài phố, quốc hội thông qua tất cả các điều luật họ muốn với số phiếu tối đa, đảng viên đảng “các khu vực" người bỏ chạy ra nước ngoài, người ra khỏi đảng, người ngậm ngùi bỏ phiếu thuận vì biết rằng không thể làm khác được. Trong ngày hôm đó 64 chuyến bay VIP rời khỏi Kiev.

Cách mạng thành công, nhân dân ngơ ngác, các phần tử quá khích coi thường pháp luật nghênh ngang vác súng ngoài đường, hò nhau đánh vài nghị sỹ hoặc quan chức chính quyền cũ trả thù riêng, phá thêm mấy bức tượng mà chẳng hiểu sao lại làm thế. Cái lũ "hồng vệ binh" ấy có lẽ là hệ quả tất yếu của tất cả các cuộc cách mạng (?).

Bà Timoshenko được thả ra ngay lập tức, bà bay về Kiev, ngồi xe lăn ra Quảng trường phát biểu say sưa, bà rơi nước mắt xúc động nói: tôi không nghĩ vì tôi mà nhiều người bỏ mạng như thế.

Đám người biểu tình mừng cho bà thoát nạn, nhưng cũng ngậm ngùi thương cảm nghĩ: chắc bà ở tù lâu nên có chút nhầm lẫn gì chăng (?)

Trong suốt cuộc biểu tình Euromaidan, ngoài mấy chính trị gia đảng "Tổ quốc" ra vào quảng trường, chưa có lần nào tên bà ấy được người biểu tình nhớ tới.

Giới truyền thông nhậy bén vô cùng, họ quay cảnh tiền hô hậu ủng vệ sỹ, xe đưa bà đến quảng trường lao vào đám đông, nhưng trải qua cuộc bể dâu vừa rồi, đám đông không dẹp ra tránh đường như ngày xưa nữa, ai đó nói rằng giờ khác rồi, muốn làm quan chức kiểu cũ thì đừng ra đây! Rất nhanh, bà hiểu ra vấn đề, nhã nhặn xin lỗi.

TV quay bà phát biểu, ống kính hướng xuống đôi giầy cao gót bà mang ở chân và cmt một cách lo lắng, không biết người ngồi xe lăn như bà đi giầy cao thế kia để làm gì? Và có nguy hiểm không? ( thôi thông cảm vì bà là phụ nữ, liệt cũng phải điệu;)

Đúng là cách mạng luôn làm nên kì tích, bị liệt đã lâu và luôn xin ra tù để đi chữa bệnh, thậm chí bà Merken nhiều lần cử bác sỹ từ Đức sang khám và kết luận là phải đưa bà Timoshenko đi chữa bệnh gấp, còn đưa hẳn việc đó vào như một điều kiện để EU kí hiệp ước với Ucraina, thế mà sau 1 ngày từ khi dời nhà tù bằng xe lăn, bà Yulia đã nện bước khắp nơi trên đôi giầy cao gót, vai thẳng và mái đầu tóc tết kiêu kì ngẩng cao.Quả là trình độ y khoa của Ucraina đáng được xếp hạng nhất nhì thế giới.

Các chính trị gia đúng là có khả năng thiên bẩm, mà bà Yulia là một nguời như thế, bà đẹp và giỏi diễn thuyết, bà lại dũng cảm hứa mọi điều rồi sẽ tìm cách thực hiên sau. Và ông trời thì lại công bằng quá, gương mặt dân Ucraina thấy đáng tin là cựu vô địch quyền anh của đảng " Nắm đấm" vì đã nhận quá nhiều vinh quang trên vũ đài chuyên môn, ở vũ đài chính trị ông lại hơi yếu thế, ông không thể nói năng cuốn hút đám đông, vì sống lâu ở nước ngoài nên ông chịu ảnh hưởng phương tây, không thể hứa vung vít cho mọi người hài lòng. Nhưng ông quả là đã rất cố gắng.

Bộ ba chính trị gia đã chia nhau: Klitchko có thể làm tổng thống sau khi quốc hội thông qua việc quay lại hiến pháp năm 2004( quyền lãnh đạo không dồn lên vai tổng thống nữa), ông Yashenuk làm thủ tướng vì trong quốc hội đảng "Tổ quốc" của ông chiếm số đông, đại diện đảng "tự do" sẽ làm chủ tịch quốc hội.

Bà Timoshenko xuất hiện làm cả 3 cùng lúng túng, biết đưa bà ấy vào đâu?

Ván bài tuy đã ù nhưng con gà chưa to, sau khi quan sát một hồi bà Timosshenko thấy đây là chính quyền lâm thời, sẽ kết thúc vào 15-5 tới, và trước mắt tình hình còn vô vàn khó khăn. Cô con gái bà khi mẹ ra tù đang tung tăng nghỉ ở một khách sạn đắt nhất tại Italia đã kịp bay về, đưa mẹ đi thăm bà ngoại một vài hôm. Bà Timosshenko quyết định lùi lại một bước, tuyên bố không nhận một chân nào trong chính phủ lâm thời nhưng để ngỏ khả năng tranh cử tổng thống trong đợt bầuu cử tới.

Thật khó khăn cho võ sỹ chính trị gia Klichko, người ta nói: không đánh phụ nữ dù chỉ bằng một nhánh hồng, nắm đấm vô song tren võ đài chẳng dùng làm gì được nhỉ:).

Câu chuyện thứ 9: Небесная сотня- đội sotnhia trên trời cao (người biểu tình ở Maidan chia thành từng đội 100 người gọi là Sotnhia, những người rời khỏi Maidan bay lên thiên đàng tập hợp thành đội Sotnhia bất tử)

Ngày hôm qua 6-3-2014, người thứ 100 đã chia tay chúng ta để nhập đội Sotnhia trên cao xanh, thế là đủ quân số và Nebesnaya Sotnhia không nhận thêm ai nữa, những người còn lại trong vài ngàn người bị thương phải về với gia đình và cuộc sống thường ngày thôi, thế giới này còn cần đến các bạn.

Mấy hôm trước mình đưa anh Hồng Hoàng Đặng Trần ra Maidan, anh ấy đi từ Odessa lên đến Kiev và việc đầu tiên là dắt cô cháu sinh viên Phuong Mai Nguyen cùng mình ra quảng trường, sương mù dầy đặc và mưa rơi lắc rắc, khói đen vẫn ám đầy các tường nhà, trên tượng đài và cột điện, vài tốp người biểu tình thuộc Sotnhia codak số 4 miệng ngậm thuốc ngồi trực bên lều dã chiến chưa được dỡ đi, mấy thanh củi cháy leo lắt trong thùng sắt để xua tan không khí lạnh ẩm đầu xuân...

Và hoa, hoa ngập tràn đường phố, hoa ngập quảng trường, hoa trên tay đoàn người từ khắp phía đổ tới. Đã 2 tuần rồi từ ngày kết thúc biểu tình, các tử sỹ đã được đưa về đất mẹ, nhưng hoa vẫn ngập quảng trường, lấp đầy công sự dựng lên bằng lốp xe cũ, nến vẫn cháy ngày đêm lung linh cả dưới ánh mặt trời (hẳn các bạn sống ở châu Âu đều biết hoa mùa này rất đắt, quả là đắt so với khoản tiền lương hưu hay học bổng khiêm tốn của người Ucraina). Chúng tôi đi dọc quảng trường, ngược lên phố Institutskaya nơi diễn ra tuần giao tranh khốc liệt. Lần theo lối đi đầy hoa và nến, mình nghẹn ngào trước những tấm ảnh in vội dán lên từng gốc cây: gốc cây này là một nụ cười của cậu bé sinh viên sinh năm 96, gốc cây kia là ánh mắt nghiêm nghị của ông giảng viên đại học thành phố Ternopol, và kia chỉ có chiếc mũ nhựa của thợ mỏ vùng Donhetsk.

clip_image006

 clip_image008

clip_image010

Nước mắt rưng rưng mình ngước lên nhìn khách sạn Ucraina, toà nhà kiêu hãnh từ thời xô viết nằm giữa quảng trường, báo chí đưa tin những kẻ bắn tỉa đã giương súng giết người từ tầng cao ngôi nhà đó, lấp ló trong sương cây thánh giá dựng vội trên ban công khách sạn, Chúa trời có tha thứ cho những kẻ vô lương?

Mình kể cho anh Hoàng và bé Mai nghe phóng sự mình xem trên TV cảnh tiễn đưa đêm 22-2, nhân dân Kiev và người biểu tình còn lại đưa họ về quê hương trong tiếng kinh cầu và tiếng nấc nghẹn, đại diện chính quyền mới quỳ bên đường làm dấu thánh khi đoàn người đi qua, điều này có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Cũng phải thôi, họ nợ những người đã hi sinh cho vinh quang của họ đang có, họ đã cùng nhân dân Ucraina bước vào con đường mới, dù trước đây có là quan chức cũ hay muốn mưu cầu chính trị riêng khi tham gia Maidan, thì họ cũng sẽ phải thay đổi từ đây.

Mình kể rằng đón các chiến sỹ binh đoàn bất tử tại quê hương là một bà mẹ trẻ đơn thân của cậu con trai duy nhất ngã xuống năm 19 tuổi, là một bà vợ với đàn con 4 đứa bồng bế nhau mang ảnh người cha, là cô bé 3 tuổi của người đàn ông goá vợ gửi con cho họ hàng chăm sóc để lên Maidan mấy hôm trước, ông chẳng có lấy một tấm ảnh chụp riêng, trước quan tài ông là ảnh ông ôm con gái, cô bé ngơ ngác chỉ lên tấm ảnh gọi Papa... Nỗi đau rất thật, thật đến mức coi thường mọi nghi ngờ rằng họ là ai mang danh những kẻ bạo động và gây rối giới truyền thông vẫn đưa tin (những khuôn mặt này mình sẽ chia sẻ với mọi người đoạn video đêm đưa tiễn và ảnh mình tự chụp ở cuối bài).

Mình khóc, anh Hoàng như mọi người đàn ông khác nuốt nước mắt vào trong, tần ngần bước lần theo con đường đá xanh đã bị cậy hết gạch để người biểu tình ném vào cảnh sát khi giao tranh.

Ngẩng đầu nhìn lên có một toán nhà báo đi trước mặt vây quanh người đàn ông dong dỏng cao đầu bạc, anh Hoàng thốt lên Jonh Kerry. Ông ngoại trưởng Mỹ hôm nay đến Kiev để điều tra về sự thật đang diễn ra tại Ucraina. Từ sân bay ông đi thẳng ra quảng trường đặt hoa tưởng niệm trước khi làm việc, cũng như chúng tôi, ông lặng lẽ đi dọc con phố vừa được đổi tên thành Nebesnaya Sotnhia (bảng tên phố chưa kịp gắn, người dân in vội lên tờ giấy A4 dán ở mỗi góc đường).

clip_image012

Ông ngoại trưởng Hoa kì giản dị khiêm tốn, không đoàn xe đưa rước, hai nhân viên mặc thường phục đi hai bên và đám nhà báo xúm quanh. Đứng cách ông vài bước nhưng mình không trông rõ, chỉ đoán chắc quang cảnh này cũng làm ông tin như mình đã tin, và mình muốn mọi người cũng tin rằng chẳng có đám bạo loạn vô chính phủ nào như truyền thông các nước từng viết.

Trong hàng trăm người đã chết, sinh viên có, trí thức có, cựu chiến binh và người về hưu, công nhân mỏ, bác nông dân, vài kẻ lang thang cơ nhỡ, có thể cũng là vài tội phạm mới ra tù, cậu thanh niên trong nhóm Tituski... Dù họ là ai và tới đây với mục đích gì, họ cũng đã ra đi từ đây như một người anh hùng (họ có thể rời bỏ bất cứ lúc nào trong cuộc giao tranh tự phát này, không ai bắt buộc họ ở lại để hi sinh).

Sẽ thật công bằng và nhân văn hơn khi các cảnh sát hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ cũng được tri ân như thế, họ là người lính và họ đã làm tốt nhiệm vụ được giao (mình nghĩ thế).

Trên trời cao kia, binh đoàn sotnhia hãy phù hộ cho đất nước và nhân dân Ucraina, họ tặng cuộc sống của họ để nhân dân đoàn kết lại, họ tặng cuộc sống cho thế hệ tương lai.

Xin trích một đoạn thơ Tố Hữu để viếng hương hồn liệt sỹ:

Có những phút làm nên lịch sử

Có những cái chết hoá thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có những người từ Chân Lý sinh ra

T.M.L.

Nguồn: facebook.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn