Tổng thống Obama ký luật liên quan nhân quyền

clip_image002

Ông Barack Obama sắp mãn nhiệm tổng thống Hoa Kỳ

Tổng thống Barack Obama vừa ký luật mở rộng chế tài với các cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhà Trắng cho hay cuối tuần trước ông Obama đã ký thành luật dự luật S. 2943, tức Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017 (NDAA 2017).

Trong luật này có điều luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (gọi tắt là Magnitsky Act), quy định chế tài với các cá nhân mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

Theo đó, các cá nhân, quan chức ở các nước, kể cả Việt Nam, nếu bị liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, sẽ có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh hoặc đóng băng tài sản.

Magnitsky Act cũng áp dụng cho các cá nhân bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác.

NDAA 2017 đã được lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua hồi đầu tháng.

Văn bản điều luật quy định: "Tổng thống có thể áp dụng chế tài... đối với bất kỳ cá nhân nào mà Tổng thống xác quyết, dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy, là phải chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác đối với quyền con người được quốc tế công nhận nhằm vào các cá nhân ở bất kỳ quốc gia nào".

Điều luật này có hiệu lực 6 năm nhưng chỉ có Tổng thống Mỹ là có quyền chấm dứt chế tài với một cá nhân nào đó với điều kiện phải báo cáo cho Quốc hội.

Magnitsky Act được Thượng viện Mỹ thông qua 4 năm trước, thoạt tiên là để hạn chế nhập cảnh và đóng băng tài sản của các quan chức Nga liên quan tới cái chết của luật sư Nga Sergei Magnitsky.

Với NDAA 2017 vừa được ký thành luật, nay nó mở rộng phạm vi ra các nước khác trên thế giới.

Điều này được đánh giá là có ý nghĩa lớn vì các cá nhân vi phạm nhân quyền hay tham nhũng, thí dụ ở Việt Nam, nay có thể bị trừng phạt mà không liên quan quan hệ giữa hai chính phủ, điều mà Washington nhiều lần ngần ngại không muốn làm.

Magnitsky là ai?

Ngày 24/11/2008, Sergei Magnitsky, luật sư điều hành của công ty luật Firestone Duncan ở Moscow, đồng thời là cố vấn luật và thuế của Quỹ quản lý Đầu tư Hermitage Capital trụ sở London, bị cơ quan thuế của Bộ Nội vụ Nga bắt giữ. Sau đó ông Magnitsky bị truy tố tội trốn thuế trong vụ án hình sự chống Hermitage Capital.

Ngày 16/11/2009, ông Magnitsky chết trong trại giam Matrosskaya Tishina ở Moscow sau gần một năm bị giam giữ.

Để trừng phạt, điều luật mang tên ông đã được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn y nhằm áp chế tài với các cá nhân quan chức Nga bị cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-38437773

***

Luật nhân quyền Magnitsky mở rộng ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam?

VOA Tiếng Việt

clip_image003

Dự luật Magnitsky đã được Quốc hội Hoa Kỳ đưa vào trong Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017.

Gần một tháng trước khi hết nhiệm kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký ban hành hai đạo luật về nhân quyền và tôn giáo được tin là sẽ ảnh hưởng đến giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, một trang mạng không chính thức của Việt Nam cho rằng đây chỉ là hành động “muốn níu kéo thêm những ngày tháng huy hoàng” của ông Obama, và rằng đạo luật áp dụng hình phạt đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền sẽ biến thành “giấy vụn” sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Sáu 23/12 đã ký thành luật dự luật S. 2943 tức Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) áp dụng các biện pháp chế tài trên toàn thế giới và cho phép áp đặt lệnh trừng phạt chống lại tất cả những cá nhân đã tham gia các hoạt động tham nhũng và vi phạm nhân quyền, kể cả các quan chức Việt Nam.

Đây là các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân bị chính phủ Mỹ coi là tham gia các hoạt động tham nhũng hay vi phạm nhân quyền, dự luật này trước đó đã được Quốc hội Hoa Kỳ đưa vào trong Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017. Theo đạo luật Magnitsky, những cá nhân đàn áp nhân quyền trầm trọng sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và tài sản sẽ bị đóng băng ở Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) nói với VOA Việt ngữ hôm 15/12 rằng sẽ là một sự “lúng túng về ngoại giao khi các giới chức lãnh đạo Việt Nam nằm trong danh sách chế tài, không qua Mỹ được trong các chuyến công vụ”.

Trên trang mạng Mạch Sống, Tiến sĩ Thắng nói việc mở rộng luật Magnitsky là một thắng lợi lớn cho phong trào đấu tranh nhân quyền và dân chủ trên toàn thế giới và đặc biệt liên quan tới Việt Nam. Ông nói “tới đây, chúng ta cần đưa các thủ phạm đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vào tầm ngắm của các biện pháp trừng phạt này”. Đối tượng bị trừng phạt bao gồm các giới chức chính quyền nào vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng và các cộng sự viên của họ.

Khi soạn luật trừng phạt, các nhà làm luật Hoa Kỳ biết rằng các giới chức chính quyền trong các chế độ độc tài cũng thường là những tay tham nhũng lớn; để giấu của, họ đã chuyển tài sản sang Hoa Kỳ và một số quốc gia dân chủ với nền kinh tế phát triển và ổn định.

Nếu bị xếp vào danh sách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, các cá nhân, quan chức ở các nước, kể cả Việt Nam, có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh hoặc đóng băng tài sản. Đạo luật Magnitsky cũng áp dụng cho các cá nhân bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác.

Hôm 16/12, Tổng thống Obama cũng ký ban hành luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, tức H.R. 1150, theo đó mọi hành động vi phạm sẽ được báo cáo trực tiếp đến Ngoại trưởng Mỹ, và cập nhật “Danh sách cần theo dõi đặc biệt” đối với các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo.

Theo Tiến sĩ Thắng, dựa trên 2 đạo luật mới ban hành S. 2943 và H.R. 1150, Hoa Kỳ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt như: cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của các cá nhân đàn áp nhân quyền nghiêm trọng, hay can dự vào việc cưỡng đoạt tài sản của dân, hoặc dính líu đến các vụ tham nhũng lớn.

Trong trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo, thân nhân trực hệ của các cá nhân liên hệ cũng bị cấm nhập cảnh, nếu đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất; các tổ chức ngoài chính phủ can dự vào các hoạt động đàn áp bị chỉ định là “thực thể cần quan tâm đặc biệt”, cùng danh sách với các tổ chức khủng bố ở Trung Đông.

Nếu đàn áp tự do tôn giáo mang tính cách nghiêm trọng và phổ biến thì cả chế độ sẽ bị đưa vào “danh sách cần theo dõi đặc biệt”, sau 2 năm không cải thiện thì tự động rơi xuống danh sách “quốc gia phải quan tâm đặc biệt” (CPC) và phải đối mặt với một hay nhiều biện pháp chế tài tập thể.

Với những biện pháp trừng phạt này, các cơ quan thuộc ngành lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ có thế “chủ động” đưa Việt Nam vào “tầm ngắm” và buộc các quan chức đàn áp nhân quyền “phải đối mặt với các hệ luỵ ngoài tầm kiểm soát của họ.”

Khi áp dụng các biện pháp trừng phạt này, các quan chức và cá nhân vi phạm nhân quyền sẽ bị đưa vào danh sách “đen” của Văn phòng Dân chủ - Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DRL).

Giới hoạt động nhân quyền Việt Nam ở trong nước cũng như hải ngoại xem đây là một thành công lớn cho công cuộc cổ súy dân chủ-nhân quyền tại các nước lâu nay bị chỉ trích vi phạm nhân quyền, như Việt Nam. Luật sư nhân quyền Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân: “Đây là việc làm có ý nghĩa trước khi rời nhiệm sở của Tổng thống Obama. Rất cám ơn ông!”.

Chính quyền Hà Nội chưa lên tiếng chính thức về việc này. Tuy nhiên, trang Tiếng Nói Trẻ - một diễn dàn chuyên bênh vực nhà nước Việt Nam chỉ trích “luật nhân quyền Magnitsky là đòn gió”. Trang này cho rằng luật Magnitsky là không khả thi và cần một khoản ngân sách lớn để thực hiện. Trang mạng này dự báo một khi ông Donald Trump lên nhậm chức thì luật Magnitsky “chắc chắn sẽ chỉ còn lại một đống giấy vụn”.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/luat-nhan-quyen-magnitsky-mo-rong-anh-huong-ra-sao-toi-vn/3652609.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn