Chuyên đề sử liệu Việt Nam:

Lạc Viên tiểu sử

Vừa qua, chúng tôi – hai tạp chí mạng Bauxite Việt NamDiễn Đàn Forum – hân hạnh được tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế, gửi tặng bản điện tử của toàn bộ số báo tháng 5.2013, có chuyên đề Lạc Viên tiểu sử.

Phần mở đầu gồm Lời tòa soạn của Nghiên cứu và Phát triển cùng 4 bài giới thiệu rất công phu của bốn nhà nghiên cứu, từ nhiều phương vị khác nhau, đã cấp cho chúng ta một cái nhìn thấu quát về nội dung cũng như về tác giả cuốn hồi ký này – cụ Tôn Thất Đàn, người mang nỗi oan vô lượng trong hơn 60 năm qua về câu nói không hiểu từ nguồn nào đem gán vào phát ngôn của cụ một cách vô bằng cứ: “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú – Vô Nghệ Tĩnh bất bần”, chỉ vì khoảng đầu những năm 30 thế kỷ XX, cụ được Nam triều biệt phái ra Nghệ An xử lý cuộc nổi dậy gọi là Xô-viết Nghệ Tĩnh.

Chúng tôi xin đặc biệt cảm ơn Nghiên cứu và Phát triển, và hân hạnh giới thiệu với bạn đọc dưới hình thức nguyên bản đính kèm. Dưới đây, xin đăng lại Mục lục và Lời toà soạn để thông tin rõ hơn với bạn đọc về số báo đặc biệt mà hai trang mạng chúng tôi là nơi trung chuyển.

Toàn văn Lạc Viên tiểu sử xin xem ở đây.

Bauxite Việt Nam & Diễn Đàn Forum

Mục lục

Lời Tòa soạn.

3

Lời người dịch. Trần Đại Vinh.

5

Tài liệu tham khảo (Phần chú giải của dịch giả và ban biên tập).

8

Lời giới thiệu [của ông Lê Xuân Ninh trong bản lược dịch “Tiểu sử Lạc-Viên”].

9

Đôi nét về hành trạng của Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn (1871-1936). Phan Thuận An.

12

Lạc Viên tiểu sử, quyển 1.

19

Lạc Viên tiểu sử, quyển 4.

52

vLạc Viên tiểu sử, quyển 5.

88

Lời Tòa soạn

Vào giữa năm 2011, tòa soạn tạp chí Nghiên cứu và Phát triển được một bạn đọc thân thiết ở Hà Nội là anh Nguyễn Bá Dũng tặng một bản lược dịch cuốn hồi ký mang tên Lạc Viên tiểu sử của cụ Tôn Thất Đàn (1871-1936), Thượng thư Bộ Hình sung Cơ Mật Viện đại thần triều Nguyễn. Anh Dũng cũng cho biết bản dịch này nằm trong một tập tài liệu đánh máy được người bạn của anh mua từ một cửa hàng bán sách cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thấy đây là một cuốn hồi ký lịch sử có giá trị nhiều mặt, tòa soạn đã liên hệ với gia đình cụ Tôn Thất Đàn, sau nhiều lần làm việc, chúng tôi đã được gia đình cụ chuyển giao toàn bộ bản thảo (bản chụp lại) cuốn Lạc Viên tiểu sử để dịch thuật và công bố nhằm phục vụ nhu cầu tham khảo của bạn đọc.

Theo thông tin từ gia đình, bộ Lạc Viên tiểu sử đã được tác giả viết xong và đóng tập hoàn chỉnh thành nhiều cuốn, nhưng do chiến tranh, bản hoàn chỉnh này bị thất lạc, sau năm 1975 gia đình chỉ tìm lại được tập bản thảo ba cuốn là cuốn 1, cuốn 4 và cuốn 5. Sau đó gia đình đã nhờ nhà nghiên cứu Hán Nôm Phan Đăng Tài lược dịch tóm tắt nội dung cả ba cuốn, đóng thành tập để lưu truyền trong gia đình. Bản lược dịch mà chúng tôi may mắn có được chính là một trong những bản sao của bản này.

Dù nguyên bản không còn trọn vẹn nhưng Lạc Viên tiểu sử cũng giúp người đọc khắc họa rõ nét cuộc đời của một nhân vật lịch sử, từ chuyện gia đình, học hành thi cử, đến chuyện quan trường, tình hình đất nước… Ở lĩnh vực nào, Lạc Viên tiểu sử cũng đều có những điểm nhấn đặc sắc.

Trong gia đình, Lạc Viên (tên hiệu của Tôn Thất Đàn) là người con hết mực hiếu thảo. Mồ côi cha từ nhỏ, ông được mẹ nuôi nấng, dạy dỗ chu đáo nhưng cũng rất nghiêm khắc. Cái chết của người mẹ hiền là một tổn thất lớn trong đời Lạc Viên đến nỗi ông suýt bỏ dở cả công danh sự nghiệp. Qua những lời tự bạch của Lạc Viên về hoàn cảnh gia đình, người đọc cũng hình dung được phần nào nề nếp sinh hoạt của một gia đình xứ Huế.

Trong chuyện học hành, thi cử và trên bước đường làm quan, tác giả Lạc Viên đã kể lại những mẩu chuyện sống động về tệ thi cử gian dối, nạn chạy chọt mua bán chức quyền, tình trạng tham nhũng của tầng lớp quan lại từ triều đình đến các địa phương.

Nổi bật hơn cả trong Lạc Viên tiểu sử là những ghi chép của tác giả về tình hình đất nước, ở những nơi mà ông trấn nhậm và ngay tại triều đình Huế khi ông giữ chức Thượng thư Bộ Hình sung Cơ Mật Viện đại thần. Những ghi chép ấy một mặt cung cấp cho người đọc những thông tin quý giá về tình hình đất nước vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, mặt khác nó góp phần giải tỏa những định kiến sai lầm mà trước đây một số người đã gán cho Tôn Thất Đàn qua phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Qua Lạc Viên tiểu sử người đọc thấy rõ khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh xảy ra, trong vai trò Khâm sai đại thần – một vai trò mà ông đã bị cả người Pháp lẫn triều đình Huế ép phải nhận – Tôn Thất Đàn chưa bao giờ chủ trương đàn áp, khủng bố người dân bằng bạo lực mà chỉ tìm cách vỗ yên dân tình bằng cách đề xuất nhiều chính sách và biện pháp an dân.

Có thể khẳng định được điều ấy bởi xuyên suốt hành trạng của Lạc Viên, người đọc thấy rõ ông luôn lấy tư tưởng “trên vì vua, dưới vì dân” làm phương châm xử thế. Ông sẵn sàng phản kháng quyết liệt những ai đi ngược lại tinh thần ấy, kể cả người đó là người thân hoặc thượng cấp của mình. Ngay cả đối với người Pháp, từ Công sứ đến Khâm sứ, Toàn quyền, thậm chí cả với những yếu nhân trong chính phủ Pháp như Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, ông cũng sẵn sàng tranh luận tới cùng để bảo vệ lý lẽ của mình.

Một tác phẩm hồi ký tất nhiên không thể tránh khỏi những yếu tố chủ quan. Trong Lạc Viên tiểu sử, những lời nhận xét, đôi khi rất gay gắt của tác giả đối với Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân hay Viện trưởng Viện Cơ Mật Nguyễn Hữu Bài có thể xuất phát từ những nhận định chủ quan của tác giả, nhưng ở một chiều kích khác, những thông tin mà Lạc Viên cung cấp lại giúp cho người đọc soi rọi rõ hơn một vài sự kiện và nhân vật lịch sử đương thời. Ví như sự bất lực của Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân mà tác giả Lạc Viên chỉ trích, thật ra cũng là sự bất lực chung của cả một triều đình đã bị thực dân Pháp biến thành công cụ để xâm lược lâu dài đất nước ta, Lạc Viên đương nhiên cũng không thể thoát khỏi tình cảnh chung ấy. Hay sự “lộng quyền” của Nguyễn Hữu Bài mà tác giả Lạc Viên nhiều lần phê phán, trong một vài trường hợp lại cho thấy đó là sự quyền biến, tinh khôn của người đứng đầu Viện Cơ Mật, để giữ lại cho triều đình Huế chút quyền lực nhỏ nhoi trong một vài vụ việc cụ thể.

Về hình thức thể hiện, tác giả Lạc Viên chọn cách nói thẳng vào sự việc, không văn chương hoa mỹ. Ông không ngại ngùng khi nói về những công việc mình đã làm được, cũng không quanh co né tránh khi nói về người khác. Nhờ khả năng quan sát tinh tế và óc phán đoán, xử lý công việc minh mẫn, nhiều vụ án hoặc sự kiện được ông kể lại một cách lôi cuốn, hấp dẫn.

Trong tình hình sử liệu nước ta vốn thiếu nhiều tác phẩm hồi ký lịch sử, hy vọng rằng việc công bố cuốn Lạc Viên tiểu sử sẽ mở đầu cho việc xuất hiện thêm những tập hồi ký của những nhân vật lịch sử khác, đang còn lẩn khuất đâu đó trong lớp bụi thời gian. Đó hẳn cũng là niềm mong ước chung của tất cả những ai quan tâm đến việc tìm hiểu lịch sử nước nhà.

Do khuôn khổ có hạn của tạp chí, chúng tôi không thể đăng hết phần nguyên văn chữ Hán mà chỉ có thể giới thiệu một số trang có các sự kiện hoặc tình tiết quan trọng. Trong bản dịch, những chú thích của tác giả Lạc Viên đặt trong dấu ngoặc đơn, phần chú giải của dịch giả và ban biên tập đặt trong dấu ngoặc vuông hoặc ở cuối trang. Các chữ số Ả Rập đặt trong dấu ngoặc vuông là số trang nguyên bản.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn gia đình tác giả Lạc Viên đã cho phép công bố cuốn hồi ký quý giá này. Xin cảm ơn dịch giả Trần Đại Vinh đã bỏ nhiều công sức để cống hiến cho bạn đọc một bản dịch chân xác, súc tích. Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã có bài viết riêng cho chuyên đề này về hành trạng của cụ Tôn Thất Đàn để bạn đọc tiện tham khảo, đối chiếu.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn