Vậy có cần ghi nhớ ngày giỗ những người con của Tổ Quốc đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974?

Vũ Cao Đàm

Trên vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo chống bọn bành trướng thâm hiểm, người Việt chúng ta không phân biệt Nam hay Bắc, kẻ trước người sau đã tự nguyện dốc hết sức mình làm tròn phận sự những đứa con yêu của Tổ quốc, cho đến khi ngã xuống giữa biển cả. Vậy mà từ lâu đến nay từ đâu đó vẫn áp đặt lên dư luận cái nhìn phân biệt “ta” “ngụy”. Cái nhìn đó là của ai và đem lại lợi ích thực sự cho ai? Có cứ gì “ngụy” và “ta” đâu mà chính là “ta” đấy thôi, nhưng nếu cứ giương biểu ngữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” thì cũng đều phải vào  tù ráo. Vậy đây quyết không phải là cái nhìn hẹp hòi đố kỵ của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn vị tha, cởi mở, biết rõ mình cùng một bọc mà ra, phải gắn bó với nhau để giữ vững an nguy của đất nước trong những tình thế hiểm nghèo.
Tiếp theo bài viết của Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa trên BVN ngày 14-3-2010, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những dòng tâm tình của GS Vũ Cao Đàm.
Bauxite Việt Nam
Tôi thật xúc động khi đọc bài viết của Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa về “Nhân ngày các chiến sĩ Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắn giết ở Trường Sa: Hãy cho các anh một ngày giỗ”.
Vâng, quả thật, chúng ta có quá nhiều ngày để giỗ chạp hội hè, nhưng chúng ta chưa nhớ hết những người con đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những người con trong Quân đội Việt Nam Cộng hoà đã bị hải quân Trung Cộng giết hại trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.
Cuộc chiến tranh Nam – Bắc đã lùi xa vào lịch sử. Bây giờ đã đến lúc chúng ta bình tâm nhìn nhận lại.
Trong bài “Không thể chấp nhận được!“, Bùi Thanh (nguyên là Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) đã viết trên báo Tuổi trẻ Online, thứ Năm, 06/12/2007: “Trong trận hải chiến lịch sử và không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống nhưng không giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha“.
Tôi xin trích dẫn nguyên văn một phần của bài viết lấy từ Bui Thanh’s Blog để chúng ta cùng nhau ôn lại một trang sử bi hùng:

……
Kỳ 3: Tử chiến !


Sơ đồ diễn biến trận hải chiến Hoàng Sa 1974
Vào thời điểm hết sức căng thẳng này, việc thông tin liên lạc giữa lực lượng bảo vệ Hoàng Sa và Bộ tư lệnh Vùng 1 Duyên hải đã bị đứt. Tần số liên lạc bị phá rối, trên hệ thống bộ đàm chỉ nghe toàn tiếng Hoa. Đại tá Hà Văn Ngạc, lúc đó đang ở trên chiến hạm HQ 5, được toàn quyền hành động (Quyết định nổ súng được thực hiện sau cuộc điện đàm giữa Đại tá Ngạc và Tư lệnh hải quân vùng 1 Hồ Văn Kỳ Thọai. Thế còn Tư lệnh Hải quân VNCH đang ở đâu ? Ông ấy – Đề đốc Trần Văn Chơn – đang ở trên… trời. Tướng Chơn đang ngồi trên chuyến bay ra Đà Nẵng. Lúc ông tới căn cứ hải quân, mọi việc đã xong xuôi – BT)
Đại tá Ngạc ra lệnh: chuyển bốn tàu theo đội hình hàng dọc (Formation – one) theo tín hiệu cờ của khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để giữ bí mật; khi tín hiệu cờ chuyển sang Formation – two (đội hình hàng ngang) tất cả các khẩu đại bác hướng lên đảo; khi nhận lệnh bắn thì tất cả khai hỏa lên đảo dọn đường lập đầu cầu để biệt hải và người nhái đổ bộ chiếm lại đảo.
Hạm trưởng San bực bội trước lệnh này. Trước khi chuẩn bị nổ súng Đại tá Ngạc có hỏi ý kiến từng hạm trưởng. Đến khi hỏi ý kiến HQ 4, Hạm trưởng Vũ Hữu San gằn từng tiếng trong bộ đàm: “Trình đại bàng, tôi là quân nhân, tôi chấp hành quân lệnh nhưng hiện nay nước cờ đã bị lộ, không còn yếu tố bất ngờ, muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển trước khi tính đến việc đổ quân, hiện nay tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng đến giờ đầy trên đảo, ta chỉ có 2 trung đội thì làm sao thành công được”, rồi ông nói tiếp: “Tôi là quân nhân tôi chấp nhận hi sinh vì Tổ quốc nhưng…”. Rồi ông cúp máy và ra lệnh “tất cả các khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch”.
Đúng 10g20 , bốn chiến hạm HQ4, HQ5, HQ10, HQ16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, Hạm trưởng San ra lệnh “bắn” đồng thời ông cũng ra lệnh (lúc đó máy tàu đang ở vị trí stop) hai máy tiến Full (bỏ qua thông lệ tiến 1, tiến 2, tiến 3) hết tay lái sang phải… Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.
Chiến hạm HQ 4 chạy uốn lượn như con rắn, hết phải rồi hết trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác đầu tiên của địch. Thế rồi, các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân Trung úy Ria đang cố gắng theo dõi tàu địch qua màn hình radar. Thượng sĩ giám lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc ĐCH, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các nơi bị thương vọng lên ĐCH.
Tuy nhiên chiến hạm HQ 4 vẫn vững vàng trong cuộc hải chiến . Đài quan sát trên nóc báo cáo có địch đang đuổi theo. Tôi nhìn ra phía sau vừa thấy 2 tàu địch thì từ mạn phải HQ 5 cắt đuôi HQ 4 phóng thẳng vào 2 tàu địch. Những khối cầu lửa từ mũi HQ 5 bắn ra (đại bác 127 ly) bay thẳng vào tàu địch. Một chiếc trúng đạn bốc cháy, một chiếc quay ngang và sau đó lãnh đủ hàng loạt đạn từ HQ 4.
Không thấy một tàu địch nào, cũng không thấy HQ 16 và HQ 10 đâu cả. Ngay lúc đó HQ 5 cho biết ụ tháp đại bác 127 ly đã bị trúng đạn, 3 quân nhân tử thương 2 bị thương nặng. Liên lạc mãi với HQ 16 và HQ 10 không được.
Thật ra ngay từ loạt đạn đầu tiên HQ 10 đã bị loại khỏi vòng chiến vì HQ 10 nhỏ, cũ kỹ các khẩu đại bác xoay trở bằng tay nên bị trúng liền 2 quả 100 ly từ tàu địch .Trong bộ đàm tôi đã nghe tiếng bạn tôi, trinh sát giám lộ Vương Thương, báo cáo HQ 10 đã bị trúng đạn. Hạm trưởng Thà đứt đầu, Hạm phó Trí trọng thương ngay bụng. Sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên ĐCH đều bị tử thương và bị thương.
Riêng Vương Thương bị mảnh đạn cắt ngang mông trái, máu ra nhiều nhưng vẫn còn tỉnh táo, báo tình hình về soái hạm HQ5. Anh cùng 21 quân nhân xuống được bè cứu sinh và sau 2 ngày đêm được một thương thuyền Hà Lan cứu đưa về Đà Nẵng. Nhưng Vương Thương đã chết trên bè vì máu ra quá nhiều. Anh ra đi trước ngày tổ chức làm đám cưới. Lẻ ra anh đã được về phép cưới vợ. Giấy phép đã cầm trên tay, nhưng Hạm trưởng Ngụy Văn Thà động viên anh ở lại, vì anh đã quá rành vùng quần đảo Hoàng Sa. Anh đã theo tàu ra Hoàng Sa như ăn cơm bữa, hải đảo xa xôi nào cũng lưu dấu bước chân anh. Nay vì Tổ quốc , anh đã thanh thản ra đi, bỏ lại người vợ chưa cưới nơi cố đô Huế.
HQ 4 và HQ 5 quay đầu về hướng Nam. Sau đó 1 giờ không còn thấy HQ 5 ở đâu. HQ 5 do máy yếu và một máy bị sự cố chưa kịp khắc phục, nên “rớt” lại đâu đó. Trên biển trở nên HQ 4 lẻ loi một mình. Hạm trưởng San vẽ một đường trực chỉ về Đà Nẵng.
Bây giờ tôi mới rời được ĐCH. Trên hành lang xuống nơi nghỉ ngơi, tôi đã chứng kiến một sự kinh khủng sau chiến trận. Hành lang dưới tàu tanh đến ngộp thở: mùi máu, mùi cồn, bông băng… mấy ngày liền không có thời gian thu dọn. Hơn 130 thủy thủ đoàn bám chặt vị trí chiến đấu giờ đều mệt lả, nằm đâu ngủ đó. Họ chỉ cầm hơi bằng mì gói, nước ngọt và lương thực khô. Các binh sĩ biệt hải kiệt sức nằm rải rác trên hành lang phòng ăn. Trong phòng y tế, các binh sĩ người nhái bị thương cũng nằm la liệt. Một binh sĩ bị đạn bắn thủng cằm từ trái qua phải, mặt sưng vù. Anh ngồi bất động, máu không còn chảy ra nữa, nhưng khóe miệng những vệt máu lẫn nước bọt vẫn rỉ ra. HS Danh nằm thoi thóp trên băng ca, ngực anh đầy bông băng nhuốm máu. Tôi rờ lên trán anh nóng hổi, hỏi anh có khỏe không? Anh mở mắt rồi gật đầu, nhưng lịm dần rồi chết.
Khoảng 16 giờ 30 tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt, thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo :“Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”.
Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử này.
(… Hết trích …)
Như chúng ta đã biết, loạt bài viết về trận chiến bảo vệ Hoàng Sa chưa kịp kết thúc thì anh Bùi Thanh đã phải rời chức vụ Phó Tổng biên tập của Báo Tuổi trẻ. Tuy nhiên ngày nay chúng ta vẫn còn may mắn tìm được những bài viết về Hoàng Sa của Bùi Thanh trên Blog của anh.
Nhắc lại những tư liệu này, tôi xin góp thêm một tiếng nói: Xin hãy ghi nhận thêm một này giỗ những người con của Tổ Quốc đã hy sinh trong trận chiến chống lại quân đội của Trung Cộng xâm lược Hoàng Sa.
VCĐ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn