NỒNG NÀN YÊN BÁI II

Trần Nhương


Yên Bái
Đây là điều nhắc nhở ta rằng
Không thể bịt miệng một dân tộc
Mà người ta không thể khuất phục
Băng lưỡi kiếm của đao phủ
   Louis Aragon


Chỉ còn ít ngày nữa là tròn 80 năm Khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930 -9-2-2010). Mười bảy chiến sĩ yêu nước đã bị thực dân Pháp tử hình ngay trên mảnh đất mà mình vùng lên làm cách mạng. Tám mươi năm tấm lòng yêu nước của họ vẫn sáng ngời nhưng rồi ai quên ai nhớ ?
 

  Chuyến đi Yên Bái của chúng tôi sẽ ít nhớ hơn nếu không đến viếng mộ Nguyễn Thái Học và đồng chí của ông. Nhà thơ Ngọc Bái dẫn chúng tôi đi và ông giới thiệu cặn kẽ làm chúng tôi như được đọc lại lịch sử. Ông vốn là Giám đốc sở Văn hóa và đã có công xây dựng khu tưởng niệm này. Tôi đặc biệt chú ý tới bài thơ của Aragon viết tháng 6-1930 trên báo Công đoàn Paris về khởi nghĩa Yên Bái. Đọc nó mà tưởng như lời thơ 80 năm trước vẫn như cho cả ngày hôm nay. Thế mới biết lòng yêu nước không bao giờ cũ. Các thế hệ người Việt Nam vẫn nói nhau giữ nước. Bao nhiêu bạn trẻ đã lên tiếng, xuống đường để thể hiện quyết tâm bảo vệ từng hòn đảo của quê hương. Lớp cha ông vì yêu đất nước mà bị chém đầu tại thị xã Yên Bái. Điều mà Ngọc Bái kể lại khiến chúng tôi khâm phục khí tiết của họ. Bọn Pháp để Nguyễn Thái Học chứng kiến chém đầu 16 đồng chí của mình rồi mới chém đầu Nguyễn Thái Học. Nơi lăng mộ của Nguyễn Thái Học bây giờ chính là mồ chôn các chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái. Xác các chiến sĩ chở trên xe bò rồi chôn chung xuống hố bên hồ Cô Giang. Khu tưởng niệm được thiết kế khá hiện đại và sâu sắc về ý tưởng.

 

Khi nghe Ngọc Bái kể chuyện bỗng anh Nguyễn Tiến Lộc bật khóc. Anh lánh chúng tôi quay mặt đi giấu những giọt nước mắt. Tôi và Ngọc Bái không hiểu sao anh Lộc bật khóc, chắc có một điều gì đó đã chạm đến ký ức của anh. Hay anh là người con sống xa tổ quốc nghĩ mà thương những bậc tiền bối ? Khi đã bình tĩnh lại, anh Lộc nói rằng so với các vị chúng ta chưa làm được gì cho đất nước, họ dám xả thân vì nước mà chúng ta bây giờ có làm được như thế không ?
Quả là như vậy, bao nhiêu người không lo lắng gì cho sự an huy của đất nước. Họ vì quyền lợi của cá nhân họ mà từng bước im lặng trước những ngang ngược của kẻ mạnh. Nhưng mạnh yếu đâu ở quân nhiều súng lớn. Lịch sử dân tộc ta đã nói lên điều đó…
 

   Đi dạo quanh khu mộ, chúng tôi gặp cây liễu ghi tên nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn VN. Tôi nhớ năm 2005 khi đại hội khu vực phía Bắc chúng tôi đã đến đây viếng mộ Nguyễn Thái Học. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã trồng cây này. Cây liễu sau 5 năm đã cao hơn đầu người lá xanh tốt ngay trong cả mùa đông (Đến khóa 7 mới đổi thành Chủ tịch Hội)


Bên tấm bia ghi thơ Aragon


 Bên tượng đài Khởi nghĩa Yên Bái


 Ngọc Bái và Nguyễn Tiến Lộc trước mộ Nguyễn Thái Học


Nhà văn Nguyễn Tiến Lộc bật khóc


Nguyễn Tiến Lộc bên cây liễu do Hữu Thỉnh trồng 5 năm trước


Nguồn : lấy lại từ http://trannhuong.com/news_detail/3680/NỒNG-NÀN-YÊN-BÁI-II

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn