“Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” (Mênh mông thế sự 26)

Tương Lai

“Cho dù từng có một sự thật nghiệt ngã và đau đớn về một xã hội của loài cừu cuối cùng sẽ phải sinh ra một nhà nước của loài sói nhưng nhà nước của loài sói ấy hiện đang từng bước cáo chung khi mà nhân dân đã trải nghiệm được cuộc sống với chính mồ hôi, nước mắt của mình. Sự ngu dân bằng bưng bít thông tin và bóp méo sự thật đã không thể duy trì được trước sức mạnh như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và mạng Internet nối mạng toàn cầu”.

T.L.

Vào thời điểm thách đố của những bước ngoặt thường nảy sinh những đột biến, người ta hay nói đến “vận nước”, một khái niệm trừu tượng nhuốm màu sắc huyền bí nhưng lại rất gần gũi trong tâm thế người Việt chúng ta. “Vận nước đan xen với nhau như mây quấn” (Quốc tộ như đằng lạc), có lẽ đây là câu thơ Thiền được biết sớm nhất trong bài Vận nước (Quốc tộ) của Thiền sư Pháp Thuận (915-990) đầu thế thứ X, thời dựng nước.

Huyền bí ư? Đúng vậy, “Cái đẹp nhất, sâu xa nhất mà con người có thể trải nghiệm được là cái cảm giác của sự huyền bí. Nó là gốc rễ của tôn giáo cũng như tất cả những nỗ lực vươn lên trong nghệ thuật và khoa học. Ai đã không trải nghiệm điều này thì đối với tôi, nếu không phải là một người đã chết cũng là một người mù”, đó là ý tưởng của Einstein, bộ óc vĩ đại nhất thế kỷ XX, cũng là đỉnh cao trí tuệ và khoa học của loài người (Nguyễn Xuân Xanh, Einstein, NXB Tổng hợp Tp HCM, 2011, tr. 100). Sự huyền bí ấy được hiện diện một cách dễ hiểu, “rất trần gian” trong cõi tâm linh sâu kín nhưng vẫn rất gần gũi với mỗi con người. Chẳng thế mà, để tăng thêm ý nghĩa thiêng liêng và truyền sức mạnh kỳ diệu cổ vũ muôn dân sau mười năm chiến đấu chống xâm lược, Nguyễn Trãi đã kết thúc Bình Ngô đại cáo bằng lòng thành kính nhắc đến “ân đức của trời đất tổ tông để “xa gần bá cáo, ai nấy đều hay”: “Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu. Muôn thuở nền thái bình vững chắc. Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”.

Trời đất, tổ tông chẳng phải là huyền bí sao? Nhưng sự huyền bí ấy lại có mặt trong mỗi căn nhà Việt Nam, ở nơi tôn nghiêm nhất, nơi đặt ban thờ để con cháu thắp nén hương tưởng nhớ đến người đã khuất. Liệu có nói được rành rọt là khói hương ấy bay về đâu và kết nối với ai? Khái niệm tổ tôngtrời đất dường như cũng vậy, vừa rất trừu tượng song lại rất thân thiết. Mối liên kết ấy lại khá trực tiếp và cụ thể. Trong bài Vận nước, sau câu vừa dẫn tác giả viết: “Đất trời Nam đang hưởng thái bình, nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi*, mọi nơi sẽ không còn chiến tranh”.

Tám trăm năm sau, 1757, Lê Quý Đôn dẫn lời người xưa để luận bàn thế sự: “Xưa nay đâu có chuyện bốn năm người cũng giữ quyền chính mà không chia rẽ, đả kích nhau rồi quay ra cắn xé lẫn nhau, kẻ mạnh thì lăng mạ bạo ngược, kẻ yếu thì xin cứu viện. Đó là đạo lý của sự loạn và sự mất (Quần thư khảo biện, tr.257). Nhà bác học thế kỷ XVIII nói về thành bại trong chính trị mà như đang nói với những kẻ không biết mình, biết người cứ quyết tranh đoạt cái ghế quyền lực đang tự phơi bày trước mắt mọi người hôm nay. Xin đọc tiếp: “Ngay từ xưa nếu cứ cố chấp vào một thuyết mà không biết lường thời thế không biết linh hoạt thì không tránh khỏi thất bại (sách vừa dẫn, tr.251). Và Lê Quý Đôn khẳng định: “Cho hay lẽ trời ở trong lòng người vốn không bao giờ mờ tối” (tr.258). Nếu ý dân là ý trời như Mạnh Tử nói thì cưỡng lại lẽ trời cũng có nghĩa là cưỡng lại lòng dân, là trái với đạo lý, làm sao có thể tránh khỏi sự trừng phạt?

Vậy thì ai đang cưỡng lại lòng dân, cưỡng lại ý trời, cưỡng lại vận nước đang đến? Chẳng cần viết cụ thể ra thì bàn dân thiên hạ cũng điểm mặt chỉ tên những kẻ nào đang bám lấy quan thầy ngoại bang để mưu sự trong cuộc tranh bá đồ vương. Chính đấy là những kẻ đi ngược lại “lẽ trời” và “lòng người”. Chúng đang là vật cản đối với thời vận, đẩy lùi vận nước.

Hãy nhìn lại những thành tựu đáng khích lệ về hội nhập và phát triển cho thấy một khi sức mạnh của dân tộc kết hợp được với sức mạnh của thời đại sẽ đưa tới những kết quả khó hình dung nổi. TPP là một ví dụ nổi bật. Tham gia vào hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, Việt Nam đang nắm trong tay chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa để bước vào một thế giới mới để thoát khỏi vòng kiềm toả của siêu cường hung đồ bành trướng ở sát cạnh mình. The Wall Street Journal đưa ra nhận định: TPP “đánh dấu một sự thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến định hình thương mại toàn cầu với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter còn ví Việc có TPP đối với tôi, quan trọng như có thêm một chiếc tàu sân bay để thông qua đó gia tăng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đồng minh và các đối tác, đồng thời khẳng định hơn nữa cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó cũng là lý do màTrung Quốc đã làm áp lực để nước ta không thể hoặc chậm tham gia TPP. Mưu toan của chúng đã thất bại. Việt Nam đã gia nhập TPP, đồng thời cũng ký kết nhiều Hiệp định quan trọng khác với Châu Âu, với Nhật Bản với nhiều nước khác, mở rộng cảnh cửa hội nhập để phát triển. Phải chăng vì vậy mà người ta nói vận nước đang đến với một cảm hứng lạc quan. Đó là niềm lạc quan có cơ sở vững chắc.

Hiềm một nỗi, nếu thoát ra khỏi vòng kiềm toả của Trung Quốc thì một bộ phận thế lực cầm quyền từng nương tựa vào “người đồng chí láng giềng cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” sẽ khó mà tiếp tục giữ được cái ghế quyền lực. Tập Cận Bình hiểu quá rõ điều ấy nên vừa vung cây gậy vừa đưa củ cà rốt với cái thế lực muốn tiếp tục giữ cái ghế quyền lực, dùng thế lực này để tiếp tục biến Việt Nam thành một chư hầu. Chỗ mạnh của thế lực bảo thủ giáo điều của những người “tránh đụng độ” đang thao túng tình hình đất nước, đặc biệt là trong cuộc đấu quyền lực trong Đảng những ngày qua là ở đây, nhưng đó cũng là tử huyệt của họ vì họ không sao che giấu được bộ mặt cầu viện ngoại bang để cố duy trì quyền lực như xưa kia những kẻ bán nước cầu vinh Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đã làm. Cho dù nguỵ biện cỡ nào thì cái tà khí của kẻ phản dân hại nước đã lột trần chân tướng của họ trước đôi mắt tinh tường của nhân dân.

Cho nên, dù có quay cuồng trong khát vọng quyền lực, một thứ quyền lực đã rệu rã mà sự cáo chung chỉ còn là ngày một ngày hai, họ đã vận dụng nhiều mưu ma chước quỷ dựa vào chút quyền uy đang còn lũng đoạn được để níu kéo những bước đi tới của lịch sử thì lịch sử vẫn rất sòng phẳng. Làm sao nhân dân lại cam chịu phải kéo dài sự trì trệ lạc hậu của đất nước sau 40 năm đi theo một mô hình sai lầm khi mà một chân trời mới đã ló dạng.

Bỏ lỡ thời cơ này là có tội với dân, với nước, với sự nghiệp của ông cha. Ấy vậy mà thế lực giáo điều bảo thủ lại đang cúi đầu khuất phục Tập Cận Bình, cầu viện đến ngoại bang nhằm cứu vãn sự sụp đổ. Khi làm như vậy họ đã quên mất rằng ý dân là ý trời. Cái gọi là “ý trời” là khái niệm nhằm nói đến một thứ quyền năng tối thượng vượt lên trên mọi quyền uy được nuôi dưỡng bằng dục vọng đen tối. Quyền năng của “đôi vầng nhật nguyệt” đang “trên hai vai ta” mà bài viết đã mượn để làm đầu đề. Ánh sáng của đôi vầng nhật nguyệt ấy soi tỏ toan tính và hành vi của mọi con người, đánh thức lương tâm của họ. Chắc rằng khi đối diện với lương tâm, nếu là người còn có chút lương tâm, chắc chắn sẽ phải run sợ nghĩ về những dục vọng thấp hèn cố tình ngăn cản bánh xe lịch sử đang tăng tốc trong bối cảnh mới đẩy họ thành tội đồ của lịch sử.

Nói tội đồ của lịch sử có khi phải vận dụng những tri thức cần thiết để thấu hiểu, nhưng nói về sự phỉ nhổ và nguyền rủa của nhân dân đối với kẻ dựa vào ngoại bang để duy trì quyền lực thì dễ hiểu hơn nhiều. Vì vậy mà sức răn đe cũng mạnh mẽ, rộng lớn hơn nhiều. “Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Ấy vậy mà đâu cần đến trăm năm, ngàn năm. Cứ nhìn vào công luận xã hội, được phản ánh phần nào trên báo mạng, cũng đo đếm được khá chính xác thế lực nào đang bị lên án quyết liệt nhất. Và đó cũng là lý do để đầu đề của bài không có cái vế thứ hai: “Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Nếu như điều này làm giảm tính toàn vẹn của hình tượng có tính cảnh báo mang tầm triết lý của người nghệ sĩ thì lại có thể thời sự hoá sức sống kỳ diệu của dự cảm thiên tài thường thấy ở những nghệ sĩ lớn vốn là con đẻ của thời đại đang trực tiếp đánh thức lương tri, lương năng của con người như “Mênh mông thế sự” trước đã trình bày.

Còn một lẽ nữa. Vào những bước ngoặt, lịch sử dường như được đẩy nhanh hơn và hay xuất hiện những bất ngờ. Đại thắng của Lý Thường Kiệt mở ra một trang mới trong lịch sử bang giao giữa nước ta với Trung Quốc đã đề cập đến trong bài trước là một ví dụ rõ nét. Từ trận đột kích Ung Châu giáng đòn sấm sét vào ý chí xâm lược của nhà Tống đến trận tập kích trên sông Như Nguyệt, hơn 30 vạn binh lính và dân binh kéo vào nước ta đã bị đập nát. Đó là điều kiện quyết định để dân tộc ta cho ra đời Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Rồi đại thắng của Quang Trung Nguyễn Huệ thế kỷ XVIII là một ví dụ thứ hai. Chỉ trong vòng năm ngày tiêu diệt 10 vạn quân Tôn Sĩ Nghị. Gò Đống Đa là một biểu trưng mang ý nghĩa cảnh báo nghiêm khắc đối với bọn xâm lược phương Bắc. Hãy đọc mấy dòng sau đây trong bài Văn tế do Vũ Huy Tấn soạn theo chiếu chỉ của vua Quang Trung: “Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời Nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí / Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành / Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống”. Chúng “đáp lại” thế nào thì bài học lịch sử đã ghi rõ.

Tuy nhiên, cũng như sau thắng lợi của Lý Thường Kiệt, sau chiến thắng oanh liệt của Nguyễn Huệ, mối bang giao giữa nước ta với triều Thanh cũng có phần dễ thở hơn. Một mặt Càn Long vẫn ngầm chuẩn bị để có dịp thì lại kéo quân sang, nhưng mặt khác phải thực thi một sách lược hoà hoãn với nước nhỏ phương Nam vừa dạy cho mưu toan bành trướng bài học nhớ đời.

Rõ ràng là, chỉ có thực lực được tạo ra bằng sức mạnh và ý chí của dân tộc mà những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ biết quy tụ và phát huy lên đến đỉnh cao nhằm dạy cho quân xâm lược bài học nhớ đời “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm. Tuỵ Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm” (Bình Ngô đại cáo). Chỉ có cái đó mới là tiền đề của “hoà hiếu” vơi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

Hoà hiếu với nước láng giềng là khát vọng của dân ta, cũng là một tất yếu được quy định bởi vị thế địa-chính trị của bán đảo hình chữ S này. “Sơn thủy tương liên” là một thực tế, cho dù là nghiệt ngã. Nhưng để có hoà hiếu trong tư cách một nước có chủ quyền “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Lý Thường Kiệt) chứ không phải trong thân phận một chư hầu thì phải có bản lĩnh như ông cha ta đã từng chứ không phải tránh vì sợ “đụng độ” như Nguyễn Phú Trọng đã nói ra mồm. Cho nên, nếu kệch cỡm tự đắc rằng nhờ sự lèo lái để không căng thẳng với Trung Quốc nhằm tránh xảy ra chiến tranh như là một chiến tích thì quả là quá nông cạn. Sự nông cạn đến thảm hại do chỉ biết tụng niệm Mác - Lê mà không học, không hiểu, không trân trọng lịch sử dân tộc, quên mất lời dạy của ông cha.

Phải chăng vì thế mới có cái lập luận xằng bậy: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”. Với kiểu lập luận xằng bậy ấy, bằng lối tư duy khập khiễng ấy, với tâm thế khiếp nhược ấy mà thao túng được “Đại hội XII” thì Đại hội này e rằng sẽ là Đại hội bàn tính chuyện làm chư hầu sao cho khéo, đẩy dân tộc kéo dài thêm nữa sự lạc hậu, nhân dân lại tiếp tục ngập chìm trong bể trầm luân! Không. Nhân dân không thể, không phải và chưa từng là một đàn cừu. Cho dù từng có một sự thật nghiệt ngã và đau đớn về một xã hội của loài cừu cuối cùng sẽ phải sinh ra một nhà nước của loài sói nhưng nhà nước của loài sói ấy hiện đang từng bước cáo chung khi mà nhân dân đã trải nghiệm được cuộc sống với chính mồ hôi, nước mắt của mình. Sự ngu dân bằng bưng bít thông tin và bóp méo sự thật đã không thể duy trì được trước sức mạnh như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và mạng Internet nối mạng toàn cầu.

Sự thật đang được phơi bày trên mạng Internet mà cơ chế toàn trị hoàn toàn bất lực. Đành rằng một bộ phận dân chúng chỉ biết tình hình qua mạng lưới truyền thông chính thống, nhưng rồi sự thật đang chứng minh rằng cuộc sống luôn mạnh hơn những giáo điều đang trở nên quá nhàm chán và úa tàn. Nói như M. Gorki, “mùi chân lý bay đi rất xa vì đó là mùi của mồ hôi lao động”. Cần bổ sung thêm vào mệnh đề đó bằng khuyến cáo của V. Hugo Những người khốn khổ: “Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý”. Sự lừa bịp đã đến giới hạn bão hoà! Những kẻ cố tình chọc gậy bánh xe lịch sử sẽ bị xéo nát bởi quy luật vận động của lịch sử. Và chính ở đây, lời cảnh báo “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về” đang tác động vào tâm linh, phần sâu thẳm của đời sống con người, lay tỉnh cái phần tốt đẹp còn lại vẫn đang ẩn kín trong họ.

Cần nhớ rằng, phát triển luôn luôn là tự phát triển. Quá trình tiến hóa tạo nên những thuộc tính hợp trội, được thực hiện bằng cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống. Xã hội của con người là một hệ thích nghi cực kỳ phức tạp, trong đó, các thành phần khác nhau, những yếu tố đối lập, tùy theo sức hút của mục tiêu chung đều có những cách thế ứng xử không hoàn toàn giống nhau. Dù bằng cách nào thì những người thức thời sẽ phải hiểu ra rằng, nếu cứ đối đầu theo “giáo điều kinh điển” của một thời “ai thắng ai” theo “kim chỉ nam” của chủ nghĩa Mác-Lênin để dẫn đến một kết cục phải thanh toán lẫn nhau nhằm giành cái ghế quyền lực thì sẽ chỉ nhận lấy thất bại. Đơn giản là vì cuộc sống đã gạt bỏ cái lý luận giáo điều ruỗng nát đã kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm băng hoại truyền thống của ông cha, đi ngược lại mục tiêu “độc lập, tự do, hạnh phúc” mà xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam đổ ra mới giành được.

Tình thế đã dồn vào bước quyết định: kéo dài sự nói dối về “con đường mà Đảng đã chọn là con đường đem lại hạnh phúc cho nhân dânlà vô vọng vì không ai thèm nghe nữa, cho dù bộ máy tuyên truyền khổng lồ được huy động tối đa và mở hết công suất. Bi đát hơn nữa cho chúng là khi những kẻ “nói dối vĩ đại” ấy lại mượn cái loa “made in China” để mà nhồi những lời giáo huấn bịp bợm ấy vào tai những người yêu nước chưa bao giờ quên mối hận xâm lược. Mà xâm lược đang là nhỡn tiền, đâu còn là chuyện xa xưa. Cũng không chỉ với chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Mà đang là Hoàng Sa Trường Sa bị chiếm đóng, Biển Đông đang bị xâm phạm, giàn khoan 981 đang gây áp lực, ngư dân ta đang bị sát hại, là sự khiêu khích có chủ ý để gây áp lực với Đại hội XII, cho máy bay đáp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tính đến ngày 09/1/016, Trung Quốc đã có 46 chuyến bay hạ cánh ở khu vực Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông… Càng ngoan cố đẩy tới những thủ đoạn được toan tính bàn soạn công phu với những chiêu học được từ “các đồng chí cùng chung ý thức hệ” đang thanh toán đối thủ như thế nào thì chỉ càng cô lập trong dân, trong Đảng. Hiện thực đen tối và rối loạn đang hiển hiện, nói theo lối “kinh điển” của các ngài là “thực tiễn cao hơn lý luận… vì nó là hiện thực trực tiếp”. Vậy thì, xin các ngài uyên bác lý luận Mác-Lênin, các ngài có nhớ cái mệnh đề “kinh điển” nói về hiện thực trực tiếp này không: “quan điểm về đời sống, về thực tiễn phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”.

Đời sống của dân, ý nguyện của dân và của những đảng viên chân chính đang đòi hỏi phải đổi mới mô hình phát triển từng dồn đất nước vào tình trạng lạc hậu nhục nhã khi mà những nhân tố mới đã xuất hiện cho phép chấm dứt sự nhục nhã đó, thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, một siêu cường hung đồ chỉ muốn nuốt trọn Biển Đông. Mà để làm được điều đó phải khuất phục dân tộc mà cha ông chúng chưa bao giờ khuất phục nổi.

Khuất phục cả dân tộc, điều ấy Tập Cận Bình biết rõ không thể làm được. Có chăng phải thả ra miếng mồi cùng chung ý thức hệ để mua chuộc một nhúm kẻ cầm quyền đang cố bám lấy cái ghế quyền lực. Vậy mà, là bạn của kẻ xâm lược tức là thù của nhân dân, đó là cái logic nghiệt ngã của cuộc sống, cũng đã là một thứ kinh điển bất thành văn trong lòng dân.

Ánh sáng của “đôi vầng nhật nguyệt trên hai vai ta” đang soi rọi mọi mưu ma chước quỷ được che giấu bằng những mệnh đề “kinh điển” đã nhồi vào não trạng của một số người, nhất là đối với những kẻ được xem là tay sai của ngoại bang. Mọi sự lừa mị đều hiện rõ lên trước ánh sáng của “đôi vầng nhật nguyệt” đó. Vì thế cũng xua đi những mơ hồ, ngộ nhận trong nhận thức của nhiều người trong cuộc. Những người trong cuộc ấy đang ngày càng nhận ra cái áp lực tăng lên từ ý chí và sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân đúng như Lê Quý Đôn cảnh báo: “Lòng dân một khi lung lay thì xuất hiện thế đất lở” (Thư kinh diễn nghĩa). “Thế đất lở” ấy đang xuất hiện ngày càng dữ dội, đang nhân lên với cấp số nhân trong hai thập kỷ qua. Đặc biệt đã hiện rõ mồn một trong các nhiệm kỳ trị vì gần đây của những nhân vật chịu sự chi phối nặng nề của Trung Quốc qua các triều đại Giang, Hồ, Tập.

Đó chính là tử huyệt của thế lực bảo thủ giáo điều núp bóng ngoại bang, chặn bánh xe lịch sử đang băng tới trong một thế giới đang biến động. Đã đến cái ngưỡng của “thế đất lở” dẫn đến sụp đổ nếu không có những đột biến nhằm tạo ra một đổi mới mạnh mẽ về thể chế chính trị tương thích với đổi mới thể chế kinh tế của một mô hình phát triển mới với cảnh cửa đã được mở rộng. Và rồi, sự kiện Myanmar là một dẫn chứng sinh động và kỳ diệu cho những bước đi bất ngờ song có thể dự cảm được của lịch sử. Sự kiện ấy đang gây cảm hứng cho những ai muốn tạo ra những đổi thay, đẩy lùi những trì trệ, đưa đất nước bước vào một giai đoạn mới.

Nói đến “vận nước” chính là nói đến điều đó. Nói đến khả năng đang dần biến thành hiện thực khi mà nhân dân, trước hết là những cựu chiến binh, những cán bộ lão thành đã từng đem tuổi thanh xuân và xương máu của mình vì sự nghiệp giữ nước và dựng nước, những trí thức hiểu thấu đáo quy luật vận động của lịch sử, của thế hệ trẻ đã thấy rõ cái “thế đất lở” đang dồn lực lượng giáo điều bảo thủ ngoan cố vào bước đường cùng.

Cái “thế đất lở” này đẩy những ai đang cố duy trì cái mô hình sai lầm đấy đất nước vào sự lạc hậu đáng hổ thẹn, đẩy dân tộc vào trong ngõ cụt của một ý thức hệ phá sản từng đưa cả hệ thống sụp đổ như một lâu đài xây trên cát mỏng. Nhưng cũng chính sự sụp đổ ấy đã đánh thức lương năng, lương tri của nhiều thế hệ đã từng trải nghiệm qua những bước đi nghiệt ngã của lịch sử. Sự nghiệt ngã đó đã lay tỉnh nhiều người, giúp họ nhìn vào cuộc sống với đôi mắt tỉnh ngộ. Họ hiểu ra rằng, dân tộc và thời đại đang đòi hỏi, và cũng đang chứa đựng sẵn, hoặc đã hé mở khả năng của những đột phá cơ bản. Muốn có những bước đột phá cơ bản, thì trong bản lĩnh của dân tộc, bản lĩnh của các tầng lớp nhân dân, phải có bản lĩnh của người lãnh đạo. Nói bản lĩnh là muốn nói cả phẩm chất, trí tuệ, tài năng và tính cách quyết đoán. Phải có những con người, phù hợp với đòi hỏi đó.

Khi nói như vậy, hoàn toàn không có nghĩa là tôn ai đó làm “minh chủ”. Kiểu tư duy “minh chủ” mà một số người đang tự nhồi nhét vào não trạng chỉ đáng dành cho những người kém hiểu biết, hoặc tệ hơn, những người chưa ra khỏi tuổi “vị thành niên” như cách diễn đạt của Emanuel Kant – những người mà nhà triết học Đức chỉ rõ rằng “không dám tự mình dùng bản lĩnh và trí tuệ của chính mình để hành động mà phải nương nhờ đến sự dẫn dắt của người khác”. Khi nhận rõ được ý nghĩa của những tư tưởng có khả năng mở đường cho lịch sử đi tới theo đúng quy luật vận động của nó để tự nguyện chấp nhận dấn thân theo ý tưởng đó, thì nói theo Kant “lý trí thực hành mới là kẻ duy nhất có quyền hướng dẫn các hành vi của ta” (Immanuel Kant, Phê phán lý tính thuần tuý, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Văn học, 2004, tr.1195). Vì vậy “ta xem chúng là mệnh lệnh thiêng liêng bởi vì ta thấy có nghĩa vụ phải làm từ trong nội tâm ta”! Cũng chính vì lẽ đó mà hãy suy ngẫm về lời mách bảo của Einstein: “Nếu bạn muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa thì hãy gắn nó với mục tiêu, đừng gắn với một con người, một đồ vật. (Nguyễn Xuân Xanh, Einstein, NXB Tổng hợp Tp HCM, 2011, tr. 305)

Gắn với mục tiêu cũng là gắn với một ý tưởng thuận theo quy luật vận động của lịch sử, ý tưởng ấy có tác động quy tụ được lòng dân. Và đừng quên rằng, dân là người đẩy thuyền cũng là người lật thuyền. Tôi vẫn ghi trong sổ tay nghiên cứu một đoạn văn súc tích của bạn tôi, Phan Đình Diệu, người mà tôi quý mến, xin được dẫn ra đây để làm rõ thêm một ý về phát triển luôn luôn là tự phát triển đã trình bày ở trên nhằm khẳng định cái xu thế không gì đảo ngược được của thế cuộc:

Đối với hệ thích nghi phức tạp (phi tuyến), mục tiêu là bất định theo nghĩa là không xác định được trước một cách chắc chắn, không dự đoán được, mọi thành phần của hệ thống luôn luôn ở trong tình trạng đứng trước một miền đất chưa khai phá, chưa có sẵn bản đồ, do đó luôn cần có một tầm nhìn và những năng lực thích nghi, sáng tạo tự vạch đường mà đi, tự bươn chải trong môi trường của những khả năng cạnh tranh và hiệp tác, v.v., để rồi cùng nhau sáng tạo nên những chất lượng mới của những thuộc tính hợp trội mới, của trật tự mới. Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định”.

Hiểu đúng như vậy thì ý nghĩa của một người nào đó trong vai trò là người lãnh đạo chính là người có một tầm nhìn và những năng lực thích nghi, sáng tạo tự vạch đường mà đi, tự bươn chải trong môi trường của những khả năng cạnh tranh và hiệp tác. Để làm gì? Để cùng với những người khác sáng tạo nên những chất lượng mới của những thuộc tính hợp trội mới, của trật tự mới. Khi anh ta làm được như vậy, mọi người sẽ quy tụ vào một mối để cùng hành động với anh ta. Và khi anh ta không đóng được vai trò đó nữa, cuộc sống sẽ đào thải. Cái sọt rác của lịch sử chẳng đã chất đầy những lời hứa hẹn bị phản bội, những cương lĩnh bị cuộc sống vượt qua, những chương trình to tát chưa được thực hiện hoặc không thực hiện đươc phải vứt bỏ đó sao? Và đấy cũng là ý nghĩa sâu xa trong khuyến cáo “gắn với mục tiêu, đừng gắn với một con người, một đồ vật.

Đương nhiên, tạo ra được một cơ chế chấp nhận và loại bỏđiểm quy chiếu là “mục tiêu” thể hiện ý chí của nhân dân và khát vọng của dân tộc không là chuyện đơn giản, cũng không là cái có sẵn, càng không là “do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định”. Khi hội nhập đã vừa được mở rộng, vừa đi vào chiều sâu thì trong một môi trường mới, với một “luật chơi” mới, dù muốn dù không, đổi mới thể chế kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị là một tất yếu để phát triển, quá trình dân chủ hoá vì vậy sẽ được đẩy tới mạnh mẽ để đảm bảo tính vững bền của hội nhập và phát triển. Chính ở đây, bức tường mà tự tay chúng ta xây nên để tự nhốt chính chúng ta trong đó sẽ bị đập vỡ, chí ít là một lỗ thủng, để mở ra một lối thoát. Rồi một chân trời mới sẽ hiện ra. Cuộc sống sẽ tự biết cách mở ra một con đường mới và rồi sẽ xuất hiện ai là người đi tiên phong. Thúc đẩy cho việc chọc thủng bức tường đang giam cầm cả dân tộc trong gọng kìm của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán được khoác cái mặt nạ của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc là đòi hỏi trực tiếp nhất, cấp bách nhất trong thời điểm nóng bỏng hiện nay.

Trực tiếp và cấp bách vì thế lực giáo điều bảo thủ nhân danh kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, thực chất là để bảo vệ cái ghế quyền lực rệu rã đang sụp đổ đã dựa vào thế lực ngoại bang xâm lược để làm việc đó. Chúng đang lặp lại những tấm gương phản bội từng làm hoen ố truyền thống lịch sử, bị muôn đời phỉ nhổ bởi hành động “bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn” như Nguyễn Trãi đã viết.

Cho dù là lịch sử thường được các sử gia ghi chép và luận bàn dưới lăng kính của triều đại đang trị vì, song tuyệt đối không có một sử gia nào không lên án những kẻ theo giặc phản bội lại đất nước, bôi nhọ tổ tông! Vì vậy, dù “vô tình” hay “hữu ý” thì trên thực tế, khi họ đã tự phơi bày bộ mặt lem luốc phản bội sự nghiệp ông cha, đi ngược lại quy luật phát triển của lịch sử mà người thiếu hiểu biết nhất cũng đã nhận ra, “Lẽ nào trời đất dung tha, Ai bảo thần nhân chịu được. Chỉ những ai sớm nhận ra cái lẽ phải đanh thép “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, Căm giặc nước thề không cùng sống quyết đấu tranh loại bỏ những kẻ tiếp tay cho Tập Cận Bình, mở ra một bước đột phá đưa đất nước đi tới mới nhận được sự “lặng thầm phù trợ” của “trời đất tổ tông linh thiêng” (Bình Ngô đại cáo).

Với niềm tin ấy, Mênh mông thế sự kỳ này muốn gợi nhớ đến lời cảnh báo bằng một hình tượng giàu tính triết lý của người nghệ sĩ thiên tài “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Vâng, trên hai vai ta.

Ngày 10.1.2015

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn