Tung Kuang là Vedan thứ hai?

Khoa Diễm, phóng viên RFA

2010-04-24

Trụ sở Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang.
Photo courtesy of www.suckhoedoisong.vn

Vào ngày 13/4, Công ty nhôm Tung Kuang của Đài Loan, đã bị bắt quả tang đang xả chất thải xuống sông Cầu Ghẽ làm nước sông nơi đây ô nhiễm nặng nề.

Những ngày sau đó, qua các cuộc điều tra cho biết công ty này đã cố tình xây dựng đường cầu cống, phân phối chất thải một cách bất hợp lý với chủ trương luồn lách luật lệ môi trường. Khoa Diễm có bài viết tìm hiểu thêm về việc này.

Xử lý chất thải không đúng theo quy định

Sau ba tháng điều tra ngầm và thu thập được các bằng chứng cụ thể, những nhà chức trách của Cục Cảnh sát Môi trường đã có đủ chứng cứ buộc tội Công ty nhôm Tung Kuang, có 100% vốn Đài Loan, là cố ý gây ô nhiễm môi trường khi xử lý chất thải không đúng theo quy định. Nhà máy này được xây đựng và có mặt tại Việt Nam từ năm 2002, chuyên sản xuất nhôm thanh định hình và các sản phẩm nhôm cao cấp.


PTGĐ Tung Kuang, ông Liu Chien Lin, giải thích khi xả thải không qua xử lý, Tung Kuang đã giảm được chi phí mỗi tháng 80-100 triệu đồng. Đây là khoản tiết kiệm giúp công ty tồn tại được sau suy thoái kinh tế toàn cầu.

Phó tổng giám đốc Tung Kuang, ông Liu Chien Lin, giải thích khi xả thải không qua xử lý, Tung Kuang đã giảm được chi phí mỗi tháng 80-100 triệu đồng. Đây là khoản tiết kiệm giúp công ty tồn tại được sau suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông cho biết thêm, vào ngày 16/4, ông đã thay mặt Tung Kuang nhận trách nhiệm khi làm việc với Cục Cảnh sát Môi trường nhưng xuất phát điểm của công ty là không có chủ đích xả bẩn ra môi trường và Tung Kuang không coi thường pháp luật Việt Nam.

Ông Lin hứa rằng, về mặt pháp luật công ty sẽ khắc phục, sửa sai, tuân thủ theo những hướng dẫn và xử lý của Cục Cảnh sát Môi trường và sẽ tôn trọng pháp luật Việt Nam. Theo dự tính, ngày 19/4, Tung Kuang sẽ tháo dỡ đường ống xả trộm ngầm.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho biết cảm nghĩ của ông về vấn đề này.
Fact box

-Mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người chết liên quan đến nước thải không được xử lý.
- Nước thải không được xử lý chảy vào sông rạch và ao hồ gây thiếu hụt ôxy làm cho nhiều loại động vật và cây cỏ không thể tồn tại.
- Theo dự đoán của WHO, mỗi năm có khoảng 865.000 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí gây nên.
Cảm nghĩ là thấy buồn vì có quá nhiều cơ sở sản xuất không nghiêm chỉnh thực hiện các quy định mà còn thậm chí có những hành vi rõ ràng trong gian lận. Việc đó đã bị phát hiện mà các doanh nghiệp vẫn chưa rút ra được những bài học cần thiết. Đó là điều rất không tốt trong nhận thức của các doanh nghiệp cũng như là làm cho môi trường càng thêm ô nhiễm.

Việt Nam đã hai lần hoàn chỉnh luật bảo vệ môi trường là quy định chung cho tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mà đầu tư từ nước ngoài vào họ gần với các công nghệ thân thiện môi trường, gần với việc xử lý môi trường và cũng gần với nếp sống công nghiệp tức là sống cho sạch sẽ, tuân thủ pháp luật. Rất tiếc là vì họ đã không những không làm gương được cho các doanh nghiệp Việt Nam mà lại còn làm xấu hơn các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong việc bảo vệ môi trường trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như lương tâm của những người sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu như họ cố tình ngay từ khâu mà họ thiết kế xây dựng nhà máy rồi thì cũng không dễ dàng gì phát hiện ra, cho nên khi phát hiện ra thì phải xử lý rất nghiêm chỉnh.

Các cơ quan ở địa phương cũng như là trung ương, theo tôi được biết thì người ta cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng mà cũng không phải là biết hết mọi chuyện. Luật thì chưa có gì thay đổi nhưng mà những hình thức xử phạt vừa rồi thì đã nâng lên rất nhiều. Nhưng mà cũng như bất cứ giải pháp kinh tế nào nó cũng có những hạn chế của nó. Ta không thể cứ tăng mãi những hình phạt đó lên bởi vì nó phải tương xứng như thế nào đó nếu chỉ có hình phạt bằng kinh tế thì cũng sẽ không giải quyết được công việc. Cùng với việc này là tiến hành nhiều giải pháp khác nhau đồng bộ”.

Nỗi lòng người dân bên bờ sông Cầu Ghẽ

Hóa chất bốc mùi khó chịu đóng trắng mép sông Ghẽ.
Photo courtesy of www.suckhoedoisong.vn.

Công ty Tung Kuang hiện chưa phát biểu gì về việc bồi thường hoặc làm cách nào để dọn dẹp nguồn nước đã bị ô nhiễm. Người dân tại hai bờ sông Cầu Ghẽ đã phải chịu đựng cuộc sống gần nguồn nước bẩn này mấy năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Họ lo lắng sẽ gặp phải những căn bệnh nguy hiểm như ung thư và mong muốn nhà máy nhôm này dọn đi nơi khác.

Ông Lại Văn Đỗ, một người dân sống bên bờ sông Cầu Ghẽ cho biết cuộc sống và mong muốn của người dân nơi đây như sau.

Hai ba năm nay thấy nước sông biến dạng màu với lại cá tôm hình như là không có, hến là không có, trẻ con không dám cho tắm vì nó ngứa lắm. Nó ô nhiễm nhưng người dân thì chỉ biết thế chứ cũng không biết kêu ai. Trong xóm này đang bàn làm một tờ đơn tập thể gởi nhà máy nước hoặc gởi xã để gởi Sở Tài nguyên Môi trường của huyện.

Hai ba năm nay thấy nước sông biến dạng màu với lại cá tôm hình như là không có, hến là không có, trẻ con không dám cho tắm vì nó ngứa lắm.

Ông Lại Văn Đỗ

Hàng tấn axít tẩy rửa ra như thế này là không được rồi. Nếu mà chính quyền làm tốt, nếu mà bên Sở Tài nguyên Môi trường làm tốt thì nên bàn với Công ty làm sao mà di dời đi chứ ở đây thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước vì kiểu gì người ta làm cái ngành nhôm này thì phải tẩy rửa bằng axít, tẩy rửa các thứ bằng axít, kiểu gì cũng phải thải ra sông mà sông thì gần nhà máy nước, nước sạch này thì kiểu số lương dân xung quanh đây ăn vào, đó là số ăn nước máy nhé, chưa nói đến nước khoan thì ô nhiễm quá nặng rồi.

Nước máy nè, tôm cá nè, nó nhiều thứ rồi các cơ quan doanh nghiệp, rồi cơ quan huyện, trường học, các thứ rồi bệnh viện đều dùng nước sạch ở đây, mà nó nằm ngay cạnh cái nhà máy nước ở đây thì kiểu gì cũng phải di dời cái nhà máy này đi thì mới an toàn được, chứ không di dời thì không an toàn được, tính lâu dài thì phải di dời.

Thực ra ở trong địa bàn này, trong xã này không có nhiều công nhân đâu. Công nhân thì nó từ tứ phương về chứ trong làng thì không quan trọng cái đấy lắm đâu. Bây giờ có làm được đồng tiền một chút lại đi chữa bệnh. Mấy năm nay đã có nhiều ung thư rồi, để tình trạng mười mười lăm năm nữa thì chắc cả làng bị ung thư như làng Vĩnh Phúc ngày xưa đã lên đài TV”.

Mấy năm nay đã có nhiều ung thư rồi, để tình trạng mười mười lăm năm nữa thì chắc cả làng bị ung thư như làng Vĩnh Phúc ngày xưa đã lên đài TV.

Ông Lại Văn Đỗ

Vấn đề ô nhiễm môi trường do các công ty đầu tư nước ngoài xây dựng tại Việt Nam gây ra, đang là mối quan ngại lớn cho những người dân trong khu vực ô nhiễm nói riêng và của cả Việt Nam nói chung. Với những thiết bị tối tân như các đường ống ngầm, các công ty này đã tìm ra những cách xả chất thải không xử lý ra môi trường để giảm giá thành sản xuất hay để vượt qua những khó khăn trong vấn đề tài chánh nhưng họ đã không nghĩ đến sức khỏe người dân và coi thường pháp luật Việt Nam.

Công ty Tung Kuang đã nhận trách nhiệm và sẽ chịu những án phạt do Nhà nước Việt Nam đưa ra; Người dân mong rằng đây là một bài học đáng giá để các công ty nước ngoài noi theo vì số tiền tiết kiệm được trong những tháng qua của Tung Kuang cũng không đủ để đóng tiền phạt. Sức khỏe của người lao động là số vốn vô giá nhưng nếu không được Chính phủ lắng nghe và bảo vệ thì người dân Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Nguồn: RFA, 24-4-2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn