Trung tá và Thiếu tá

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
Một vụ án không phải chính trị hay an ninh nhưng bị “đặc biệt hóa” bằng những biện pháp an ninh “quá mức cần thiết”, “quá ghê”, “quá chặt” như nhận định của Luật sư Trần Vũ Hải khi trả lời phỏng vấn của BBC ngày 16/4/2010, bà Trần Khải Thanh Thủy được ít nhất ba sĩ quan cấp tá áp giải. Trước sự kiện đó, ông Hà Văn Thịnh day dứt vì việc sử dụng tràn lan sĩ quan cấp tá đảm trách những việc quá đơn giản như áp giải tù nhân hay kiểm tra giấy tờ xe, mà ông gọi là “nền “văn minh” trung tá, thiếu tá”.

Nhưng như thế đã là may cho đất nước. Vì đâu phải chỉ việc áp giải tù nhân hay kiểm tra giấy tờ xe mới sử dụng tràn lan sĩ quan cấp tá. Và đâu phải chỉ đến cấp trung tá, thiếu tá mà thôi! Cũng đâu phải đã có nhiều cán bộ cấp cao đủ năng lực đảm trách những công việc "liên quan đến đầu óc phân tích, định hướng, tổ chức" như mơ ước của ông Hà Văn Thịnh!

Bauxite Việt Nam
Bà Trần Khải Thanh Thủy trước toà án - Nguồn: BBC

Xem bức ảnh đăng ở đầu bài Y án với bà Trần Khải Thanh Thủy (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100416_viet_trial.shtml), tôi lại phải buồn vì cái chuyện lâu nay đã rất buồn: Vì sao sĩ quan công an trung và cao cấp (đồng nghĩa với việc họ hưởng lương cao) ở Việt Nam nhiều thế? Áp giải bà Thủy ra tòa là hai nữ sĩ quan cấp trung tá và thiếu tá. Sau lưng 3 người còn có một sĩ quan cấp tá nữa!


Ở đây tôi không bàn chuyện bà Thủy bị Tòa Phúc thẩm Hà Nội giữ nguyên mức án ba năm rưỡi tù giam vì tội cố ý gây thương tích (vẫn là “nhẹ” so với chuyện 3 nông dân ở Lâm Đồng “cướp” 2 con vịt về nhậu và phải chịu tổng án tù là 13 năm (Pháp Luật TP HCM, 11.8.2009) là đúng hay sai. Tôi chỉ muốn nói chuyện rằng tại sao chỉ để áp giải phạm nhân, lại cần đến sĩ quan cấp tá.

Theo chỗ tôi biết, lương của sĩ quan công an cấp tá (dẫu mới hôm qua, học tại chức, tôi dạy, nhưng hôm nay ra trường) cũng cao gần gấp đôi mức lương 30 năm đứng trên bục giảng đại học của tôi. Đó là chưa kể vô số các khoản phụ cấp công việc, công tác khác...

Dẫn giải phạm nhân là việc của những người lính (binh nhất, binh nhì), cao lắm là cấp bậc hạ sĩ hay thượng sĩ. Tại sao nước ta còn nghèo mà lại lãng phí sĩ quan cấp tá đến như thế? Đây là điều khó hiểu vì tôi biết chắc rằng không có một nước văn minh nào trên thế giới lại lãng phí sĩ quan cấp tá như ở ta. Đã là cấp tá, tức là loại cán bộ có đầu óc chỉ huy, đủ năng lực chỉ huy; công việc của sĩ quan cấp tá liên quan đến đầu óc phân tích, định hướng, tổ chức, chứ không phải loại “cầm gậy chỉ đường”.

Đi ra đường, chúng ta thấy có rất nhiều trung tá, thiếu tá, đại úy... CSGT đứng đường để kiểm tra... “giấy tờ” xe! Chẳng có nước nào mà lại có nhiều trung tá, thiếu tá đứng đường như thế!

Dẫn giải phạm nhân hay kiểm soát giao thông cục bộ là việc của lính, của hạ sĩ quan chứ không phải là việc của sĩ quan cấp tá. Tại sao cứ lãng phí tiền của của nhân dân để thăng cấp hàng ngàn sĩ quan cấp úy, cấp tá, chỉ để lo áp giải tù nhân hay chỉ lo cho lưu thông thông suốt? Tại sao rất nhiều kỹ sư, bác sĩ, sau khi học từ 4-7 năm ở trường đại học mà lương chỉ bằng một nửa so với công việc đơn thuần chỉ là động tác và máy móc ấy? Công việc ấy chỉ cần đào tạo vài tháng là đủ. Trong khi đó, rất nhiều lãnh đạo nói rằng cần phải ưu tiên phát triển giáo dục, “nền kinh tế tri thức”... Những “văn tự” mỹ miều!

Theo tôi, cần phải khẳng định rằng đất nước ta ngày nay đang ưu ái khôn cùng cho đội ngũ trung tá, thiếu tá... Nền “văn minh” trung tá, thiếu tá?

H. V. T.

HO-HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn