Hoa Kỳ có thể đối chọi với Trung Quốc ở châu Á?

Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 1945, để tìm một chỗ dựa quốc tế nhằm giải phóng đất nước khỏi phát xít Nhật và cả đế quốc Pháp đang lăm le trở lại, Việt minh dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh đã bắt liên lạc đầu tiên với quân đội Hoa Kỳ. Tầm nhìn viễn kiến của cụ Hồ thật đáng phục. Sau hơn sáu thập kỷ, lộ trình của Việt Nam hôm nay gần như có khả năng phải trở lại con đường cụ đã dọn sẵn mà những người lãnh đạo xứ cờ hoa thuở ấy, do bàn cờ chiến lược thế giới lúc bấy giờ, cũng do Việt Nam còn quá non trẻ, chưa thể nào nhận ra.

Để chứng minh điều chúng tôi vừa nêu, trước khi đọc đến bài viết mang tựa đề ở trên, xin dẫn bản tin về lời tuyên bố tại Hà Nội mới ngày hôm qua đây của ông ông David L.Goldwyn, Điều phối viên về các vấn đề Năng lượng quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ, để bạn đọc cùng ngẫm nghĩ.

Bauxite Việt Nam


Mỹ muốn đẩy mạnh hợp tác dầu khí ngoài khơi Việt Nam


Ông David Goldwyn, Điều phối viên
phụ trách các vấn đề an ninh năng
lượng quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại cuộc họp báo chiều 16/3 ở Hà Nội, ông David L.Goldwyn, Điều phối viên về các vấn đề Năng lượng quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Mỹ đã tuyên bố “không chấp nhận sức ép của bất cứ chính phủ nào lên hoạt động của các công ty này dù ở VN hay ở đâu”.

“Mỹ sẵn sàng thảo luận với bất cứ chính phủ nào gây khó khăn cho quyền hoạt động chính đáng của các công ty của chúng tôi”, ông Goldwyn khẳng định.

Trước đó, Trung Quốc đã gây sức ép mạnh mẽ lên hãng dầu khí Exxon Mobil của Mỹ để buộc hãng này rút lui khỏi thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam với Petro Vietnam.



Vị quan chức phụ trách về an ninh năng lượng quốc tế này cho hay Mỹ đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước có tiềm năng to lớn về năng lượng trên thế giới, đặc biệt là khí thiên nhiên.

Ông Goldwyn đã gặp các quan chức Bộ Công thương, Tài chính, lãnh đạo Petrovietnam, EVN và các công ty Mỹ ở Việt Nam nhằm tìm hiểu các cách thức giúp Chính phủ VN phát huy tối đa giá trị của các tài nguyên này cũng như tối đa hóa việc sử dụng khí thiên nhiên để sản xuất điện.

Quan chức này cho hay, Chính phủ Mỹ khuyến khích các công ty Mỹ tham gia đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam và mong muốn có một quá trình đấu thầu mở và công bằng cho tất cả các công ty. Được biết các doanh nghiệp Nga và Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án này của Việt Nam.

Thủy Chung

Nguồn: VietnamNet, 17/03/2010


Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm ngoái: “Chúng tôi trở lại”, đó là một tín hiệu rõ ràng rằng người Mỹ đang tìm cách thách thức ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Trong nhiều năm, Chính phủ Bush đã đưa Asean ra khỏi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, người tiền nhiệm của bà Clinton, bà Condoleezza Rice đã bỏ qua hội nghị thượng đỉnh ASEAN hai lần trong ba năm.

Bắc Kinh trên đường đi tới vị trí quan trọng.

Thương mại bùng nổ. Các Viện Khổng Tử mọc lên như nấm. Viện trợ nhân đạo đã được Chính phủ Trung Quốc phân phối từng phần.

Triển vọng về từ ngữ mới liên quan tới mối quan hệ Trung Quốc và Asean, “Chinasean” dường như nhiều hơn là những từ ngoại giao liên quan tới Trung Quốc mọc lên như nấm, từ “Chimerica” (China + America) đến “Chafrica” (China + Africa).


Ảnh: usip
Câu hỏi được đặt ra là: liệu Mỹ có đủ sức mạnh và khả năng chịu đựng để đối chọi với Bắc Kinh?

Trung Quốc đã làm việc cật lực để quyến rũ ASEAN trong suốt những năm Hoa Kỳ bận chiến đấu trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc-ASEAN đã tăng gần gấp bốn lần, từ 45,5 tỷ USD trong năm 2001 lên 193 tỷ năm 2008, và đỉnh cao nhất là bước ngoặt của Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm nay.

Trung Quốc cũng đã cung cấp tổng số tiền viện trợ 25 tỷ đô la cho các quốc gia Đông Nam Á trong năm qua và đã nhấn đúng nút ngoại giao, bằng cách ban tặng cho nhóm 10 thành viên dẫn đầu trong các tổ chức khu vực, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Ngoài những thứ khác, Bắc Kinh cũng đã và đang chứng tỏ “quyền lực mềm”, qua việc cung cấp học bổng cho sinh viên Asean. Ước tính có khoảng 10.000 sinh viên Thái Lan hiện đang học tại Trung Quốc, nhiều hơn ở Hoa Kỳ, theo tin tức từ Asia Times.

Và không giống như Washington, thỉnh thoảng gây áp lực lên ASEAN để đẩy chính quyền quân phiệt Myanma ra khỏi nhóm, Bắc Kinh xem nước này là một trong những đồng minh của mình. Nguyên tắc không can thiệp mà ASEAN đang có, cũng chính là quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS TQ). Khi lãnh tụ đứng hàng thứ hai của ĐCS TQ, ông Ngô Bang Quốc, lặp lại đầu tuần qua rằng, bất đồng giữa các quốc gia không nên là cái cớ để can thiệp.

Lợi thế địa lý cũng đang nghiêng về phía Trung Quốc, khi có chung biên giới với Lào, Việt Nam và Myanmar, ở cạnh nhau như thế cũng tạo thêm sức hút vào nước khổng lồ.

Những bất lợi của Trung Quốc

Tuy nhiên, vị trí địa lý cũng có thể là điều bất lợi cho Trung Quốc, việc gần nhau cũng có thể gây ra căng thẳng, và đó là cái cớ để Hoa Kỳ trở lại.

Chẳng hạn như, Trung Quốc cũng bị quy trách nhiệm liên quan tới mực nước hiện tại ở sông Mekong xuống quá thấp. Việt Nam, Lào và Campuchia cung cấp tin tức chống lại các con đập ở Trung Quốc, là nguyên nhân chính gây ra tai họa cho họ.

Hà Nội ngày càng cảm thấy khó chịu về việc Trung Quốc gia tăng sự khẳng định ở biển Đông Nam Á. Trung Quốc đã tuyên bố hồi cuối năm rằng, họ dự định đưa quần đảo đang tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa, thành một điểm du lịch hạng sang.

Myanmar, quốc gia coi Trung Quốc như một trong những đồng minh gần gũi nhất, thì đang cảnh giác Bắc Kinh sau cuộc đụng độ của những người nắm chính quyền với nhóm người gốc Hán hồi cuối năm ngoái, đã tràn qua cả lãnh thổ Trung Quốc, và là nguyên nhân Trung Quốc cho phát triển binh lính ở đây.

Ngay cả Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – Asean (CAFTA) cũng làm cho một số thành viên Asean không vừa ý. Các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines đều có thái độ dè dặt về bản thỏa thuận, lo ngại rằng việc giảm thuế các sản phẩm Trung Quốc có thể sẽ làm cho các sản phẩm nội địa không thể cạnh tranh. Thậm chí Jakarta còn đang tìm cách đàm phán lại các thỏa thuận.

Lo ngại về Bắc Kinh còn liên quan tới lĩnh vực quân sự, với một cuộc chạy đua vũ trang nổi lên trong khu vực mấy tháng qua, thêm vào những căng thẳng bên trong khối ASEAN trước mối đe dọa có thể thấy được về một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tin tức cho biết, cả Việt Nam và Myanmar đều ký những hợp đồng lớn về mua sắm vũ khí với Nga trong mấy tháng gần đây, bất kể lời chào mời nhiệt tình từ Trung Quốc, muốn nâng lên thành một nước xuất khẩu vũ khí. Trong khi Bắc Kinh thành công trong việc bán vũ khí cho một số nước ở châu Phi và Nam Mỹ, họ bị hạn chế trong việc bán vũ khí ở Đông Nam Á.

Myanmar đã ký một thỏa thuận trị giá 600 triệu đô la để mua 20 chiến đấu cơ MIG-29 của Nga, chỉ hai tuần sau khi Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình viếng thăm thủ đô Naypyidaw (Miến Điện) tháng 12 năm ngoái, một hành động được xem như là mong muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc của Chính phủ Miến Điện.

Qua nhiều cách, cảm giác khó chịu hiện nay trong khu vực là một sự phản chiếu về nỗi ám ảnh Trung Hoa trong hàng thế kỷ qua, cô đọng lại từ những năm tháng mà cường quốc đế quốc này coi các nước trong khu vực như là sân sau nhà mình.

Trong khi việc gần gũi Trung Quốc mang lại lợi ích kinh tế cho Đông Nam Á, các nước láng giềng nhỏ hơn ở phía Nam Trung Quốc đã hơn một lần phải hứng chịu cơn giận dữ của nước này.

Những người Việt Nam lớn tuổi hơn khó có thể quên, vào năm 1979, nhà lãnh đạo quá cố Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, đã đưa đội quân ¼ triệu người sang “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã xâm chiếm Campuchia. Và ngay cả bây giờ, người Việt Nam tổ chức kỷ niệm Lễ hội Đống Đa hàng năm, đánh dấu chiến thắng của vị Hoàng đế Việt Nam đối với quân xâm lược nhà Thanh – Trung Quốc năm 1789.

Các nước ASEAN còn lại cần nhớ một điều là ĐCS Trung Quốc đã từng hỗ trợ cho các nhóm du kích nổi loạn ở hầu hết các nước trong khu vực.

Tất cả quá trình lịch sử này đã hướng ASEAN tới việc tìm kiếm một sự cân bằng quyền lực trong khu vực, vấn đề lớn nhất nằm trong thiện ý của Mỹ khi nước này tìm cách trở lại khu vực: Washington được các chủ nhà chào đón rất nồng nhiệt.

Thông điệp này đã được Bộ trưởng cố vấn Singapore, ông Lý Quang Diệu, nói khá rõ hồi năm ngoái tại Washington: “Quy mô của Trung Quốc rất khó cho tất cả các nước châu Á, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, có thể sánh với khả năng của nước này trong 20 – 30 năm. Cho nên, chúng ta cần Mỹ để cân bằng quyền lực”.

Tấm thảm chào đón đã được trải ra. Chính phủ Obama cho thấy rằng họ muốn đóng một vai trò ở Đông Nam Á. Nhưng với hai cuộc chiến và một nền kinh tế phải đối phó, người ta tự hỏi, liệu đây có phải là trường hợp “lực bất tòng tâm” đối với người Mỹ hay không?

Ngọc Thu (dịch từ Chinapost)

Nguồn: VietnamNet 17/03/2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn