Ải Nam Quan trong hiện tại (phần cuối)

Mai Thái Lĩnh

PHẦN II. HỮU NGHỊ QUAN CÓ PHẢI LÀ ẢI NAM QUAN?

Cho tới nay, chúng ta vẫn dựa vào tiền đề: “Hữu Nghị Quan ngày nay chính là Ải Nam Quan ngày xưa”. Căn cứ của tiền đề này là những lời giải thích chính thức cho rằng sau năm 1954, ải Nam Quan được đổi tên là Mục Nam Quan (mục : hòa thuận, tin cậy, thân thiết) và sau đó, đổi tên một lần nữa thành Hữu Nghị Quan (cửa quan của tình hữu nghị, người Trung Quốc dịch sang tiếng Anh thành Friendship Pass).

Nhưng giờ đây, sau khi đã nhìn ra được diện mạo thật sự của ải Nam Quan – nhất là qua những hình ảnh chụp được từ thời Pháp thuộc, chúng ta buộc lòng phải đặt nghi vấn: Hữu Nghị Quan ngày nay có phải là ải Nam Quan ngày xưa hay không? Nói cách khác, khi xây dựng lại Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc có xây đúng vào vị trí cũ của ải Nam Quan hay đã dời sang một vị trí khác?

Có một số dấu hiệu cho thấy vị trí của Hữu Nghị Quan hiện nay không trùng khớp với vị trí của ải Nam Quan ngày xưa:

1. Đường biên giới phía trước ải Nam Quan

Như tôi đã trình bày trong bài “Ải Nam Quan trong lịch sử”, căn cứ vào bản đồ của Chapès, đường biên giới phía trước ải Nam Quan sau khi bị đẩy lùi 100 m theo Hiệp định Pháp-Thanh, vẫn là một đường tương đối thẳng.

Ảnh 17 : Bản đồ ải Nam Quan thời Pháp (trái) và bản đồ 249 C (phải)

Điều này đã được phản ánh vào các bản đồ của thời Pháp thuộc. Trên ảnh 17, bản đồ bên trái được trích từ bản đồ Lạng Sơn Tây (số 28 Tây) liên quan đến vùng ải Nam Quan[1]. Nhìn vào bản đồ này, ta thấy đường biên giới nối liền từ cột mốc số 18 (B.18) qua cột mốc số 19 (B.19) đến đường sắt là một đường tương đối thẳng, chỉ nghiêng về hướng Đông – Đông Nam theo một góc rất nhỏ. Trong khi đó nếu quan sát bản đồ khu vực 249 C, ta thấy cả đường biên giới mà Việt Nam yêu sách (vạch màu đỏ cam) lẫn đường biên giới đã thống nhất (vạch màu tím) đều là những đường gãy góc rất kỳ lạ. Nếu từ bên trái (hướng Tây) chúng ta vạch một đường biên giới với độ nghiêng tương tự như trên tấm bản đồ của thời Pháp thuộc thì đường đó sẽ chạy ở phía Bắc, sau lưng địa điểm được ghi là Nam Quan (chấm vuông màu xanh lục).

Sự thay đổi của đường biên giới nơi đây cho thấy khi xây dựng lại Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc đã thay đổi vị trí của cửa quan.

Điều này cho thấy ý đồ sâu xa của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi họ lập luận: “Trấn Nam Quan là của Trung Quốc, do người Trung Quốc xây dựng; từ trước đến nay đường biên giới luôn luôn nằm ở phía Nam của Trấn Nam Quan”. Vị trí của đường biên giới đáng lẽ phải tùy thuộc vào tọa độ địa lý được xác định một cách khoa học lại lệ thuộc vào vị trí của cửa ải. Do vậy, khi “Trấn Nam Quan” bị dời đi nơi khác thì đương nhiên đường biên giới cũng bị dời theo cửa ải.

Thủ đoạn cướp đất này tương tự như thủ đoạn một anh chủ đất nhiều mưu mô: để cướp đất của hàng xóm, ban đêm anh ta lén dỡ ngôi nhà của mình và đem dựng lại trên mảnh đất của người hàng xóm; sáng hôm sau anh ta tuyên bố “đất này là của tôi, vì ngôi nhà của tôi nằm ngay trên mảnh đất này”.

Xem nội dung toàn bài dưới dạng PDF:
Ai-Nam-Quan-trong-hien-tai-phan-cuoi.pdf


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn