Ba lá thư hỏi và đáp về tình hình tài chính Việt Nam

Thư thứ 1

Ngày 24 tháng 5 năm 2010,

Kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi và Ban quản trị trang mạng boxitvn,

Em tên Nguyễn Hùng ở Đồng Nai. Ngày 18/5/2010 trong khi lướt web của đài sbtn em có đọc được clip phóng sụ nói đến sự cố Việt Nam ta sẽ cạn kiệt ngoại tệ vào tháng 10 năm sau, em rất lấy làm lo lắng. Em được biết GS Nguyễn Huệ Chi thông qua các tin tức về phản biện boxit, Trường Sa Hoàng Sa... có tầm nhìn, kiến thức rộng, nên em muốn biết ý kiến của GS về khả năng xẩy ra sự cố này.

Em cũng đã lướt qua các trang như talawas hay các trang blog khác nhưng không thấy nói gì. Rất mong được thông tin từ GS, em cảm ơn và chúc GS nhiều sức khỏe.

Nguyễn Hùng

Thư thứ 2

Ngày 24 tháng 5 năm 2010,

Anh Nguyễn Quang A quý mến,

Bạn đọc có câu hỏi gửi đến cho tôi, nhưng tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực tài chính, nên muốn nhờ anh giải đáp hộ, không biết anh có vui lòng giúp họ một vài giải thích đơn giản hay không.


Cám ơn anh trước.


Huệ Chi

Thư thứ 3

Ngày 25 tháng 5 năm 2010,

Anh Huệ Chi mến,

Tôi không rõ đài sbtn là đài nào và ai đã đưa ra nhận xét như vậy, cho nên khó bình luận chi tiết. Tôi chỉ có thể nói chung chung:

Cần phân biệt rõ vài khái niệm để không bị lầm lẫn mà các phóng viên cả của ta lẫn của Tây hay mắc phải.

1) Cân đối thương mại trong một khoảng thời gian nào đó, thí dụ, tháng, quý hay năm: (Tổng giá trị xuất khẩu trong thời gian đó) - (Tổng giá trị nhập khẩu trong thời gian đó).
Vì xuất khẩu thì tiền chảy vào trong nước, nhập khẩu thì chảy ra (dương là chảy vào, âm là chảy ra), nên cân đối thực ra là số tiền thuần chảy vào trong nước do thương mại và dịch vụ. Cân đối này âm, tức là giá trị xuất ít hơn nhập, thì ta gọi là có thâm hụt cán cân thương mại, còn dương thì là thặng dư.

Nếu thặng dư thì tiền chênh lệch đó nằm trong nước (thực ra không phải nằm về mặt vật lý mà là những người ở trong nước được dùng, tiền ngoại tệ thì thường để ở ngân hàng nước ngoài hay mua trái phiếu nước ngoài). Chính vì thế thâm hụt thương mại liên tục và ngày càng nhiều là rất nguy hiểm (ta là vậy từ cả chục năm nay, năm sau cao hơn năm trước).

2) Các khoản tiền vào và ra ở một nước còn nhiều khoản khác ngoài tiền xuất nhập khẩu. Các loại chính là:

- a) Xuất khẩu (tiền vào) - nhập khẩu (tiền ra) đối với hàng hóa và dịch vụ;

- b) Vay nợ (tiền vào) - Trả nợ (tiền ra);

- c) Viện trợ không hoàn lại, quà tặng (tiền vào) - Đi viện trợ, đi cho (tiền ra);

- d) Tiền kiều hối (mà giới chuyên môn gọi là remittance, tức là người Việt đi làm [thí dụ Osin] ở nước ngoài gửi về cho gia đình hay người thân, hoặc Việt kiều gửi về (tiền vào) – Người Việt trong nước chuyển cho người thân ở nước ngoài (tiền ra). Lưu ý (tiền mua dịch vụ, thí dụ trả học phí hay tiền tiêu của học sinh VN du học được tính vào phần nhập khẩu dịch vụ) ở mục a) kể trên;

- e) Đầu tư nước ngoài: Nước ngoài đầu tư vào VN (trực tiếp, dài hơi [FDI] hay đầu tư gián tiếp qua mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngắn hạn (tiền vào) - Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (tiền ra).
Hãy coi VN như một chiếc bình, có các dòng chảy ra chảy vô. Rõ ràng (tương tự như bảo toàn vật chất, hay năng lượng): tổng số tiền nằm tại VN tại thời điểm t [T(t)] phải bằng = tổng số tiền ở thời điểm t-1 cộng với + số tiền chảy vào - số tiền chảy ra trong khoảng thời gian từ t-1 đến t.

Tức là T(t) = T(t-1) + tổng tiền chảy vào (trong thời gian t-1 đến t) - tổng tiền chảy ra (trong thời gian t-1 đến t).

Đây là một đồng nhất thức và từ biểu thức này có thể suy ra nhiều quan hệ khác nhau liên quan đến thanh toán quốc tế của một nước.

Số T(t) ấy có thể nằm trong dân, của doanh nghiệp hay của nhà nước. Khi tiền vào quá nhiều, thì gây áp lực tăng giá đồng nội tệ và Ngân hàng phải bỏ tiền ra mua ngoại tệ làm tăng dự trữ ngoại hối của nhà nước (nhưng không tăng tổng lượng ngoại tệ ở trong nước vì chỉ chuyển từ người này sang người kia mà cụ thể là từ nhà đầu tư, doanh nghiệp, dân sang Ngân hàng NN). Đấy là tình trạng 2007, đầu tư gián tiếp vào mạnh NHNN phải bỏ tiền VN ra mua làm tăng dự trữ ngoại hối của NHNN (và do chưa biết cách trung hòa nên đã làm tăng lượng tiền lưu thông gây lạm phát, đấy là một nguyên nhân chủ yếu của lạm phát khi đó).

3) Tiền vào VN còn được phân ra tiền vào để lâu (thí dụ đầu tư dài hạn, FDI) hay vào rồi có thể ra sau thời gian ngắn (đầu tư gián tiếp, thí dụ vào chứng khoán).

4) Lại phải phân biệt các cân đối tài khoản vãng lai và tài khoản vốn:

a) Tài khoản vãng lai là một hạng mục trong cán cân thanh toán quốc tế của một nước (thu-chi hay vào ra) liên quan đến xuất nhập khẩu (hàng hóa và dịch vụ), tức là khoản liên quan đến các mục 2-a), 2-c) và 2-d) và các khoản tặng biếu viện trợ không hoàn lại (tiền chuyển 1 chiều).

b) Tài khoản vốn: một loại hạng mục trong cán cân thanh toán quốc tế của một nước là các khoản thu chi (tiền vào, ra) do vay hay đầu tư, tức là liên quan đến các khoản 2-b) và 2-e) kể trên.

c) Cán cân thanh toán quốc tế: tổng các cân đối thuộc hai loại trên. Nếu cán cân thanh toán dương thì dự trữ ngoại hối tăng lên và ngược lại thì dự trữ ngoại hối giảm và giảm đến mức nào đó thì phải vay thêm.
Đấy là vài khái niệm, còn do không biết rõ nguồn tin, căn cứ ở đâu mà người ta (ai?) đưa ra nhận xét ở trên, nên chưa đủ thông tin để tôi có thể có bất cứ bình luận gì thêm. Vì nói về tháng 10 năm sau, ai biết VN nhận được bao nhiêu tiền vay (ODA hay vay thương mại), ai biết được (hay dự đoán được) các thông số khác; thiếu các số liệu này thì khó có thể nói gì cả.

Tuy nhiên, lưu ý rằng: nhập siêu liên tục là một căn bệnh kinh niên của VN và nếu không chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm mà một trong những hệ quả là chúng ta sẽ phải vay nợ nhiều hơn, có thể dẫn đến nợ nần. Nhưng nói về một thời điểm cụ thể như tháng 10 năm sau sẽ cạn kiệt ngoại tệ thì chẳng có mấy ý nghĩa cả.

Kính,

Nguyễn Quang A

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn